Đăng ký

Bàn luận về nhà văn Nguyễn Minh Châu và tác phẩm: Chiếc thuyền ngoài xa

2,633 từ

Bàn luận về nhà văn Nguyễn Minh Châu và tác phẩm: Chiếc thuyền ngoài xa

Chiếc thuyền ngoài xa là nhan đề một truyện ngắn, đồng thời được dùng đặt tên cho cả tập truyện ngắn gồm 15 truyện do Nhà xuất bản Tác phẩm mới ấn hành năm 1987 (Năm 2001, được in trong Nguyễn Minh Châu toàn tập, tập 3, NXB Văn học, Hà Nội).

I. TÁC GIẢ
1. Tiểu sử
Nhà văn Nguyễn Minh Châu (1930 - 1989) quê ở xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
 
Là nhà văn quân đội, suốt cuộc đời cầm bút, Nguyễn Minh Châu không ngừng trăn trở về số phận nhân dân và trách nhiệm của nhà văn. Bằng tâm huyết và tài năng, bằng khát vọng sáng tạo chân chính và bản lĩnh nghề nghiệp, Nguyễn Minh Châu đã có sự bứt phá ra khỏi vầng hào quang của chính mình trong giai đoạn văn học trước 1975 và trở thành một trong những cây bút mở đường xuất sắc cho công cuộc đổi mới văn học của nước ta diễn ra mạnh mẽ trong thập niên 80 thế kỉ XX.
 
Nhà văn được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000.
 
2. Văn nghiệp
Tác phẩm chính: Cửa sông (tiểu thuyết, 1967), Những vùng trời khác nhau (tập truyện ngắn, 1970); Dấu chân người lính (tiểu thuyết, 1972), Miền cháy (tiểu thuyết, 1977), Lửa từ những ngôi nhà (tiểu thuyết, 1977), Những người đi từ trong rừng ra (tiểu thuyết, 1982), Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (tập truyện ngắn, 1983), Chiếc thuyền ngoài xa (tập truyện ngắn, 1983), Cỏ lau (tập truyện ngắn, 1989)...
 
Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa thuộc giai đoạn sáng tác thứ hai của Nguyễn Minh Châu.
 
3. Phong cách
Hành trình sáng tác của ông được chia làm hai giai đoạn rõ rệt: trước thập kỉ 1980, ông là ngòi bút sử thi có thiên hướng trữ tình lãng mạn.
 
Từ đầu thập kỉ 1980 đến khi mất, ông chuyển sang cảm hứng thế sự với những vấn đề đạo đức và triết lí nhân sinh. Tâm điểm những khám phá nghệ thuật của ông là con người trong cuộc mưu sinh, trong hành trình nhọc nhằn tìm kiếm hạnh phúc và hoàn thiện nhân cách.
 
II. TÁC PHẨM: Chiếc thuyền ngoài xa
1. Xuất xứ
Chiếc thuyền ngoài xa là nhan đề một truyện ngắn, đồng thời được dùng đặt tên cho cả tập truyện ngắn gồm 15 truyện do Nhà xuất bản Tác phẩm mới ấn hành năm 1987 (Năm 2001, được in trong Nguyễn Minh Châu toàn tập, tập 3, NXB Văn học, Hà Nội).
 
2. Tóm tắt
Nghệ sĩ Phùng được trưởng phòng, một người rất sành về nghệ thuật, tin cẩn giao nhiệm vụ phải săn tìm một tấm ảnh nghệ thuật cho cuốn lịch năm sau. Trở lại chiến trường xưa ở ven biển miền Trung và vác máy nằm “phục kích”, Phùng đã chụp được cái khoảnh khắc “đắt” trời cho. Đó là cảnh đẹp như “một bức tranh mực tàu của một danh hoạ thời cổ...”. Thăng hoa trong hạnh phúc của khám phá, sáng tạo, anh thấy tâm hồn mình như được thanh lọc, trở nên trong ngần, tinh khôi...
 
Thế nhưng ngay sau khi săn tìm được cái “cảnh vật” tuyệt vời kia, nghệ sĩ Phùng đã phải chứng kiến ngay một “cảnh đời” cay cực, ngang trái. Đó là khi chiếc thuyền vào bờ, người chồng tới tấp đánh vợ, đứa con ngăn bố với thái độ thù ghét cha. Những ngày sau cảnh ấy vẫn tiếp diễn.
 
Chứng kiến buổi làm việc giữa Đẩu - người đồng đội cũ, giờ là Chánh án toà án huyện với người phụ nữ khốn khổ kia, Phùng mới vỡ ra mọi lẽ rằng: thì ra người phụ nữ phải cam chịu một bề, không chống trả những trận “đòn chồng” và cũng không chịu “giải phóng” mình là vì tình thương vô bờ đối với những đứa con. Phùng cay đắng nhận ra rằng đằng sau cảnh đẹp như mơ kia là bao ngang trái, éo le của đời thường mà anh chưa hiểu hết.

Tấm ảnh Phùng mang về được trưởng phòng rất hài lòng. Mãi về sau, nó vẫn còn được treo ở nhiều nơi, nhất là trong những gia đình sành nghệ thuật. Nhưng mỗi lần ngắm kĩ, Phùng lại thấy “hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai từ bãi xe tăng hỏng, và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ cũng thấy người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh với những đường nét thô kệch, tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng, khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm” và hình ảnh người đàn bà “bước những bước chậm rãi, bàn chân giậm trên mặt đất chắc chắn, hoà lẫn trong đám đông”.
 
3. Bố cục
Có thể chia tác phẩm thành 2 đoạn lớn:
- Đoạn 1 (từ đầu đến... “chiếc thuvền lưới vó đã biến mất”): Hai phát hiện của người nghệ sĩ nhiếp ảnh
- Đoạn 2 (còn lại): Câu chuyện của người đàn bà hàng chài.
 
4. Những giá trị nội dung, nghệ thuật
a. Nội dung
- Truyện được tổ chức xung quanh một “tình huống nhận thức” (tình huống được tổ chức nhằm cắt nghĩa giây phút “giác ngộ” chân lí của nhân vật). Đó là tình huống nghệ sĩ Phùng chụp được một tấm ảnh đẹp như “một bức tranh mực tàu của một danh hoạ thời cổ...”. Nhưng khi chiếc thuyền vào bờ, Phùng thấy người đàn ông đánh tới tấp vào lưng người đàn bà sau chiếc xe rà phá mìn, đứa con nhảy xổ vào ngăn bố. Phùng cảm thấy chua xót, không ngờ sau cảnh đẹp như mơ là bao ngang trái, nghịch lí của đời thường.
 
- Người chồng do hoàn cảnh đông con, cuộc sống trên sông nước đầy nhọc nhằn bất trắc, nỗi lo cơm áo không lúc nào buông tha đã trở thành kẻ vũ phu. Ngưòi vợ vì tình thương vô bờ đối với những đứa con nên nhẫn nhục chịu đựng sự ngược đãi của chồng. Cậu bé Phác thương mẹ, bênh vực mẹ, thành ra thù ghét cha mình.
 
- Đối diện với người đàn bà làng biển, nghe và những lời giãi bày chứa chất sâu kín trong đáy lòng của người đàn bà khốn khổ ấy, nghệ sĩ Phùng, chánh án Đẩu đã hiểu ra những điều thật lớn lao, sâu sắc của cuộc sống, con người - những điều mà những người nếu chỉ sống hời hợt, nhìn thoáng qua thì không thể hiểu nổi. Trong đau khổ triền miên, cũng có lúc người đàn bà ấy chắt lọc được chút hạnh phúc nhỏ nhoi: “trên thuyền, cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hoà thuận, vui vẻ”; “vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no”. Đặc biệt với Phùng, câu chuyện của người đàn bà ở toà án huyện giúp anh cảm thấu rõ hơn cái đa diện, nhiều chiều của cuộc sống. Anh hiểu thêm tính cách Đẩu và cũng đã có dịp để nhìn nhận lại chính bản thân mình.
 
- Qua cảm nhận và suy nghĩ của người nghệ sĩ nhiếp ảnh khi phát hiện ra mâu thuẫn éo le trong nghề nghiệp của mình, Nguyễn Minh Châu đã nêu lên những suy nghĩ của mình xung quanh mối quan hệ giữa nghệ thuật với đời sống, đặt ra yêu cầu đối với người nghệ sĩ khi nhìn nhận về cuộc sống và con người.
 
b. Nghệ thuật
Với kết cấu truyện độc đáo, cách triển khai cốt truyện sáng tạo, khắc hoạ nhân vật sắc sảo,... Chiếc thuyền ngoài xa là minh chứng cho vẻ đẹp của văn xuôi Nguyễn Minh Châu - “vẻ đẹp toát ra từ tình yêu tha thiết đối với con người, vẻ đẹp của một cốt cách nghệ sĩ mẫn cảm, đôn hậu, điềm đạm chiêm nghiệm lẽ đời để rút ra những triết lí nhân sinh sâu sắc”.