Đăng ký

Văn học và tình thương - Viết bài tập làm văn số 7 lớp 8

2,621 từ Cảm nhận

Với bài viết số 7 lớp 8 đề 2 Văn học và tình thương, Cunghocvui gửi đến cho các bạn dàn ý bài văn nghị luận Văn học và tình thương chi tiết nhất, cùng với bài văn hay nhất cho đề bài Văn học và tình thương

I. Dàn ý

1. Mở bài

- Dẫn dắt vấn đề: Văn học và tình thương

2. Thân bài

  • Khẳng định mối quan hệ mật thiết giữa văn học và tình yêu thương con người

- Văn học gắn liền với tình yêu thương con người 

- Nó thể hiện ở việc các tác giả thể hiện những thứ tình cảm trong đời sống như: tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa, tình thầy trò

- Ngoài ra còn thể hiện ở giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực mà ta nhận thấy được qua tác phẩm đó

+ Giá trị hiện thực: Tố cáo, phê phán những thế lực chà đạp lên quyền được sống của con người

=> Thể hiện lòng thương người của tác giả

+Giá trị nhân đạo: Ngợi ca con người, bày tỏ lòng thương xót trước những số phận bi đát 

=> Thể hiện lòng yêu thương con người của tác giả

  • Dẫn chứng cụ thể cho các tình yêu thương con người được thể hiện trong văn học

- Văn học dân gian: Ca dao, tục ngữ nói về tình yêu thương con người

- Văn học hiện đại:

+ Tình cảm gia đình: tác phẩm Chiếc lược ngà, Trong lòng mẹ...

+ Tình yêu đôi lứa: Kim - Kiều, 

+ Giá trị hiện thực: Vợ chồng A Phủ

+ Giá trị nhân đạo: Chí Phèo, Truyện Kiều, Chuyện người con gái Nam Xương...

  • Bình luận

- Văn học phải gắn với tình yêu thương con người

- Tình yêu thương con người đem đến giá trị cho văn học

3. Kết bài

Khẳng định lại vấn đề

văn học và tình thương

II. Bài văn

   Văn học Việt Nam đã trải qua rất nhiều thời kì, từ nền văn học dân gian, truyền miệng từ thời xa xưa cho đến văn học trung đại từ thế kỉ X cho đến thế kỉ XIX và nền văn học hiện đại từ nửa sau thế kỉ XIX cho đến nay. Trải qua biết bao thăng trầm, nền văn học Việt Nam vẫn tồn tại và phát triển được như ngày hôm nay, một trong những giá trị của văn học giúp nó đứng vững được như vậy chính là nhờ tình yêu thương con người - giá trị to lớn và sâu sắc của văn học đối với cuộc sống. Có thể nói, lòng thương người luôn gắn chặt với văn học, không thể tách rời được với văn học.

   Văn học và tình yêu thương con người có một mối quan hệ mật thiết với nhau. Tình yêu thương con người trong văn học được thể hiện ở tất cả những tình cảm trong cuộc sống: từ tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa, tình thầy trò, bạn bè, cho đến tình làng nghĩa xóm.... Vì văn học là tấm gương phản ánh hiện thực đời sống xã hội, mà xã hội tồn tại nhờ mối quan hệ, tình cảm giữa con người với con người, cho nên văn học cũng thể hiện lên những tình cảm đó như là một phần quan trọng của đời sống. Nhưng lòng thương người của các tác giả trong nền văn học Việt Nam không chỉ được thể hiện ở những thứ hiện hữu trong từng câu từ của tác phẩm, nó còn được bộc lộ qua giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của các tác phẩm đó. Đối với giá trị hiện thực, văn học thể hiện lên hiện thực xã hội, bộc lộ bộ mặt tàn ác của những giai cấp thống trị hoặc những người địa chủ chà đạp lên quyền được sống của con người. Còn giá trị nhân đạo thể hiện qua việc các nhà văn, nhà thơ ngợi ca những vẻ đẹp, những phẩm chất tốt đẹp của những cá nhân, của tập thể, đồng thời thể hiện lòng thương xót, thương cảm trước những mảnh đời bất hạnh, cơ cực trong cuộc sống.

   Ngay từ khi văn học bắt đầu hình thành, khi mà con người chỉ sử dụng văn học với hình thức truyền miệng thì văn học đã có những câu ca dao thể hiện lòng thương người như: "Thương người như thể thương thân", "Chị ngã em nâng" hay "Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn".... Lịch sử hình thành của văn học từ xa xưa đã gắn với lòng thương người sâu sắc. Sang đến nền văn học trung đại và hiện đại, tình thương ấy vẫn được giữ nguyên và ngày càng bộc lộ nhiều hơn ở các tác phẩm văn chương. Ta có thể kể đến như tình cảm cha con mãnh liệt, tha thiết trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tình yêu dành cho mẹ sâu sắc của bé Hồng trong truyên ngắn Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng. Hay khi nghĩ về tình yêu đôi lứa, ta nhớ đến mối tình son sắt, thủy chung của anh chàng Kim Trọng với Thúy Kiều trong tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Mỗi một bài văn, bài thơ trong nền văn học Việt Nam đều thể hiện ở đâu đó những tình cảm tốt đẹp của con người.

   Nếu như những thứ tình cảm trong cuộc sống ấy khiến ta nhận ra ngay khi đọc các tác phẩm thì những giá trị của tác phẩm cũng làm chúng ta phải ngẫm nghĩ về lòng yêu thương con người. Hiện thực xã hội hay còn gọi là giá trị hiện thực là bàn đạp để các tác giả tố cáo những tội ác của những người chà đạp lên quyền được sống của con người, như cái chế độ phong kiến nam quyền độc đoán trong xã hội cũ đã khiến Vũ Nương phải chết hay bọn quan sai, xã hội bất công đã khiến cho chị Dậu đi vào bước đường cùng không một tia sáng trong tác phẩm Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố. Văn học không chỉ cho thấy cái ác, không chỉ nhìn thấy những mặt xấu của đời sống mà còn biết ngợi ca những vẻ đẹp của con người. Ta có thể thấy được qua hình tượng ông lái đò trong tùy bút Người lái đò sông Đà hay là nhân vật Huấn Cao với tài năng uyên bác, khí thế ung dung trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân. Mặt khác, văn học thể hiện tình yêu thương con người qua việc cho Chí Phèo cảm nhận được tình thương của Thị Nở, để phần người trong Chí có cơ hội được thức tỉnh trở lại....

   Có thể nói, văn học luôn gắn liền với tình yêu thương con người. Đây là giá trị cốt lõi làm nên ý nghĩa của văn học đối với đời sống. Nếu văn học chỉ đơn thuần lột tả những hiện thực xã hội thì nó sẽ trở thành thứ văn chương khô khan hay một thứ tài liệu tổng hợp không hơn không kém. Vì vậy, để tồn tại và phát triển thì văn học luôn coi mình là nơi để bày tỏ tình yêu thương con người, bày tỏ quan điểm của tác giả đối với những hiện thực xã hội được phản ánh.

   Tóm lại, văn học và tình thương, hai khía cạnh tuy khác nhau nhưng luôn gắn chặt và song hành cùng nhau, tình thương khiến cho văn học cảm xúc hơn, ý nghĩa hơn còn văn học thì lại là nơi các tình cảm ấy, lòng thương ấy được bộc lộ. Sẽ chẳng có một tác phẩm văn chương nào thành công và đi vào lòng bạn đọc nếu ở đó không gửi gắm những quan điểm, những tình cảm của người viết đối với con người.

Qua bài viết số 7 lớp 8 đề 2 Văn học và tình thương, và Dàn ý bài văn nghị luận Văn học và tình thương. Cunghocvui hy vọng đây sẽ là một tài liệu hữu ích dành cho các bạn. Chúc các bạn học tốt!

shoppe