Hãy nói không với các tệ nạn xã hội - Bài tập làm văn số 7 lớp 8
Với bài tập làm văn số 7 lớp 8, Cunghocvui.com sẽ mang đến cho các em bài văn nghị luận Hãy nói không với các tệ nạn xã hội. Mong rằng bài viết sẽ giúp ích cho các em trong quá trình thực hiện viết đề bài này!
Bài làm
Xã hội ngày càng phát triển đồng nghĩa với việc các tệ nạn xã hội cũng theo đó mà gia tăng. Ở cuộc sống hiện đại, con người ngày càng áp lực: áp lực về công việc, áp lực về tình cảm, áp lực về cuộc sống.... Điều đó dẫn đến dễ bị sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Chỉ trong một phút chốc ngắn ngủi thôi củng đủ để khiến con người không thể quay đầu lại được, làm mất đi cả một cuộc đời tươi đẹp mà họ đã từng có. Vậy nên, mỗi người chúng ta cần phải biết nói không với các tệ nạn xã hội, để có thể bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
Tệ nạn xã hội có thể coi là những hành vi đi lệch với chuẩn mực của xã hội, vi phạm về mặt đạo đức cũng như pháp luật và gây tổn hại nghiêm trọng đến cá nhân, gia đình và cả xã hội. Những hành vi sai trái ấy được kể đến như là: cờ bạc, ma túy, cướp giật, mại dâm... Những hành vi này đều gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng mà bản thân người vi phạm không ý thức được hết. Chỉ khi hiểu rõ mức độ ảnh hưởng của nó đến xã hội thì chúng ta mới có thể nói không trước các tệ nạn này.
Để hiểu rõ được ảnh hưởng, ta cần đi sâu vào phân tích một vài tệ nạn điển hình nêu trên. Đầu tiên là ma túy. Ma túy là một liều thuốc độc khiến cho con nghiện không chết ngay mà phải đeo đẳng nỗi khổ sở cả đời. Khi một người dùng ma túy, họ sẽ lên cơn nghiện thuốc và không có thuốc thì họ không thể nào sống nổi. Chính cái sự tinh vi này của ma túy khiến cho con người ta một khi đã đi vào con đường nghiện hút thì rất khó để cai được. Và nếu không cai được thì người đó chắc chắn sẽ mắc những căn bệnh liên quan do ma túy gây ra. Sức khỏe của người nghiện ma túy sẽ giảm dần, cơ thể họ trở nên xanh xao, gầy gò, ốm yếu. Đặc biệt, khi lên cơn nghiện thì con nghiện sẽ không thể làm chủ bản thân mà có những hành vi gây tổn hại đến những người khác. Hậu quả đớn đau nhất của căn bệnh này là cái chết, một cái giá thật đắt và tàn nhẫn. Tiếp theo là mại dâm. Hành nghề mại dâm là vi phạm pháp luật, hơn thế nữa, việc này lại thường xảy ra có tổ chức, là do một nhóm người cùng nhau hoạt động mại dâm. Việc mua bán dâm không chỉ vi phạm pháp luật, khiến cho bản thân bị rẻ rúm, coi thường mà còn gây ra các bệnh viêm nhiễm như HIV/AIDS bởi việc quan hệ tình dục không lành mạnh và với quá nhiều đối tượng. Kết quả là họ không chỉ dày vò bản thân mà còn lây cho con cái, cho bạn tình của mình. HIV/AIDS cũng gây ra chết người. Tóm lại, các tệ nạn xã hội nêu trên đều gây ra những hậu quả khó lường và có hại cho xã hội.
Do đó, con người ta phải biết nói không với các tệ nạn xã hội. Nếu đã dấn thân vào con đường nghiện ngập, cướp bóc thì con người ta sẽ khó lòng quay đầu lại được. Kể cả cho đến khi họ muốn làm người lương thiện thì xã hội chưa chắc đã chấp nhận họ, chưa chắc đã cho họ một con đường sống. Người tham gia vào các tệ nạn xã hội gây ra hậu quả đối với chính cuộc đời của họ, sức khỏe của họ. Một người nghiện ngập có thể sẽ vĩnh viễn giam cầm cuộc đời sau này của mình ở trong trại cai nghiện, cứ thế cho đến khi chẳng ai còn quan tâm tới họ nữa. Một người cờ bạc, rượu chè bán cả nhà, cả con cái đi để chuộc nợ, hỏi làm sao gia đình ấy có thể hạnh phúc trở lại? Mà còn khiến cho những người thân bị liên lụy theo, vừa hại bản thân vừa hại cả những người xung quanh. Đối với các tệ nạn xã hội như vậy, hậu quả ban đầu chỉ xảy ra ở cá thể, sau đó lan ra toàn xã hội, khiến cho xã hội bị nhũng nhiễu, không đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
Trước những hậu quả đau lòng mà các tệ nạn xã hội gây ra, mỗi người dân cần phải ý thức được giới hạn của bản thân để không sa đà vào các con đường không đúng đắn. Các trường học cần lập những chuyên đề để giáo dục cho thanh thiếu niên ý thức được hậu quả và tác hại của những tệ nạn ấy bằng các cuộc thi như: Vẽ tranh nói không với ma túy, Rung chuông vàng trả lời các câu hỏi về những bệnh sẽ gặp phải khi hành nghề ma túy, mại dâm.... Các phường, xã cũng cần tuyên truyền, giáo dục những người dân ý thức được rõ vấn đề này, cần thiết có những cuộc tuần tra trên địa bàn để đảm bảo trật tự, an ninh. Từ nhỏ cho đến lớn, từ các làng, xã cho đến các quận, huyện đều cần được tuyên truyền công tác phòng tránh tệ nạn xã hội. Và điều quan trọng nhất là những người có người thân vướng vào các tệ nạn ấy thì không nên bao che mà phải khuyên nhủ, nhắc nhở họ đừng lún sâu vào con đường tội lỗi.
Phòng, chống các tệ nạn xã hội không phải là việc của riêng ai mà là việc của toàn xã hội. Nó cũng không thể quán triệt ngay lập tức mà cần có thời gian, cần được thực hiện trong cả một quá trình dài. Mỗi chúng ta hãy tự góp mình vào công cuộc ấy, hãy nói không với các tệ nạn xã hội để đất nước phát triển hơn. Nhờ ý thức của mỗi cá nhân góp vào như vậy, xã hội sẽ giảm bớt được phần nào các tệ nạn và từng bước đẩy mạnh công cuộc đấu tranh loại bỏ những cái xấu, những cái hủy hoại xã hội trong tương lai.
Thông qua bài viết Hãy nói không với các tệ nạn xã hội, Cunghocvui hy vọng các em sẽ đạt được điểm cao trong bài thi sắp tới. Chúc các em học tốt!