Phân tích bài thơ Biển đêm của V.Huy gô
Phân tích bài thơ Biển đêm của V.Huy gô
Vichto Huygô là nhà văn của nước Pháp và nhân loại. Ông là người đứng đầu trường phái lãng mạn Pháp. Với tấm lòng nhân ái cao cả, ông bênh vực những người nghèo khổ chống lại chế độ độc tài của Napôlêông III. Bởi vậy, ông bị lưu đày ở nước ngoài hơn mười chín năm. Sự nghiệp sáng tác của ông rất đồ sộ. Nhiều tác phẩm của ông là kiệt tác của văn học thế giới: “Nhà thờ đức bà Pari”, “Những người khốn khổ”, “Năm chín mươi ba”, “Lá mùa thu”, “Tia sáng và bóng tối”. “Trừng phạt”, “Chiêm ngưỡng”... Sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ tác phẩm của ông là niềm tin sâu sắc vào phẩm chất cao quý của người lao động. “Biển đêm” là một bài thơ trong tập thơ “Tia sáng và bóng tối” của Vichto Huygô xuất bản năm 1840. Bài thơ viết về số phận những người thủy thủ.
Hình ảnh người thủy thủ hiện lên thấp thoáng. Họ lên đường mang niềm vui của những người được đến chân trời xa lạ:
Buổi ra đi vui sướng đường xa.
Nhưng niềm vui đó lụi tắt ngay. Họ đã:
Chôn vùi thân dưới sóng muôn trùng.
Cơn cuồng phong đã ném họ vào biển khơi muôn trùng. Và, sóng của đêm như con thú dữ đã vồ lấy họ như vồ mồi. Thi thể họ trôi dạt muôn phương. Số phận họ thật bi thảm. Hình ảnh: “Trán anh va vào đá nhô đầu” đối đáp với hình ảnh lúc lên đường.
Sự đối lập đó đẩy nỗi bi đát đến tột cùng. Biện pháp nghệ thuật đó để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả.
Hình ảnh những người thân: những thủy thủ đã vùi thân trong biển khơi, nhưng những người thân của họ vẫn đợi chờ, nhắc nhở.
Trên bãi biển, sớm chiều những người cha, người mẹ vẫn đợi chờ, vẫn hy vọng, ngóng trông.
Các bậc cha mẹ vẫn tin là con mình sẽ về. Ngày lại ngày, họ sống trong khắc khoải chờ mong.
Số phận họ mới thật bi đát. Người chết đi thì đã đành phận, nhưng còn người sống thì chỉ còn là sự tồn tại của thể xác, tinh thần thì đã tê cứng, đúng là:
Lá vàng còn ở trên cây
Lá xanh rụng xuống trời hay chăng trời
Và, những người vợ:
Chí đêm đêm giông bão gào bay
Những người vợ bơ phờ mỏi mắt
Kể về anh, khêu lớp tro tàn
Của lòng đau và của lò than
Đêm về, nhà vắng vẻ, những người quả phụ cô đơn cảm thấy thấm thìa nỗi buồn. Còn những đêm giông bão thì nỗi buồn đó càng da diết: Trống vắng bơ vơ. Họ ngồi bên lò than, “khêu lớp tro tàn”, “kể về anh”, nhắc lại quá khứ, thời các anh còn sống, những ngày hạnh phúc. Giờ đây, thời gian đã phủ bụi, tro tàn bếp lạnh nên họ cố “khêu lớp tro tàn” để lòng đỡ giá lạnh.
Nỗi đau của người chết, của người thân còn được tác giả đẩy đến mức tột cùng. Tác giả muốn nói với ta về số phận của những người lao động: Niềm vui thì ít ỏi, nỗi buồn thì mênh mông.
Cuộc sống vẫn trôi di. Người chết không còn biết gì. Cha mẹ, vợ con sống trong buồn đau khắc khoải. Nhưng đó là nỗi đau riêng, còn cuộc sống thì vẫn diễn ra bình thường.
Tối đến:
Nhà nhà vui bên lửa vây quanh
Có người vẫn còn nhớ các anh, “nhắc đến tên anh”. Trong họ, có những người vợ trẻ của các anh. Không chờ đợi được, họ đã yêu người khác nhưng trong đáy lòng, họ vẫn còn nhớ anh:
Trong khúc hát, tiếng cười, câu chuyện
Giữa cái hôn của cả người yêu.
Mọi người còn nhớ anh, nghĩa là các anh vẫn còn, các anh đang được hưởng cảnh sung sướng:
Vua đảo này hay gặp chốn giàu sang?
Họ nghĩ rằng các anh đang sung sướng. Có ai biết đâu là cái các anh đã vùi xác trong biển khơi.
Nhưng rồi các anh rơi vào sự quên lãng của thời gian. Đó là điều tất nhiên. Cuộc đời biết bao lo toan:
Người người lo thuyền lưới, đi cày
Hình ảnh các anh mờ dần
Chẳng ai nhớ dáng hình anh nữa.
Ngay cả tên anh thì cùng với năm tháng, người đời cũng quên đi:
Chẳng còn gì ai biết nữa tên anh.
Các anh chỉ còn là bóng hình trong quá khứ:
Hòn đá trong nghĩa địa vắng tanh
Cả gốc liễu mùa thu trút lá
Và cả người hành khất bên cầu
Hát điệu buồn, ai nhớ anh đâu
Hòn đá trong nghĩa trang, cây liễu thu là những hình ảnh nói lên nỗi cô đơn. Cô đơn thì dễ hoài niệm. Nhưng hòn đá và gốc liễu cũng không còn nhớ anh đâu.
Người hành khất bên cầu là kẻ lang thang. Con người khốn khổ đó hát điệu buồn, nói về những số phận bất hạnh. Nhưng trong điệu buồn đó, người hành khất cũng quên cả các anh - Đoạn thơ này đẩy sự đau xót đến tột cùng.
Trong các khổ thơ trên, thông qua hiện thực miêu tả, nhà thơ đã nói lên lòng mình. Nhưng phải đến khổ cuối cùng nhà thơ mới trực tiếp nói lên sự đồng cảm:
Ôi! Đâu hết những người thủy thủ
Chìm trong đêm bi thảm đời người
Xót thương cho những người đã chết và cảm thông với những người thân, những bà mẹ sống trong nỗi kinh hoàng.
Và, trước biển, nhà thơ vẫn nhớ đến những người thủy thủ ra đi không ngày về
Phải chăng lúc triều lên sóng vỗ
Những tiếng người tuyệt vọng kêu la
Mỗi chiều về lại đến cùng ta
Mở đầu là hình ảnh người thủy thủ mang niềm vui lên đường, kết thúc là hình ảnh các anh trong tiếng kêu la. Tác giả muốn nói gì với chúng ta? Cuộc sống của con người lao động là vậy đó. Vui ít, buồn nhiều. Thật bi đát, Âm hưởng của bài thơ buồn. Nhưng nỗi buồn không làm ta bị lụy. Vì sao vậy? Cuộc sống đầy rẫy khó khăn. Để kiếm miếng ăn, con người phải chấp nhận cái chết. Cuộc sống nghiệt ngã là vậy. Người đời phải hiểu điều đó, phải nhớ những người đã chết cho hôm qua để có cuộc sống hôm nay.
Thông qua nghệ thuật, nhà thơ đã gửi đến chúng ta tấm lòng đồng cảm, tiếng nói xót thương những kiếp người nghèo khổ.
Sức rung động của “Biển đêm’’ là ở tấm lòng và tài năng của Vichto Huygô.