Đăng ký

Cảm hứng yêu nước trong thơ ca Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954)

7,742 từ

Cảm hứng yêu nước trong thơ ca Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954)

Trong dòng chảy của nền văn học dân tộc, cảm hứng yêu nước và cảm hứng nhân đạo tựa như hai mạch ngầm xuyên suốt, cuộn chảy qua bao chặng đường lịch sử. Đặc biệt trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1946 - 1954, cảm hứng yêu nước nồng nàn của các nhà thơ được thể hiện sâu sắc, đằm thắm. Trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lược, nguồn mạch này càng trở nên mãnh liệt, để lại trên mảnh đất văn học những dấu ấn rực rỡ, không thể nào quên.

Thế nào là cảm hứng yêu nước? Nói đến cảm hứng là nói đến nội dung tình cảm trong mỗi tác phẩm văn học.
 
Cảm hứng yêu nước được bộc lộ qua thơ bằng muôn hình vạn trạng. Đó là tình yêu quê hương, đất nước, yêu cảnh sắc thiên nhiên, xứ sở. Đó là ý chí chống xâm lăng vì khát vọng ấm no, hạnh phúc, được sống trong tự do, độc lập, hoà bình bền vững. Đó là niềm tự hào về truyền thống lịch sử, truyền thống văn hiến Việt Nam lâu đời, giàu bản sắc. Đó còn là ý thức tự lập, tự cường, xây dựng và bảo vệ đất nước muôn đời giàu đẹp. Thơ ca thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp giàu lòng yêu nước và tinh thần căm thù giặc. Có rất nhiều tác phẩm đã trở thành đỉnh cao, là những bài thơ tiêu biểu mà suốt chặng đường thơ sau này không dễ gặp lại. Có thể kể tác phẩm như: “Rằm tháng riêng”; “Cảnh khuya” của Hồ Chí Minh; “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi; Quang Dũng với “Tây Tiến”; Chính Hữu với “Đồng chí”; Hoàng Cầm góp mặt với “Bên kia sông Đuống” tài hoa, xúc động và chân thật là “Đêm nay Bác không ngủ” của Minh Huệ. Và nói đến thời kỳ này, chúng ta không thể quên Tố Hữu mà tác phẩm tiêu biểu nhất của ông là “Việt Bắc” tràn đầy ân tình cách mạng ... Tất cả đã đem lại sự chuyển mình mạnh mẽ trong thơ ca; làm nên một bước đi dài nối tiếp cảm hứng yêu nước từ những giai đoạn trước và mở đường cho các thời kỳ sau.

Đất nước Việt Nam, trải qua sự nhào nặn của lịch sử, “lớn lên khi dân mình biết trồng tre và đánh giặc”. Đi liền với sự phát triển của lịch sử dân tộc, cảm hứng yêu nước như một búp chồi non đã vươn lên khoẻ khoắn, vững chãi như cây đại thụ. Mặc dù ở mỗi thời đại, mỗi thi nhân có những nét biểu hiện khác nhau nhưng ta vẫn cảm nhận được một sợi chỉ đỏ xuyên suốt qua thời gian. Bao giờ cũng thế, cảm hứng yêu nước được biểu hiện qua tình yêu quê hương đất nước. Cuộc chiến đấu “ba ngàn ngày” không nghỉ đã chứng kiến nét mặt xứ sở trong mịt mù khói lửa. Chủ đề yêu nước được nâng lên thành chủ nghĩa anh hùng. Các thi nhân Việt Nam đã cảm nhận một cách sâu sắc và sáng tạo nên những vần thơ tráng lệ về hình tượng tổ quốc. Đó là gương mặt Việt Nam đã hồi sinh sau những đêm dài nô lệ, bao máu rơi, xương tan, mới có một mùa xuân huy hoàng:
 
“Những suối máu thấm quanh hồn chảy mãi
Một trăm năm mới đem được xuân về”
(Xuân Việt Nam - 1946 - Xuân Diệu)
 
Với đôi cánh tự do “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”, cái giá của độc lập, tự do đã khảng định tầm vóc vĩ đại của dân tộc, vẻ đẹp hùng vĩ của non sông:
 
“Tự do đã nở hoa hồng
Trong dòng máu đỏ, trên đồng Việt Nam”
(Tố Hữu)
 
Tổ quốc trong thời kỳ 1946 - 1954 là hình ảnh nhân dân anh hùng chiến đấu, mỗi xóm làng, đường phố đều “mọc lên luỹ thép”, mỗi ngọn núi, dòng sông đều chói lọi sự tích anh hùng, nước Việt Nam “rũ bùn đứng dậy sáng loà”. Không yêu sao được một đất nước có “rừng cọ đồi chè đồng xanh ngào ngạt với:
 
“Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa”
(Nguyễn Đình Thi) 

Có vần thơ trong xanh. Có vần thơ ứa máu. Mỗi nhà thơ bằng nhiệt tình yêu nước và tài năng sáng tạo đã viết nên những dòng thơ tráng lệ về Tổ Quốc. Và chính thơ ca, một phần không nhỏ đã “gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi”, như đem đến cho ta sức mạnh đi lên phía trước “Hoá thân cho dáng hình xứ sở. Làm nên đất nước muôn đời”. Trong kháng chiến, cảm hứng yêu nước còn gắn liền với lòng căm thù giặc, đau xót trước cảnh quê hương bị tàn phá. Làm sao lại không xót xa cho được trước cảnh:
 
“Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang”
(Hoàng Cầm)
 
Có ai lại không khỏi “xót xa như rụng bàn tay” trước gương mặt quê hương bị giày xéo?
 
“Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều”
(Đất nước - Nguyễn Đình Thi)
 
Có ai lại chẳng ngùn ngụt lửa căm hờn, trào sôi dòng máu nóng trước cảnh “lũ quỷ mắt xanh trừng trợn”, “xì xồ cướp bóc tan phiên chợ nghèo”. Có ai lại không xót xa trước cảnh mẹ già “còm cõi”, em thơ “ú ớ cơn mê. Thon thót giật mình. Bóng giặc giày vò những nét môi xinh”? Chính từ niềm đau xót, căm hờn đó mà cả đất nước ghi sâu lời nguyền:
 
“Đã có đất này chép tội
Chúng ta không biết nguôi hờn”
(Hoàng Cầm)
 
Mỗi cành cây, ngọn cỏ, mỗi tấc đất, bờ tre dường như thấm đẫm niềm căm thù:
 
“Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Đã bật lên những tiếng căm hờn”
(Nguyễn Đình Thi)
 
Đất nước chìm trong đau thương, như oằn mình trĩu nặng trước tội ác của giặc:
 
“Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây, thằng chúa đất
Đứa đè cổ đứa lột da”
(Nguyễn Đình Thi)
 
Nhưng cũng chính “từ những đau thương chiến đấu” nét mặt quê hương vẫn sáng ngời, ý chí tự do cháy bừng, rực rỡ:
 
“Xiềng xích chúng bay không khóa được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà”
(Nguyễn Đình Thi)
 
Cảm hứng yêu nước đã thổi vào thơ ca thời kỳ kháng chiến một luồng sinh khí mới: hào hùng và hoành tráng. Trên khắp nẻo đường Tổ quốc những đoàn quân “đêm đêm rầm rập như là đất rung” tiếp bước nhau ra trận. Trong mỗi con người đều hừng hực ý chí chiến đấu bởi niềm tự hào về truyền thống đất nước trào dâng trong họ. Truyền thống đất nước anh dũng kháng chiến với sức mạnh từ thời “Lý, Trần, Lê ...” đến nghìn năm sau đã hun đúc trong bao mồ hôi, xương máu:
 
“Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về”
 
Phải chăng hồn linh sông núi đã tạo nên sức mạnh tiếp bước cho những đoàn quân? tạo nên khí thế “người lên như nước vỡ bờ” một thuở? Cái không khí sục sôi của cả nước đã làm nên ý chí chiến đấu vang dội. Đất nước đã sinh ra những thế hệ anh hùng. Đó là hình ảnh những người binh nhì, những người phụ nữ Việt Nam, cả những em bé làm nhiệm vụ thông tin liên lạc. Anh bộ đội cụ Hồ đã đi vào lịch sử với sức mạnh nhân nghĩa Việt Nam, với “sao sáng dẫn đường”, với tầm vóc và ý chí của những người anh hùng. Thơ ca chống Pháp đã dựng lên những tượng đài hùng vĩ về những chiến sĩ cầm súng đánh giặc giữ nước:
 
“Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”
(Tố Hữu)
 
Ở họ có cái ý chí “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”, họ cầm vũ khí đứng lên vì chân lý lịch sử:
 
“Một thân không thể chia đôi
Lửa gươm không thể cắt rời núi sông”
 
Cả dân tộc quật khởi đứng lên kháng chiến. Kháng chiến là cuộc diễu binh hùng vĩ:
 
“Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”
Nhiều nhà thơ đã ghi lại chân thực, hào hùng những gương anh hùng trong lửa đạn:
 
“Những đồng chí thân chôn làm giá súng
Đầu bịt lỗ châu mai
Băng mình qua núi thép gai
Ào ào vũ bão”
(Tố Hữu)
 
Họ có vóc dáng lẫm liệt, kiên cường, nêu cao khí phách anh hùng:
 
“Đương khi trận địa gian truân
Vai khiêng núi lửa diệt quân bạo tàn”
 
Biết bao chiến sĩ quả cảm đã ngã xuống khắp các chiến trường “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”:
 
“Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
(Quang Dũng)
 
Chính khí thế, tinh thần chiến đấu ấy cùng với sức mạnh của núi sông đã tạo nên một bầu không khí hào hùng khắp cả nước. Trong thơ ca kháng chiến cảm hứng yêu nước không thể hiện bằng những lời thơ khô khan mà bằng cảm xúc mãnh liệt, chân thành. Mỗi câu thơ ta đọc như cảm nhận được niềm xúc động trào dâng trên đầu bút. Dường như mỗi thi nhân đều tự ý thức được rằng họ đang trải qua những năm tháng hào hùng mà đời họ khó có lần gặp lại. Những vần thơ kháng chiến không chỉ được hình thành bằng cảm hứng hào hùng của lịch sử mà còn được hoà quyện bởi tâm hồn và tài năng của con người Việt Nam yêu nước. Thơ ca kháng chiến có nói đến nước mắt, hy sinh, mất mát nhưng đã có nhiều nụ cười chứa chan ước mơ, ngời sáng niềm tin và hy vọng:
 
“Trán cháy rực nghi trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh”
 
Sáu trăm năm trước, Nguyễn Trãi đã từng viết:
 
“Vệ Nam mãi mãi ra tay thước
Điện Bắc đà đà yên phận tiên”
 
để sau này mới có cảnh:
 
“Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới ...
... Muôn thuở nền thái bình vững chắc”
 
Ta có thể tìm thấy những câu thơ đẹp nhất trong thơ văn trung đại và cận đại dân tộc viết về hình tượng Tổ quốc thiêng liêng và thân yêu. Nguồn mạch yêu nước đã thấm đượm, nồng cháy từ những “lời thơ thần” của Lý Thường Kiệt; “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn và “Cáo bình ngô” của Nguyễn Trãi. Cảm hứng yêu nước chủ yếu tập trung trong sự ngợi ca vẻ đẹp của non sông gấm vóc, ở tinh thần quả cảm của vua tôi tướng lĩnh tạo nên “hào khí Đông A” một thời. Văn thơ yêu nước cuối thế kỷ XIX thấm nhuần một xu hướng, tư tưởng chung và phổ biến rộng rãi. Đó là sự chuyển mình của thơ văn thời bình sang thòi chiến. Từ chỗ ca ngợi cảnh thái bình vua sáng, tôi hiền, ngâm ngợi phong hoa tuyết nguyệt hay than thở cảnh ngộ éo le của tài tử, giai nhân sang bàn chuyện chống giặc cứu nước. Bước vào thời kỳ “thơ mới”, trường phái thơ “hành” là ảnh hồi quang của cách mạng. Những bài thơ “hành” là bức thông điệp của các tác giả gửi cho bạn đọc đương thời những băn khoăn, thao thức có tác dụng thức tỉnh cõi tâm linh của những người dân nô lệ. Lời thơ thúc giục họ hướng về những trang anh hùng, nghĩa liệt cứu quốc. Đặc biệt, điển tích Kinh Kha đã trở đi trơ lại, lan tỏa trong thể thơ này, giúp các nhà thơ bộc lộ cái tôi trữ tình, cảm hứng lãng mạn trữ tình về “tráng sĩ hành”:
 
“Ly khách, ly khách con đường nhỏ
Chí nhớn chưa vê bàn tay không”
 
Hay
 
“Mơ gì áp tiết thiên văn tự
Giày cỏ gươm cùn ta đi đây”
 
Cái cảm hứng “ra đi không về”, ra đi “độc hành” ta gặp lại ở bài thơ “Tây Tiến” nổi tiếng của Quang Dũng đã chứng minh ánh hồi quang này không phải là một ngôi sao băng vụt xuất hiện rồi vụt biến đi. Sau thành công của Cách mạng tháng Tám, cảm hứng yêu nước đã mở ra con đường mới, một lối thoát cho rất nhiều nhà thơ của phong trào “thơ mới” đang trong quá trình “tìm đường”; “nhận đường”. Ta có thể thấy cảm hứng yêu nước thời kỳ 1946 - 1954 là một gạch nối rất quan trọng, khơi nguồn cho tư tưởng yêu nước mới ngày một mạnh mẽ hơn. Trước cách mạng tháng Tám 1945, Xuân Diệu viết:
 
“Là thi sĩ nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”
 
thì sau cách mạng, ông viết:
 
“Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi
Cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu
Tôi sống với cuộc đời chiến đấu
Của triệu người yêu dấu gian lao”
 
Nhiệt huyết cách mạng đã giúp cho cảm hứng yêu nước thời kỳ này có một sự chuyển tiếp rất đẹp. Để sau 1954, bước vào thòi kỳ kháng chiến chống Mỹ, nguồn mạch này thấm đẫm cảm hứng về một Việt Nam đầy máu lửa và chiến công. Nhiều bài thơ ca ngợi Tổ quốc, ca ngợi đức hy sinh, lòng dũng cảm của nhân dân ta. Nhận diện tổ quốc với tất cả niềm tự hào theo chiều dài lịch sử, trên tầm cao thời đại có máu và nước mắt. Tổ quốc đẹp biết bao, ta lại nghe tiếng sông Hồng vỗ sóng, cất lên khúc ca về đất nước tươi đẹp, lắm anh hùng và thi sĩ tài hoa:
 
“Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
Khi Nguyễn Du viết truyện Kiều đất nước hoá thành văn ...”
(Chế Lan Viên)
 
Cảm hứng yêu nước thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã chứng kiến sự lên ngôi của những nhà thơ tài hoa. Với những thi phẩm được trải qua thử thách của thời gian và của lòng người. Thơ thời này đã góp phần rất lớn tô điểm diện mạo văn học Việt Nam. Ta cảm nhận được gì từ khúc độc hành “Tây Tiến”? Đó chẳng phải là tình cảm ngợi ca người lính đó sao? Những người lính Tây Tiến trong cái nền hùng vĩ, gân guốc của núi rừng:
 
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi ...”
(Quang Dũng)
 
Trong đoàn quân ấy có bao nhiêu người con ra đi từ quê hương “nước mặn đồng chua”? có bao nhiêu chàng trai, cô gái đến từ xứ Thanh, xứ Nghệ? Chỉ biết giữa họ là tình đồng chí chung thuỷ, sắt son, gắn bó với nhau bởi ý chí chiến đấu bất khuất, kiên cường. Những người lính Tây Tiến hiện lên qua cảm hứng lãng mạn đã trở thành những hình tượng in sâu vào lịch sử. Vẫn còn mãi dư âm vê một “Tây Tiến” hào hùng và hào hoa trong lòng người đọc, đâu đây vang vọng tiếng gọi đàn thăm thảm, ngân nga.
 
Nhắc đến thơ văn thời kỳ này không thể không nói tới “Việt Bắc” của Tố Hữu; “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm và “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi. Có thể coi ba thi phẩm này là ba mặt của một Kim tự tháp mà mặt nào cũng lấp lánh rực rỡ, in dấu tài hoa và tâm hồn của mỗi thi nhân. Nếu coi “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi là những chặng đường nhận thức về đất nước thì “Bên kia sông Đuống” của Hoàng cầm là nỗi nhớ tiếc gửi về một phần đất nước. Trong cái nỗi nhớ tiếc khôn nguôi ấy, Tố Hữu giành lấy một phần gửi “niềm nhớ” của mình làm nên niềm hoài niệm tha thiết đối với một thời cách mạng. Ba thi phẩm tuy khác nhau về nội dung nhưng đều xuất phát từ nguồn mạch chung: cảm hứng yêu nước. Chẳng phải thế sao? “Việt Bắc” được mở đầu bằng một câu hỏi ngọt ngào:
 
“Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”
 
Tiếp theo đó là sự láy lại của “mình về mình có nhớ ta?”; “mình về mình có nhớ không?” vang lên như một niềm day dứt khôn nguôi. Biết bao nhiêu kỷ niệm, nỗi nhớ trào dâng, hoài niệm về chiến đấu bảo vệ Việt Bắc, những địa danh, những chiến thắng, những niềm vui lan toả ... Tất cả những nỗi nhớ cùng với nhịp thơ 6/8 uyển chuyển nhịp nhàng càng trở nên da diết. Có thể nói nhịp ru này đã chi phối cả thế giới của bài “Việt Bắc”. Những “đời đời”, “ngàn năm”; “dài lâu” như muốn khắc sâu niềm tin tưởng, ước ao về một mối ân tình bền vững, vĩnh viễn. Nội dung chính trị, thời sự của bài thơ có tính chất thời đại, nhưng niềm tin tưởng, ước ao ân tình chung thuỷ kia sẽ còn mãi đến muôn đời. Nếu như Tố Hữu nhớ về “Việt Bắc” như thế thì Hoàng Cầm mang đến một bài thơ bồng bềnh nơi biên giới giữa ảo và thực. Trên cây cầu hoài vọng, ngóng trông, thao thức, trăn trở bắc giữa bên này và bên kia sông Đuống, thi nhân đưa ta về một thế giới Kinh Bắc sử thi và huyền thoại. Một dòng sông Đuống nằm trong cái dáng “nghiêng nghiêng” trữ tình ... Một Kinh Bắc với “lúa nếp thơm nồng”, với “tranh Đông Hồ” sáng bừng màu dân tộc ... Một vùng quê với những làn điệu quan họ đắm say, với những hội hè đình đám ... Có thể nói Hoàng cầm bằng tài năng và tình yêu của mình với vùng quê thân thương đã sáng tạo nên một thế giới Kinh Bắc của tất cả mọi người. Đặc biệt bằng những hình ảnh của thực tại làm tối sầm cả đoạn thơ, gieo một cảm giác uất ức, tiếc hận:
 
“Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn...”
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa đôi ngả
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rả
Bây giờ tan tác về đâu ...”
(Bên kia sông Đuống)
 
Những khoảng ký sự vừa bùng sáng lên đã vụt tắt. Thi nhân như đang mê người trong một không khí đẫm huyền thoại của quê hương chợt tỉnh ra, ngơ ngác. Ông đã gieo vào lòng người đọc cảm giác xót xa, nuối tiếc, thấm thìa về sự phôi pha của những giá trị tinh thần. Sự mai một của những nghề nghiệp truyền thống vốn là niềm tự hào của xứ Kinh Bắc, sự hung tàn của lũ cướp nước đã làm tan vỡ ước mơ về một cuộc sống thanh bình ... Bài thơ kết thúc ở hình ảnh một thế giới Kinh Bắc của tương lai: thanh thản và chan hoà ánh sáng:
 
“Bao giờ về bên kia sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trẩy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh”
 
Trong vô vàn những bài thơ mang cảm hứng về đất nước trong thời kỳ này, để tạo nên một thi phẩm để lại ấn tượng trong lòng người đọc không phải dễ dàng. “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi là một bài thơ hay. Nó không thiếu tính khái quát nhưng vẫn đầy ắp ấn tượng. Có ai lại quên được một cảnh thu như thế này:
 
“Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”
 
Khó nói thêm về những câu thơ ấy? Một tiết trời “chớm lạnh” dễ làm ta xao xuyến. Thu chạm vào Hà Nội làm không gian trở nên yên ắng để tiếng nói nội tâm cất lời. Một bối cảnh “xao xác” rất thích hợp với hình ảnh “người ra đi”. Người ra đi là ai? Chỉ biết người ấy đã rời Hà Nội yêu thương với nhiều quyết tâm. Người ra đi ấy mang dáng hình chàng Kinh Kha thuở nào hay gần gũi hơn, tựa như “một giã gia đình một dửng dưng” mà Thâm Tâm đã nhắc tới. Người ấy tuy bên ngoài lạnh lùng, dửng dưng thật đấy nhưng bên trong thì dạt dào tình cảm. Tuy ra đi “đầu không ngoảnh lại” nhưng tâm hồn thì để lại, đang trăn trở, thao thức với “thềm nắng lá rơi đầy” ở sau lưng. Phần sau của bài thơ, nét mặt quê hương đã ngời sáng. Cảm hứng yêu nước đã hoà vào lời thơ như một tiếng reo vui:
 
“Mùa thu nay đã khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha”
 
Đất nước của “những người chưa bao giờ khuất” đang thay đổi theo từng ngày, chan hoà trong niềm vui chung của cả dân tộc.
 
Trong chín năm chiến đấu gian khổ, cảm hứng yêu nước thực sự là động lực tinh thần mạnh mẽ cho những người con đất Việt. Khi “vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến luỹ”, lịch sử hào hùng của dân tộc được tái hiện một cách chân thực, sinh động. Không chỉ có thế, đối với nền văn học dân tộc, cảm hứng yêu nước tiếp tục làm giàu thêm cho nguồn mạch vốn có, tạo nên sự phong phú, đa dạng cho diện mạo văn học Việt Nam. Khép lại những trang thơ hào hùng của một thời mà dư âm của nó còn vương đọng mãi. Ta nhớ đến những câu thơ của Chế Lan Viên:
 
“Ơi kháng chiến mười năm qua như ngọn lửa
Nghìn năm sau còn đủ sức soi đường”
 
Ngọn lửa soi ấm nghìn năm mà Chế Lan Viên nói đến trong thơ của ông hẳn phải là ngọn lửa bất diệt. Phải chăng đó chính là những tia sáng từ cảm hứng yêu nước mà thơ ca chống Pháp đã thắp nên cho đất nước!

shoppe