Đăng ký

Hướng dẫn làm bài nghị luận xã hội và nghị luận văn học

1)     NGHỊ LUẬN XÃ HỘI
a)      Yêu cầu cơ bản
Gọi là nghị luận xã hội vì vấn đề/đối tượng của kiểu bài này thường là một tư tưởng, đạo lí, một hiện tượng xã hội, đời sống. Đã là bài văn nghị luận, cần phải đảm bảo những yêu cầu chung (về nội dung, về bố cục, về diễn đạt). Đối với bài nghị luận xã hội, cần đáp ứng các yêu cầu cụ thể sau:
-       Tính đúng đắn, sự sáng rõ của tư tưởng, của nội dung nghị luận: Quan niệm, ý kiến của người viết nghị luận xã hội hiển nhiên phải đúng với chân lí khoa học, với thực tiễn đời sống. Người làm bài cũng nên có thái độ rõ ràng, dứt khoát trước đối tượng/vấn đề nghị luận, tránh lưng chừng, nước đôi.
-     Sự chặt chẽ, mạch lạc của các luận điểm, luận cứ, luận chứng gắn với năng lực biện luận: Hệ thống luận điểm, luận cứ, luận chứng phải được tổ chức một cách hợp lí, được dẫn dắt theo một trình tự đúng đắn và hấp dẫn; bài văn kết hợp nhuần nhuyễn lí lẽ và dẫn chúng, các thao tác nghị luận giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận,,.
-     Có suy nghĩ, cảm xúc cá nhân và sự liên hệ sinh động với thực tiễn đời sống: Bài nghị luận xã hội rất dễ rơi vào tình trạng chung chung, nội dung không sai nhưng đúng một cách “vô sự”. Trước vấn đề nghị luận, cần cảm nhận bằng nhận thức, bằng tình cảm của cá nhân mình, cần “kéo” nó về với thực tiễn đời sống hiện thời. Trong sự bàn luận, trong nêu dẫn chứng nên có phần trải nghiệm, câu chuyện hay kỉ niệm của chính mình. Làm được thế, nội dung nghị luận sẽ càng trở nên cụ thể, thấm thía.
Lí thuyết về nghị luận xã hội hiện hành chia thành các kiểu bài: nghị luận về một tư tưởng, đạo lí (thường dẫn một ý kiến, một danh ngôn, châm ngôn. nghị luận về một hiện tượng đời sống, nghị luận tổng hợp. cần lưu ý với các em là các vấn đề đối tượng nghị luận này không hoàn toàn tách rời nhau. Thực tế, có những đề văn nghị luận xã hội không hẳn chỉ thuộc về một kiểu loại nào. Một tư tưởng, đạo lí bất kì nào đó bao giờ cũng thể hiện, soi chiếu sinh động trong quá trình lịch sử, trong thực tiễn xã hội, đời sống. Ngược lại, bản thân một hiện tượng xã hội, đời sống thường đâ chứa đựng các vấn đề nào đó của tư tưởng, đạo lí. Vì thế, một bài nghị luận về tư tưởng, đạo lí chỉ có sức thuyết phục khi biết gắn với thực tế lịch sử, xã hội sinh động. Mặt khác, khi nghị luận về một hiện tượng xã hội, đời sống cụ thể, các em phải đánh giá được tính phổ biến của nó, phải rút ra, nâng lên thành các vấn đề của tư tưởng, của đạo lí.
b)     Phương pháp, kĩ năng làm bài
Các sách giáo khoa, sách tham khảo về làm văn hiện hành chưa chú ý đúng mức tới việc hướng dẫn, rèn luyện cho các em về phương pháp, kĩ năng làm bài: Bước tìm hiểu đề nên ra sao? Làm thế nào để tìm ý cho bài văn nghị luận xã hội? Bài văn nghị luận xã hội nên tổ chức theo trình tự như thế nào?
b.1)  Phương pháp tìm hiểu đề
Nếu hiểu không đúng hoặc không hiểu hết đề thi bài làm sẽ tạc đề hoặc sót ý.
-     Trước một đề thi, cần đọc kĩ và đặc biệt chú ý tới các từ ngữ then chốt, suy ngẫm để hiểu đúng thực chất của hiện tượng, câu chuyện được nêu ra. Nếu là ý kiến, nhận định gồm nhiều câu hay câu nhiều mệnh đề thì phải suy nghĩ về mối quan hệ giữa các câu, các mệnh đề, về các quan hệ từ được dùng trong câu đề hiểu đúng sự liên kết các ý, xác định đâu là ý chính, đâu là ý phụ trong nội dung nghị luận.
-     Hiểu đúng nội hàm, ý nghĩa của các từ ngữ then chốt trong đề thì nội dung bài nghị luận mới đúng hướng và đủ ý. Ví dụ, đề thi yêu cầu bình luận về ý kiến: “Một trong những điều nguy hại nhất đối với con người là để cho tâm hồn trống rỗng, khô cằn. Khi ấy, con người ta có thể đã chết ngay lúc đang còn sống”. Cần hiểu rõ các từ trống rỗng, khô cằn để chỉ ra những biểu hiện của một tâm hồn rơi vào tình trạng ấy; cần suy nghĩ về ý nghĩa của các từ chết, sống trong văn cảnh này để phân biệt sự chết, sống về mặt tinh thần với mặt sinh học khi nghị luận.., Ý kiến này gồm hai câu. Câu sau là hệ quả tự nhiên, tất yếu của câu trước.
-        Nếu ý kiến, nhận định sử dụng phương thức tu từ, hình ảnh, ngôn ngữ ẩn dụ, bóng bảy thì cần cảm thụ, suy nghĩ kĩ để hiểu đúng thực chất ý nghĩa của chúng (cũng là ý để của người nói, người viết). Ví dụ, đề thi yêu cầu trình bày suy nghĩ về nhận định: “Bạn là người đến với ta khi mọi người bỏ ta đi” thì cần suy nghĩ xem “khi mọi người bỏ ta đi” ngụ ý muốn nói đến những tình cảnh, tình huống gì. Một ví dụ nữa: đề thi yêu cầu phát biểu suy nghĩ của anh/chị về hiện tượng cây hoa dại mọc lên và nở những chùm hoa thật đẹp giữa một vùng sỏi đá khô cằn. cần phải hiểu các tầng nghĩa của hình ảnh, hiểu ý nghĩa biểu tượng của những chùm hoa đẹp trên cây hoa dại, của vùng sỏi đá khô cằn... Từ đây mới hiểu cần trình bày suy nghĩ, luận bàn về đức tính cần cù, kiên định, về sự chắt chiu, chắt lọc tinh hoa trong gian khó.
b.2)       Phương pháp tìm ý và tổ chức hệ thống luận điểm
Phần mở bài của bài văn nên ngắn gọn, không vòng vo, rào đón. Dù vào bài bằng cách nào cũng phải nêu được vấn đề nghị luận và khái quát ý nghĩa của nó.
Trình tự một bài văn nghị luận xã hội (phần thân bài) thường là quá trình đặt ra và trả lời các câu hỏi:
-       Nói như thế, nội dung hiện tượng, câu chuyện đó nghĩa là thế nào? (Giải thích ý kiến, hiện tượng). Khi trả lời câu hỏi này cần bám sát, cần giải thích, phân tích ngôn từ, hình ảnh, tinh thần cơ bản trong ý kiến, câu nói, bản chất của hiện tượng,
-      Tại sao lại như thế? Các căn cứ để khẳng định? (Phân tích, bàn luận về sự đúng/sai, tốt/xấu của ý kiến, của hiện tượng). Trả lời câu hỏi này thường là phần dài nhất của nội dung nghị luận.
Không thể khẳng định đúng/sai, tốt/xấu một cách chung chung. Điều quan trọng ở đây là phải tìm ra các tiêu chí để giải thích, đánh giá. Tuỳ vấn đề nghị luận cụ thể, song thông thường các căn cứ nên dựa vào để phân tích, đánh giá là:
+ Pháp lí, pháp luật;
+ Truyền thống lịch sử của nhân loại, của đất nước;
+ Chuẩn mực đạo lí, đạo đức của dân tộc, cộng đồng;
+ Thực tiễn xã hội, đời sống (có thể lấy ở sách vở, báo chí...);
+ Trải nghiệm, bài học của bản thân.
Trong quá trình phân tích, bàn luận này cần chú ý kết hợp linh hoạt các thao tác nghị luận, giữa lí lẽ với dẫn chứng cụ thể, cần viết bằng nhận thức,' cảm nhận của bản thân.
- Ý nghĩa/bài học của vấn đề nghị luận?
Phần này thường không dài nhưng lại không thể thiếu trong bài văn nghị luận xã hội.
+ Ý nghĩa đối với mọi người, đối với xã hội (chú ý tới đặc điểm của xã hội hiện nay để thấy tầm quan trọng của vấn đề nghị luận).
+ Ý nghĩa/bài học đối với bản thân.
Ở phần này, cần tránh lối viết chung chung, sáo rỗng mà nên nói những gì mình thật sự nhận biết, thấm thía

2)      NGHỊ LUẬN VĂN HỌC
Đây là kiểu bài “truyền thống” các em đã rất quen thuộc. Đối tượng của kiểu bài này có thể là một nhận định, ý kiến về văn học, là một giá trị nào đó của tác phẩm, về một/các nhân vật hay về một đoạn/bài thơ... Chúng tôi chỉ nhấn mạnh mấy điểm cần chú ý sau trong phương pháp làm bài từ thực tế chấm bài thi của các em lâu nay:
a)  Cần trả tác phẩm về đúng môi trường sinh thành của nó để phân tích, đánh giá (chú ý hoàn cảnh lịch sử - xã hội của nội dung phản ánh, của thời điểm sáng tác, chủ ỷ tới tâm thế, ỷ đồ nghệ thuật của nhà văn khi viết tác phẩm)
Con cá chỉ sinh động khi bơi trong môi trường nước của nó. Tác phẩm văn chương cũng vậy - được sinh thành trong một môi trường lịch sử, xã hội, văn hoá nhất định, đồng thời mang dấu ấn tinh thần của cá nhân nhà văn. Tác phẩm văn chương nhiều khi phản ánh rất rõ ý đồ, tâm thế sáng tác của nhà văn ở một toạ độ không gian - thời gian hết sức cụ thể. Khi phân tích Việt Bắc của Tố Hữu, nếu không đặt bài thơ vào thời điểm tháng 10 năm 1954, không hiểu không khí lịch sử dân tộc ta lúc đó thì không thể thấm thía giá trị của nó. Ra đời ở bước ngoặt lớn lao của đời sống dân tộc, trong không khí phấn chấn, hào hùng của những ngày toàn thắng thực dân Pháp, về lại Thủ đô, Việt Bắc có ý nghĩa tổng kết các chặng đường lịch sử của đất nước gắn bó cùng căn cứ địa cách mạng, chiến khu kháng chiến, là bản tình ca về đời sống tâm hồn phong phú, cao đẹp của con người Việt Nam, là lời nguyện ước “uống nước nhớ nguồn” thấm đượm đạo lí truyền thống... Phân tích Vợ nhặt của Kim Lân, nếu không thấm thìa thảm cảnh nạn đói khủng khiếp mùa xuân Ất Dậu năm 1945, không hiểu ý đồ của nhà văn thì khó cảm nhận hết và phân tích sâu giá trị nhân đạo của truyện ngắn. Những người đói, ngay khi cận kề cái chết, vẫn sẵn lòng đùm bọc, cưu mang nhau, vẫn biết vui với những gì mình đang có, vẫn hướng tới sự sống, khát khao một tả ấm gia đình - đó là định hướng cơ bản khi cảm nhận tác phẩm, khi phân tích các nhân vật Tràng, bà cụ Tứ, người vợ nhặt.
b) Nắm bắt trúng và tập trung phân tích sâu các chi tiết độc sắc, yếu tổ trọng điểm trong tác phẩm
Đây là một thước đo năng lực đọc, năng lực cảm thụ văn chương và kĩ năng của người làm bài. Trong quá trình học, cần phải đọc kĩ, nghiền ngẫm, thâm nhập sâu vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Giữa rất nhiều yếu tố tạo thành nội dung trực tiếp của tác phẩm bao giờ cũng có một số yếu tố giữ vai trò then chốt. Giữa rất nhiều chỉ tiết trong tác phẩm, cần nắm bắt trúng một số chi tiết đặc sắc, có sức nặng hơn cả và từ đó tập trung phân tích, khai thác ý nghĩa của nó. Làm được như thế, nội dung bài văn mới có độ sâu, có điểm nhấn và sẽ giàu tính thuyết phục. Phân tích vẻ đẹp tâm hồn, sức sống tiềm tàng của nhân vật MỊ (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài) không thể xem nhẹ âm thanh tiếng sáo gọi bạn tình trong đêm mùa xuân (Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo gọi bạn đi chơi), không thể không chú ý hình ảnh dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại của A Phủ mà Mị bất chợt thấy qua ánh lửa trong đêm mùa đông giá lạnh. Đó là các chi tiết có ý nghĩa tạo bước ngoặt trong diễn biến tâm trạng rồi hành động của nhân vật ở các tình thế đặc biệt.
Trong văn xuôi, chi tiết đặc sắc có thể là một hình ảnh được miêu tả, có thể là một cử chỉ, hành động, ý nghĩ, lời nói của nhân vật hoặc cũng có thể là một lời cách diễn tả của nhà văn. Phân tích sự ý tứ, biết điều, phân tích vẻ đẹp thiên tính nữ của nhân vật người vợ nhặt trong truyện ngắn của Kim Lân, mấy ai đã cảm nhận kĩ hành động đưa mạnh những nhát chổi sàn sạt trên mặt sân, quét đi bao rác rưởi của thị ở buổi sáng đầu tiên làm dâu, hành động lặng lẽ ngồi ăn hết bát cháo cám mẹ chồng múc cho của thị ở bữa ăn sau đó. Trong tác phẩm thơ, chi tiết đặc sắc có khi là một từ ngữ, hình ảnh, có khi ở cách ngắt nhịp, phối thanh, gieo vần của nhà thơ. Chẳng hạn, đó là “nhớ chơi vơi”, “súng ngửi trời” ở đoạn 1 bài Tây Tiến của Quang Dũng, là cách diễn tả nỗi nhớ độc đáo, ấn tượng của Xuân Quỳnh ở bài Sóng: “Lòng em nhớ đến anh/Cả trong mơ còn thức”...
c) Xác định đứng tương quan, mức độ quan trọng của các luận điểm đề phân bổ hợp lí nội dung và độ dài của bài viết
Trong thực tế làm bài, không ít học sinh chưa ý thức đầy đủ và đã mắc sai sót ở vấn đề này. Cho lẽ ra cần phân tích, bàn luận kĩ thì làm “chưa đến độ”, nơi không hằn là trọng tâm thì lại dài dòng, sa đà. Bài làm vãn như thế không thể đạt điểm cao. Trên cơ sở đọc hiểu, cảm nhận đứng tác phẩm, căn cứ vào yêu cầu của đề bài, cần xác định đâu là yêu cầu trọng tâm, là luận điểm chính để tập trung nhiều hơn thời gian, “bút lực” vào đó. Người làm văn cần đồng cảm, say sưa với vấn đề mình trình bày, song cũng cần tỉnh táo, chừng mực để biết mình nên viết, phải viết đến đâu. Đó là một kĩ năng cần rèn luyện. Trong thực tế làm văn, không ít học sinh khi chạm tới vấn đề mình đã học được, đọc được là “bê” nguyên xi cả bài, cả đoạn học thuộc vào mà không biết lựa chọn, lược bớt, không biết hướng kiến thức đó theo yêu cầu cụ thể của đề bài.
Các luận điểm trong bài văn cần được chia tách một cách rõ ràng, đồng thời cũng nên được liên kết, chuyển tiếp một cách chặt chẽ, hấp dẫn. Điều này tuỳ thuộc vào năng lực tư duy logic, vào khả năng tổ chức của người làm bài. Nhiều khi, việc chuyển tiếp giữa các ý chính trong bài nghị luận gắn cùng sự chuyển đổi giọng vãn. Ví dụ, khi phân tích xong tình cảnh đói khổ của các nhân vật trong Vợ nhặt, câu chuyện nên chồng nên vợ như một trò đùa, một chuyện tình cờ, ngẫu nhiên của Tràng và người phụ nữ nọ, để sang luận điểm khác, có thể chuyển tiếp, gợi dẫn bằng giọng điệu hỏi: Tại sao những con người ấy cưu mang nhau? Trở thành vợ chồng một cách tình cờ, ngẫu nhiên trong hoàn cảnh tận cùng đói khổ như vậy, họ sẽ cư xử với hạnh phúc bất ngờ của mình, cư xử với nhau như thế nào? Từ đây, học sinh sẽ phân tích vẻ đẹp của lòng thương yêu, sự đùm bọc, niềm vui hạnh phúc bình dị và khát vọng tổ ấm gia đình của những người lao động nghèo.
Thực tế cho thấy nhiều học sinh không chú ý làm tốt việc kết nối các luận điểm trong bài làm văn. Một bài văn nghị luận tốt không phải là phép cộng cơ học của các ý mà còn đòi hỏi sự sắp xếp, sự kết nối để làm sao ý nọ “gọi” ý kia, các ý được tổ chức theo một mạch dẫn, một ý đồ nhất định.

Xem thêm >>> Các dạng đề thi thường gặp

Trên đây là bài viết hướng dẫn về làm bài nghị luận xã hội và nghị luận văn học mà Cunghocvui đã tổng hợp được, hy vọng bài viết sẽ giúp ích được nhiều cho quá trình học tập của bạn. Chúc bạn học tập tốt <3

shoppe