Đăng ký

Phân tích cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù hay nhất

2,517 từ Phân tích

Tác phẩm Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân nhà một tác phẩm rất hay và đặc sắc, đặc biệt là cảnh cho chữ của nhân vật Huấn Cao dành cho người quản ngục. Sau đây, Cunghocvui xin gửi đến các bạn bài Phân tích cảnh cho chữ hay nhất! Cùng tham khảo qua bài viết dưới đây nhé!

Bài làm

   Nguyễn Tuân là một nhà văn cả đời đi tìm cái đẹp, ông khao khát xê dịch để biết được những cái mới, những cái hay của cuộc đời. Đặc biệt, ông quan niệm rằng mỗi một con người đều là những người nghệ sĩ tài hoa trong công việc của mình. Bằng ngòi bút tài hoa, uyên bác, Nguyễn Tuân đã vẽ nên một cảnh "xưa nay chưa từng có"  trong truyện ngắn Chữ người tử tù. Cảnh cho chữ của nhân vật Huấn Cao với người quản ngục hiện lên là một cảnh đắt giá, có giá trị nghệ thuật đặc sắc đối với nền văn học, nó cũng giống như cái cảnh đắt trời cho mà nhân vật Phùng chứng kiến trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Cái mà bạn đọc ấn tượng đậm nét với cảnh cho chữ chính là hoàn cảnh và con người hiện lên trong không gian chật hẹp, tù túng của chốn lao tù.

phân tích cảnh cho chữ

   Chữ người tử tù có tên ban đầu là Dòng chữ cuối cùng, in trên tạp chí Tao đàn năm 1939. Sau đó được in trong tập Vang bóng một thời. Tập truyện này gồm 11 truyện, là kết tinh của tài năng uyên bác cũng như ngòi bút sắc sảo của Nguyễn Tuân. Truyện ngắn Chữ người tử tù kể về một người tài hoa, viết chữ rất đẹp có tên là Huấn Cao. Ông đã đứng lên thay mặt người dân để chống lại chế độ phong kiến thối nát lúc bấy giờ nhưng lại bị cho là một tên cầm đầu đám phản nghịch. Và thế là Huấn Cao bị đưa vào ngục chờ ngày tử hình. Trong mấy ngày ở trong ngục, hình ảnh nhân vật Huấn Cao hiện lên là một con người có tài năng, trí tuệ hơn người, có khí thế bất khuất và thiên lương trong sáng. Cả ba điều này đều hội tụ rõ nét trong cảnh cho chữ ở cuối truyện.

   Hoàn cảnh cho chữ trong truyện hiện lên thật éo le, khác thường. Thời xưa, người ta coi việc chơi chữ là một thú vui tao nhã, để thưởng thức nghệ thuật. Con người thường chơi chữ vào những đêm trăng sáng, khi phong cảnh nên thơ, hữu tình, họ làm vài chén rượu dưới ánh trăng và cùng nhau ngâm thơ, viết chữ. Ấy thế mà Huấn Cao - một người có tài viết chữ đẹp nổi tiếng cả một vùng tỉnh Sơn - lại viết chữ trong ngục tù với cái "buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián". Chữ ông Huấn "vuông lắm, đẹp lắm", cả đời "cũng mới viết có bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn của ta thôi. Ta nhất sinh không vì vàng bạc hay quyền quý mà ép mình phải viết chữ bao giờ" . Rõ ràng, một người vừa có tài, vừa trân trọng cái đẹp như Huấn Cao sẽ không bao giờ cho đi những nét chữ "tung hoành cả đời người" trong một không gian chật hẹp, tù túng và bẩn thỉu đến như vậy. Cho nên Nguyễn Tuân mới gọi đây là cảnh "xưa nay chưa từng có".

   Hình ảnh người tử tù được Nguyễn Tuân miêu tả thật hiên ngang: "một người tù, cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang đậm tô nét chữ trên tấm vải lụa trắng tinh". Biện pháp đối lập làm hiện lên trước mắt người đọc một cảnh tượng thật khác thường, trong không gian u tối, ẩm mốc ở nhà lao, một con người tài hoa đang viết những nét chữ trên tấm lụa trắng tinh, trái ngược hẳn với sự u uất nơi đây. Còn người quản ngục thì "khúm núm bưng chậu mực". Ta lại thấy được sự đối lập một lần nữa. Người quản ngục, một người có quyền thế, đang nắm trong tay sinh mạng của người tử tù thì lại khép nép, cúi đầu trước cái đẹp, còn người tử tù sắp phải chết thì lại ung dung, tự tại hơn bất cứ lúc nào. Nhà văn Nguyễn Tuân đã rất tài năng khi miêu tả cảnh tượng cho chữ hết sức nghệ thuật này. Cái đẹp đã khiến cho con người ta quên mình, khiến cho hai nhân vật tượng trưng cho cái thiện và cái ác có thể cúi đầu, cùng nhau thưởng thức nghệ thuật mà quên đi thực tại. Người quản ngục không còn là một tên lính cai quản cứng nhắc, không còn hiện thân cho cái ác nữa mà như là một con người bình dị, biết trân quý cái đẹp. Tài năng viết chữ của Huấn Cao quả thực đã đạt đến độ phi thường, khiến cho người ta chấp nhận cúi đầu để xin chữ. 

   Sau khi cho chữ, Huấn Cao còn khuyên người quản ngục:  "Ở đây lẫn lộn, ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa với những nét chữ vuông tươi tắn nói lên cái hoài bão tung hoành của một đời con người". Câu nói của Huấn Cao cho thấy ông không chỉ là một người có thiên lương trong sáng, nhân cách cao cả mà ông còn biết trân trọng thiên lương của người khác, muốn người đó bảo toàn được lương tâm của mình. Đáp lại lời khuyên của Huấn Cao, người quản ngục cũng tỏ một thái độ thật thành kính: "Kẻ mê muội này xin bái lĩnh", ông cảm động, vái người tử tù trong khi những giọt nước mắt đang lăn dài trên má. Phải chăng đó là sự tiếc nuối cho một con người tài hoa, uyên bác sắp phải chịu một cái chết oan? Hay là giọt nước mắt thức tỉnh lương tâm, rằng sau này ông sẽ theo lời Huấn Cao, tìm đến nơi có thể giữ được cái tâm lương thiện của mình? Dù là hiểu theo nghĩa nào thì cảnh cho chữ cũng hiện lên thật đẹp giữa người thực sự biết quý trọng cái đẹp và người cho đi nét đẹp của cuộc đời.

   Cảnh cho chữ vừa cho thấy khí thế ung dung, tự tại của người tử tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, vừa thể hiện những nét chữ tài hoa cùng thiên lương trong sáng của Huấn Cao. Song song cùng với đó cũng là nét đẹp của người quản ngục. Dù là đại diện cho cái ác, đang phục vụ và làm việc cho cái ác nhưng người quản ngục vẫn giữ được cái tâm lương thiện và say mê cái đẹp. Khung cảnh chốn ngục tù tù túng, chật hẹp và bẩn thỉu đến đâu thì ta lại càng thấy hai con người họ hiện lên thật đẹp đẽ, phi thường.

   Chữ người tử tù quả thật là một tác phẩm khắc họa cái nét rất riêng trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Cảnh đẹp hiếm có khi cho chữ cũng chính là cái nhìn của người nghệ sĩ này đối với cuộc đời. Rằng dù ở trong hoàn cảnh nào thì con người ta vẫn có những nét đẹp và phẩm chất đáng ngợi ca, đáng học hỏi.

Qua bài văn Phân tích cảnh cho chữ trong truyện ngắn Chữ người tử tù. Cunghocvui hy vọng các bạn sẽ đạt được kết quả học tập thật tốt!

 

 

 

shoppe