Phân tích nhân vật cái Tí qua đoạn trích (" Con có thương thầy thương u...") trong “Tắt đèn”
Phân tích nhân vật cái Tí qua đoạn trích (" Con có thương thầy thương u...") trong “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố.
“U nhất định bán con đấy ư ?... Trời ơi!... Ngày mai con chơi với ai ? Con ngủ với ai ?". Ai đã từng đọc “Tắt đèn" của Ngô Tất Tố ? Những tiếng kêu thương thống thiết của một bé gái lên bảy tuổi nức nở cất lên trong mái nhà tranh của một xóm nghèo giữa những ngày đốc sưu đốc thuế hãi hùng thời Pháp thuộc, hơn 70 năm sau vẫn còn làm thổn thức, tê tái lòng người.
Đó là cái Tí, con gái đầu lòng của chị dậu, một trong những em bé đau khổ nhất, đáng thương nhất. Tuổi thơ đầy bất hạnh, nhưng em có bao đức tính tốt đẹp "con nhà lành". Ngô Tất Tố rất nhân hậu khi ông nói về em bé đau khổ này với bao tình xót thương, làm ta rơi lệ.
Chị Dậu nghèo khổ "hết nạn nọ đến nạn kia". Sau hai cái tang mẹ chồng và em chồng, gia đình chị "lên đến bậc nhì, bậc nhất trong hạng cùng đinh". Cái Tí tuy đói cơm rách áo, nhưng nó đã mang sẵn trong tâm hồn bao phẩm chất của người mẹ thân yêu của mình. Em rất ngoan ngoãn, siêng năng, nhanh nhẹn, tháo vát, biết thương em và hiếu thảo, bố đang bị bọn cường hào giam giữ, đánh trói ở ngoài đình; mẹ đang tất tả chạy vạy tiền nộp sưu cho bố, một mình em quán xuyến hết mọi việc trong gia đình. Vừa bế em, vừa "hì hục rửa khoai, tra nồi xin lửa nhóm bếp". Rất chu đáo, lúc nào cũng quan tâm sán sóc bố mẹ. Thấy mẹ về nó "đon đả" chào mẹ; nó hỏi thăm bố đã được ông lí "cởi trói" cho chưa Nó băn khoăn hỏi về cái nón "bị rách tan tành", về ngón tay mẹ làm sao lại phải buộc thế?. Khoai chín, cái Tí "tung tăng chạy" lấy hai cái bát to, gắp chọn những mẩu khoai to ấp đầy hai bát, một bát để phần bố, một bát dành cho mẹ. Như người lớn, no ân cần nói: Mời u xơi khoai đi ạ !. Nó lấy quạt nan quạt cho khoai chóng nguội để hai đứa em đang đói được ăn một cách ngon lành. Mọi lời nói, mọi cử chỉ của cái Tí thật dịu dàng và rất tình cảm. Nó lại mời u ăn khoai "đế lấy sữa cho em nó bú" nó thương mẹ và hỏi một cách thiết tha: "Sáng nay người ta đấm U có đau lắm không? Thế làm sao u cứ khóc mãi mà không ăn khoai ?"... Cũng như mọi đứa trẻ thơ khác, nó hồn nhiên, ngây thơ muốn được mẹ khen. Nó kể việc bế em, dỗ em, việc nhóm bếp luộc khoai,... rồi hỏi mẹ: U bảo con có ngoan không?. Niềm vui ngây thơ của một đứa con bé bỏng, của một người chị lên bảy tuổi dào dạt mãi trong lòng cái Tí, thật dễ thương.
Một đức tính tốt đẹp nữa của cái Tí là tinh thân cam chịu và giàu đức hi sinh. Ngô Tất Tố đã thể hiện một cách tinh tế, cảm động những diễn biến tâm lí, tình cảm của một em bé bị mẹ bán đi để lấy tiền nộp sưu cho bố. Nó "đon đả" chào mẹ, kể hết mọi chuyện trong nhà, bỗng nó "xám mặt lại" và "luống cuống" khi nghe mẹ nói: "Con chỉ được ăn ở nhà một bữa này nữa thôi"... Nó choáng váng, hoảng hốt "giẫy nẩy giống như sét đánh bên tai", liệng củ khoai vào rổ và oà lên khóc. Đau đớn như bị xé tim gan, như tan nát cả lòng, như rụng rời cả chân tay, nó van khóc thảm thiết: "U bán con thật đấy ư? Con van u, con lạy u, con còn bé bỏng, u đừng ffem bán con đi, tội nghiệp!.U để cho con ở nhà chơi với em con"... Nghe con kêu van mà chị Dậu không cầm nổi nước mắt, "thổn thổn thức thức" như bị xé cả nỗi lòng ! Nhìn thấy u nó xích con chó cái, bắt đàn chó con vào trong rổ thưa, nó "vững dạ ngồi im" vì tưởng ổ chó sẽ "thế mạng" cho nó. Nhưng khi mẹ giục phải đi cái Tí lại rụng rời van khóc: "U nhất định bán con đấy ư ?... Khốn nạn thân con thế này ! Trời ơi. Nghe mẹ khóc, nghe mẹ cầu khẩn: "con có thương thầy thương u..", cái Tí tuy vẫn khóc "rưng rức" nhưng vốn là một đứa bé rất ngoan, rất hiếu thảo, nó "hiểu nỗi đau lòng của mẹ", tình cảnh đau đớn của bố, nên nó đã "lau sạch nước mắt" chấp nhận một sự hi sinh để cứu bố. Đứa chị bé bỏng nên đau khổ đến chia tay hai em, nhưng khi thấy thằng Dần khóc, nó cũng "khóc hu hu", và cố van nài mẹ cho nó ở nhà với các em một đêm nay nữa. Nghe mẹ khóc, nó chợt hiểu bố nó "sẽ chết ở đình, chứ không sống được" nếu không có tiền nộp sưu! Hình ảnh cái Tí "hai hàng nước mắt ròng ròng, hôn hít các em một lượt nữa, rồi lủi thủi đội nón mê lên đầu và cáp gói áo vào nách" theo mẹ và ổ chó cùng đi sang nhà Nghị Quế đã để lại bao nỗi đau trong lòng người bấy nay !
Đoạn văn "Con có thương thầy, thương u..." là chương X, XI trong "Tắt đèn". Sưu thuế của "ông Tây" đã giáng tai họa khủng khiếp lên đầu một gia đình cùng khổ. Bố bị đánh trói thập tử nhất sinh. Mẹ bị hành hạ đau đớn, nhục nhã. Con phải đem bán cùng chó để nộp sưu. Bao máu, nước mắt và tiếng kêu thương. Cái Tí là hiện thân của sự đau khổ tột cùng đã vạch trần bộ mặt đen tối, xấu xa, vô nhân đạo của cái chế độ thực dân nửa phong kiến. Đồng thời cái Tí còn là biểu tượng cảm động về lòng vị tha, đức hi sinh, tình hiếu thảo. Nhân vật cái Tí đã góp phần tô đậm giá trị nhân đạo của tác phẩm "Tắt đèn".
Đúng như nhà văn Nguyễn Tuân đã nhận xét: " Văn xuôi, thể truyện nói về trẻ em Việt Nam, cái chương X đó phải được xếp vào những trang tốt đẹp và cảm kích nhất..".