Phân tích Vợ chồng A Phủ hay nhất - Ngữ văn 12
Một trong những tác phẩm quan trọng trong chương trình Ngữ văn lớp 12 là tác phẩm Vợ chồng A Phủ, sau đây, Cunghocvui sẽ mang đến cho các bạn bài phân tích Vợ chồng A Phủ hay nhất và đặc sắc nhất. Cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé!
Bài làm
Tô Hoài với truyện ngắn Dế mèn phiêu lưu ký chắc hẳn đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng bạn đọc. Nhưng Tô Hoài không chỉ tài năng trong mảng truyện dành cho thiếu nhi mà ông còn là một nhà văn giàu lòng nhân đạo và tình yêu thương con người với những tác phẩm viết về cuộc sống của họ. Vợ chồng A Phủ là một tác phẩm như vậy. Đọc tác phẩm , ta thấy được cuộc đời và số phận đau thương của nhân vật Mị khi sống ở nhà chồng và giá trị nhân đạo của tác phẩm khi ông để cho Mị được thoát khỏi cuộc sống khổ đau ấy.
Vợ chồng A Phủ được sáng tác năm 1953, in trong tập Truyện Tây Bắc. Truyện là kết quả của chuyến đi tham dự chiến dịch giải phóng Tây Bắc của nhà văn. Được sống chung với những người dân miền núi, nhà văn đã thổ lộ rằng: "Đất nước và con người Tây Bắc đã để thương, để nhớ cho tôi nhiều, không thể bao giờ quên", và quả thật tác phẩm Vợ chồng A Phủ của ông là một tác phẩm hay, khiến cho người đọc khó có thể quên được.
Mở đầu tác phẩm là hình ảnh nhân vật Mị đang ngồi làm việc trong nhà Thống lí Bá Tra: "Ai ở xa về, có dịp vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy có một cô gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tầu ngựa . Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi" . Mị vốn là một cô gái xinh đẹp, nết na nhưng vì phải trả món nợ truyền kiếp cho cha mà Mị phải lấy A Sử, con trai nhà Thống lí. Ngỡ tưởng rằng được gả vào một gia đình giàu sang thì Mị sẽ có một cuộc đời sung túc, một cuộc sống nhẹ nhàng nhưng không, Mị sống không khác nào một người nô lệ ở trong nhà chồng của mình. Nhà văn để cho nhân vật Mị xuất hiện với hình ảnh "ngồi quay sợi cạnh tàu ngựa", "mặt buồn rười rười", xung quanh Mị không hề có bóng dáng của một con người, mà chỉ có con vật cho thấy số phận của Mị không khác nào thân trâu, bò, gương mặt lúc nào cũng ủ rũ. Sống ở trong nhà chồng, Mị phải làm việc quần quật cả ngày lẫn đêm: Con trâu con ngựa làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái ở cái nhà ngày thì vùi vào việc làm cả ngày lẫn đêm" . Nhà văn Tô Hoài so sánh cuộc sống của Mị với những con vật của người nông dân. Những con trâu, con bò ngoài đồng làm việc khổ sở với chiếc máy cày cũng còn có lúc được nghỉ ngơi, vậy mà ngay tại nhà Thống lí Bá Tra, con người bị đối xử còn không bằng cả con vật. Sống trong hoàn cảnh ấy, ai mà không đau khổ, không túng quẫn cho được, Mị đang dần bị vật hóa.
Không chỉ phải làm việc quần quật suốt ngày suốt đêm, Mị còn bị chính người chồng của mình đánh đập. Mị bị dày vò cả về thể xác lẫn tinh thần, khiến cho cô cảm thấy mình "lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa". Căn buồng của Mị được nhà văn miêu tả chẳng khác nào nơi ở của động vật: "kín mít với cái cửa sổ có lỗ vuông bằng bàn tay", Mị ngồi trong buồng trông ra chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Nơi ở của Mị thật tù túng, chật hẹp giống như cuộc đời khổ cực, tăm tối của chính Mị vậy. Sống không giống như đang sống, đã có lần Mị tìm đến cái chết. Hình ảnh Mị nắm cái lá ngon định tự tử như lại vứt đi vì nỗi lòng chưa làm tròn bổn phận với cha mẹ, thương cha mẹ không ai trả hết nợ nần của Mị khiến người đọc không khỏi xót xa. Đáng lẽ ra, Mị đã kết thúc cuộc đời mình ở đó, để được giải thoát khỏi đau khổ, khỏi cuộc sống mà như đã chết này, nhưng Mị đành buông xuôi, đành ném đi cơ hội giải thoát ấy, cũng là chấp nhận tiếp tục thực tại phũ phàng.
Người đọc những tưởng rằng tâm hồn của Mị đã héo úa, đã chết đi cho đến khi thấy sức sống tiềm tàng trong Mị trỗi dậy trong đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài. Khung cảnh mùa xuân ở Hồng Ngài với gió rét và cỏ gianh vàng đã gợi lên sức sống của mùa xuân nơi đây. Nhưng phải đến đêm tình mùa xuân, ta mới thấy tâm hồn của Mị được thức dậy. Trong đêm ấy, khi mọi người hò vui, uống rượu thì Mị cũng uống rượu. Mị uống "ực từng bát" như muốn nuốt hết những nỗi đắng cay vào trong lòng. Mị muốn uống cho say, cho quên đi bao khổ đau đã giày vò tâm hồn Mị. Nhưng càng say Mị lại càng tỉnh, Mị nhớ lại những ngày tháng trước kia khi Mị còn là một cô gái chưa chồng. Mỗi khi đến đêm tình mùa xuân là đám trai tráng trong làng lại đến "đứng nhẵn cả đầu vách nhà Mị", cho thấy vẻ đẹp và sức hút rất lớn của cô gái đôi mươi. Mị đã từng có một thời sống vui vẻ, kiêu kì trước biết bao chàng trai ngóng đợi như thế. Lúc này, tiếng sáo ở ngoài đầu núi vang lên như đánh thức tâm hồn Mị :"Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo gọi bạn đi chơi. Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bồi hồi..." Âm thanh tiếng sáo làm Mị sống lại những kỉ niệm ngày xưa, như đánh thức tuổi xuân của Mị. Mị từng thổi sáo hay lắm. Tiếng sáo của Mị từng khiến cho "biết bao người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị". Cả một quá khứ đẹp đẽ hiện về trong tâm trí của Mị, khiến cho Mị chi muốn chết ngay đi, quá khứ càng đẹp thì hiện tại lại càng đau. Mị chẳng còn là một cô gái có phẩm giá, trai tráng theo đầy trước cửa nhà nữa mà chỉ là một con ở núp dưới cái bóng là người vợ của một gia đình giàu có, để rồi bị hành hạ như súc vật.
Mãi sau, Mị cũng để lòng mình được toại nguyện. Mặc kệ hết những đớn đau hiện tại, Mị "quấn lại tóc, với lấy cái váy hoa" để đi chơi, con người bên trong của Mị đang thúc giục mạnh mẽ: "Mị còn trẻ, Mị muốn đi chơi." Phải trải qua bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu ngặt nghèo để Mị được thỏa lòng mình sau chuỗi ngày bị hành hạ, thế nhưng A Sử - chồng Mị - lại nuốt chặn mong ước ấy. Mị bị A Sử trói đứng vào cột. Trong khoảnh khắc tận cùng của sự vô vọng, Mị vẫn "vùng bước đi". Nhà văn đã cho thấy cái khao khát được sống hạnh phúc mãnh liệt của Mị, rằng dù phải chịu khổ cực đến như thế nào thì con người ta vẫn có quyền được sống hạnh phúc, được khao khát về một cuộc đời tươi sáng hơn. Nhà văn Tô Hoài đã thành công trong việc tố cáo tội ác của xã hội thực dân phong kiến, đồng thời ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của con người Tây Bắc.
Nhưng phải đến cuối truyện, Tô Hoài mới bộc lộ rõ nét hơn cả cái giá trị nhân đạo ở tác phẩm của mình. Đó là hành động Mị cởi trói cho A Phủ. Nhìn thấy một người đàn ông mà lại sắp phải chịu chết, sắp phải trở thành oan hồn chết oan ức dưới tay những kẻ hống hách và tàn độc như nhà Thống lí Bá Tra, Mị bỗng nghĩ: "Mình là đàn bà.... chỉ còn biết đến ngày rũ xương ở đây thôi, còn người kia việc gì phải chết." Ta có thể thấy được lòng thương người thông qua suy nghĩ của nhân vật Mị. Mị đã sống ở đây quá lâu rồi, Mị thừa biết rằng nếu A Phủ bị trói ở đấy thì sớm muộn gì cũng chết dưới tay những tên vô nhân tính kia, cho nên Mị phải hành động ngay thôi. Mị tiến đến cởi dây trói cho A Phủ, giải thoát cho anh khỏi nơi đây nhưng đột nhiên, Mị cũng chạy. Lòng ham sống đã khiến cho Mị biết nghĩ đến bản thân mình, Mị phải trốn khỏi cái địa ngục trần gian này, mặc cho phía trước là gì đi chăng nữa. Giá trị nhân đạo của tác phẩm thể hiện ở việc tác giả đã cho nhân vật của mình tìm được được giải thoát, để rồi sau đó Mị cùng A Phủ chạy đến Phiềng Xa, giác ngộ Cách mạng.
Cái kết của vợ chồng A Phủ là một cái kết thật nhân văn, nhân đạo. Đó là cái kết tất yếu của câu chuyện, khi con người ta bị đẩy đến đường cùng thì họ chắc chắn sẽ tìm cách giải thoát. Và ở đây, Mị cùng A Phủ đã đi đúng con đường rồi, những ngày tháng sống không giống một con người giờ sẽ chẳng còn nữa, để mở ra một cuộc đời mới, một cuộc đời hạnh phúc hơn.
Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ đã cho thấy khát vọng sống mãnh liệt của con người khi bị bọn thực dân phong kiến chà đạp và đối xử bất công. Thông qua đó, ta thấy thương cảm cho cuộc đời và số phận của nhân vật Mị, thấy căm phẫn trước xã hội cũ không cho con người quyền được sống, được hạnh phúc.
Với bài phân tích Vợ chồng A Phủ, Cunghocvui.com hy vọng rằng đây sẽ là một tài liệu hữu ích cho các bạn học sinh lớp 12 để hiểu sâu hơn về tác phẩm. Chúc các bạn học tốt!