Đăng ký

Phân tích người đàn bà hàng chài trong chiếc thuyền ngoài xa: văn 12

3,250 từ Phân tích

Bài mẫu phân tích người đàn bà hàng chài trong chiếc thuyền ngoài xa

      Bài phân tích người đàn bà hàng chài giúp bạn hiểu rõ hơn về tác phẩm, đặc biệt là những góc khuất trong tâm hồn của những người phụ nữ cũng như trong tâm hồn của chúng ta. Cùng theo dõi bài phân tích chi tiết dưới đây để hiểu rõ hơn.

 Bài mẫu phân tích người đàn bà hàng chài - CungHocVui

Bài mẫu phân tích người đàn bà hàng chài 

Mở bài người đàn bà hàng chài trong chiếc thuyền ngoài xa

     Trên giao lộ của hành trình tìm kiếm và khám phá những góc khuất đẹp nhất trong tâm hồn con người, chúng ta có thể bắt gặp nhiều người nghệ sĩ với những phong cách hoàn toàn khác nhau. Mỗi người trong họ đã điểm tô một màu sắc riêng vào nền văn học Việt Nam, để rồi tạo nên những giá trị vĩnh hằng được gửi gắm vào từng tuyến nhân vật. Trong đó, Nguyễn Minh Châu đã khai thác được những nghịch lý trong cuộc sống của một người đàn bà làng chài khắc khổ trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”. Thông qua đó, người đọc dường như nhìn thấy được những vẻ đẹp được cất giấu dưới vẻ ngoài thô kệch, dưới cuộc sống cùng cực của những người đàn bà vùng biển nói riêng và người phụ nữ Việt nói chung.

Xem thêm:

Dàn ý cảm nhận chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu

Bài cảm nhận chiếc thuyền ngoài xa chi tiết, hay nhất

Thân bài phân tích người đàn bà hàng chài

     Trong một chuyến đi sáng tác của người nhiếp ảnh tại vùng đất biển, Phùng đã có những cái nhìn nhiều chiều về cuộc sống, về những góc khuất mà thường ta vẫn hay bỏ lỡ. Hình ảnh người đàn bà làng chài hiện lên trước mắt anh, khiến anh vừa khó hiểu, vừa tức giận, vừa băn khoăn, lại vừa đau xót. Đó phải chăng là một biểu tượng của cuộc sống cực nhọc, lại chịu nhiều thiệt thòi của người phụ nữ xưa và nay.

     Người đàn bà làng chài được tác giả xây dựng với một hình ảnh nhọc nhằn, lam lũ. Nguyễn Minh Châu không gọi với một cái tên cụ thể nào, mà chỉ dùng cách gọi phiếm định “mụ” và “người đàn bà hàng chài” khi nhắc đến nhân vật. Có lẽ, việc không đặt tên mang một dụng ý nghệ thuật sâu sắc. Phải chăng, tác giả đang nhấn mạnh một sự thật đau thương rằng, đây nào phải câu chuyện riêng của một ai, mà đây chính là số phận chung của rất nhiều người đàn bà, họ rất cần được chia sẻ, được cảm thông và được yêu thương.

 Người đàn bà hàng chài thể hiện cho số phận chung của nhiều phụ nữ- CungHocVui

Hình ảnh người đàn bà hàng chài thể hiện cho số phận chung của nhiều phụ nữ

     Đó là một “người đàn bà trạc ngoài 40”, người đàn bà ấy “cao lớn với những nét thô kệch”, trên khuôn mặt rỗ ấy hằn lên sự “mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt, dường như đang buồn ngủ”. Có lẽ, gánh nặng của cuộc sống mưu sinh trên biển cả đã cướp đi mọi thứ của người đàn bà ấy, cướp đi cả sinh lực, niềm vui và sức sống vốn có của chị. Hình ảnh này khiến ta cảm nhận được cuộc sống của chị hẳn đầy nhọc nhằn và khổ sở. Với những chi tiết “tấm áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng” càng gợi nên sự chua xót trong mảnh đời khốn cùng. Sự khốn khổ ấy còn được thể hiện qua dáng vẻ sợ sệt, lúng túng của chị. Phải chăng, đó chính là dáng vẻ của một người luôn tự ti, luôn coi sự có mặt của mình là một điều dư thừa, phi lý. Và chính sự mặc cảm ấy đã khiến người đàn bà luôn “rón rén”, “thu người lại” để giảm thiểu đi sự phiền phức, vướng víu mà mình mang đến cho mọi người xung quanh.

     Cùng với hành trình tìm kiếm cái đẹp của nhiếp ảnh Phùng, ta như nhìn thấy những vẻ đẹp bên trong của người đàn bà mang ngoại hình thô kệch ấy. Đôi mắt của chị là hằn cả sự cam chịu, nhẫn nhục. Đôi mắt ấy cũng đầy thương xót, đầy ai oán nhưng lại đẹp đẽ, tươi sáng lạ lùng khi nghĩ về những đứa con của mình.

     Không chỉ dừng lại ở việc khai thác cuộc đời của người đàn bà qua vẻ ngoài, Nguyễn Minh Châu đã dùng ngòi bút thấm đẫm tinh thần nhân đạo để khám phá những góc khuất hiện thực về số phận bất hạnh của người đàn bà. Càng theo dõi câu chuyện, tâm hồn cao đẹp, giàu đức hi sinh được cất giấu sau vẻ ngoài khắc khổ của người đàn bà càng trở nên sáng đẹp lạ thường.

Xem thêm:

Cảm nhận về người đàn bà hàng chài trong chiếc thuyền ngoài xa

Vẻ đẹp khuất lấp của người đàn bà hàng chài trong chiếc thuyền ngoài xa

     Trước sự bạo lực của người chồng, chị vẫn nhẫn nhịn, câm lặng, không một lời oán than. Sự cam chịu ấy vẫn được lặp lại khi chị đến hầu tòa. Hình ảnh của chị như trở thành một nỗi ám ảnh khó thể phai trong lòng người đọc. Cuộc sống của chị nặng nề, thê lương đến nhường nào mới có thể dạy được sự câm lặng khi hiện tại?

     Người đàn bà ấy không chỉ bị hành hạ về thể xác, không chỉ bị hút cạn sinh lực sau những đêm thức trắng kéo lưới, không chỉ chịu sự đau đớn từ những trận đòn tàn bạo của người chồng mà còn bị giày vò đến tả tơi về tinh thần. Chị ta luôn sống trong sự lo sợ, rằng con của mình sẽ bị tổn thương khi chứng kiến nỗi đau mà mẹ nó đang gánh phải, và chúng liệu có bị hủy hoại khi phải nhìn mãi cảnh đời trái ngang? Một người mẹ vừa khóc vừa vái lạy con để nó “đừng phạm phải một tội ác trái luân thường đạo lí” như khắc sâu vào tâm khảm của mỗi người. 

     Nỗi đau của người phụ nữ ấy nào chỉ như thế. Chị còn phải đối diện với những gánh nặng của cuộc sống, đó là gánh nặng cơm áo gạo tiền, gánh nặng của cuộc sống nghèo túng. Sự nghèo túng ấy chẳng hề buông tha chị, nó bám lấy và quẩn quanh trong cuộc sống bất hạnh của chị. Trước 1975, cả nhà chị luôn phải ăn xương rồng luộc chấm muối mỗi khi biển động. Sau khi cách mạng về, những tưởng mọi thứ sẽ ổn hơn. Ấy thế mà, cuộc sống đỡ đói khổ hơn chút, nhưng nỗi lo cơm áo gạo tiền nào có nguôi ngoai?

 Người đàn bà hàng chài với nhiều cam chịu- CungHocVui

Hình ảnh người đàn bà hàng chài với nhiều cam chịu

     Đi đến tận cùng của đau đớn và tìm thấy một con đường giải thoát, nhưng chị vẫn lặng lẽ và cam chịu đau khổ. Chị vái lạy quan tòa cũng  như vái lạy con trai không làm điều dại dột với bố đã lột tả sự nhẫn nại và đức hi sinh cao quý của mình. Điều gì đã khiến người phụ nữ ấy luôn sống như thế trong suốt những năm qua? Đó là sự hèn nhát đã ăn mòn và làm biến mất đi bản năng phản kháng của chị, hay chính đức hi sinh và tình thương của một người mẹ đã cho chị nghị lực sống trong nghịch cảnh đến tận hôm nay?

     Người đàn bà ấy thổ lộ những tâm tình về cuộc sống, về chồng, về con vừa khiến ta thương xót, lại thêm phần khâm phục. Chị ta yêu chồng, cảm thông cho chồng dẫu cho bản thân luôn chị chính chồng ngược đãi. Chị ta thương con vô điều kiện, để rồi vì tình mẫu tử thiêng liêng mà ôm mọi oán hờn vào lòng, không đòi hỏi bất cứ điều gì.

     Ta như ứa nước mắt trước niềm vui sống, động lực nhỏ nhoi của người đàn bà khắc khổ này. Chị chỉ cần nhìn đàn con ăn no là chị đã mãn nguyện và hạnh phúc rồi. Sức mạnh tồn tại và nhẫn nhịn cho đến tận hôm nay của chị chính là những đứa con. Chị sẵn sàng chịu đựng mọi thứ vì miếng cơm manh áo, vì cho con một cuộc sống đủ đầy. Cuộc đời chị dẫu lắm đau thương, lắm nước mắt, nhưng chị nguyện nhận hết vì chồng con. Để rồi, ta như nhận thấy đằng sau con người thô kệch mang số phận đau khổ ấy là một phẩm chất cao đẹp, trân quý nhường nào.

Xem thêm:

Dàn ý phân tích người đàn bà hàng chài đầy đủ ý

Kết bài phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài trong chiếc thuyền ngoài xa

     Không phải ngẫu nhiên mà tác giả gọi chị là “người đàn bà”, bởi lẽ đây nào phải người đàn bà duy nhất, mà là cuộc sống chung mà nhiều người đàn bà đang gặp phải. Nguyễn Minh Châu chính là người đã vẽ nên bức tranh hiện thực về số phận của người phụ nữ vùng biển, để rồi khiến ta phải suy ngẫm mãi về sau. Cảm nhận về hình ảnh người đàn bà làng chài chính là cái nhìn triết lý, đa chiều trong cuộc sống của tác giả. Và có lẽ, tấm lưng bạc phếch, ướt sũng như chính cuộc đời tăm tối của người đàn bà sẽ còn ám ảnh rất nhiều độc giả, cả khi đã gấp lại trang sách.

     Đó là bài phân tích người đàn bà hàng chài mà bạn có thể tham khảo trong quá trình học tập và tìm hiểu về tác phẩm chiếc thuyền ngoài khơi xa. Cảm ơn bạn đã đón đọc các bài viết trên CungHocVui.

shoppe