Hướng dẫn làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn giúp ăn trọn điểm
Về cơ bản, cấu trúc đề của Bộ Giáo dục vẫn giống như đề thi các năm trước, kiến thức tập trung vào lớp 12 (chiếm 50% tổng số điểm bài thi). Đề thi gồm 2 phần: Đọc hiểu (chiếm 30% tổng số điểm) và Làm văn (chiếm 70% tổng số điểm bài thi).
1. Phần Đọc hiểu
Ở phần Đọc hiểu, ngữ liệu sẽ lấy ở ngoài sách giáo khoa. Học sinh cần sử dụng hai thao tác cơ bản là đọc và hiểu ngữ liệu.
Sự thay đổi đáng lưu ý là cách đặt câu hỏi ở phần đọc hiểu. Theo công bố minh họa đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, câu đầu tiên không còn kiểm tra học sinh về các kiến thức tiếng Việt căn bản như thể thơ, phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt… như những năm trước. Các câu hỏi đều không yêu cầu học sinh có sự học thuộc các kiến thức trong sách giáo khoa mà đòi hỏi nhiều hơn sự phân tích, suy luận, biết vận dụng kiến thức cơ bản đã học và quan sát thực tiễn.
2. Phần Làm Văn
Ở phần làm văn, câu hỏi yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận xã hội với dung lượng 200 chữ (không quá mặt giấy A4). Câu hỏi này chiếm 20% tổng số điểm của phần Làm văn. Vấn đề nghị luận sẽ được rút ra ngay từ ngữ liệu của phần đọc hiểu, khá gần gũi và thiết thực với học sinh.
Xét về mức độ, câu nghị luận xã hội là một câu hỏi ở mức độ phù hợp với mọi đối tượng học sinh. Yêu cầu của đề thường mở, nên học sinh có thể thoải mái trình bày ý kiến cá nhân và hiểu biết của bản thân, miễn sao ý kiến đó phù hợp với những chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Ngoài ra, để viết sâu sắc và chỉn chu, học sinh cần biết kết hợp các thao tác lập luận văn bản, chú ý đảm bảo dung lượng bài viết mà đề bài yêu cầu.
Câu hỏi còn lại của phần Làm văn là câu hỏi yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận văn học, chiếm 50% trên tổng số điểm bài thi. Nếu năm 2018, câu nghị luận văn học yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức trong hai lớp là lớp 11 và lớp 12 thì trong đề tham khảo chỉ hỏi duy nhất kiến thức nằm trong chương trình lớp 12. Xét về mức độ, đề nghị luận văn học là một đề bài tương đối khó.
3. Một số lưu ý cần nhớ khi làm bài thi
Thí sinh cần phân bố thời gian hợp lí để làm bài. Thời gian luôn tỉ lệ thuận với dung lượng viết và điểm số từng câu.
Tổng thời gian làm bài thi là 120 phút. Bởi vậy, thí sinh nên làm phần đọc hiểu trong khoảng 20 phút, câu 1 phần làm văn cần khoảng 20 phút và dành 80 phút còn lại để làm câu nghị luận văn học.
Phân bố thời gian hợp lí cũng là một trong những bí quyết để có một bài làm tốt.
Với những chia sẻ trên Cùng học vui hi vọng các em có thể chuẩn bị tâm lí thật tốt và kiến thức vững vàng để làm bài thi THPT quốc gia được điểm cao nhé!