Bàn luận về giá trị nội dung yêu nước và nhân nghĩa trong các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu
Bàn luận về giá trị nội dung yêu nước và nhân nghĩa trong các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu
Nhân nghĩa và yêu nước là hai nội dung lớn trong sáng tác văn chương Nguyễn Đình Chiểu.
Trong cả hai giai đoạn sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, các tác phẩm đều chứa đựng nội dung nhân nghĩa và yêu nước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của điều kiện lịch sử và cuộc đời của tác giả nên nội dung nhân nghĩa chiếm vị trí chủ đạo trong những sác tác ở giai đoạn đầu (trước khi Pháp xâm lược, 1858) còn nội dung yêu nước lại giữ vai trò chủ đạo trong các tác phẩm ở giai đoạn sau (sau khi Pháp xâm lược).
Nhân nghĩa trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu vừa chứa đựng nội dung của Nho giáo, vừa mang tinh thần nhân đạo truyền thông của người Việt Nam.
Như nhiều trí thức phong kiến xuất thân từ cửa Khổng sân Trình, nhà nho Đồ Chiểu cũng đề cao lễ giáo Nho gia: Trai thời trung hiếu làm đầu - Gái thời đức hạnh làm câu trau mình. Người anh hùng phải là người nghĩa hiệp như lời Khổng Tử: Kiến nghĩa bất vi vô dũng dã (Thấy được điều nghĩa mà không làm thì không phải là người dũng vậy). Hành động của Lục Vân Tiên khi cứu Kiều Nguyệt Nga mang lí tưởng anh hùng của trang nam nhi thời phong kiến: Nhớ câu kiến ngãi bất vi - Làm người thế ấy cũng phi anh hùng. (Truyện Lục Vân Tiên).
Tuy nhiên, nhân nghĩa ở Nguyễn Đình Chiểu còn bắt nguồn từ truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam. Lục Vân Tiên là người con chí hiếu với mẹ, bên cạnh chữ hiếu của Nho giáo là tình mẫu tử sâu nặng đã có từ bao đời trong cuộc sống gia đình của người dân đất Việt. Hành động cứu giúp những người hoạn nạn (Tôi xin ra sức anh hào - Cứu người ra khỏi lao dao buổi này) của Lục Vân Tiên đâu chỉ là tinh thần nghĩa hiệp của trang nam nhi thời phong kiến mà còn là tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam. Tấm lòng thủy chung trong sáng của Kiều Nguyệt Nga đâu chỉ là tấm gương về tiết hạnh theo mẫu hình “công, dung, ngôn, hạnh” mà còn là hình ảnh tiêu biểu cho vẻ đẹp truyền thống chung thủy, nghĩa tình của người phụ nữ Nam Bộ.
Lòng yêu nước trong sáng của Nguyễn Đình Chiểu vừa mang nội dung ái ưu (ái quốc - yêu nước, ưu dân - lo dân hoặc ái dán - yêu dân, ưu quốc - lo nước) của Nho gia vừa mang tinh thần bi tráng của thời đại “khổ nhục nhưng vĩ đại”.
Từ khi Pháp xâm lược Việt Nam, mỗi khi nói đến đất nước, nhân dân, thơ văn Nguyễn Đình Chiểu luôn đau đáu nỗi lo và đau.
Tâm trạng bao trùm bài Xúc cảnh là “ngóng”. “Ngóng” trong mong và lo. Lòng người sống nơi giặc chiếm đóng, đau xót, ngậm ngùi hướng về thánh đế đợi mong tin tốt lành như Hoa cỏ ngùi ngùi ngóng gió đông. Tâm trạng “ngóng” không chỉ gợi hồn người mà gợi cả hình người - bức hình Đồ Chiểu ngóng trông tin tức đất nước từ Bắc vào Nam, từ sáng đến chiều, ngóng trông đến mỏi mòn, héo hắt: Mây giăng ải Bắc trông tin nhạn - Ngày xế non Nam bặt tiếng hồng. Cùng một tâm trạng “ngóng” nhưng mở đầu bài Xúc cảnh là ngóng trong vô vọng còn kết thúc là ngóng trong khát vọng và hi vọng: Chừng nào thánh đế ân soi thấu - Một trận mưa nhuần rửa núi sông. Hình ảnh “một trận mưa nhuần rửa núi sông” mang tính ẩn dụ mà ý thơ thì sáng rõ: Nhân dân đứng lên chiến đấu quét sạch kẻ thù ra khỏi bờ cõi, rửa sạch vết nhơ nô lệ, đem lại nền thái bình cho dân tộc.
Ở bài Chạy giặc, hai câu đề là nỗi đau mất nước: Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây - Một bàn cờ thế phút sa tay. Tiếp đến, bốn câu thực và luận là nỗi đau dân: Bỏ nhà lũ trẻ la xơ chạy - Mất ổ đàn chim dáo dác bay, Bến Nghé của tiền tan bọt nước - Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây. Cuối cùng, hai câu kết là nỗi đau lòng: Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng - Nỡ để dân đen mắc nạn này? Từ nỗi đau nước, đau dân đến nỗi đau lòng, tất cả dồn lại trong một chữ đau.
Trong nỗi đau của Nguyễn Đình Chiểu còn có nỗi đau của một tấm lòng trung quân đã cảm thấy sự đổ vỡ niềm hi vọng vào triều đình phong kiến. Chính vì vậy, ông ca ngợi những sĩ phu yêu nước như Trương Định, Phan Tòng, mặc dù vẫn nặng lòng “trung quân ái quốc” nhưng đã chống lại triều đình, phất cao cờ đại nghĩa, chiến đấu vì nhân dân, đất nước: Bởi lòng chúng chẳng nghe thiên tử chiếu, đón ngăn mấy dặm mã tiền; theo bụng dân phải chịu tướng quăn phù, gánh vác một vai khổn ngoại” Văn tế Trương Định. “Theo bụng dân”, “chẳng nghe thiên tử chiếu” nên từ những nghĩa sĩ cần Vương đến những người nông dân nghĩa sĩ đều đứng lên chiến đấu với tinh thần kiên cường bất khuất: Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh [...] Thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc). “Theo bụng dân”, “chẳng nghe thiên tử chiếu” là bi kịch đồng thời là sự sáng suốt, cao cả của lòng yêu nước, thương dân trong văn chương Nguyễn Đình Chiểu.
Như vậy có thể thấy, nhân nghĩa và yêu nước là hai nội dung lớn và cũng là đóng góp quý báu của văn chương Nguyễn Đình Chiểu đối với nền văn học dân tộc. Từ những góc độ nghiên cứu khác nhau, có người đề cao nội dung đạo lí nhân nghĩa: “Tài sản quý nhất của Nguyễn Đình Chiểu để lại cho dân tộc, cái còn đọng lại trong toàn bộ văn chương của ông, là đạo lí làm người Việt Nam” (Nguyễn Đổng Chi). Có người lại đề cao nội dung yêu nước: “Phần thành công nhất, phần có giá trị nhất trong toàn bộ sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu là phần thơ văn yêu nước chống Pháp” (Đặng Thai Mai), “Nguyễn Đình Chiểu đã được đặt vào đúng vị trí của mình: Ngọn cờ đầu của thơ văn yêu nước chống Pháp” (Nguyễn Lộc).