Phân tích hình ảnh ánh trăng trong bài thơ "Ánh trăng
Đề bài
Đề bài: Phân tích hình ảnh ánh trăng trong bài thơ cùng tên của Nguyễn Duy.
Hướng dẫn giải
Từ lâu, ánh trăng thơ mộng đã đi vào thi ca nhạc họa, nuôi một nguồn cảm hứng dồi dào bất tận. Nếu như trong ca dao xưa, trăng là nơi hò hẹn, trao gửi tâm tư thầm kín của đôi lứa yêu nhau; trong "Tĩnh dạ tứ" của Lí Bạch đời Đường, nhà thơ nhìn trăng soi mà thổn thức nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương thì đến với "Ánh trăng" của Nguyễn Duy, người đọc lại bắt gặp hình ảnh ánh trăng chất chứa một ý nghĩa triết lí sâu sắc, một đạo lí tốt đẹp ở đời, đó là đạo lí "uống nước nhớ nguồn", ân nghĩa thủy chung trong quá khứ. Bài thơ ra đời năm 1978, tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau ba năm đất nước được hòa bình, thống nhất.
Nguyễn Duy thuộc thế hệ nhà thơ – chiến sĩ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Đây là thế hệ từng trải qua bao thử thách, gian khổ, từng chứng kiến bao hi sinh lớn lao của nhân dân, đồng đội trong chiến tranh, từng sống gắn bó cùng thiên nhiên tình nghĩa. Nhưng khi đã qua thời máu lửa, nước nhà thống nhất, được sống trong hòa bình, giữa những tiện nghi hiện đại, người ta dễ lãng quên những gian lao, nghĩa tình của một thời đã qua. "Ánh trăng" được viết trong bối cảnh cảm xúc đó, như một lần "giật mình" của Nguyễn Duy trước sự vô tình, lãng quên dễ có ấy. Trong bài thơ, nhà thơ đã sáng tạo nên hình ảnh ánh trăng, hình ảnh này có tính chất ẩn dụ, biểu tượng cho vẻ đẹp thiên nhiên; cho vẻ đẹp bình dị, vĩnh hằng của cuộc sống trong quá khứ, chẳng thể phai mờ; và là biểu tượng của phẩm chất cao đẹp, trong sáng, thủy chung, tình nghĩa, bao dung và vô tư không đòi hỏi sự đáp đền. Vì thế, chúng ta có thể co gọn hình ảnh vầng trăng trong ba tầng nghĩa: vầng trăng tri kỉ; vầng trăng nghĩa tình và vầng trăng thức tỉnh.
Trước hết, vầng trăng được nhân hóa trở thành người bạn tri kỉ, nghĩa tình của con người trong thuở quá khứ xa xăm. Khi đó trăng và người như hòa với nhau làm một, với tình cảm mặn nồng, gắn bó thiết tha:
Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ
trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa
Tất cả những hoài niệm xa xăm ấy đều thấm đẫm ánh trăng, từ thuở ấu thơ cho tới lúc trưởng thành, nhất là trong những năm tháng chiến tranh. “Hồi nhỏ” gắn mình với thiên nhiên như với đồng ruộng, với sông bể của quê hương. Lớn lên trở thành người lính xông pha trận mạc gắn mình với rừng núi bao la, bát ngát. Trong cuộc ấy, con người sống chan hòa với thiên nhiên, bình dị, ấm áp, hiền hòa.Và vầng trăng “tri kỉ”, “tình nghĩa” đã minh chứng cho sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ. Ở đây, Trăng được nhân hóa như con người và trở thành người bạn tuyệt vời cùng với con người: Trăng chia sẻ mọi vui buồn, gian khó, đồng cam cộng khổ xoa dịu những vết thương của chiến tranh bằng thứ ánh sáng dịu hiền nên trở thành người bạn “tri kỉ”, tri âm. Con người sống “trần trụi với thiên nhiên”, “hồn nhiên như cây cỏ”, một cuộc sống thanh thản, giản dị và thỏa lòng. Và trăng với người sống chan hòa, gắn bó đằm thắm “tình nghĩa” với nhau. Vì vậy, lòng đã tự hẹn với lòng bằng một tấm lòng thủy chung, tình nghĩa, son sắt: “bao giờ quên”. Nhưng từ “ngỡ” như vừa thể hiện niềm xót xa, tiếc nuối, ân hận; lại vừa báo hiệu trước sự đổi thay một tình nghĩa đáng lẽ cần phải trân trọng.
Thế nhưng, từ sau tuổi thơ và chiến tranh, hòa bình của đất nước được lập lại, người lính đã giã từ nơi rừng núi trở về thành phố, nơi đô thị phồn hoa thì cái vầng trăng tình nghĩa tri kỉ năm nào đã bị con người lãng quên, coi "như người dưng qua đường":
Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường
Thành phố là một môi trường sống mới, một địa điểm khác hoàn toàn mới mẻ, hiện đại, đối lập với không gian sống hồi nhỏ và khi còn là người lính trên chiến trường ác liệt. Nơi ấy, có cuộc sống đủ đầy, tiện nghi, khép kín trong những căn phòng hiện đại nơi phồn hoa đô thị "ánh điện cửa gương", rời xa với thiên nhiên "đồng, sông, rừng, bể". Vì thế, tình cảm của con người dần phai nhạt và “Vầng trăng tri kỉ, tình nghĩa” kia đã trở thành “người dưng qua đường”. Vầng trăng đi qua ngõ nhưng con người hờ hững, thờ ơ, không còn nhận ra trăng từng là người bạn tri kỉ, tình nghĩa của một thời đó nữa. Câu thơ dưng dưng - lạnh lùng - nhức nhối, xót xa miêu tả một điều gì bội bạc, nhẫn tâm vẫn thường xảy ra trong cuộc sống. Có lẽ nào sự biến đổi về kinh tế, về điều kiện sống tiện nghi lại kéo theo sự thay dạ đổi lòng?. Và từ đó, trong lòng người đọc lại dộn lên lời thơ khắc khoải của Tố Hữu trong bài thơ "Việt Bắc". Trong giờ phút chia tay giữa người lính và đồng bào nhân dân miền Tây, người dân Việt Bắc cũng băn khoăn, canh cánh một tâm trạng xót xa:
Mình về thành thị xa xôi
Nhà cao còn thấy núi đồi nữa chăng?
Phố đông còn nhớ bản làng
Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?
Từ sự xa lạ giữa người với trăng, giữa hiện tại và quá khứ, Nguyễn Duy muốn nhắc nhở chúng ta: đừng để những giá trị vật chất, guồng quay bận bịu, lo toan của cuộc sống cuốn chúng ta đi mất để rồi lãng quên giá trị bình dị mà vững bền sâu xa, những kỉ niệm, ngọt ngào, đong đầy tình cảm, những điều đáng để chúng ta phải khắc cốt ghi tâm, ân tình trọn vẹn. Câu chuyện tâm tình được kể ngắn gọn, súc tích, mộc mạc, giản dị mà chân thành; những câu chữ đầu dòng thơ không viết hoa đã diễn tả dòng suy tư miên man không dứt của nhà thơ trước sự chảy trôi của thời gian, năm tháng và sự thay đổi của lòng người trước cuộc sống tiện nghi.
Và rồi tưởng chừng như Trăng cứ thế mà chìm khuất đi mãi mãi, người với Trăng sẽ chẳng còn cơ hội mà gặp gỡ nhau. Bởi trước phồn hoa đô hội, dưới ánh sáng cửa gương, đèn điện, dưới sự bận bịu, lo toan cho cuộc sống của con người thì Trăng sẽ trở nên nhạt nhòa, chìm khuất nhưng nó đã có dịp bừng sáng lên khi một tình huống bất ngờ xảy đến, để rồi đánh thức biết bao nhiêu là suy ngẫm, kỉ niệm dội về trong lòng người đổi thay:
Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn
Nếu ở các khổ thơ trước, giọng thơ đều đều, chậm dãi, miên man trong những kỉ niệm tươi đẹp của quá khứ thì đến khổ bốn, giọng thơ đã đột ngột cất cao, thể hiện sự choáng ngợp, bất ngờ trước sự xuất hiện đột ngột của vâng trăng trước khung của sổ. Mất điện, theo một lẽ tự nhiên khi con người chỉ tìm tới nơi có ánh sáng, hạnh động phản xạ như một thói quen “vội bật tung cửa sổ” và con người đã vô tình bắt gặp “vầng trăng tròn” tình nghĩa năm nào. Nghệ thuật đảo ngữ đã đẩy từ “đột ngột” lên đầu câu thơ, nhấn mạnh đến sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên, bàng hoàng của con người khi bắt gặp vầng trăng. Vầng trăng tròn vành vạnh, chan chứa tình nghĩa vẫn luôn dõi theo, đồng hành cùng con người, vẫn luôn lặng lẽ tỏa sáng không hề hao khuyết. Còn con người thì lãng quên vầng trăng nên khi bắt gặp vầng trăng mới cảm thấy bất ngờ, đột ngột đến như vậy.
Mọi khoảng lặng xung quanh rất cần cho lúc này, mọi thứ như ngừng trôi đi, nhường chỗ cho hai tâm hồn gặp gỡ:
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì dưng dưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng
Con ngừoi lặng lẽ đối diện với trăng “Ngửa mặt lên nhìn mặt” và ngậm ngùi “rưng rưng” như trực trào nước mặt sắp khóc, vừa vui mừng, vừa ngẹn ngào không nói được thành lời. Từ “mặt” ở cuối câu thơ đầu là từ nhiều nghĩa, tạo nên sự đa nghĩa của ý thơ: Nhà thơ đối diện với vầng trăng, người bạn tri kỉ mà mình đã lãng quên. Người đối diện với trăng, trăng đối diện với người hay chính là quá khứ đối diện với hiện tại, thủy chung tình nghĩa đối diện với sự bạc bẽo, vô tình. Đối diện với trăng, nhà thơ như soi thấy cả mình trong đó, như được sống lại với những năm tháng gắn bó với thiên nhiên “đồng, sông, rừng, bể”. Vì thế, đã làm cho con người nhà thơ “rưng rưng” xúc động. Sự xúc động ấy vừa là niềm vui khi được sống lại với quá khứ; lại vừa là giọt nước mắt của sự ăn năn, cảm thấy hổ thẹn, ân hận về sự đổi thay của chính mình. Giọng thơ chuyển từ sự bất ngờ, đột ngột chuyển sang xúc động “rưng rưng”. Điệp ngữ “như là”, kết hợp với biện pháp liệt kê hình ảnh “đồng – sông – rừng – bể” đã khiến nhịp thơ trở nên trầm lắng, chậm rãi và những lớp sóng của hoài niệm xa xăm cứ tự đâu ùa về thật xúc động thiêng liêng.
Từ hồi tưởng đến hiện tại, từ hiện tại tới xúc động rưng rưng và cuối cùng lắng dần vào trong những suy ngẫm, chiêm nghiệm. Đó là những phút giây bừng ngộ của tâm hồn nhà thơ mà cũng chính là lời nhắn nhủ thiết tha mà Nguyễn Duy muốn gửi gắm trong cuộc đời. Vì thế, khổ cuối chính là nỗi niềm suy tư và sự trăn trở, suy ngẫm mang tính tổng kết triết lí của nhà thơ trước vầng trăng tình nghĩa:
Trăng cứ tròn vành vạnh
kế chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.
Suốt chiền dài bài thơ, Trăng được miêu tả với rất nhiều những định ngữ khác nhau như: trăng tri kỉ, trăng tình nghĩa, vầng trăng tròn và cuối cùng kết tinh thành "Trăng cứ tròn vành vạnh". Điều đó đã cho thấy, trăng trở thành biểu tượng cho sự bất biến, vĩnh hằng, không thay đổi; biểu tượng cho sự tròn đầy, thủy chung, trọn vẹn của thiên nhiên tươi đẹp trong quá khứ, trong hiện tại và cả tương lai, cho dù lòng người đổi thay, khiếm khuyết “vô tình”. Hình ảnh ánh trăng được nhân hóa với thái độ “im phăng phắc” gợi cho chúng ta liên tưởng tới cái nhìn nghiêm khắc như trách móc, nhắc nhở con người về thái độ “vô tình” bạc bẽo, lãng quên của chính mình. Nhưng đồng thời thái độ "im phăng phắc" đó của trăng cũng chất chứa cả sự bao dung, nhân từ, độ lượng của người bạn thủy chung, tình nghĩa. Bởi dù lòng người thay đổi nhưng trăng vẫn dõi theo người, vẫn lặng lẽ tỏa sáng, vẫn cứ “tròn vành vạnh”. Dòng thơ cuối dòn nén biết bao nhiêu là cảm xúc trong cái “giật mình” của con người. Chính sự im lặng của trăng đã làm cho con người phải “giật mình” thức tình, hay đó chính là cái "giật mình" của nhân cách, của lương tâm, là lời sám hối chân thành để rửa sạch tội lỗi, để tâm hồn trở nên trong sạch và sống tốt đẹp hơn.
Lời thơ chuyển từ “vầng trăng tròn vành vạnh” sang hình ảnh “ánh trăng” chất chứa nhiều ý nghĩa khái quát: nếu như vầng trăng tròn là để nói về quá khứ thủy chung, tình nghĩa vẹn nguyên thì “ánh trăng” lại để nói đến vầng hào quang của quá khứ, ánh sáng của lương tâm, của đạo đức soi rọi xua tan đi những bóng tối của sự lãng quên, bội bạc và làm con người thức tỉnh, tâm hồn trở nên trong sáng hơn, đẹp đẽ hơn. Vì thế, ánh trăng của Nguyễn Duy là một thứ vầng trăng mang đầy tính nhân văn, nhân bản sâu sắc. Nó trở thành một bài học không chỉ dành riêng cho những người lính mà còn có ý nghĩa với tất cả mọi người, mọi thời đại để rồi từ đó, tự mỗi người trong mỗi chúng ta sẽ tự đối diện với chính mình, với quá khứ xem mình đã sống ra sao, như thế nào...
Tóm lại, qua hình ảnh ánh trăng trong bài thơ, chúng ta thấy được những lớp nghĩa ẩn dụ sâu xa mà nhà thơ gửi gắm. Đó là một bài học mang ý nghĩa triết lí nhân sinh sâu sắc ở đời, chứa đựng đạo lí truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, mang ý nghĩa nhắc nhở về lòng biết ơn, sự thủy chung son sắt và tấm lòng biết trân trọng đối với những giá trị thiết thân, bình dị mà bền vững mà ta đã từng gắn bó, từng trải qua, nay đã thuộc về quá khứ. Và ánh trăng thực sự là tấm gương soi sáng, giúp mọi người nhìn lại chính mình mà "đối diện đàm tâm", để tìm lại cho mình những điều mà ta chợt quên lãng...