Phân tích nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân: Hành động & diễn biến tâm trạng
Phân tích nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân: Hành động & diễn biến tâm trạng
Vợ Chồng A Phủ là một tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Tô Hoài, tác phẩm đã khắc họa thành công bức tranh cuộc sống của người dân lao động vùng núi cao đặc biệt là số phận của người phụ nữ ở đây. Tác giả đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật Mị. Phân tích nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân để thấy được vẻ đẹp tâm hồn, sức sống tiềm tàng và khả năng đến với cách mạng của nhân dân Tây Bắc.
Phân tích nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân: Hành động & diễn biến tâm trạng
Mở bài mẫu
“Nhà văn phải biết khơi lên ở con người niềm trắc ẩn, ý thức phản kháng cái ác; cái khát vọng khôi phục và bảo vệ những cái tốt đẹp.” (A-ma-tốp) Tô Hoài là nhà văn như thế. Bằng sự am hiểu sâu rộng về phong tục tập quán và gắn bó máu thịt với miền đất Tây Bắc, ông đưa người đọc đến với những cảm xúc khó quên trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” (1952). Ở đó có nỗi khổ đau, đày đọa đang hiện hữu từng ngày, nhà văn ấy đã thổi vào nhân vật Mị - đại diện cho một tầng lớp nhân dân ở đây – ngọn gió của sức sống mãnh liệt, phản kháng mạnh mẽ trước cái ác. Điều đó thể hiện rõ qua diễn biến tâm lý nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân.
Xem thêm:
Tóm tắt vợ chồng A Phủ hay nhất
Hoàn cảnh sáng tác vợ chồng A Phủ
Phân tích nhân vật Mị hay nhất có dàn ý
Thân bài mẫu
Ngòi bút chân thực, giản dị và tự nhiên, Tô Hoài đưa người đọc hướng về quá khứ tươi đẹp của nhân vật Mị trước khi bắt đầu cuộc sống ảm đạm và tủi nhục tại nhà thống lý Pá Tra. Mị vốn là một thiếu nữ phơi phới sức sống. Cô nàng xinh đẹp, lại có tài thổi lá hay như thổi sáo. Chẳng có gì bất ngờ khi Mị “có nhiều người mê, ngày đêm đã thổi sáo theo Mị, ngày xuân người ta dẫm nát cả vách nhà Mị. Thế nhưng cô thiếu nữ H’Mông này đã có tình yêu của mình, luôn khao khát yêu và được yêu. Người con gái ấy chăm chỉ, hiếu thảo và có lòng tự trọng. Cô sẵn sàng làm nương ngô để kiếm tiền trả nợ nhưng quyết không chịu bán vào gia đình thống lí Pá Tra.
Nhưng tấn bi kịch đã xảy ra, Mị bị A Sử lừa bắt về làm vợ, bắt đầu chuỗi ngày đau khổ, tủi nhục. Mị không cam chịu, không chấp nhận cái sự thật nghiệt ngã ấy: “hằng mấy tháng trời đêm nào Mị cũng khóc”. Đã có lúc cô muốn chết đi nhưng vì thương cha, nàng đành chấp nhận cuộc sống không bằng chết này. Tác giả khéo léo thuật lại cuộc sống của Mị bằng đôi mắt của chính cô, với hình ảnh so sánh hết sức chân thực “Mị cứ lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”, “sống trong cái khổ, Mị quen khổ rồi” hay Mị cũng tự thấy mình không bằng con trâu, con ngựa, cứ sống cuộc đời ảm đạm, bi thương. Dường như thần quyền, cường quyền và bạo quyền đã dập tắt hoàn toàn ngọn lửa phản kháng trong Mị. Nhưng không, ngọn lửa ấy không hề tàn lụi mà đang âm ỉ cháy trong trái tim cô, trước vẻ đẹp của Hồng Ngài ngày xuân đã có dịp bùng lên.
Diễn biến tâm trạng nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân
Mị như được hồi sinh, thức dậy cả một kí ức tươi đẹp và trỗi dậy một sức sống, lòng ham sống đến cuồng nhiệt nhưng cũng đầy bi kịch. Mùa xuân ở Hồng Ngài được Tô Hoài lột tả từ chính đôi mắt yêu mến núi rừng của ông, nghệ thuật trần thuật, miêu tả đặc sắc tái hiện một bức tranh xuân rộn rã thanh âm và màu sắc. Thế giới bên ngoài ô cửa bằng lòng bàn tay nơi phòng Mị đẹp biết bao. Nào là màu vàng ửng của cỏ gianh và gió rét dữ dội, là màu đỏ của những chiếc váy hoa phơi trên những mỏm đá xòe ra như những con bướm sặc sỡ. Ngoài kia nô nức tiếng cười đùa của trẻ nhỏ, tiếng sáo, tiếng hát gọi bạn tình, tiếng của cuộc sống đang hiện hữu. Chính những hình ảnh và âm thanh ấy như một cơn gió thổi tung đám tàn tro đang vây quanh cuộc đời Mị, làm tan chảy tấm đá lạnh lẽo đã bao phủ trái tim cô. Ngòi bút nhân đạo của Tô Hoài như cho Mị được một sống lại.
Mị nhớ về quá khứ, Mị ngồi nhẩm thầm lời của người đang thổi sáo:
“Mày có con trai con gái rồi
Mày đi làm nương
Ta chưa có con trai con gái
Ta đi tìm người yêu”
Tiếng sáo làm Mị mạnh mẽ hơn, Mị muốn thoát khỏi cái lớp xác vô hồn ấy bằng một hành động “nổi loạn nhân tính”. Mị tìm đến rượu, nhưng không phải để tìm vui mà là để giải sầu “Mị uống ực từng bát rồi say”. Từ miêu tả tượng thanh “ừng ực”, như cô đang muốn nuốt hết căm hận vào lòng. Mị nghĩ về quá khứ, nhưng cũng đau đớn trước hiện thực phũ phàng: cô đã có chồng, cô làm vợ A Sử, con dâu của nhà thống lý Pá Tra nhưng nghiệt ngã thay, Mị còn không bằng con trâu, con ngựa. Ngay lúc này, tâm can Mị giằng xe khôn nguôi, liệu rằng cô gái trẻ có dám bước ra khỏi bụi mù số phận.
Xem thêm:
Dàn ý chi tiết phân tích tác phẩm vợ chồng A Phủ
Văn mẫu phân tích vợ chồng A Phủ chi tiết
Men rượu, tiếng sáo là tác nhân tác động đến tâm trạng cô gái, Mị phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng. Mị nhận ra rằng mình vẫn còn trẻ, Mị muốn đi chơi. Tiếng sáo gọi bạn vẫn lửng lơ bay ngoài đường:
“Anh ném pao, em không bắt,
Em không yêu, quả pao rơi rồi…”
Hàng loạt hành động mạnh mẽ như chính tâm thái bây giờ của Mị, cô thản nhiên xắn thêm miếng mỡ bỏ vào đĩa đèn cho sáng, quấn lại tóc, với tay lấy cái váy hoa, rút thêm cái áo. Mị làm đẹp cho mình, trân trọng bản thân và thắp sáng ngọn đèn cũng là thắp sáng cuộc đời tối tăm của cô. Những hành động “nổi loạn” ấy cứ thế diễn ra trong tiếng sáo dập dìu. Tiếng sáo gọi bạn tình như đem đến cho Mị một sức mạnh mới, khơi gợi khao khát yêu đương và hạnh phúc.
Mị quấn lại tóc, khao khát được đi chơi
Hiện thực vẫn là hiện thực, A Sử nhận ra những hành động khác lạ của Mị, hắn tàn độc, sẵn sàng đạp lên ngọn lửa mới bùng lên trong cô. A Sử trói Mị bằng cả một thúng sợi đay, quấn tóc lên cột làm cho Mị không cúi, không nghiêng được đầu nữa. Thế nhưng không có một dòng nào miêu tả thái độ phản kháng của Mị, cô chỉ im lặng, âm thầm cam chịu. Thể xác bị trói buộc, nhưng tinh thần và tâm hồn Mị đang dạo chơi, say đắm với niềm vui riêng mình. Trong bóng tối, Mị đứng im lặng như không biết mình đang bị trói. Lòng Mị bồi hồi theo tiếng sáo: “Em không yêu, quả pao rơi rồi, Em yêu người nào, em bắt pao nào...” Những vết dây trói đau nhức đưa Mị trở về với thực tại đau đớn, khổ nhục. Mị vùng bước đi, nhưng tay chân đau không cựa được. Mị không nghe tiếng sáo nữa, chỉ còn tiếng vó ngựa đạp vào vách.
Cứ như thế, Mị bị trói đứng cả đêm, thực tại và quá khứ cứ đan xen vào nhau, giằng xé tâm hồn Mị. Lúc là nỗi đau đớn khắp người bị dây trói thít lại, Lúc lại nồng nàn tha thiết nhớ. Hơi rượu tỏa, tiếng sáo, tiếng chó sủa xa xa, Mị lúc mê, lúc tỉnh. Rồi Mị nhớ đến câu chuyện về người đàn bà từng bị trói đứng mà chết trong nhà thống lý Pá Tra. Cô thương cảm cho đời người đàn bà lấy chồng nhà giàu ở Hồng Ngài, một đời chỉ biết đi theo đuôi con ngựa của chồng. Mà Mị cũng sợ nữa, Mị sợ chết, Mị sợ sẽ giống như người đàn bà kia, bị cuộc đời ám muội này dìm chết. Mị không còn lãnh cảm, lùi lũi như con rùa nữa, cô sợ chết và thiết được sống, cô muốn vùng lên, dẫu chỉ từ trong tinh thần.
Mặc dù cuộc trỗi dậy lần thứ nhất của Mị không thành, cô không thể thoát khỏi địa ngục trần gian là nhà bố con tên thống lí. Thế nhưng, Mị không còn là Mị của những ngày trước, Mị đã sống lại những thời khắc của tuổi thanh xuân tươi trẻ và mơ ước tự do. Nó như một đợt sóng dâng lên rồi nhanh chóng tan ra, dù chưa làm thay đổi cuộc đời Mị. Tuy nhiên, đây lại là con sóng ngầm mạnh mẽ hơn bao giờ hết, là động lực để Mị vùng lên, “nổi loạn” lần nữa, để cắt dây trói cho A Phủ và giải thoát cho chính cuộc đời cô, chạy trốn khỏi Hồng Ngài.
Bằng cách dựng cảnh sinh động, sử dụng những chi tiết đắt giá, cách lột tả nội tâm nhân vật nhiều bất ngờ thú vị cùng ngôn ngữ mộc mạc giản dị, nhà văn đã tạo nên giá trị nhân văn sâu sắc của tác phẩm, góp phần mang đến cho người đọc sự xúc động mãnh liệt trước số phận của đồng bào miền núi Tây Bắc dưới ách thống trị của bọn chủ nô.
Xem thêm:
Giá trị nhân đạo trong vợ chồng A Phủ
Soạn vợ chồng A Phủ ngắn gọn, chi tiết, mới nhất
Dàn ý cảm nhận nhân vật Mị trong vợ chồng A Phủ
Dàn ý phân tích nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân
Kết bài mẫu
Khép lại những trang sách, dư âm về nhân vật Mị, về cô gái Mèo xinh đẹp với sức sống tiềm tàng luôn thường trực, chỉ cần có cơ hội là bùng lên mạnh mẽ đã ghi sâu vào tâm khảm độc giả. Người ta còn đau đớn, thương cảm trước vẻ đẹp của một miền sơn cước trùng điệp, hùng vĩ lại đối lập hoàn toàn với những phận người sống trong áp bức của cường quyền, thần quyền, bất hạnh và tủi nhục. Bức tranh ấy được họa bằng ngòi bút rất tình của người con đã phải lòng Tây Bắc - Tô Hoài – một người có hiểu biết sâu rộng và gắn bó sâu sắc với con người, thiên nhiên nơi đây. Quả không sai khi nói Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” là kiệt tác bất hủ giàu giá trị nhân đạo, ám ảnh lòng người đến muôn đời.
Trên đây là dàn ý, bài viết phân tích nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân hay nhất. Hy vọng với cảm quan văn học sâu sắc, độc giả sẽ được thưởng thức một bữa tiệc nghệ thuật văn học đặc sắc, chiêm ngưỡng vẻ đẹp, sức sống và sự trỗi dậy tiềm tàng của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân cũng như nét đẹp riêng có của người dân Tây Bắc!