Trọng tâm kiến thức tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" (Tô Hoài)
Khi phân tích tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" (Tô Hoài), học sinh cần lưu ý các kiến thức trọng tâm dưới đây:
1. Nắm được sơ lược nội dung cốt truyện Vợ chồng A Phủ. Đặc biệt thấy rõ bố cục đoạn trích trongcảnh Mị làm con dâu gạt nợ chủ nhà thống lí Pá Tra và tình cảnh của A Phủ ở gia đình này, việc Mị và A Phủ trốn đi Hồng Ngài.
Cảm nhận được cuộc sống cơ cực, bị đè nén áp bức nặng nề của người dân miền núi rừng Tây bắc dưới ách thống trị của bọn phong kiến câu kết với thực dân Pháp. Trong truyện Mị và A Phủ đại diện cho những người dân nghèo miền núi bị cha con thống lí Pá Tra (đại diện cho bọn thống trị) hành hạ tàn nhẫn hơn cả loài súc vật. Ở hoàn cảnh đen tối này, lối thoát duy nhất cho người lương thiện là phải vùng lên làm cách mạng xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến. Đây chính là chiều sâu tư tưởng, giá trị nhân đạo của tác phẩm Vợ chồng A Phủ.
2. Thấy được thành công xuất sắc của Tô Hoài trong việc xây dựng hình tượng nhân vật Mị ở tác phẩm Vợ chồng A Phủ.
Mị là một cô gái dân tộc H'mông. Số phận của Mị tiêu biểu cho số phận của nhiều phụ nữ nghèo ở miền núi trước đây. Mị có đủ phẩm chất để được sống hạnh phúc. Trước kia, Mị trẻ đẹp, khao khát tình yêu và cô cũng đã từng được yêu.
Nhưng vì bố mẹ Mị không trả nổi món tiền vay từ nhà thống lí Pá Tra nên Mị đành phải thành con dâu gạt nợ tủi nhục, cực khổ ở gia đình này. Nhân vật Mị, từ khi về nhà Pá Tra, làm vợ A Sử đã được Tô Hoài miêu tả một mặt như một con người đã mất hết cảm giác, thậm chí dường như đã mất hẳn đời sống ý thức, sống mà như chết.
Ai ở xa về có việc vào nhà thống lí Pá Tra, thường trông thấy có một cô gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh cái tàu ngựa. Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải. chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi..."
Ở lâu trong cái khổ, Mị đã quen rồi. Mị tưởng mình là con trâu, con ngựa. Mị không trông đợi bất kì cái gì và cô cũng chẳng còn ý niệm về thời gian và không gian, suốt ngày "lùi lui như con rùa nuôi trong xó cửa. Ở cái buồng Mị nằm kín mít, có một chiếc cửa sổ lỗ vuông bằng bàn tay." Căn buồng này gợi không khí của một nhà tù. Mặt khác, ở người phụ nữ H'mông bất hạnh này vẫn tiềm tàng một sức sống thật mãnh liệt, bền bỉ, một khát vọng hạnh phúc lớn lao: hễ gặp cơ hội thuận lợi, sức sống đó, khát vọng đó lại trỗi dậy mạnh mẽ.
Tô Hoài đã dụng công miêu tả đặc điểm nói tên của nhân vật Mị bằng quá trình phát triển tính cách phong phú, phức tạp, không rơi vào giản đơn.
Ngay khi bị bắt làm con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra, Mị đã cầm nắm lá ngón về nhà định lạy chào vĩnh biệt cha rồi tự tử. Ý thức về cuộc sống tủi nhục của mình, không chấp nhận cuộc sống đó, lòng ham sống, khát vọng tự do khiến Mị định tìm đến cái chết như là một phương tiện giải thoát.
Thương bố, Mị không nỡ chết. Rồi "ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi". Tưởng rằng Mị an phận chấp nhận cuộc sống trâu ngựa, nhưng không, "đêm tình mùa xuân" đã tới. Lòng ham sống, niềm khát khao hạnh phúc lứa đôi lần thứ hai ở Mị lại được đánh thức. Cô nhớ lại những ngày tươi đẹp trong quá khứ:
Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Ngày trước Mị thổi sáo giỏi. Mùa xuân này, Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị... Mị thấy phơi phới trở lại (...) Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xâu một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo. Mị muốn đi chơi...
Chính vì những hành động này Mị đã bị A Sử trói vào cột nhà. Tuy bị đau đớn, Mị vẫn thả hồn mình theo những đám chơi với tiếng hát tình tứ. Và sau cùng, Mị nhận thức được cuộc sống hiện tại của mình "không bằng con ngưạ" .
Sức sống mãnh liệt ở người phụ nữ này lại được trỗi dậy lần thứ ba, khi Mị chứng kiến cảnh A Phủ bị hành hạ có nguy cơ phải chết trong nay mai. Thương người, thương mình. Mị quyết định cởi trói cho A Phủ rồi cùng A Phủ chạy khỏi Hồng Ngài. Việc Mị cứu A Phủ, hai người thoát khỏi nhà Pá Tra, đã diễn ra một cách tự nhiên, hợp lý.
Chấp nhận cuộc sống trâu ngựa và khao khát được sống cuộc sống con người: nhẫn nhục và phản kháng là hai măt mâu thuẫn trong con người Mị. Sau cùng, tinh thần phản kháng, khát vọng hạnh phúc đã chiến thắng.
Như vậy, trong tác phẩm này, Tô Hoài đã thể hiện quá trình diễn biến tâm lí của Mị một cách chân thực, sinh động, tránh lối công thức sơ lược cua một số sáng tác cùng thời. (Ở đây có thể phân tích thêm nhân vật A Phủ, nhân vật sóng đôi có hoàn cảnh tương tự và số phận gắn bó với Mị để làm rõ thêm nhân vật người phụ nữ này).
3. Qua tác phẩm ta cảm nhận được màu sắc dân tộc đậm đà trong tác phẩm. Tô Hoài vốn là một nhà văn có biệt tài miêu tả thiên nhiên và phong tục tập quán. Trong Vợ chồng A Phủ , bằng khả năng quan sát sắc sảo, tinh tế, bằng năng lực dựng người, dựng cảnh sinh động đầy màu sắc dân tộc và giàu chất thơ. Tô Hoài đã khắc họa được nhiều bức tranh về thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, thơ mộng, nhiều phong tục độc đáo và hình ảnh của người dân tộc H'mông hồn nhiên, ngay thẳng. Từ cảnh xuân về trên bản đến cảnh vui chơi trong ngày Tết của nam nữ thanh niên, từ cảnh thổi sáo gọi bạn tình trong những đêm mùa xuân, đến cảnh kết bạn uống máu ăn thề, cảnh sinh hoạt trong nhà giàu có quyền thế..đều được miêu tả chân thực, sống động, gây ấn tượng đối với bạn đọc.
Hi vọng bài viết trên đây của Cùng học vui đã giúp các em có cái nhìn tổng quát và trọng tâm đáng ghi nhớ khi ôn tập phân tích tác phẩm Vợ chồng A Phủ. Chúc các em học tốt!
- Theo: Cùng học vui -