Có tài mà không có đức - Viết bài tập làm văn số 7 lớp 8 hay nhất
Văn nghị luận lớp 8 là một trong những nỗi băn khoăn của các bạn học sinh. Việc làm quen với thể loại văn học mới để viết làm sao thật hay và đúng sườn bài là điều mà Cunghocvui sẽ giúp các bạn học sinh qua đề bài tập làm văn số 7: Có tài mà không có đức thì là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.
Cùng tham khảo qua bài viết dưới đây nhé!
Bài làm
Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đã mở ra tương lai của đất nước, đã soi sáng cho nhân dân bằng đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, cũng là người luôn chăm lo cho cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân đã từng nói: "Có tài mà không có đức thì là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó." Đây là một câu nói mang tính giáo dục, khuyên bảo hết sức đúng đắn và có ý nghĩa. Nó khiến cho chúng ta phải biết rèn luyện và trau dồi bản thân để trở thành một người tốt hơn, một người có ích cho xã hội hơn.
Tài và đức là hai khái niệm về những phẩm chất của con người. Tài ở đây chính là tài năng, là khả năng học tập, làm việc và tiếp thu các kiến thức, khả năng giao tiếp trong xã hội... Tóm lại, khả năng của con người thì là vô hạn, con người có thể làm bất cứ việc gì. Người có tài là người có khả năng làm việc tốt hay khả năng ngoại giao giỏi hoặc làm được bất cứ điều gì mà những người khác không làm được, khiến cho người khác phải kiêng nể, cảm phục. Một người được coi là có tài thì chỉ cần họ giỏi trong một lĩnh vực nhất định, chứ không nhất thiết phải là giỏi ở mọi lĩnh vực. Còn đối với đức, đức ở đây chính là đạo đức, là nhân phẩm, phẩm hạnh của mỗi cá nhân. Nó thể hiện ở cách cư xử, đối đãi với những người khác, là thái độ của con người đối với con người. Các phẩm chất đạo đức tốt được đánh giá cao trong xã hội có thể kể đến như đức tính cần cù, siêng năng, hiếu thảo với cha mẹ, kính trên nhường dưới, có tình có nghĩa....Một người được coi là vô đạo đức khi và chỉ khi họ có những hành vi vi phạm chuẩn mực của xã hội như: sử dụng bạo lực với người khác, bất hiếu, lừa lọc, tham lam, bạc đãi trẻ em hay người già....
Hồ Chủ Tịch cho rằng: "Người có tài mà không có đức thì là vô dụng" bởi lẽ một người tài giỏi, tinh thông, được mọi người đánh giá cao trong xã hội mà lại có đạo đức kém thì những gì họ đạt được cũng chỉ là hư vô. Một người doanh nhân thành đạt, kiếm được cả trăm tỉ đồng 1 năm - khối tài sản khổng lồ mà có những người cả đời không bao giờ kiếm được - mà lại keo kiệt, không cho bố mẹ một đồng nào, thậm chí còn chẳng dám nhận bố mẹ trước mặt những người khác vì trông họ rách nát, quê mùa thì những giá trị về của cải của người doanh nhân này cũng chẳng có ích gì. Nó chỉ là của cải phục vụ cho lợi ích của bản thân, không hề có ý nghĩa hay giá trị nào khác cho gia đình và xã hội. Thêm vào đó, nếu một người tài giỏi, đạt được những giải thưởng quốc tế nhưng lại có những phát ngôn khinh thường những người yếu kém hơn, cho rằng họ ngu dốt thì bản thân người này cũng sẽ bị tước đi những danh hiệu cao quý ấy. Vì những thứ giá trị cống hiến cho xã hội phải được lấy từ những người thực sự trân quý, biết tôn trọng người khác.
Sang đến vế thứ hai của câu nói: "Người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó." Vế nói này thực sự đúng đắn, nhất là trong nền kinh tế thị trường như thời buổi hiện nay, khi con người ta phải cạnh tranh khốc liệt để có một cơ hội làm việc thì những người chỉ có đạo đức tốt mà không có tài thì sẽ không được trọng dụng. Bất cứ một công ty nào cũng mong muốn tìm được những người giỏi, người tài, nếu bạn chỉ có một đạo đức tốt, chỉ có giới hạn nhất định về khả năng thì mãi mãi bạn sẽ không thể thăng tiến được trong công việc. Bởi vì một người hiền lành, biết nghe lời mà không có chuyên môn thì sẽ không có tiếng nói, không nắm được vấn đề mà phải nghe theo sự sắp xếp, sắp đặt của người khác, dẫn đến mãi mãi trì trệ, giậm chân tại chỗ. Do đó, trước câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta cần phải hiểu rằng: tài và đức nên cần phải được đi đôi với nhau, bổ sung cho nhau chứ không thể tồn tại độc lập. Nếu chỉ có đức hoặc chỉ có tài thì sẽ dẫn đến hậu quả như ở câu nói, sẽ khó mà trở thành một người thành công, có ích cho xã hội được.
Để trở thành một người "tài đức vẹn toàn" thì mỗi chúng ta cần phải thực hiện theo hai khía cạnh. Thứ nhất là cần phải không ngừng nỗ lực học tập, tiếp thu và tích lũy kiến thức để có thể có khả năng làm được những công việc mà mình mong muốn. Thứ hai, cùng với việc không ngừng học tập thì mỗi người cũng luôn luôn phải trau dồi đạo đức, cách ứng xử, cư xử của mình đối với những người xung quanh. Hãy trở thành một người không chỉ có tài năng mà còn có đạo đức đáng ngưỡng mộ. Đặc biệt đối với nền văn hóa Châu Á thì vấn đề về đạo đức luôn được đề cao lên hàng đầu. Hai khía cạnh cũng là hai quá trình mà mỗi chúng ta phải từng bước thực hiện, trau dồi. Điều này không thể nào thực hiện nhanh chóng mà cần phải chứng minh trong suốt cả một cuộc đời.
Tóm lại, câu nói của chủ tịch Hồ Chí Minh là một câu nói rất có ý nghĩa, dù là Người đã nói trong quá khứ nhưng cho đến nay, ta vẫn thấy nó thật có giá trị. Mỗi người cần phải ghi nhớ lời khuyên này để không ngừng nỗ lực, phấn đấu cống hiến cho nước nhà, xây dựng đất nước ngày một giàu đẹp như mong ước của Người.
Khép lại bài văn nghị luận Có tài mà không có đức thì là vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Cunghocvui hy vọng các bạn sẽ có một bài văn tham khảo thật hữu ích!