Đăng ký

Chứng minh các ý kiến về truyện ngắn của Thạch Lam, nhà văn Nguyễn Tuân

2,491 từ

Nhận xét về đặc điểm truyện ngắn của Thạch Lam, nhà văn Nguyễn Tuân cho rằng: “Nhiều truyện ngắn của Thạch Lam không có chuyện mà man mác như một bài thơ (...) đem đến cho người đọc một cái gì nhẹ nhõm, thơm lành mát dịu”.

Anh (chị) hãy chứng minh ý kiến trên.

Trong vườn hoa văn học Việt Nam xuất hiện nhiều bông hoa tươi đẹp. Chen giữa những đóa hoa rực rỡ muôn hồng ngàn tía có một loài hoa thanh khiết sắc hương hoa mộc. Đọc văn Thạch Lam, người ta nhận thấy mùi hương hoa mộc tha thiết, dịu dàng đưa hồn người đắm chìm trong những cảm xúc mênh mông, chan chứa tình thương. Đúng như lời nhận định của nhà văn Nguyễn Tuân: “Nhiều truyện ngắn Thạch Lam không có truyện mà man mác như một bài thơ, (...), đem đến cho người đọc một cái gì nhẹ nhõm, thơm lành và mát dịu”.

Truyện thường phải có xung đột, có kịch tính, vậy mà truyện ngắn của Thạch Lam lại “như một bài thơ”. Thơ là tiếng nói của tâm hồn, của cảm xúc được chắt lọc và thường được biểu hiện bằng những vần điệu êm ái, nhẹ nhàng. Truyện của Thạch Lam cũng nhẹ nhàng, man mác như một bài thơ. Ông luôn hướng về người nghèo, cảm thông với nỗi đau của họ, nhưng ông không tập trung làm nổi bật mâu thuẫn giai cấp mà ông lặng lẽ ghi lại những niềm vui nhỏ bé hiếm hoi trong cuộc đời buồn thảm của họ một cách trân trọng, cảm thông.

Trong truyện ngắn Hai đứa trẻ, nhà văn thể hiện niềm thương xót đối với những người dân lao động nghèo khổ, đặc biệt là hai chị em Liên và An. Ông không nêu rõ tại sao chị em Liên bị đẩy vào cảnh khốn khó, không nêu lí do tại sao những đứa trẻ phải đi nhặt rác bên đường... Nhưng đọc văn ông, ta thấy trào dâng một niềm xót xa vô hạn đối với những con người nơi phố chợ tù túng, nghèo khổ. Chị em Liên đón nhận và ngắm nhìn thiên nhiên trong buổi chiều tà nơi phố huyện bằng đôi mắt ngây thơ và hết sức tinh tế. Giọng văn nhẹ nhàng của Thạch Lam hướng người đọc nhập vào niềm vui của trẻ thơ. Mảng tối và mảng sáng trong truyện cũng thật kì lạ. Mảng sáng nhỏ nhoi của những con đom đóm, của những ngôi sao của những ngọn đèn le lói bên cạnh bóng tối mênh mông càng làm cho phố huyện thêm buồn tẻ. Quen dần với nỗi buồn vắng lặng, trống trải nơi đây, chị em Liên không có gì vui hơn là thức đợi tàu. Tuy buồn ngủ ríu cả mắt, nhưng hai chị em vẫn gắng gượng thức. Chi tiết Liên quạt cho em ngủ trong lúc thức đợi tàu qua gây xúc động cho người đọc về tình cảm gắn bó ruột thịt. Hình ảnh con tàu với tiếng còi rít lên gợi âm thanh ồn ào. Đoàn tàu rầm rộ, các toa tàu sáng trưng lố nhố người là một thế giới mới mẻ hấp dẫn đối với chị em Liên, đối với cuộc sống buồn tẻ nơi phố huyện. Bằng giọng văn nhẹ nhàng, mượt mà giàu chất thơ, Thạch Lam đã khắc họa khát vọng, ước mơ chân chính của trẻ em Việt Nam được quyền sống hạnh phúc như ước mơ của chị em Liên, thể hiện trong việc chờ đợi con tàu.

Vẻ đẹp thanh khiết trong truyện Dưới bóng hoàng lan gợi lên cho người đọc cảm xúc nhẹ nhàng, thanh thản. Lời văn êm ả như những câu thơ đưa ta về nơi miền quê của nhân vật Thanh. Khung cảnh quê nhà tĩnh lặng gợi cho chàng tình cảm thân thương gắn bó. Nơi đây, chẳng có những người thân như người bà đã săn sóc chàng từ nhỏ và cô gái hàng xóm dịu dàng, ngoan ngoãn. Đứng bên cạnh bà, lắng nghe những lời ân cần của bà, Thanh thấy như mình còn nhỏ bé, như thuở ấu thơ. Sống lại với những cảm xúc ấm áp, Thanh càng cảm thấy yêu thương bà hơn, gắn bó nhiều hơn với quê hương giàu kỉ niệm. Chàng vẫn bắt gặp những nhân vật quen thuộc nơi quê nhà: giàn thiên lí, cây hoàng lan, căn nhà, mảnh vườn và cả con mèo già nữa. Tình cảm giữa Thanh và Nga cũng rất trong sáng, thanh cao. Điều đó người đọc có thể nhận thấy qua việc tác giả mô tả khá kĩ, cử chi ân cần của chàng khi mời Nga cùng ăn cơm và nụ cười vui tươi của Nga khi nhìn thấy chàng ăn ngon miệng. Họ cùng ra vườn hái hoa, cùng nhắc lại những kỉ niệm ấu thơ. Mùi hoàng lan thoang thoảng bay trong gió ngát; khi Nga trở về, Thanh cảm thấy “có cái gì đó dịu ngọt chăng tơ ở đâu đây khiến chàng vương phải”. Chi tiết này khiến ta gợi nhớ đến câu thơ của Xuân Diệu:

Không gian như có dây tơ
Bước đi sẽ đứt động vào sẽ tiêu.


Trong đôi mắt của người hạnh phúc, sung sướng; xung quanh họ như có sợi tơ mềm mại chăng, sợi tơ đó dịu ngọt như tình cảm dạt dào trong họ. Họ trân trọng và nâng niu tình cảm trong sáng ấy không muốn nó đứt ra và biến đi. Chất thơ thấm đượm trong từng lời văn của Thạch Lam. Đọc văn ông, ta thấy hiện rõ những tình cảm giữa con người với nhau và con người với quê hương, như cảm xúc nhẹ nhõm khi ta bắt gặp mảnh trời xanh tan tác trong lòng bể nước, một nhánh lan rơi, một cử chỉ âu yếm, ân cần của bà đối với cháu, của người thân đối với người thân.

Đọc văn Thạch Lam, ta còn cảm nhận được vẻ đẹp của tâm hồn và vẻ đẹp của thiên nhiên giàu chất thơ. Ta như đắm chìm vào những suy tư, cùng cảm thông với nỗi đau của những người bất hạnh. Ta muôn chia sẻ niềm vui với chị em Liên đợi tàu, và ta xót xa khi phải bắt gặp cảnh tội nghiệp của những đứa bé nghèo bới rác bên đường. Trong Gió lạnh đầu mùa hành động cho áo của chị em Sơn cũng gợi cho ta nhiều suy nghĩ và cảm phục. Những đứa trẻ cũng giàu xúc cảm, hết lòng vì bạn. Tình cảm ấm áp dần xóa tan đi cái lạnh đầu mùa giá buốt của mùa đông.

Cái đẹp giàu chất thơ trong Dưới bóng hoàng lan, với mảnh trời xanh quen thuộc, giàn thiên lí pha xanh lên tà áo của. Nga, hương thơm ngan ngát của cây hoàng lan như gợi trong ta nhiều kỉ niệm êm mát, ngọt ngào đến lịm người khi trở về vườn quê xưa.


Vẻ đẹp bí ẩn của vũ trụ với những chòm sao lấp lánh xen ánh sáng lập lòe của những con đom đóm qua ánh mắt trẻ thơ trong lời văn tinh tế của Thạch Lam dường như khiến tâm hồn người đọc thêm tinh tế và phong phú.

Thạch Lam là cây bút đầu tiên có ý thức khai thác chất thơ trong đời sống bình dị thường nhật. Nhà văn thường đi sâu vào khai thác nội tâm, thế giới cảm giác trong sáng tác thường trong lành, giàu cảm xúc hướng người đọc gắn liền với cái chân, thiện, mĩ. Văn của ông nhẹ nhàng như một bài thơ không có kịch tính xung đột, dễ đi vào lòng người một cách nhẹ nhõm, thấm thía.

shoppe