Đăng ký

Sáng tỏ nhận định: Đất Nước của nhân dân

A. ĐỀ BÀI
I.       ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:
Sự quý giá của thời gian không phải là để giúp chúng ta có thể làm được những điều này, điều nọ.... Có quá nhiều những điều này nọ như thế đủ để cho chúng ta quay cuồng trong suốt một đời, nhưng cuối cùng rồi chúng ta sẽ không mang theo được gì cả! Vấn đề là chúng ta phải biết sống như thế nào để xứng đáng với giá trị thời gian ấy. Chúng ta lao động như một phương tiện để nuôi sống. nhưng bản thân sự lao động sáng tạo cũng chính là cuộc sống của chúng ta. Ngược lại. những giá trị vật chất được tạo ra luôn có những giới hạn tạm bợ của nó, và rõ ràng không thể là mục đích cuối cùng để chúng ta nhắm đến. Những giá trị vật chất ấy có thể giúp cho ta có cuộc sống thoải mái hơn. nhưng nếu chúng ta chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào chúng, chúng ta sẽ phải trả giá đắt. Nghệ thuật sống chân chính là ý thức được giá trị quý báu của đời sống trong từng khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc đời.
(...) Thời gian cần phải được trân trọng trong từng khoảnh khắc. Khi chúng ta ý thức được rằng giá trị của cuộc sống nằm ở chỗ là chúng ta đang sống. chúng ta sẽ thấy tất cả những điều khác đều trở nên nhỏ nhặt. vụn vặt không đáng kể. Đời sống của ta quý giá, và đời sống của mọi người quanh ta cũng quý giá không thể lấy gì đánh đổi được.
(.) Mỗi buổi sáng thức dậy. chúng ta nhìn lên bầu trời trong xanh có ánh nắng ban mai ửng hổng. hoặc một chồi non vừa nhú còn ướt đẫm sương đêm. Mỗi một thực thể xinh đẹp ấy đều nhắc nhở ta biết là đời sống của ta đang tồn tại. và ta tự nhủ với mình sẽ không bỏ phí một phút giây nào được tồn tại trong cuộc sống nhiệm màu này. Ta sẽ sống như thế nào để bản thân có được niềm vui hạnh phúc, và mang niềm vui, hạnh phúc đến cho mọi người quanh mình.
                                                                                                         (Nguyên Minh - Thời gian là vốn quý)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.
Câu 2: Anh/chị hiểu thế nào về câu nói sau: Có quá nhiều những điều này nọ như thế đủ để cho chúng ta quay cuồng trong suốt một đời. nhưng cuối cùng rồi chúng ta sẽ không mang theo được gì cả!
Câu 3: Theo anh/chị vì sao tác giả lại cho rằng: Những giá trị vật chất ấy có thể giúp cho ta có cuộc sống thoải mái hơn. nhưng nếu chúng ta chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào chúng, chúng ta sẽ phải trả giá đắt?
Câu 4: Thông điệp nào của đoạn trích trên có ý nghĩa nhất với anh/chị?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm): Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu ra ở phần đọc hiểu: Thời gian cần phải được trân trọng trong từng khoảnh khắc.
Câu 2 (5,0 điểm): Nhận định về đoạn trích “Đất nước” (Trích trường ca Mặt đường khát vọng) của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, Sách giáo khoa Ngữ văn 12 viết: Đóng góp riêng của đoạn trích là ở sự nhấn mạnh tư tưởng “Đất Nước của nhân dân”
Anh/chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên qua đoạn thơ sau:
Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dự đất Tổ Hùng Vương Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút, non
Nghiên Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh 
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta...
(Đất nước, trích “Mặt đường khát vọng” - Nguyễn Khoa Điềm, SGK Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục 2008, Tr.120)       

B. HƯỚNG DẪN
I.       ĐỌC-HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1 (0,5 điểm):
Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên là: Nghị luận/ Phương thức nghị luận.
STUDY TIP
Ở câu 1, đề đọc hiểu yêu cầu chỉ ra Phương thức biểu đạt chính? Các em chỉ kể một phương thức biểu đạt thôi!
Câu 2 (0,5 điểm):
Lí giải ý nghĩa câu văn: Có quá nhiều những điều này nọ như thế đủ để cho chúng ta quay cuồng trong suốt một đời, nhưng cuối cùng rồi chúng ra sẽ không mang theo được gì cả!
- Những điều này nọ khiến chúng ta quay cuồng trong suốt một đời là gì? Đó có thể là áp lực từ học hành, từ công việc, từ những lo toan về cuộc sống vật chất, những mối quan hệ xã hội... tất cả làm cho chúng ta luôn vội vàng, tất bật. Đôi khi chúng ta quên mất thời gian dành cho chính bản thân mình.
-          Tuy nhiên, cuối cùng rồi chúng ta sẽ không mang theo được gì cả và giá trị của cuộc sống nằm ở chỗ là chúng ta đang sống. Nếu cứ để những lo toan, bận bịu, áp lực của cuộc sống đeo bám, dần dần chúng sẽ bào mòn, rút cạn sức sống làm cho chúng ta cảm thấy ngột ngạt, trống rỗng và mơ hồ về cuộc sống: không biết mình đang sống vì điều gì, đâu mới là hạnh phúc thật sự đối với mình?
Vì thế, đừng để cuộc sống hối hả cuốn ta vào vòng quay chóng mặt của nó, mỗi người cần có những khoảng ngừng lặng để được tận hưởng cuộc sống với ý nghĩa đích thực của nó.
Câu 3 (1,0 điểm):
Những giá trị vật chất ấy có thể giúp cho ta có cuộc sống thoải mái hơn, những nếu chúng ta chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào chúng, chúng ta sẽ phải trả giá đắt vì:
-          Những giá trị vật chất như tiền bạc, những tiện nghi trong cuộc sống sinh hoạt (nhà cửa, xe cộ, quần áo, các thiết bị điện tử.) quả là rất cần thiết vì nó nâng cao chất lượng sống cho con người và thúc đẩy xã hội phát triển.
-          Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào chúng ta sẽ dần bị những ham muốn bản năng, những lợi ích trước mắt làm cho tha hóa, trở nên thực dụng, xa vời những mục tiêu lí tưởng cao đẹp. Có khi, vì những lợi ích vật chất mà con người đánh mất những mối quan hệ, những tình cảm lành mạnh, tốt đẹp với bạn bè, người thân; bị mọi người xa lánh, mãi sống trong cô độc. Nếu ai ai trong xã hội cũng đề cao giá trị vật chất hơn những giá trị tinh thần khác thì xã hội trở nên lạnh lùng, vô cảm.
Câu 4 (1,0 điểm):
STUDY TIP
Thông điệp rút ra phải sát với nội dung của văn bản, tránh suy diễn, áp đặt
Đoạn trích có nhiều thông điệp ý nghĩa về thời gian và cuộc sống. Thí sinh có thể chọn một thông điệp có ý nghĩa nhất với bản thân như:
-          Cuộc sống vô cùng tươi đẹp, hãy biết tận hưởng nó trong từng khoảnh khắc.
-          Đừng quá mải mê chạy theo những giá trị vật chất mà bỏ quên nhiều điều quý giá khác.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm):

Câu 1 (2,0 điểm):
1.       Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn (0,25 điểm)
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
2.       Xác định đúng vấn đề cần nghị luận(0,25 điểm):
Giá trị, sự quý giá của thời gian
3.       Triển khai vấn đề nghị luận (1,0 điểm):
Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề cần nghị luận nhưng cần làm rõ sự quý báu của thời gian đối với cuộc sống của con người. Có thể theo hướng sau:
-       Thời gian là thứ vô cùng quý giá vì mỗi phút giây trôi qua trong cuộc đời chúng ta là vĩnh viễn mất, không thể lấy lại được.
-      Trân trọng từng khoảnh khắc của thời gian nghĩa là con người biết sống hết mình cho hiện tại, không chìm đắm trong quá khứ và mơ mộng về tương lai.
-       Để từng khoảnh khắc không trôi đi vô nghĩa, cần phải làm gì?
+ Luôn sống ở tư thế chủ động, tích cực tham gia mọi hoạt động xung quanh để học hỏi, để tìm thấy niềm vui và những điều thú vị trong cuộc sống.
+ Biết yêu thương, quan tâm đến những người xung quanh.
+ Dám dấn thân, trải nghiệm để chinh phục những thử thách.
-       Phê phán những người không biết trân trọng thời gian, để cuộc sống trôi qua kẽ tay.
4.       Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm):
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt
5.       Sáng tạo (0,25 điểm):
Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận
Câu 2 (5,0 điểm)
STUDY TIP
Đây là dạng bài yêu cầu phân tích một đoạn trích để làm sáng tỏ một ý kiến, một nhận định. Khi làm bài cần bám sát và làm nổi bật tư tưởng Đất Nước của nhân dân, tránh phân tích đoạn thơ chung chung!
1.       Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận (0,25 điểm):
Có đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết bài. Mở bài giới thiệu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.
2.       Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):
Tư tưởng đất nước của nhân dân thể hiện qua đoạn thơ
3.       Triển khai vấn đề nghị luận:
Vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng
a.       Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm (0,5 điểm):
-       Nguyễn Khoa Điềm là một trong những mặt tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ trưởng thành trong những năm kháng chiến chống Mĩ cứu nước; thơ ông giàu chất suy tư, cảm xúc lắng đọng, thể hiện tâm tư của người trí thức tham gia tích cực vào cuộc chiến đất của nhân dân.
-       Đất nước thuộc phần đầu chương V, trường ca Mặt đường khát vọng; là một trong những đoạn đặc sắc thể hiện cách cảm nhận riêng, độc đáo của nhà thơ về đất nước. Trong đó, tư tưởng cốt lõi, xuyên suốt cả đoạn trích chính là Đất nước của nhân dân, như Sách giáo khoa Ngữ văn 12 viết: Đóng góp riêng của đoạn trích là ở sự nhấn mạnh tư tưởng “Đất nước của nhân dân”. Tư tưởng này được thể hiện một cách rõ nét qua đoạn thơ “Những người vợ nhớ chồng...”
b.     Nhận xét khái quát về tư tưởng Đất nước của nhân dân (0,5 điểm)
-     Tư tưởng Đất nước của nhân dân là một tư tưởng lớn, đã trở thành chân lý được kiểm nghiệm trong thực tế, trải qua một quá trình phát triển trong lịch sử dân tộc và lịch sử văn học. Đây vốn là tư tưởng có nguồn gốc từ quan niệm “dĩ dân vị bản” (lấy dân làm gốc) của Nho giáo. Từ thế kỉ XV, Nguyễn Trãi đã từng tâm niệm “Phúc chu thủy tín dân do thủy” (lật thuyền mới biết sức dân như nước). Đến đầu thế kỉ XX, Phan Bội Châu cũng khẳng định “Dân là dân nước, nước là nước dân”. Tư tưởng này được Hồ Chí Minh kế thừa và phát triển một cách toàn diện và sâu sắc nhất trong cuộc kháng chiến của nhân dân ta.
-     Như vậy, tư tưởng Đất nước của nhân dân không phải là đóng góp mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm mà đóng góp của ông là đã biến một tư tưởng có tính chính trị trở nên gần gũi, dễ cảm nhận, dễ đi vào lòng người bằng một giọng thơ trữ tình tha thiết. Trong đoạn trích Đất nước, tư tưởng Đất nước của nhân dân được Nguyễn Khoa Điềm thể hiện trên nhiều bình diện: trong chiều rộng của địa lý, chiều dài của lịch sử, chiều sâu của văn hóa.
c.     Phân tích, chứng minh (2,0 điểm):
-     Ở những câu đầu đoạn trích, tư tưởng Đất nước của nhân dân được thể hiện qua cách nhìn nhận của tác giả về không gian địa lý:
+ Nhà thơ đã liệt kê các danh lam thắng cảnh: Núi Vọng Phu, Hòn Trống Mái, vịnh Hạ Long, đất Tổ Hùng Vương, núi Bút, non Nghiên, ông Đốc, ông Trang, bà Đen, bà Điểm... Mặc dù khi Nguyễn Khoa Điềm sáng tác trường ca này đất nước ta đang bị chia cắt nhưng trong cái nhìn của nhà thơ không gian đất nước vẫn là một khối thống nhất, trải dài từ Bắc đến Nam, từ Đông sang Tây, từ rừng tới biển: Miền Bắc có núi Vọng Phu, hòn Trống Mái, đất tổ Hùng Vương..., Miền Trung có núi Bút non Nghiên ở Quảng Ngãi, miền Nam với dòng sông Cửu Long hiền hòa tươi đẹp cùng những con người hiền lành chăm chỉ “ông Đốc, ông Trang, bà Đen, bà Điểm”.
+ Nét đặc sắc của đoạn thơ là tác giả cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên trong hệ quy chiếu với con người. Những địa danh trên không phải chỉ đơn thuần là vẻ đẹp thiên tạo (được hình thành bởi những biến động địa chất) mà còn in đậm bóng dáng tâm hồn dân tộc Việt:
++ Núi Vọng Phu, Hòn Trống mái: gợi nhắc câu chuyện cảm động về người vợ chờ chồng đến hóa đá, về cặp vợ chồng yêu nhau hóa thành một hòn Trống và một hòn Mái > lối sống thủy chung, yêu thương tình nghĩa.
++ Những ao đầm ở làng Gióng là dấu vết còn lại của trận đánh năm xưa, khi cậu bé làng Phù Đổng nhổ tre ngà đánh đuổi giặc  n > biểu trưng cho truyền thống đấu tranh bất khuất và lòng yêu nước nồng nàn của dân tộc.
++ 99 ngọn núi ở mảnh đất Phong Châu năm xưa (nay là nơi đặt đền Hùng) gợi nhắc truyền thuyết về 99 con voi quây quần chầu phục về đất tổ > biểu tượng cho ý thức hướng về nguồn cội.
++ Núi Bút, non Nghiên: gợi nhắc về truyền thống hiếu học, tinh thần vượt khó khăn của nhân dân ta >Mỗi danh lam thắng cảnh là sự hóa thân của nhân dân vào đất nước. Người dân đã thổi vào trong đó một linh hồn sống (một huyền thoại) để sự vật vô tri vô giác trở nên bất tử với thời gian. Điều đặc biệt là làm nên những danh lam thắng cảnh ấy không phải là các vĩ nhân mà là những con người vô danh, bình dị: người vợ nhớ chồng, cặp vợ chồng yêu nhau, người học trò nghèo... Vì thế mỗi tên núi sông vang lên đều thể hiện tình cảm thiêng liêng: đằm thắm và gần gũi, yêu thương và tự hào.
- Bốn câu thơ cuối đoạn trích, ý thơ nâng lên tầm khái quát mang tính triết luận về vai trò của nhân dân: Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gõ bãi/ Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha/ Đất nước sau bốn nghìn năm ta đi đâu ta cũng thấy / Những cuộc đời đã hóa núi sông ta...
+ Hai câu đầu là sự khẳng định dáng hình của Nhân Dân trong không gian Đất Nước “trên khắp ruộng đồng gò bãi”. Dáng hình ấy của nhân dân không chỉ làm cho đất nước thêm phần tươi đẹp mà còn mang “một ao ước, một lối sống cha ông”. Nghĩa là nhân dân không chỉ góp vào đó những giá trị tinh thần, là phong tục, tập quán, là truyền thống văn hóa lưu dấu tới mai sau.
+ Hai câu sau: từ những cuộc đời, những hóa thân cụ thể, nhà thơ nhận thức sâu hơn về mối quan hệ gắn bó giữa thiên nhiên và con người, giữa đất nước và nhân dân Lời nhắc nhở nhẹ nhàng, sâu sắc về ý thức gìn giữ đất nước và tiếp nối truyền thống.
-       Tư tưởng Đất nước của nhân dân còn chi phối đến cả hình thức nghệ thuật của đoạn trích:
+ Kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất chính luận và trữ tình, suy tư sâu lắng và cảm xúc nồng nàn.
+ Chất liệu văn hóa dân gian được sử dụng linh hoạt, sáng tạo (lấy ý tưởng từ các truyền thuyết, các câu chuyện cổ tích, bài ca dao, dân ca...) khiến tư tưởng có tính luận đề trở nên mộc mạc, gần gũi, thấm thía.
+ Các động từ góp cho, góp nên, góp mình, góp tên... kết hợp với nghệ thuật điệp cấu trúc làm nổi bật vai trò lớn lao của những người dân làm nên đất nước.
d.       Bàn luận (0,5 điểm):
CHÚ Ý
Sau khi chứng minh biểu hiện cần có phần bàn luận, đánh giá: Nét độc đáo của tư tưởng Đất nước của nhân dân của Nguyễn Khoa Điềm là gì?
-       Trong đoạn trích này tư tưởng Đất nước của nhân dân được Nguyễn Khoa Điềm thể hiện đậm nét, trở thành cảm hứng chủ đạo, xuyên thấm vào mọi biểu hiện nhỏ bé nhất của hình tượng đất nước.
-      Với Nguyễn Khoa Điềm đây còn là kết quả của những năm tháng hoạt động trong phong trào học sinh sinh viên ở nội thành Huế, được tận mắt chứng kiến những hi sinh, những đóng góp to lớn của nhân dân để làm nên đất nước. Trong hoàn cảnh đương thời, khi ở Miền nam đang lan truyền tư tưởng thực dân, phản động của đế quốc Mĩ (ở đâu sung sướng nhiều tiền ở đó là Tổ quốc) thì việc nhìn nhận rõ vai trò của nhân dân với đất nước càng có ý nghĩa.
4.       Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm):
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.
5.       Sáng tạo (0,25 điểm):
Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

Xem thêm >>> Tình yêu đất nước và tình yêu lứa đôi: Đất Nước và Sóng

Chúc các bạn học tập tốt <3

shoppe