Làm sáng tỏ nhận định: Xuân Diệu là một nhà thơ yêu đời, yêu cuộc sống đến thiết tha, cháy bỏng
Làm sáng tỏ nhận định: Xuân Diệu là một nhà thơ yêu đời, yêu cuộc sống đến thiết tha, cháy bỏng
Bốn câu thơ mở đầu bài Vội vàng vừa giống như lời đề từ, vừa không phải là lời đề từ. Nó “giống như” bởi cái vẻ như tách rời ra bàng thế thơ năm chữ. Nhưng ý nghĩa của nó lại không là định hướng như các lời đồ từ vốn có xưa nay.
Ngược lại nó gắn bó với bài thơ như chân tay nối liền vào cơ thể. Đây là sự khơi nguồn cho cảm hứng, điểm xuất phát của thi nhân.
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Điểm khởi nguồn này nói đến thiên nhiên nhưng không phải để miêu tả thiên nhiên mà giãi bày một tâm trạng, một tâm trạng trái tự nhiên: nắng thì phải sáng, gió thì phải bay. Sự khác thường không chỉ có thể, bởi nắng, mưa vốn đồng bệnh với con người: “Gió mưa là bệnh của trời – Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng” (Nguyễn Bính). Còn gió vốn tri âm với nhà thi sĩ: “Là thi sĩ nghĩa là ru với gió” (Xuân Diệu). Cái cách níu giữ lại thời gian này làm cho người đọc không khỏi ngạc nhiên. Nhưng sau cái phút ngạc nhiên ấy, ta sửng sốt nhận ra một trái tim ham sống, ham yêu kì lạ.
Từ lòng ham sống, ham yêu, hiện ra bất ngờ một bữa tiệc mà thiên nhiên dọn sẵn. Chưa nói đến cái ngon, ngọt của nó như thế nào, riêng chỉ một chớp mắt thôi, mà thi sĩ đã chọn ngay được cái thời điểm cao đẹp nhất của một ngày (sáng sớm), rực rỡ nhất của một năm (tháng giêng) thì đó là một khúc dạo đầu đầy dụng ý. Tính chất cá thể trong thơ Xuân Diệu thể hiện ở sự lựa chọn đến mức kĩ càng như một người khó tính. Cái gì cũng phải là cái đầu tiên: tình phải là “tình thứ nhất”, đêm phải là “đêm thứ nhất”, xuân cũng phải là một thứ “xuân đầu”. Bữa tiệc ngon là mùa xuân ở đây cũng thế, một mùa xuân đầy ắp sắc hương.
Của ong bướm này đây tuần tháng mật,
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Địa chỉ của cái đẹp, của mùa xuân nào ở đâu xa “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”. Và nó ở khắp nơi: ong bướm, là hoa, anh yến. Sắc, hương của mùa xuân ở đây cũng rất đặc biệt, nó không được cảm nhận bằng thị giác, thính giác thông thường. Bởi đó là một thứ hạnh phúc của những “khúc tình si” đang vào “tuần tháng mật”, một thứ hương sắc không màu mà ngây ngất không gian, ở đó chỉ có tình yêu đang ríu rít gọi nhau như một ngày hội. Nhà thơ sung sướng, hồi hộp nên không khỏi lúng túng, ngỡ ngàng. Năm câu thơ có chữ “này đây” rất có duyên ở sự không đơn điệu: khi thì nó ở giữa câu, khi thì ở đầu câu. Và đến một lúc tưởng như không còn gì để nói, thì bất ngờ: “Và này đây ánh sánh chớp hàng mi”. Mối quan hệ giữa những cặp đôi cũng vậy. Ong bướm, yến anh là những quan hệ định hình không cần một lời thuyết minh mà ai cũng hiểu. Nhưng còn lá, còn hoa? Hoa lá cũng đang gọi tình hoặc dưới dạng ẩn chứa vô ngôn của “đồng nội xanh rì” hoặc khêu gợi của “cành tơ phơ phất”. Hai câu thơ nói về hoa, lá này ta đã từng gặp ở chính Xuân Diệu: “Con đường nho nhỏ gió xiêu xiêu – Lả lả cành hoang nắng trở chiều” (Thơ duyên). Và ở cả Hàn Mạc Tử nữa:
Trăng nằm sóng soài trên cành liễu,
Đợi gió đông về để lả lơi.
(Bẽn lẽn)
Để khái quát lại không khí hội hè, nhà thơ đối diện với “tháng giêng” (tháng giêng là hình ảnh chung đúc lại tất cả, của ong bướm, là hoa, anh yến), như một kẻ si tình. Cái cách hồi hộp ở giờ khắc ngưng đọng vì đắm đuối này cũng rất là Xuân Diệu: “Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa”. Câu thơ ngắt ra làm đôi dành cho hai trạng thái hồi hộp: một nửa thi hăm hở, còn một nửa thì ngập ngừng. Cái ngập ngừng ấy thật đáng yêu ở sự vụng dại, một sự vụng dại “ngu ngơ” của lòng say đắm lần đầu yêu. Và cũng rất Xuân Diệu trong cảm nhận tiếc nuối “Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”. Thông thường người ta chỉ tiếc nuối cái gì đẹp lắm đã đi qua. nhưng Xuân Diệu lại tiếc nuối những gì đang có. Thế thì cái đẹp ấy đã đến mức là thực mà cứ tưởng như một giấc chiêm bao. Tâm trạng của Xuân Diệu vừa giống vừa khác câu thơ Nguyễn Bính:
Hôm nay có một người du khách,
Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên.
Nếu thơ là từ một tọa độ để hôm nay thương nhớ hôm qua thì Xuân Diệu lại từ hôm nay thương nhớ hôm nay. Cũng chỉ bởi vì cái hôm nay trong thơ Xuân Diệu đã là cái mà nhà thơ ước mơ, khao khát và có được nó ở trong tay. Cách phân hóa, phân thân ấy làm cho thơ Xuân Diệu khác người. Ông đã tự vẽ chân dung một cách không ồn ào mà tinh tế.
Phân hóa, phân thân trong Vội vàng có khi là từng câu, có khi là từng ý, nhưng đến “Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua” thì là một trường đoạn: nhà thơ lo sợ cái có sẽ thành không khí mùa xuân của đời mình đã hết. Các cách gọi mùa xuân: xuân tới, xuân qua, xuân non, xuân già … nếu thoáng đọc cứ tưởng như nói về thiên nhiên. Bởi thiên nhiên vận hành đúng theo quy luật ấy “Sen tàn cúc lại nở hoa – sầu dài ngày ngắn đông đã sang xuân” (Truyện Kiều). Nhưng thật ra không phải: mùa xuân ấy là tuổi trẻ của nhà thơ. Tuổi trẻ của nhà thơ chỉ đồng hành với mùa xuân của trời đất, có một lần. Cho nên “Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất”. Mùa xuân duy nhất của đời một con người khác với mùa xuân tuần hoàn của vũ trụ. Mùa xuân của đời người thì ngắn ngủi còn mùa xuân của đất trời cứ đi rồi lại đến. Lẽ ra nhận thức được quy luật để làm chủ quy luật, để tự tại, ung dung. Nhưng trái lại, nhà thơ hốt hoảng, lo âu. Ở đây có một khía cạnh của sự yếu mềm mà con người thường có, nhất là với nhà thơ. Tâm trạng ấy cũng là phản quang của lòng ham sống mà chỉ với Xuân Diệu lòng ham sống ấy mới như những con sóng biển trào dâng dào dạt, không nghỉ không ngừng. Cho nên, yêu mà không thỏa lòng yêu, yêu mà “tuổi trẻ chăng hai lần thắm lại”, thi sĩ mới rớm lệ trong nỗi niềm tiếc nuối đến “bâng khuâng”. Đến đây, các giác quan mới được phát huy để cảm nhận cái mơ hồ rơi rụng, cả hương vị (vị chia phôi), cả âm thanh, nhất là âm thanh li biệt (than thần, thì thào, đứt tiếng). Người đọc hay nhắc đến cái đẹp buồn trong thơ Xuân Diệu, điều ấy không phải là ngẫu nhiên. Quả thật ở đây: có cái đẹp rất buồn, có cả cái buồn rất đẹp – do vậy càng buồn hơn. Cả một trường đoạn thơ thật ảo não, thê lương nói về sự tàn phai, tang tóc.
Cảm quan tiếc nuối của nhà thơ được đẩy lên tới đỉnh cao trong câu thơ “Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa …”. Tiếc nuối đến bất lực, đến nghẹn ngào thì chỉ còn một cách níu giữ lấy cái mong manh giờ đây đang còn là thực. Và không chỉ của một người. Đại từ nhân xưng chuyển từ “tôi” sang “ta” mang tính nhân loại. Cái riêng đã trở thành cái chung, cái của tất cả, của muôn đời. Kết cấu thơ ở đoạn cuối tương ứng với đoạn đầu về hình thức nghệ thuật, nhưng có sự đột phá, sự nâng cao mạnh mẽ về nội dung. Vai trò của chủ thể cũng từ bị động (đoạn đầu) chuyển sang chủ động (đoạn cuối). Các động từ xuất hiện với tần số cao và cường độ mạnh. Nhà thơ với tháng giêng vốn như cặp tình nhân không còn ở mức “đối diện đàm tâm” mà đã chuyển sang quan hệ chiếm hữu để thỏa mãn sự “đã đầy”, “no nê” đến mức “ngất ngư” (chữ của Xuân Diệu) là “chếnh choáng”. Cũng là cách “hút nhụy của mỗi giờ tình tự” (Giục giã) nhưng cái cách chiếm lĩnh ở đây không còn đủ sức để đợi chờ (“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa”). Hình ảnh “cặp môi gần” của tháng giêng ở đoạn đầu đều chỉ như là sự mời mọc đáng yêu nhưng còn có ranh giới. Đến đây, ranh giới ấy đã đột ngột bị phá vỡ, bị vượt qua. Không còn kìm nén, cũng không thể do dự phân vân:
Hỡi xuân hồng, ta muốn cán vào ngươi!
“Ngươi” ở đây là tháng giêng. “Ngươi” ở đây cũng là giai nhân, tuyệt thế trong cõi phàm trần. Lòng ham sống, ham yêu của Xuân Diệu vốn đã tích tụ trong nhiều bài. Nhưng chưa bao giờ mạnh mẽ, nổ bùng trong câu thơ giàu ấn tượng ấy.
Tóm lại, Vội vàng là một bài thơ sống và yêu của riêng Xuân Diệu. Đó là tình, đó là tài của một nhà thơ mà với phong trào Thơ mới, ông là ngọn cờ đầu.