Đăng ký

Soạn bài chiếc thuyền ngoài xa

3,569 từ Soạn bài

Câu 1. Phát hiện thứ nhất của người nghệ sĩ nhiếp ảnh là gì? Anh đã cảm nhận như thế nào về vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa trên biển sớm mờ sương?

     Phát hiện thứ nhất của nhân vật nghệ sĩ nhiếp ảnh đầy thơ mộng.Sau mấy buổi sáng “phục kích”, gần một tuần lễ suy nghĩ, tìm kiếm Phùng đã phát hiện ra một cảnh thật ưng ý. Chưa bao giờ, suốt một đời cầm máy ảnh, anh được thấy một cảnh “đắt” trời cho như vậy : “Trước mặt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi, toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào. Chẳng biết ai đó lần đầu đã phát hiện ra bản thân cái đẹp chính là đạo đức? Trong giây phút bối rối, tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lí của sự hoàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Đó là hạnh phúc lớn nhất của người nghệ sĩ. Cái hạnh phúc của khám phá và sáng tạo của sự cảm nhận cái đẹp diệu kì tột độ. Trong giây phút ấy, giây phút bắt gặp cái tận thiện, tận mĩ, anh thấy tâm hồn mình trong trẻo tinh khôi kì lạ như vừa được gột rửa bởi cái đẹp hài hòa lãng mạn từ hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa giữa trời biển mờ sương huyền ảo.

Câu 2. Phát hiện thứ hai của người nghệ sĩ nhiếp ảnh mang đầy nghịch lí. Anh đã chứng kiến và có thái độ như thế nào trước những gì diễn ra ở gia đình hàng chài?

     Phát hiện thứ hai của nhân vật nghệ sĩ nhiếp ảnh mang đầy nghịch lí. Đó là từ cảnh thuyền và biển thật đẹp từng đem đến cho anh khoảnh khắc hạnh phúc tuyệt vời của sự khám phá và sáng tạo lại xuất hiện những cái thật xấu, cực kì xấu. Từ chiếc thuyền ngoài xa đẹp như trong mơ ấy đã xuất hiện một người đàn bà xấu xí mệt mỏi, cam chịu; một lão đàn ông thô bạo độc ác, dữ dằn thẳng tay đánh đập vợ và coi việc đó như một phương cách để giải tỏa nỗi uất ức, buồn khổ của mình. Xuất thân là một người lính cầm súng chiến đấu bảo vệ đất nuớc, bảo vệ cảnh thuyền biển bao la, Phùng bất bình khi chứng kiến hành động độc ác của lão đàn ông. Nhưng anh chưa kịp xông ra can thiệp thì Phác, đứa con trai của lão, đã kịp đến đế che chở cho người mẹ đáng thương của mình. Chỉ ba hôm sau, khi lại phải chứng kiến cảnh đau lòng ấy, Phùng mới thể hiện được bản chất người lính là không thể vô cảm trước sự bạo hành của cái ác, cái xấu. Phùng xông ra buộc lão đàn ông phải chấm dứt hành động tội ác. Lão đàn ông đánh trả khiến Phùng bị thương phải đưa vô trạm y tế của tòa án huyện, nơi đây có Đẩu bạn chiến đâu ngày xưa của anh. Lúc này, người nghệ sĩ nhiếp ảnh bỗng cay đắng nhận ra rằng những cái xấu, cái ác, những bi kịch của gia đình thuyền chài kia là bản chất của thực sự sau vẻ ngoài đẹp đẽ của những bức ảnh diệu kì mà anh vừa dày công chụp được.

Câu 3. Câu chuyện của người đàn bà ở tòa án huyện nói lên điều gì?
 

      Câu chuyện của người đàn bà làng chài ở tòa án huyện là câu chuyện về sự thật đời sống ở bình diện đạo đức thế sự. Câu chuyện này đã giúp cho Phùng, cho Đẩu hiểu rõ được duyên cớ của những điều tưởng chừng như rất mực vô lí khó thể tin được. Người đàn bà trạc ngoài bốn mươi thô kệch rỗ mặt, luôn xuất hiện với “khuôn mặt mệt mỏi”, gợi lên vẻ nhọc nhằn lam lũ. Bà thường xuyên bị chồng đánh đập hành hạ thật khốn khổ “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”, nhưng bà vẫn nhẫn nhục cam chịu “không hề kêu một tiếng, không chống trả, không tìm cách trốn chạy". Bà vẫn nhất quyết không chịu li thân, mà tự nguyện gắn bó trọn đời với lão đàn ông vũ phu hung bạo ấy. Nguyên do? Phải nghe lời bày giãi thật tình của bà người ta mới biết trong cuộc kiếm sống đầy khó khăn gian khổ trên chiếc thuyền ngoài khơi biển xa cần phải có một người đàn ông khỏe mạnh và biết nghề. Phải có thế thì đàn con của bà mới sống và lớn lên được. Nghĩa là nguồn gốc mọi sự chịu đựng hi sinh của người đàn bà hàng chài này là tình thương không giới hạn đối với những đứa con “đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa... phải sống cho con chứ không thể sống cho mình...”.

   Bởi vậy, nếu nhìn nhận vấn đề một cách giản đơn, người ta chỉ cần yêu cầu người đàn bà bất hạnh li hôn là xong. Nhưng nếu hiểu sự việc cặn kẽ thấu đáo thì mới thấy cách xử sự của bà ấy là không thể khác được. Sự cam chịu nhẫn nhục của người đàn bà làng chài thật đáng để mọi người chia sẻđiều thấm thía là không thể đơn giản và sơ lược khi nhìn nhận mọi hiện tượng của cuộc đời.
Câu 4. Nêu cảm nghĩ về các nhân vật: người đàn bà vùng biển, lão đàn ông độc ác, chị em thằng Phác, người nghệ sĩ nhiếp ảnh.

    -    Về người đàn bà vùng biển: tác giả gọi một các phiếm định "Người đàn bà", điều tác giả gây ấn tượng chính là số phận của chị. Ngoài 40, thô kệch, mặt rỗ, xuất hiện với "khuôn mặt mệt mỏi"; người đàn bà gợi ấn tượng về một cuộc đời nhọc nhằn, lam lũ, nhiều cay đắng. Bà thầm lặng chịu mọi đau đớn khi bị chồng đánh không kêu lên một tiếng, không chống trả, không trốn chạy. "Tình thương con cũng như nỗi đau, sự thâm trầm trong việc hiểu thấu các lẽ đời hình như mụ chẳng để lộ ra bên ngoài"... Một sự cam chịu đáng chia sẻ, cảm thông.

    -   Về người đàn ông độc ác: cuộc sống đói nghèo, lam lũ đã biến "anh con trai" cục tính nhưng hiền lành xưa kia thành một người chồng vũ phu. Lão đàn ông "mái tóc tổ quạ", "chân chữ bát ", "hai con mắt đầy vẻ độc dữ" vừa là nạn nhân của cuộc sống khốn khổ/vừa là thủ phạm gây nên bao đau khổ cho người thân của mình".

    -      Về chị em thằng Phác: bị đẩy vào tình thế khó xử khi ở trong hoàn cảnh ấy. Chị thằng Phác, một cô bé yếu ớt mà can đảm, đã phải vật lộn để tước con dao trên tay thằng em trai, ngăn em việc trái luân thường đạo lí. Cô bé là điểm tựa vững chắc của người mẹ đáng thương, cô đã hành động đúng khi cản được việc làm dại dột của đứa em, lại biết chăm sóc, lo toan khi mẹ phải đến tòa án huyện. Thằng Phác thương mẹ theo kiểu của một cậu bé con còn nhỏ, theo cách một đứa con trai vùng biển. Nó "lặng lẽ đưa mấy ngón tay khẽ sờ trên khuôn mặt người mẹ, như muốn lấy đi những giọt nước mắt chứa đầy trong những nốt rỗ chằng chịt”, "nó tuyên bố với các bác ở xưởng đóng thuyền rằng nó còn có mặt ở dưới biển này thì mẹ nó không bị đánh". Hình ảnh thằng Phác khiến người đọc cảm động bởi tình thương mẹ dạt dào.

    -  Nghệ sĩ nhiếp ảnh: vốn là người lính thường vào sinh ra tử. Phùng căm ghét mọi sự áp bức, bất công, sẵn sàng làm tất cả vì điều thiện, lẽ công bằng. Anh xúc động ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tinh khôi của thuyền và biển lúc bình minh. Một người nhạy cảm như anh tránh sao khỏi nỗi tức giận khi phát hiện ra sự bạo hành của cái xấu, cái ác ngay sau cảnh đẹp huyền ảo trên biển. Hơn bao giờ hết, Phùng hiểu rõ: trước khi một nghệ sĩ biết rung động trước cái đẹp, hãy làm một người biết yêu ghét vui buồn trước mọi lẽ đời thường tình, biết hành động để có một cuộc sống xứng đáng với con người.

Câu 5. Cách xây dựng cốt truyện của Nguyễn Minh Châu trong tác phẩm này có gì độc đáo?

   Trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, ngoài nghệ thuật kết cấu độc đáo cách triển khai cốt truyện rất sáng tạo như đã nói còn khắc họa nhân vật khá sắc sảo nhờ ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật. Người kể chuyện trong truyện này chính là nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng. Đây là nhân vật có thể nói là sự hóa thân của tác giả. Chính việc chọn một nhân vật làm người kể chuyện như thế đã tạo ra một điểm nhìn trần thuật vừa sắc sảo, sinh động vừa khách quan, trung thực giàu sức thuyết phục đối với người đọc.

Câu 6. Ngôn ngữ kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật trong truyện có gì đáng chú ý?
 

    Ngôn ngữ của nhân vật  đây vừa sinh động vừa phù hợp với đặc điểm tính cách của từng người. Chẳng hạn ngôn ngữ của lão đàn ông với giọng điệu lời lẽ thô bỉ, tục tằn, độc ác. Trái lại, lời lẽ của người đàn bà dịu dàng mềm mỏng đau xót khi đối thoại với con, khi nói về thân phận của mình thì đau đớn thấu hiểu lẽ đời. Ngôn ngữ của Đẩu ở tòa án huyện thì nhiệt tình tốt bụng...

   Việc sử dụng ngôn ngữ sắc sảo, phù hợp, sinh động như thế đã làm cho chủ đề tư tưởng của tác phẩm được khắc sâu hơn.