Đăng ký

Bàn luận về phẩm chất của Huấn cao và viên quan ngục trong tác phẩm Chữ người tử tù

2,370 từ

Bàn luận về phẩm chất của Huấn cao và viên quan ngục trong tác phẩm Chữ người tử tù

Nguyễn Tuân là nhà văn nổi tiếng là tài tử văn chương cùng với những tính cách kiêu bạc của một kẻ sĩ từ trước Cách mạng tháng Tám.

Chữ người tử tù là truyện ngắn được rút trong tập Vang bóng một thời (1940) là một trong những tác phẩm hay, có thể tiêu biểu cho tâm hồn, phong cách Nguyễn Tuân.

Chữ người tử tù dựng lên một thế giới tù ngục, đen tối của kẻ tiểu nhân, độc ác, bất lương, trong đó hiện lên ba nhân vật lẻ loi: Huấn Cao, người quản ngục và viên thơ lại. Đó những con người có tài hoa và biết trọng nghĩa khinh tài.

Nhân vật chính trong truyện ngắn là Huấn Cao- một kẻ tử tù. Ồng bị kết tội “đại nghịch” vì dám làm loạn chống lại triều đình.

Nhưng ông Huấn dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân lại là kẻ trượng phu có tấm lòng đại nghĩa, và nhất là một bậc tài tử.

Trước hết, ông được miêu tả như một người có khí phách, sự ngang tàng của kẻ anh hùng, đầu đội trời, chân đạp đất, không biết quỳ gối, khom lưng. Ông tiêu biểu cho kẻ “vô úy” (không biết sợ hãi), cũng là kẻ “uy vũ bất năng khuất” (vũ lực không thể khuất phục). Nhân vật chưa xuất hiện đã thấy những lời đồn đại về khí phách của ông: “Thầy có nghe thấy người ta đồn Huấn Cao, ngoài cái tài viết chữ tốt, còn có tài bẻ khóa vượt ngục đó không? "Chà chà!”

Và khi ông Huấn xuất hiện, ta thấy hình ảnh của ông có nét đẹp của kẻ khí phách. Bất chấp lời dọa nạt của tên lính giải tù, “Huấn Cao lạnh lùng chúc mũi gông xuống thềm đá, táng đánh thuỳnh một cái...” (để rũ rệp). Hành vi đó cho thấy ông Huấn “vô úy” đối với bạo lực.

Thế rồi thái độ “khoảnh” của Huấn Cao đối với viên quan coi ngục cũng thể hiện khí phách ấy. Sau những lần đối xử tử tế, vì muốn lấy lòng ông Huấn để mong một ngày xin được chữ của ông, viên quản ngục khúm núm: “Ngài có cần gì thêm nữa, xin cho biết. Tôi sẽ cố gắng chu tất”, Huấn Cao đã trả lời: “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây nữa.”

Nhưng vẻ đẹp Huấn Cao nổi bật hơn cả, cái vẻ đẹp mà nhà văn Nguyễn Tuân muốn nói tới nhiều nhất là cái đẹp của một bậc tài hoa, tài tử. Cái tài viết chữ đẹp được coi như tượng trưng cho cái vẻ đẹp tài hoa, tài tử đó.

Nguyễn Tuân vốn cũng là một nhà tài tử. Trong cuốn Vang bóng một thời, ông có kể lại câu chuyện uống trà. Cụ già trong truyện được miêu tả là người có tài uống trà giỏi (Chén trà trong sương sớm). Ở đây cũng thế, viết về kẻ “đại nghịch”, Nguyễn Tuân không nói nhiêu đến tội trạng hay chuyện anh hùng, ông lại nói tới “tài thư pháp”. Vẫn biết cái tài thư pháp là tượng trưng cho vẻ đẹp tâm hồn, tài hoa, tài tử, nhưng rõ ràng, cách viết đó thật lạ!

Cái tài đó có khi được Nguyễn Tuân miêu tả trực tiếp: “Chữ của ông Huấn đẹp lắm, vuông lắm...”. Nhưng phần lớn, nó được miêu tả một cách gián tiếp qua lời đánh giá hay thái độ của viên quản ngục và thầy thơ lại: “Biết đọc vỡ sách Thánh hiền, từ những ngày nào, cái sở nguyện của viên quan coi ngục này là có một ngày kia được treo ở trong nhà mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết...

Cái tài thư pháp của Huấn Cao còn được tôn lên đến đỉnh cao với màn kịch cho chữ. Có thể nói trong màn kịch này, Nguyễn Tuân đã cho người đọc mục kích một cảnh tượng “xưa nay chưa từng thấy”:

Trong cái cảnh tối tăm và bẩn thỉu ấy là cảnh viết và cho chữ: “Ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ”, rồi “một người tù, cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván”...

Chỉ trong một đoạn ngắn mà dường như Nguyễn Tuân đã cố ý lặp lại ba lần từ cái chi tiết “tấm lụa trắng”, khi thì là “tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ”, khi là “tấm lụa trắng tinh”, và khi lại là “tấm lụa óng”, rồi chi tiết ấy phối cùng hình ảnh “ánh sáng đỏ rực của bó đuốc tẩm dầu”..., tương phản với cảnh tối tăm nơi phòng giam ẩm ướt và bẩn thỉu, hôi hám. Và ba nhân vật: người tử tù Huấn Cao, viên quan coi ngục và thơ lại là những người biết tìm đến cái đẹp hiếm hoi giữa chốn tù ngục này.

Một nhà phê bình cho rằng: Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân dạy người ta muốn nên người, phải biết kính sợ cái tài, cái đẹp, cái thiên lương. Có thể thấy cảnh cho chữ thật là thiêng liêng. Dường như người ta đều cảm nhận được sự bất hủ của cái đẹp qua cảnh truyền chữ, trao chữ. Cả ba nhân vật, cũng như người đọc đều nhận thấy rằng đây là những gì Huấn Cao - một tài năng, một người tử tù sẽ còn để lại được cho đời. Cho nên, bức chữ được tiếp nhận như một bản di chúc. Lời dặn của Huấn Cao thì như một lời di huấn.

Chính Cao Bá Quát, nguyên mẫu của nhân vật Huấn Cao, đã có một câu thơ thật đẹp:

Nhất sinh đê thủ hái mai hoa

(Một đời chỉ biết cúi đầu lạy hoa mai)

Cái cúi đầu của thầy quản ngục vái lạy Huấn Cao chính là cái cúi đầu của Cao Bá Quát trước hoa mai.

Về mặt nghệ thuật, khi miêu tả ba nhân vật, miêu tả cảnh viết và cho chữ..., Nguyễn Tuân đã sử dụng các thủ pháp của văn học lãng mạn, luôn tìm đến những nét đẹp khác thường: ông Huấn có khí phách khác thường, có “tấm lòng” rộng mở, trong sáng khác thường và cuối cùng là tài hoa cũng khác thường. Để tô đậm những nét đẹp khác thường đó, Nguyễn Tuân đã tạo dựng những cảnh tương phản: giữa nhà tù với chuyên thiên lương, giữa nơi tối tăm, dốt nát, bẩn thỉu với chuyện tài hoa, tài tử của con người.

Viết tác phẩm này, Nguyễn Tuân muốn đề cao, muốn người ta tôn thờ những nét đẹp văn hóa và tâm hồn nhân loại. Đó cũng là cái cách để chống lại bất công, độc ác, coi rẻ quyến lực, vinh hoa, đề cao nhân cách cúa con người.

shoppe