Phân tích hình ảnh “người ra đi” trong các bài thơ đã học, đã đọc
Phân tích hình ảnh “người ra đi” trong các bài thơ đã học, đã đọc
“Phong tiêu tiêu hề Dịch Thuỷ hàn
Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn”
Năm xưa, tráng sĩ Kinh Kha khi qua sông Dịch Thuỷ, uống rượu, làm thơ, cất lên lời cảm khái trước lúc ra đi diệt vua Tần ... Đã bao thế kỷ trôi qua, từ nguồn cảm hứng về chuyện Kinh Kha ra đi không về, thơ ca Việt Nam đã in dấu bao bóng hình “người ra đi”, ở mỗi thời đại, mỗi thi nhân đều sáng tạo nên một hình tượng “người đi” với những ấn tượng riêng không thể nhầm lẫn.
“Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt
Xếp bút nghiên theo việc đao cung”
Với “Chinh phụ ngâm”, Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng nên hình tượng “người ra đi” - một hình tượng sẽ xuyên suốt thơ ca các thời kỳ sau này. Thơ ca thời hiện đại, đặc biệt được đánh dấu từ phong trào “thơ mới”, hình ảnh “người ra đi” có ít nhiều thay đổi. Dù vẫn bắt nguồn từ cảm hứng ra đi không về của Kinh Kha nhưng đó đây đã xuất hiện những suy nghĩ không đồng tình với sự việc “bất phục hoàn” đó:
“Sông Hồng chẳng phải xưa sông Dịch
Ta ghét hoài câu “nhất khứ hề”
Thời kỳ này ghi nhận một trường phái thơ “hành” với sự góp mặt của bộ ba Nguyễn Bính; Thâm Tâm; Trần Huyền Trân. Tuy nhiên, hình ảnh “người ra đi” đã mang một vóc dáng mới — vóc dáng của thời đại. Những tác giả tiêu biểu đã góp phần hoàn thiện bức tranh “người ra đi” thời này phải nói đến Quang Dũng (Tây Tiến) và Nguyễn Đình Thi (Đất nước).
Mặc dù là một hình tượng xuyên suốt lịch sử thơ ca Việt Nam, nhưng “người ra đi” được độc giả chú ý nhiều nhất có lẽ là sự chuyển giao giữa “thơ mới” và thơ kháng chiến. Không ai có thể phủ nhận người chinh phu “thét roi cầu vị” trong thơ ca trung đại có những nét đẹp riêng, sự thu hút riêng. Tuy nhiên, phải chăng người đọc chỉ được chiêm ngưởng vẻ ngoài kiêu hùng, chỉ có được cảm nhận rất chung về những người xông pha trận mạc ấy? Ta dễ dàng tìm thấy những nét cảm xúc “một đi không về”; ra đi cô độc “độc hành”; ra đi vì chí lớn, “không vương thê nhi”, không bận chuyện gia đình riêng tư ở một số bài thơ mới:
“Ly khách, ly khách con đường nhỏ
Chí nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại
Ba năm, mẹ già cũng đừng mong”
Hay:
“Mơ gì áp tiết thiên văn tự
Giày cỏ gươm cùn ta đi đây”
Từ cảm hứng lãng mạn trữ tình về “tráng sĩ hành”, các bài “hành” của thơ mới Việt Nam cũng biểu hiện cả cảm hứng bất bình, phản kháng đối với xã hội đương thời:
“Khóc nhau ném chén tan tành
Nghe vang vỡ cái bất bình thành thơ”
Đặc biệt, có những lúc “người ra đi” không đồng tình với việc ra đi “độc hành”, mà muốn có một sự hợp đoàn:
“Ngoài phố mưa bay: xuân bốc rượu
Tấc lòng mong mỏi cháy tê tê
- Ới ơi bạn tác ngoài trôi giạt
Chẳng đọc thơ ta tất cũng về.”
Giọng điệu nổi trội nhất trong dàn hợp xướng đa âm thanh của thơ mới mà trường phái thơ “hành” góp vào đó là sự hào hùng, tràn đầy chính khí, tráng khí, bi phẫn, bi hùng. Tuy nhiên, không riêng gì những bài thơ “hành”, ta cũng bắt gặp giọng điệu này ở một vài bài thơ khác:
“Đói nghèo đầy chiếu, đầy chăn
Bút khôn làm kiếm chém phăng bất bình”
Và điển tích Kinh Kha, như một mô típ nghệ thuật có sức tái sinh, lan tỏa trong những bài thơ “hành” tạo nên hình tượng “tráng sĩ hành”. Ta bắt gặp hình ảnh này trong thơ Thế Lữ:
“Ta là một khách chinh phu
Dấu bước truân chuyên khắp hải hồ
Mũ lợt bốn trời sương nắng gội
Phong trần quen biết mặt âu lo”
Hình ảnh “khách chinh phu” ấy đã biến thành “Li khách” trong thơ Thâm Tâm trong cái không khí lãng mạn của buổi tiễn đưa không hẹn ngày về. Sau khi tiếng vang của cao trào cách mạng 1930 - 1931 nhạt dần thì người “khách chinh phu” cũng chỉ là “khách tình si” và trượt theo con đường xuống dốc.
Có lẽ chính vì vậy mà “chút bâng khuâng khó hiểu của thời đại” vẫn còn để lại dư âm trên từng câu, từng chữ. Nhưng không lâu sau đó, niềm “bâng khuâng khó hiểu” của “người đi” dường như đã tìm thấy lối thoát trong thơ ca kháng chiến.
Nói đến bi nhưng không luỵ, cũng không còn cái khẩu khí kiểu “anh hùng sân khấu” “chí nhớn chưa về bàn tay không” nữa.
“Con tàu này lên Tây Bắc anh đi chăng?
Bạn bè đi xa anh giữ trời Hà Nội
Anh có nghe gió ngàn đang rú gọi
Ngoài cửa ô tàu đói những vầng trăng”
(Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên)
Từ hai câu thơ của Bác:
“Chinh nhân di tại chinh đồ thượng
Nghênh diện thu phong trận trận hàn”
(Tảo giải)
Đến lời kêu gọi tràn đầy nhiệt tình cách mạng kia, hình ảnh “người ra đi” đã mang những nét thay đối rõ rệt. Tô Hoài đã từng nhận xét rất tinh rằng tuy cùng một trường phái thơ “hành”, chung một giọng điệu nhưng sắc điệu của mỗi nhà thơ có khác nhau. Nhưng để có thể ra đi, anh đã phải tự làm rắn lòng mình lại, quyết dứt khoát giã từ:
“Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình một dửng dưng”
Nhưng dù cô tình che giữ, nỗi buồn sâu nặng của người ra đi vẫn bị tri kỷ của anh giãi bày thật cảm động:
“Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong”
Toàn bài thơ là sự chồng chất của các sắc thái tình cảm. Đó là sự đan xen giữa “mặc cảm bất hiếu và lỗi đạo”, là sự lựa chọn nghiệt ngã giữa “bổn phận và khát vọng”. Dẫu sao người ra đi đã có một tri kỷ nhưng bài thơ mang “chút bâng khuâng khó hiểu của thời đại” này vẫn rất cần những tri âm!
Bề ngoài họ không “bước đi một bước giây giây lại dừng” nhưng trong thâm tâm, từng chiếc lá rơi, từng chút nắng đậu đều gieo vào lòng họ một nỗi bâng khuâng, dìu dặt. Khác với người ra đi ở “Tổng biệt hành” và trong thơ Nguyễn Đình Thi, “Tây Tiến” của Quang Dũng không nhấn mạnh tâm trạng. Toàn bài “Tây Tiến” là một “khúc độc hành” trầm hùng cho những ngươi ra đi với ý chí của “người đi không hẹn ước”.