Đăng ký

Phân tích bài thơ Ánh trăng của nhà thơ Nguyễn Duy - Ngữ văn 9

4,219 từ

“Ánh trăng” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Duy thời kỳ sau Cách mạng. Với “Ánh trăng”, Cunghocvui gửi tới các bạn bài viết Phân tích bài thơ Ánh trăng chi tiết nhất ngay sau đây!

 phân tích bài thơ ánh trăng

Đề bài: Hãy phân tích bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy

A. Dàn ý phân tích bài thơ Ánh trăng - Nguyễn Duy

  1. Mở bài: Giới thiệu về nhà thơ Nguyễn Duy và tác phẩm Ánh trăng

  2. Thân bài

1. Mười hai câu thơ đầu: Hình ảnh vầng trăng trong quá khứ và trong hiện tại

2. Bốn câu thơ tiếp: Một tình huống bất chợt giữa thành phố khiến ký ức năm xưa ùa về

3. Còn lại: Sự hối hận của tác giả và những triết lý sống

      3. Kết bài

B. Phân tích ánh trăng trong bài thơ cùng tên của nhà thơ Nguyễn Duy

Nhà văn Nga Leonit Leonop đã từng có phát biểu rằng: “Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức, một khám phá về nội dung”. Hình ảnh vầng trăng từ xưa tới nay vốn là nguồn cảm hứng bất tận của thi ca để cho những nhà văn, nhà thơ chắp bút viết nên những tác phẩm của mình Nếu Lí Bạch đã từng nâng chén cùng với trăng sáng trên cao để thấm thía nỗi cô đơn mình với bóng là ba, nếu Nguyễn Du để vầng trăng là nhân chứng chứng giám cho mối tình của Thúy Kiều - Kim Trọng trong đêm thề nguyền thì chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng coi ánh trăng như một người bạn tri kỷ, thân thiết trong những ngày tháng nơi tù giam “Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”. Cùng chung mạch nguồn cảm hứng ấy,  bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy vẫn khơi gợi trong tâm hồn của mỗi độc giả những cảm xúc mới mẻ, sâu sắc và nhiều ý nghĩa.

 Nguyễn Duy tên khai sinh là Nguyễn Duy Nhuệ, là một nhà thơ chiến sĩ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Thơ của ông là một phong cách thơ giàu triết lý, thiên về nội tâm bên trong của con người. Trong đó, “Ánh trăng” như là một tác phẩm tiêu biểu nhất, thể hiện rõ phong cách và tư tưởng thơ Nguyễn Duy. Sau ba năm ngày đất nước thống nhất, năm 1978 bài thơ Ánh trăng ra đời. Người chiến sĩ giờ đây từ giã nơi chiến trường mưa bom bão đạn đầy khốc liệt trở về sống nơi phồn hoa đô hội, nơi thành phố với những hiện đại, tiện nghi. Vì thế bài thơ như một lời tâm tình chân thành, sâu sắc về lối sống thủy chung, tình nghĩa, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

nhà thơ nguyễn duy

Nhà thơ Nguyễn Duy

Hình ảnh ánh trăng trong thơ Nguyễn Duy là hình tượng đa nghĩa. Đó là biểu tượng cho thiên nhiên tươi mát, của quá khứ nghĩa tình, của người bạn tri kỷ. Ánh trăng là tiếng lòng, là sự tự vấn lương tâm của Nguyễn Duy ở hiện tại mà suy nghĩ về thời quá khứ đã qua. Vì thế hình ảnh vầng trăng không chỉ là thiên nhiên mà còn là biểu tượng của một quá khứ đẹp đẽ. Ngay từ trong khổ thơ đầu, mạch cảm xúc của Nguyễn Duy đã hướng về bao kỉ niệm gắn bó với vầng trăng trong đời thơ ấu của tác giả:

“Hồi nhỏ sống với đồng

với sông rồi với biển

hồi chiến tranh ở rừng

vầng trăng thành tri kỷ”

Bài thơ mở đầu bằng những kỷ niệm chảy trôi trong những miền ký ức thiết tha, được thể hiện bằng những vần thơ năm chữ chứa chan cảm xúc. Những câu thơ tựa như một lời kể chuyện được cấu thành từ những ngôn ngữ giản dị, mộc mạc của một người lính từng đi qua chiến tranh khốc liệt, gian khổ nay trở về thành phố xa hoa, hồi tưởng về tuổi thơ với thiên nhiên, với những ngày sống chung cùng bom đạn nơi chiến trường. Vầng trăng tuổi thơ của Nguyễn Duy được trải dài trong không gian bao la với cánh đồng, dòng sông tươi mát. Điệp từ “lại” lặp lại ba lần nhấn mạnh tuổi thơ gắn bó với thiên nhiên, đặc biệt là ánh trăng trong lành, bình di. Có thể nói, ánh trăng là người bạn thiên nhiên gắn bó nhất với cuộc đời thi sĩ. Khi bước chân vào cuộc chiến tranh với lòng yêu nước thiết tha, người chiến sĩ  lại gắn bó sâu sắc với núi rừng, sống hòa mình vào thiên nhiên. Thế nhưng dẫu thời gian, điều kiện sống có đổi thay, con người dần trưởng thành hơn, tiếp xúc với những điều mới mẻ hơn thì chỉ còn một thứ vẫn luôn tồn tại mãi, không hề đổi thay, ấy là vầng trăng trong lòng của tác giả. Từ thời thơ ấu đến giờ đây, giữa chiến trường mưa bom bão đạn, ánh trăng đã trở thành tri âm, tri kỷ, là người bầu bạn trong những năm tháng hoa niên, trong từng bước hành quân chiến đấu. Trăng chia sẻ những nỗi vui buồn, những niềm gian khó, đi đến đâu trăng theo đến ấy, thân thương, gần gũi vô cùng:

trần trụi với thiên nhiên

hồn nhiên như cây cỏ 

ngỡ không bao giờ quên

cái vầng trăng tình nghĩa.

Thời gian của Nguyễn Duy, từ thời thơ ấu đến khi bước chân vào chiến trường vẫn luôn gắn bó và hòa mình với thiên nhiên, tác giả sống một cách đơn giản, bình yên và hồn nhiên như những loài cây cỏ với sức sống mạnh mẽ dẻo dai. Vầng trăng mang một vẻ đẹp thuần khuyết, nguyên thủy như vẻ đẹp của thiên nhiên, dõi theo nhân vật trữ tình trên mọi nẻo đường thân thuộc đến độ Nguyễn Duy  cứ “ngỡ” rằng sẽ không bao giờ có thể quên được hình ảnh của vầng trăng ấy. Ánh trăng giờ đây không chỉ là một thứ ánh sáng tự nhiên vô tri, vô giác mà đã trở thành người bạn, người đồng chí có tâm hồn đồng điệu.

 Thế nhưng từ “ngỡ” như là một điểm nhấn, đưa ý thơ rẽ sang một hướng khác, gợi lên những điều bất ngờ chưa nói. Từng gắn bó là vậy, nhưng giờ đây chính tác giả đã phải tự thú nhận với lòng mình:

“Từ hồi về thành phố

quen ánh điện cửa gương

vầng trăng đi qua ngõ

như người dưng qua đường”

Đất nước đã qua những năm tháng chiến tranh, con người và ánh trăng nơi chiến trường khốc liệt đã cùng nhau gắn bó vượt qua sự tàn phá của quân thù khiến ân tình trở nên sâu nặng. Sự vô tư, hồn nhiên, chân thật của tác giả trong những năm tháng chiến tranh, con người sống hết mình với thiên nhiên, hòa mình với thiên nhiên không thể tách rời. Thế nhưng cuộc sống biến đổi không ngừng, luôn bị chi phối bởi những giá trị vật chất.Chiến tranh đi qua, cũng như bao người lính khác nếu trước kia phải lặn lội, sinh tồn nơi rừng sâu rậm rạp, mờ nhòa trong khói lửa chiến tranh thì giờ đây cuộc sống đã đổi thay, Nguyễn Duy trở về với cuộc sống thời bình với “ánh điện cửa gương”, với những gì hiện đại, tiện nghi khiến người ta ham thích chứ không phải với dòng sông bao la, rừng bể. Sống trong cuộc sống tiện nghi, hiện đại, vật chất đầy đủ, quen với ánh sáng của đèn điện, cửa gương. Cứ như vậy, không biết từ bao giờ ánh trăng tình nghĩa, tri kỷ năm xưa giờ đây đã bị rơi vào quá khứ quên lãng, hững hờ. Với việc sử dụng nghệ thuật đối lập giữa vầng trăng tri kỷ trong quá khứ và vầng trăng như người dưng qua đường trong hiện tại để diễn tả sự thay đổi vô tình của con người đối với thiên nhiên. Anatol France đã từng nói rằng: “Đừng đánh mất quá khứ, vì với quá khứ người ta đi xây dựng tương lai”. Có một thời gắn bó khăng khít, ân tình giữa người và trăng, vậy mà khi thời thế đổi thay, lòng người nhanh chóng thay đổi, bội bạc với những gì mình từng coi là tri kỷ. Sự thay đổi ấy thật đáng buồn và đáng trách.

Một tình huống đột ngột, bất ngờ xảy ra khiến nhà thơ ngỡ ngàng:

Thình lình đèn điện tắt

phòng buyn-đinh tối om

vội bật tung cửa sổ

đột ngột vầng trăng tròn

Giữa sự đổi thay trớ trêu và đáng buồn như thế, bỗng một tình huống bất ngờ xảy đến – mất điện, căn phòng tối om, khiến người lính vốn quen với ánh điện sáng trưng sửng sốt và hoang mang. Khi mất đi những ánh đèn điện của sự hiện đại văn minh, trong bóng tối ông đi tìm cho mình một nguồn sáng khác. Ba động từ “vội”, “bật”, “tung” đứng cạnh nhau diễn tả sự bức bối, khó chịu của con người khi mất đi những tiện nghi đầy đủ của cuộc sống nơi chốn phồn hoa đô hội. Khi cánh cửa sổ mở tung ra, hình ảnh vầng trăng tròn năm xưa “ đột ngột” xuất hiện. Từ láy “đột ngột” diễn tả một tình huống hết sức bất ngờ mà có lẽ chưa bao giờ tác giả nghĩ tới. Vầng trăng hiện ra tròn vành vạnh, tỏa sáng cả căn phòng. Vầng trăng xuất hiện trong hoàn cảnh ấy đã gây ấn tượng mạnh, thổi bùng lên những kí ức năm xưa. Trong giây phút ấy, bao kỷ niệm thời quá khứ hiện về, khiến tác giả “rưng rưng” nước mắt:

Ngửa mặt lên nhìn trăng 

có cái gì rưng rưng

như là đồng, là bể

như là sông, là rừng

Vầng trăng và nhà thơ dường như đối diện với nhau một cách trực tiếp và thẳng thắn nhất, mặt đối mặt, bao kỷ niệm ùa về ùa về trong tâm trí của tác giả như bão tố khiến đôi mắt này “rưng rưng” nước mắt, nào là vầng trăng tri kỷ vẫn một lòng một dạ sắt son giữa trời xanh, xa hơn nữa là hình ảnh cánh đồng, bờ biển thuở ấu thơ, con sông xanh mát. Và có lẽ nhớ nhất chính là hình ảnh cánh rừng, những kỉ niệm nơi chiến trường, soi sáng con đường hành quân tuy gian khổ nhưng chất chứa đong đầy tình nghĩa. Cảm xúc “rưng rưng” như bồi hồi, nghẹn ngào trực trào nước mắt của nhân vật trữ tình:

trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc 

đủ cho ta giật mình.

Mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình đã phát triển thành chiều sâu suy tưởng. Trăng “im phăng phắc” không hờn trách, không chỉ trích, trăng vẫn im lặng soi sáng, phủ lên nhà thơ thứ ánh sáng đẹp đẽ và nhân hậu. Việc lặp lại hình ảnh “vầng trăng tròn” nhằm mục đích nhấn mạnh vào vẻ nguyên vẹn, tròn đầy, thủy chung của thiên nhiên, đồng đội, nhân dân trong quá khứ. Sự đối lập giữa hình ảnh một vầng trăng thiên nhiên thủy chung và sự thay đổi bội bạc của con người trong hiện tại, im lặng có lẽ là lựa chọn tốt nhất để con người tự vấn lương tâm của mình. Vầng trăng tròn như một vị quan tòa đầy nhân hậu để con người hiện đại soi xét lại chính mình, tỉnh ngộ giữa một guồng quay của cuộc sống vật chất. Kết hợp biện pháp nhân hóa, ẩn dụ cùng các từ láy “ phăng phắc”, “vành vạnh”, tác giả tái hiện là hình ảnh một vầng trăng tròn đầy, phúc hậu đồng thời gợi ra sự tĩnh lặng của không gian, xoáy sâu vào tâm can người đọc về một sự day dứt. Cái giật mình là một phản xạ tự nhiên, thể hiện sự thức tỉnh của nhân vật, cái giật mình của sự ăn năn, hối lỗi về một lối sống bội bạc, lãng quên quá khứ.

Câu từ trong Ánh trăng của Nguyễn Duy giản dị như một lời bộc bạch tâm sự  nhưng lại chất chứa hàm súc những ý nghĩa lớn, ám ảnh và giàu sức gợi.Giọng thơ trầm tĩnh, lối thơ bất ngờ, mới lạ. Cả bài thơ không viết hoa đầu câu và chỉ có duy nhất một dấu chấm cuối bài như là một mạch nguồn cảm xúc dạt dào của nhà thơ đồng thời thể hiện những triết lý suy ngẫm về lối sống. Từ đó nhắc nhở mọi người về một lối sống “Uống nước nhớ nguồn”.

Xem thêm >>>Soạn bài ánh trăng

Phân tích hình tượng ánh trăng trong bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy

Với bài phân tích bài Ánh trăng của Nguyễn Duy, Cunghocvui mong muốn các bạn có những giờ học thật hiệu quả. Nếu có thắc mắc gì về bài phân tích ánh trăng, hãy để lại comment dưới phần bình luận nhé!

shoppe