Đăng ký

BÀI CHI TIẾT PHÂN TÍCH GIÁ TRỊ NHÂN ĐẠO TRONG VỢ CHỒNG A PHỦ - VĂN 12

4,720 từ Phân tích

PHÂN TÍCH GIÁ TRỊ NHÂN ĐẠO TRONG VỢ CHỒNG A PHỦ 

      “Vợ chồng A Phủ” mang lại thành công nhất định trong kho tàng tác phẩm đồ sộ của Tô Hoài không những bởi cốt truyện đặc sắc mà con bởi giá trị nhân đạo thấm đượm trong từng câu chữ. Mời bạn đọc cùng tham khảo bài phân tích giá trị nhân đạo trong Vợ chồng A Phủ.  

 Phân tích giá trị nhân đạo trong vợ chồng A Phủ- CungHocVui

Phân tích giá trị nhân đạo trong vợ chồng A Phủ

Mở bài

      Mỗi một nhà văn đều mang trong mình một vùng đất để thương, để nhớ. Là Nguyễn Trung Thành dùng ngòi bút của mình khắc nên áng văn về Tây Nguyên đại ngàn dẫu chìm trong đau thương vẫn sáng ngời ý chí đấu tranh trong “Rừng Xà Nu”, là Kim Lân mang mối tương tư về những nẻo đường nông thôn Bắc Bộ với những con người lao động dung dị, giản đơn trong từng trang viết. Đó cũng là một Tô Hoài chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi khắc khoải về mảnh đất nơi rẻo cao Tây Bắc dẫu chỉ vỏn vẹn tám tháng hòa mình với nhịp sống nơi đây. 

      “Truyện Tây Bắc” gồm ba truyện: Cứu đất cứu mường, Mường giơn, Vợ chồng A Phủ, được ra đời như sự kết tinh tình cảm với những dân tộc anh em cả về đất lẫn về người, cũng là minh chứng cho vốn hiểu biết sâu sắc của nhà văn với từng mảnh đất ông đặt chân đến. “Đất và người miền Tây đã để thương, để nhớ cho tôi nhiều quá, tôi không có tham vọng đi sâu vào văn hóa người Mèo, ý tưởng của tôi là làm hồi sinh nơi con người” – Tố Hữu đã thật sự nhận thức được sứ mệnh nhân đạo của nhà văn là dùng ngòi bút hồi sinh lại nhựa sống cho những cành cây cằn cõi đang dần mất đi nhựa sống, vì lẽ đó xuyên từng câu từng chữ của ông đều đậm tính nhân đạo. 

Xem thêm:

Hướng dẫn vẽ sơ đồ tư duy vợ chồng A Phủ

Top 3 cách mở bài vợ chồng A Phủ hay nhất

Thân bài phân tích giá trị nhân đạo trong vợ chồng A Phủ

      Văn chương Tô Hoài tồn tại bền lâu là nhờ sự quyện hòa trọn vẹn giữa cốt truyện đầy tính nhân văn, giữa vốn tri thức giàu có về văn hóa và bởi tính nhân đạo được thấm đượm trong từng trang viết. Giá trị nhân đạo là giá trị cơ bản của tác phẩm văn học chân chính. Nó được tạo nên bởi sự cảm thông, chia sẻ đối với nỗi đau con người, sự nâng niu, trân trọng những nét đẹp trong tâm hồn con người và lòng tin vào khả năng vươn dậy của họ. Chủ nghĩa nhân đạo còn là ngọn đuốc soi đường đến ánh sáng tự do, giải phóng con người khỏi xiềng xích, áp bức, sẵn sàng đứng lên chống lại những giai cấp đã nhấn bản thân xuống đáy xã hội, giành lại hạnh phúc. “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài chính là áng văn đan cài hết những yếu  tố biểu hiện cho giá trị nhân đạo. 

 Phân tích chi tiết giá trị nhân đạo trong vợ chồng A Phủ- CungHocVui

Phân tích chi tiết giá trị nhân đạo trong vợ chồng A Phủ

 Lòng trân trọng của nhà văn đối với giá trị con người.

      Giá trị nhân đạo ở tác phẩm Vợ chồng A Phủ được thể hiện rõ nét nhất trước hết thông qua sự cảm thông sâu sắc với số phận bất hạnh của nhân vật Mị mà thông qua Mị ta còn có thể thấy được trăm ngàn cảnh đời khốn khổ khác. 

      Tô Hoài trân trọng giá trị, đồng cảm sâu sắc với những cảnh đời bị giày xéo kiếp nô lệ và cả những người phụ nữ mà giá trị bị coi là rẻ mạt nên hiện lên đầu thiên truyện là hình ảnh: “Cô con gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa cạnh tàu ngựa” thế nhưng cô ‘lúc nào cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi” – Hình ảnh đối lập với khung cảnh giàu sang, phú quý nơi nhà thống lý Pá Tra. Cách dẫn truyện mang lại hứng thú cho người đọc bởi sự tương phản nhưng lại khiến độc giả vỡ lẽ khi biết cô ấy là vợ A Sử, là con dâu thống lý. 

      Mị là cô gái Mèo nơi núi rừng Tây Bắc đang ở độ tuổi đẹp đẽ như những đóa hoa ban nở rộ chớm đầu xuân, Mị xinh đẹp đến mức “trai đến đứng nhẵn cả vách đầu buồng Mị”. Cô gái trẻ ấy lại có biệt tại thổi sáo “Mị thổi lá hay như thổi sáo”, “ có biết bao người mê ngày đêm thổi sáo đi theo Mị”. Mị còn là một mầm sống tự do, không thích sự ràng buộc, hăng say lao động, khi biết bị bắt làm dâu gạt nợ, Mị nói với bố: “ Con nay đã biết cuốc nương làm ngô con phải làm nương ngô giả nợ thay cho bố, bố đừng bán con cho nhà giàu”. Những tưởng đóa hoa của núi rừng ấy rồi sẽ được sống một cuộc đời vẹn tròn nhưng sóng gió cuộc đời ập đến vùi lấp đi hết những vẻ đẹp vừa chớm nở của đóa hoa.

      Một dấu chấm kết thúc cuộc đời luôn treo lơ lửng trên đầu từ khi Mị bị hủ tục cướp vợ cướp đi tự do, cũng là cướp đi cuộc đời. “Có đến hàng mấy tháng đêm nào Mị cũng khóc”, sự khốn khổ của Mị cứ thế đằng đẵng đến tận cùng khi cuộc đời đẩy Mị vào cái chết nhưng vì chữ hiếu Mị đành “ném nắm lá ngón xuống đất”, thậm chí đến quyền sống chết của bản thân Mị cũng không thể định đoạt. 

Xem thêm: 

Tóm tắt vợ chồng A Phủ hay nhất

Hoàn cảnh sáng tác vợ chồng A Phủ

      Chi tiết trên còn phản ánh lên hiện thực biết bao người phụ nữ bị thần quyền, cường quyền giam chân đến sống không bằng chết, chi tiết nhỏ nhưng phản ánh giá trị nhân đạo cũng như lòng trân trọng sâu sắc giá trị con người của tác giả. Mị cũng như những người phụ nữ khác đã chọn cho mình cái chết khác, là chết mòn trong chính cuộc đời của mình. Tác giả còn khắc họa rõ nét bức tranh hiện thực khốc liệt của phụ nữ vùng cao vào trong suy nghĩ của Mị, đồng thời bày tỏ niềm cảm thông đầy nhân văn: “

      Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Bây giờ Mị tưởng mình cũng là con trâu con ngựa”. Một tiếng thở dài não lòng cất lên gói gọn trong vài con chữ bởi chỉ khi bị cuộc đời vùi dập tàn khốc, bị cường quyền trấn áp về thể xác lẫn, bị thần quyền khống chế về tinh thần, con người mới hạ giá trị bản thân xuống tầm con trâu, con ngựa. Mị làm việc bất kể ngày đêm, bất kể năm tháng, không chút ngơi tay. 

      Đối với gia đình thống lý, con dâu vốn chỉ là những thứ hàng hóa rẻ mạc, cứ thế vắt kiệt cả thể chất lẫn tinh thần cũng như luôn bị đòn roi đay nghiến. Ngày qua ngày, từ cô gái tràn trề sức sống Mị “ lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”, Mị sống trong căn buồng kín mít “ có một chiếc cửa sổ lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng thấy trăng trắng không biết là sương hay là nắng”, căn buồng kín mít ấy như ngục thất tinh thần, như mồ chôn tuổi xuân của Mị. Nỗi khổ sở đã giày xéo tâm can của Mị, đạt đến đỉnh điểm khi “Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con trâu, con ngựa”.

      Tô Hoài thông qua lăng kính nhân đạo của mình đẩy bất hạnh của Mị lên đỉnh điểm khi so sánh Mị thua cả trâu, ngựa. Phép vật hóa kết hợp với tăng tiến trong cảm xúc là sự thấu cảm cho cảnh đời của Mị, cũng là trân trọng những người phụ nữ dẫu bị thần quyền, cường quyền chèn ép vẫn vẹn nguyên giá trị bên trong. 

Nhà văn mở ra một tương lai xán lạn hơn cho nhân vật của mình

 Phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm vợ chồng A Phủ- CungHocVui

Phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm vợ chồng A Phủ

      “Nếu cảm hứng nhân bản nghiêng về đồng cảm với những số phận rất người của con người, cảm hứng nhân văn nghiêng về ngợi ca vẻ đẹp con người thì cảm hứng nhân đạo là cảm hứng bao trùm”. Xuyên suốt “Vợ chồng A Phủ” ta dễ dàng nhận ra giá trị nhân đạo. Giá trị nhân đạo ở đây là giá trị cốt lõi thông qua chân trọng giá trị con người, đồng cảm sâu sắc với cảnh ngộ nhân vật, lên án những tội ác mà bọn chúa đất đang làm như bán máu đồng bào trên chính quê hương của mình. Đặc biệt là mở ra cho nhân vật của mình tìm thấy một con đường thoát thân. 

      Tuy bị số phận liên tiếp đè lên những bất hạnh, Tô Hoài vẫn cho nhân vật của mình như được hồi sinh khát vọng sống. Tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân đã đánh thức tuổi xuân bị lãng quên trong Mị. Mị từ một người đàn bà câm lặng đã lẩm nhẩm theo lời người đang hát: “anh ném pao, em không bắt, em không yêu, quả pao rơi rồi”. Tiếng sáo từ gần đến xa, từng mơ hồ cho đến hiện tại, nó làm Mị sống lại những ngày trước, nghe thấy ngọn lửa của khát vọng sống đang nhen nhóm bên trong, đánh thức được những kí ức tuổi trẻ trọn vẹn. 

      Nhà văn đã thật nhân đạo khi kết hợp hài hòa giữa hơi rượu, giữa không khí mùa xuân và tiếng sáo, nó giúp Mị thay đổi nhận thức. Mị nhận ra được “Mị trẻ lắm, Mị vẫn còn trẻ, Mị muốn đi chơi”. Chi tiết Mị cắt dây cởi trói cho A Phủ rồi cùng đi theo Cách mạng như sự trân trọng giá trị, đồng thời đấy là ngọn đuốc soi đường giải phóng nhân vật ra khỏi những đêm trường tối tăm của cuộc đời. 

      Khác với văn học trước 1945, văn chương của Tô Hoài nói riêng và của đương thời nói chung mở ra cho nhân vật mình một đường tương lai. Nếu Ngô Tất Tố đã kết thúc “Tắt đèn” rằng: “Chị vùng chạy ra ngoài giữa lúc trời tối đen như mực – Đen như cái tiền đồ của chị vậy” bởi người ta bị cơm áo gạo tiền, bị địa chủ, thực dân giày xéo thì ở “Vợ chồng A Phủ” Mị cũng “lao đi trong bóng tối”. Nhưng bóng tối của Mị là sự kết thúc những tháng ngày khổ đau, khi đi qua bóng tối ấy con người sẽ dần chạm đến ánh sáng, ánh sáng của Cách mạng, cũng là ánh sáng tự do. 

Xem thêm: 

Phân tích ai đã đặt tên cho dòng sông hay nhất

Dàn ý phân tích hình tượng con sông Đà trong người lái đò sông Đà

Tố cáo những tội ác của bọn địa chủ đã làm với phụ nữ nói riêng và nhân dân lao động nói chung

      “Vợ chồng A Phủ” còn là sự kết án đanh thép những tội ác mà bọn chúa đất phong kiến đã làm với dân tộc. Bọn địa chủ chính là cánh tay đắc lực mà thực dân Pháp sử dụng để bóp chết chính đồng bào mình, chúng lợi dụng quyền lực để đàn áp những giai cấp bé cổ thấp họng đến tận xương tủy. Đơn cử là chi tiết xử kiện A Phủ, chứng cứ luân phiên hút thuốc phiện rồi lại lôi A Phủ ra đánh, cứ thế kéo dài miên viễn. 

      Ngoài ra, Tô Hoài còn bộc lộ sự căm phẫn của mình với bọn chúa đất thông qua câu nói của Mị rằng lấy chồng nhà giàu ở Hồng Ngài, phụ nữ mãi chỉ đi theo đuôi con ngựa của chồng. Danh xưng con dâu nhà thống lý nghe rất đỗi quyền lực nhưng thực chất lại quá đỗi chua chát. Tuy đang sống cuộc sống hôn nhân nhưng chưa một giây, một khắc nào Mị cảm nhận được hạnh phúc gia đình, hơi ấm tình thân. Những người phụ nữ ấy là thứ công cụ mà con trai bọn nhà giàu, quý tộc rước về để sống đời nô lệ. 

 Giá trị nhân đạo mà tác phẩm vợ chồng A Phủ mang lại- CungHocVui

Giá trị nhân đạo mà tác phẩm vợ chồng A Phủ mang lại

      Bên trong bọn máu lạnh ấy không tồn tại tình người, khi đã chán người phụ nữ đầu ấp tay kề với mình chúng sẵn sàng tìm kiếm người khác rồi tự cho mình quyền sinh, quyền sát, ngang nhiên bạo hành, đánh đập vợ không khác gì một cành cây, ngọn cỏ vô tri. 

      Hình ảnh người phụ nữ bị trói chết đứng đã đạt đến đỉnh cao đau đớn trong lòng độc giả, cũng rõ nét lên những căm phẫn tồn đọng với xã hội nhiễu nhương dùng thần quyền, cường quyền trói buộc con người. Tô Hoài đã tố cáo sự bạo hành man rợ của bọn chúng thông qua chi tiết ngay cả khi Mị ngồi lẳng lặng thổi lửa, hơ tay vẫn bị xem là cái gai trong mắt A Sử, nó “ngứa tay đánh Mị ngã ngay xuống cửa bếp” 

Kết bài phân tích giá trị nhân đạo trong vợ chồng A Phủ

      “Vợ chồng A Phủ” trở thành một tác phẩm thành công bởi thông qua đó, ta thấy được muôn vàn những giá trị nhân đạo thấm đượm nhân vân. Là lòng yêu thương con người sâu sắc của tác giả, là sự tố cáo một cách thẳng thừng những tội ác của thực dân, chúa đất, cũng là một sự mở đường để đi đến những tương lai tốt đẹp hơn. Bởi như có người từng nói: “Văn chương Tô Hoài còn mãi, xanh biếc theo thời gian, bởi nó phả lại nhịp đập lịch sử, bởi nó nói lên câu chuyện muôn đời của kiếp nhân sinh”.

      Trên đây là bài chi tiết phân tích giá trị nhân đạo trong vợ chồng A Phủ. Hy vọng qua bài viết bạn sẽ hiểu hơn về tác phẩm, về cuộc sống đầy cơ cực của những người phụ nữ trong xã hội lúc bấy giờ cũng như sự tài hoa của tác giả.

 

shoppe