Phân tích hình ảnh người nông dân nghệ sĩ trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc
Phân tích hình ảnh người nông dân nghệ sĩ trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc
Với Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, văn học Việt Nam đã có một tượng đài hoàn chỉnh, một tượng đài mang vẻ đẹp bi tráng về người nông dân nghĩa sĩ, được khắc họa bằng bút pháp hiện thực.
Gắn bó với đồng ruộng, gắn bó với quê hương, họ là người có lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc (Trông tin quan cho trời hạn trông mưa; Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan; ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ) họ là người có ý thức trách nhiệm đối với Tổ quốc trong lúc lâm nguy, mặc dù họ không được học Tứ thư, Ngũ kinh, chưa biết tới lời dạy của thánh hiền (Quốc gia hữu sự, thất phu hữu trách) họ tự giác đứng lên chiến đấu vì nghĩa lớn (Nào đợi ai đòi ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình; chẳng thèm trốn ngược, trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ). Một loạt từ ngữ mang tính chất phủ định lại có tác dụng làm nổi bật tinh thần tự nguyện sẵn sàng xả thân vì đất nước của họ: nào đợi, chẳng thèm, không chờ, chi nài...
Người nông dân áo vải trong “trận nghĩa đánh Tây” vụt đứng lên thành những người anh hùng với tư thế hiên ngang, lẫm liệt, với hành động quả cảm phi thường. Trang bị, vũ khí thô sơ: manh áo vải, ngọn tầm vông, rơm con cúi, lưỡi dao phay... Nhưng tinh thần chiến đấu thì sục sôi, đầy nhiệt huyết, bừng bừng khí thế đạp trên đầu thù mà xốc tới: đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không; xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có... Hành động mạnh mẽ, quyết liệt: Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà, ma ní hồn kinh; bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu sắt, tàu đồng súng nổ. Chính vì vậy mà kết quả là: Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia; Gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay cũng chém rớt đầu quan hai nọ.
Thủ pháp nghệ thuật đối lập tương phản giữa sự bình dị chất phác và sự lớn lao cao cả (manh áo vải, ngọn tầm vông /coi giặc cũng như không; rơm con cúi, lưỡi dao phay/ đốt xong nhà dạy đạo, chém rớt dầu quan hai...), giữa đau thương và hào hùng (lòng nghĩa lâu dùng/ xác phàm vội bỏ; một trận khói tan/ nghìn năm tiết rỡ) càng làm bức tượng đài người nông dân nghĩa sĩ ánh lên vẻ đẹp bi tráng.
Nhìn vào tiến trình lịch sử văn học trung đại Việt Nam, hình tượng người nông dân cũng đã từng xuất hiện trong một số tác phẩm. Trong Đại cáo bình Ngô - bản tuyên ngôn độc lập trọng đại của dân tộc ở thế kỉ XV, người nông dân được khẳng định với vai trò, vị trí góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn: yết can vi kì, manh lệ chi đồ tứ tập (dựng gậy làm cờ, manh (người dân cày lưu tán), lệ (người tôi tớ đi ở) bốn phương tụ hội). Cũng ở thế kỉ XV, nhà thơ Thái Thuận đã ghi lại cuộc sống của người dân quê bằng những câu thơ mượt mà với cảm xúc chân thành: Bãi phẳng triều lên ngập - Nhà nông sớm vội cày - Vắt trâu nghe mấy tiếng - Cò trắng giật mình bay (Bên dòng sông Muộn - bản dịch). Tuy nhiên, dưới ngòi bút của Nguyễn Đình Chiểu thì người nông dân “là con người rất xưa nhưng cũng rất mới” (Nguyễn Huệ Chi). Mới trong nội dung hình tượng: được phản ánh toàn diện, mang vẻ đẹp bi tráng. Mới trong nghệ thuật xây dựng hình tượng: hoàn toàn bằng bút pháp hiện thực.