Đăng ký

Giới thiệu về tác phẩm Rừng xà nu

2,305 từ

Giới thiệu về tác phẩm Rừng xà nu

Mùa hè năm 1965, đế quốc Mĩ bắt đầu đổ quân ào ạt vào bãi biển Chu Lai, cuộc chiến đấu mới vô cùng gay go và ác liệt. Nguyễn Trung Thành viết Rừng xà nu như là một biểu tượng cho một tinh thần bất khuất, kiên cường của đồng bào Tây Nguyên nói riêng và đồng bào ta nói chung.

1. Hoàn cảnh sáng tác
- Mùa hè năm 1965, đế quốc Mĩ bắt đầu đổ quân ào ạt vào bãi biển Chu Lai, cuộc chiến đấu mới vô cùng gay go và ác liệt. Nguyễn Trung Thành viết Rừng xà nu như là một biểu tượng cho một tinh thần bất khuất, kiên cường của đồng bào Tây Nguyên nói riêng và đồng bào ta nói chung.
 
Rừng xà nu đăng lần đầu tiên trên tạp chí Văn nghệ quân giải phóng miền Trung Trung Bộ (số 2, 1965), sau đó được tuyển in trong tập truyện và kí Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc.
 
2. Những giá trị nội dung, nghệ thuật
a. Hình ảnh cây xà nu
Hình ảnh cây xà nu trong truyện ngắn này vừa là hình ảnh thực vừa là hình ảnh mang nghĩa biểu trưng. Đó là một hình ảnh vừa lớn lao, vừa đau đớn, vừa anh dũng. Vì thế cây xà nu đã trở thành một nhân vật cực kì quan trọng trong tác phẩm. Cây xà nu vừa là nạn nhân vừa là nhân chứng cho cuộc chiến tranh.
 
+ Cây xà nu được miêu tả bằng bút pháp tạo hình đặc sắc với đường nét, màu sắc, hương vị.
+ Nghệ thuật nhân hoá đậm đặc liên tưởng: Không chỉ là những đời cây xà nu mà là đời người.
+ Cây xà nu còn được nhắc đến nhiều lần trong tác phẩm với một dụng ý nghệ thuật rõ nét.
+ Cây xà nu gắn bó mật thiết với cuộc sống thường nhật của dân làng Xô Man, gắn bó với những sự kiện trọng đại của dân làng, thấm sâu vào nếp suy nghĩ và cảm xúc của họ.
 
Hình tượng cây xà nu tạo nên một không khí Tây Nguyên, chất Tây nguyên độc đáo cho tác phẩm này.
 
b. Những người con bất khuất của dân làng Xô Man
Nhân vật Tnú, nhân vật trung tâm của tác phẩm được xây dựng bằng bút pháp sử thi mang đậm cảm hứng lãng mạn.

Cuộc đời và số phận của Tnú khá tiêu biểu cho cuộc đời và số phận chung của những con người Tây Nguyên đau thương, anh dũng, bất khuất, quật khởi đứng lên.
 
Tnú gắn bó với cách mạng từ nhỏ, anh rất gan dạ, dũng cảm. Tnú làm liên lạc cho cán bộ từ xã lên huyện, thường xé rừng mà đi, lọt qua các vòng vây của giặc. Bị giặc phục kích bắt, đánh đập dã man, Tnú nhất quyết không khai.
 
Tnú vượt tù trở lại làng thì anh đã trở thành một chàng trai hoàn hảo: rắn chắc, cao lớn, đẹp đẽ như cây xà nu cường tráng nhất. Rồi Tnú có vợ, có con.
 
Nhưng biến cố đã ập đến đối với cuộc đời Tnú nói riêng và dân làng Xô Man nói chung. Kẻ thù tàn bạo kéo về làng Xô Man để đàn áp phong trào nổi dậy. Để truy tìm Tnú, chúng đã bắt vợ con anh. Chúng tra tấn và giết chết vợ con anh. Tnú không cứu được vợ con, lòng căm thù đã biến hai mắt anh thành hai cục lửa hồng, anh xông vào lũ giặc. Tnú cũng không bảo vệ được chính mình, anh bị giặc bắt và đốt cháy mười đầu ngón tay.
 
Lửa trên mười ngón tay của Tnú đã làm rực cháy ngọn lửa căm thù của con người Xô Man. Họ đã quật khởi đứng lên tiêu diệt kẻ thù.
 
Từ đau thương, Tnú đã trở thành anh hùng, cây xà nu ngày một trưởng thành. Câu chuyện của Tnú là một câu chuyện đầy bi tráng. Tnú là nơi tập trung tất cả những đau thương mà con người nơi đây phải gánh chịu và Tnú cũng hội đủ mọi phẩm chất anh hùng, bất khuất của dân làng Xô Man nói riêng và đồng bào Tây Nguyên nói chung.
 
Các nhân vật khác:
- Cụ Mết, cây xà nu trưởng thành, người thủ lĩnh tinh thần của làng Xô Man. Hình ảnh ông nổi lên bằng những nét chạm khắc đẹp, bàn tay nặng trịch như kìm sắt, râu dài tới ngực, mắt sáng xếch ngược, ngực trần như cây xà nu lớn, tiếng nói ồ ồ, dội vang. Chính cụ là người truyền cho con cháu cái chân lí thiêng liêng “chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”. Hình ảnh cụ Mết với lưỡi mác dài trong tay hiện lên thật uy nghiêm trong đêm quật khởi. Cụ Mết là một điển hình của một già làng Tây Nguyên yêu nước, yêu buôn làng.
 
- Mai và Dít là những nhân vật tiêu biểu cho người phụ nữ Tây Nguyên. Họ cũng sớm giác ngộ cách mạng, kiên trung, bất khuất. Mai hi sinh, Dít ngày một trưởng thành hơn.
 
- Bé Heng, cây xà nu mới lớn, tượng trưng cho thể hệ nối tiếp của đồng bào Tây Nguyên, hình ảnh chú bé “súng đeo chéo ngang lưng ra vẻ một người lính thực sự” mang tính dự báo về sự trưởng thành, lớn mạnh hơn các thế hệ đi trước. Rồi dân làng Xô Man, đồng bào Tây Nguyên sẽ đường hoàng đương đầu với kẻ thù bằng một phẩm chất mới.
 
c. Cuộc vùng dậy của dân làng Xô Man
Cảm hứng trong Rừng xà nu đã được khởi phát từ một vấn đề trọng đại bậc nhất trong hoàn cảnh lịch sử của đất nước ta lúc bấy giờ. Trước sức mạnh huỷ diệt của kẻ thù, vấn đề lớn được đặt ra là: chúng ta phải làm gì?.
 
Đêm vùng dậy, quật khởi của dân làng Xô Man là một tất yếu. Lời cụ Mết vang vang: “Thế là bắt đầu rồi. Đốt lửa lên”. Ngọn lửa căm hờn đã cháy lên lòng yêu nước, dân làng Xô Man, đồng bào Tây Nguyên và nhân dân miền Nam đã đồng khởi đứng lên đương đầu với kẻ thù bạo tàn để giành lại độc lập, tự do.
 
Nghệ thuật: Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn đã được thể hiện rõ nét trong truyện ngắn này. Cảm hứng sử thi thể hiện đậm nét trong cách miêu tả thiên nhiên, miêu tả nhân vật, trong nghệ thuật khắc hoạ cuộc đời, số phận và tính cách các nhân vật, đặc biệt là nhân vật Tnú. Câu chuyện của một buôn làng anh hùng được lồng vào một thiên nhiên hoành tráng đã chắp cánh cho những chân trời cảm xúc mở ra đến vô tận.

shoppe