Đăng ký

Văn lớp 9 hay nhất: Phân tích bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy

2,048 từ Phân tích

Bài thơ Ánh trăng của nhà thơ Nguyễn Duy trong Sách giáo khoa Ngữ Văn 9 tập 2 là một trong những nội dung quan trọng, không thể thiếu trong chương trình Ngữ văn 9 và cả nội dung ôn thi vào lớp 10. Chính vì vậy, Cunghocvui.com mang đến cho các bạn tài liệu tham khảo để có thể Phân tích bài thơ Ánh trăng một cách cụ thể nhất!

Bài làm

   Nhắc đến nhà thơ Nguyễn Duy, người ta nghĩ ngay đến bài thơ Tre Việt Nam - một bài thơ rất hay và có thể coi là tuyệt tác của nhà thơ này. Thế nhưng, Nguyễn Duy còn có những bài thơ khác rất tuyệt vời, tiêu biểu là bài thơ Ánh trăng, được sáng tác năm 1978, ba năm sau khi miền Nam được giải phóng hoàn toàn. Bài thơ là những nỗi niềm trăn trở, những suy nghĩ sâu sắc về về cuộc sống, đặc biệt là về quá khứ thông qua hình ảnh ánh trăng.

   Nhà thơ mở đầu bài thơ bằng những hình ảnh vô cùng quen thuộc, gắn bó với tuổi thơ của mỗi con người:

"Hồi nhỏ sống với đồng

Với sông rồi với bể

Hồi chiến tranh ở rừng

Vầng trăng thành tri kỉ"

Phân tích bài thơ ánh trăng nguyễn duy

Bức tranh tuổi thơ của tác giả được vẽ lên với hình ảnh vô cùng thân thuộc của làng quê Việt Nam. Đó là những cánh đồng lúa bát ngát, những con sông hằng ngày lũ trẻ ra tắm nước, vui chơi. Chính những sự vật thân thuộc hàng ngày đã nuôi dưỡng tâm hồn cho mỗi chúng ta. Chúng theo tác giả trong suốt những năm tháng tuổi thơ và cho đến khi chiến tranh xảy ra, ánh trăng vẫn là người bạn tri kỉ của tác giả. Nghệ thuật nhân hóa "Vầng trăng thành tri kỉ" cho thấy sự khéo léo của tác giả. Nhà thơ ví ánh trăng cũng như một người bạn, san sẻ những nỗi niềm và đồng hành cùng nhau qua những năm tháng gian lao.

   Hình ảnh vầng trăng được miêu tả rõ hơn ở khổ thơ thứ hai:

"Trần trụi giữa thiên nhiên

Hồn nhiên như cây cỏ

Ngỡ không bao giờ quên

Cái vầng trăng tình nghĩa"

Động từ mạnh "trần trụi" cho thấy hiện diện của vầng trăng, ánh trăng tỏa sáng trên bầu trời bao la, nó trần trụi, không bao giờ giấu diếm điều gì, luôn là một người bạn tình nghĩa, thủy chung, san sẻ mọi vui, buồn với tác giả. Qua hai khổ thơ đầu, ta có thể thấy được tình cảm cũng như sự trân trọng của tác giả đối với ánh trăng - người bạn tri ân, tri kỉ ngỡ không bao giờ có thể quên được của nhà thơ.

   Tình cảm của tác giả đối với vầng trăng sâu sắc là thế, tình nghĩa là thế nhưng giờ đây, tác giả đã quên mất người bạn của mình rồi:

"Từ hồi về thành phố

Quen ánh điện cửa gương

Vầng trăng đi qua ngõ

Như người dưng qua đường"

Chiến tranh qua đi, con người ta được sống trong hòa bình với những thứ tiện nghi, hiện đại, vầng trăng khi ấy đã bị lãng quên. Ở đây, ta có thể cảm thông đối với tác giả. Bởi lẽ trong suốt những năm tháng chiến tranh gian khổ, con người không có một thứ gì khác làm bạn ngoài vầng trăng. Cho đến khi cuộc sống hiện đại hơn, mọi người quen với những thứ tiện nghi thì không còn nhiều thời gian để ý đến vầng trăng nữa. Hình ảnh so sánh "Như người dưng qua đường" cho thấy mối quan hệ xa cách của tác giả với vầng trăng. Rằng nhà thơ với ánh trăng nay chỉ là những người xa lạ, không quen biết. 

   Có lẽ nhà thơ sẽ mãi mãi quên mất người bạn của mình nếu không xảy ra tình huống đèn điện tắt:

"Thình lình đèn điện tắt

Phòng buyn- đinh tối om

Vội bật tung cửa sổ

Đột ngột vầng trăng tròn"

Tứ thơ trong khổ thơ này đã có sự thay đổi so với hai khổ thơ trước. Từ láy "Thình lình" cho thấy sự đột ngột, không báo trước khi đèn điện tắt, cũng là sự chuyển biến nhanh chóng, đột ngột trong tâm hồn nhà thơ. Lúc này, tác giả mới vội mở cửa sổ, cụm từ "Bật tung", "đột ngột" cho thấy sự hổ thẹn của nhà thơ. Thì ra, vầng trăng vẫn luôn ở đó, vẫn dõi theo từng chặng đường của tác giả, chỉ có điều, con người nay đã không còn nhớ đến vầng trăng tình nghĩa. Hình ảnh vầng trăng tròn vành vạnh cho thấy sự tròn đầy, thủy chung, son sắc của vầng trăng đối với con người. Tác giả có chút gì đó rưng rưng khi nhận ra sự xuất hiện của vầng trăng.

   Khổ thơ cuối là sự đối mặt trực tiếp giữa nhà thơ và ánh trăng:

"Vầng trăng tròn vành vạnh

Kể chi người vô tình

Ánh trăng im phăng phắc

Đủ cho ta giật mình"

Trước sự vô tình, thờ ơ của con người, ánh trăng chỉ im lặng, không hề trách móc, càng khiến cho tác giả trở nên hổ thẹn hơn. Vầng trăng như gợi nhắc con người ta luôn phải nhớ đến quá khứ nghĩa tình, dù đã qua thời kì gian khó nhưng không được quên đi những ngày tháng thủy chung, son sắt, đồng hành cùng nhau trong quá khứ. Sự rộng lượng của vầng trăng thức tỉnh con người ta về sự thủy chung với quá khứ. Ý thơ như lời nhắc nhở tự nhiên, chân thành của tác giả.

   Bài thơ khép lại với lời cảnh tỉnh sâu sắc dành cho bạn đọc. Rằng con người luôn luôn phải biết ơn và nhớ đến quá khứ, nhớ đến cội nguồn của mình, đừng vì những thứ tốt đẹp hiện tại mà quên mất đi những năm tháng thủy chung của quá khứ, mà vô tình quay lưng lại với quá khứ. Triết lí sống qua bài thơ được thể hiện một cách tự nhiên mà không bó buộc, khiến cho người đọc cảm thấy dễ dàng đón nhận và có nhận thức sâu hơn về cuộc sống.

Qua bài phân tích bài thơ Ánh trăng lớp 9, mong rằng các bạn có thêm một tài liệu tham khảo Phân tích bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy để học tốt văn học cấp trung học cơ sở. Chúc bạn học tốt!

 

shoppe