Đăng ký

Bàn luận về nhà văn Kim Lân và tác phẩm: Vợ nhặt

2,842 từ

Bàn luận về nhà văn Kim Lân và tác phẩm: Vợ nhặt

Kim Lân (1920 - 2007) tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài, quê ở làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn (nay là huyện Tiên Sơn), tỉnh Bắc Ninh. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, học hết bậc tiểu học, Kim Lân đã phải vào đời kiếm sống. Ông là một trong số ít những cây bút truyện ngắn vững vàng, xuất sắc đứng vào hàng đầu của văn xuôi Việt Nam hiện đại.

I. TÁC GIẢ
1. Tiểu sử
Kim Lân (1920 - 2007) tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài, quê ở làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn (nay là huyện Tiên Sơn), tỉnh Bắc Ninh. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, học hết bậc tiểu học, Kim Lân đã phải vào đời kiếm sống. Ông là một trong số ít những cây bút truyện ngắn vững vàng, xuất sắc đứng vào hàng đầu của văn xuôi Việt Nam hiện đại.
 
Vốn là con đẻ của đồng quê, những sáng tác của Kim Lân tập trung vào đề tài nông thôn, phản ánh vẻ đẹp tâm hồn, sinh hoạt lành mạnh của người dân quê cực nhọc, khổ nghèo.
 
Như cách nói của Nguyên Hồng, Kim Lân là nhà văn một lòng đi về với “đất” và “người”, với “thuần hậu nguyên thuỷ” của đời sống nông thôn.
 
Sinh thời Kim Lân sống tại Hà Nội. Ông từ trần năm 2007 tại Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội, sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh hen suyễn, hưởng thọ 87 tuổi.

2. Văn nghiệp
Kim Lân bắt dầu viết truyện ngắn từ năm 1941. Tác phẩm của ông được đăng trên các báo Tiểu thuyết thứ bảy và Trung Bắc chủ nhật. Một số truyện (Vợ nhặt, Đứa con người vợ lẽ, Đứa con người cô dầu, Cô Vịa,...) đã thể hiện được không khí tiêu điều, ảm đạm của nông thôn Việt Nam và cuộc sống lam lũ, vất vả đến cùng quẫn của người nông dân thời kì đó.
 
Ông được dư luận chú ý nhiều hơn khi đi vào những đề tài độc đáo như tái hiện sinh hoạt văn hoá phong phú ở thôn quê (đánh vật, chọi gà, thả chim...). Các truyện Đôi chim thành, Con mã mái, Chó săn,... kể lại một cách sinh động những thú chơi kể trên, qua đó biểu hiện một phần vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám - những người sống cực nhọc, khổ nghèo nhưng vẫn yêu đời, trong sáng, tài hoa.
 
Sau Cách mạng tháng Tám, Kim Lân tiếp tục làm báo, viết văn. Truyện ngắn của ông vẫn tập trung vào mảng đề tài làng quê Việt Nam. Những tập truyện ngắn tiêu biểu thời kì này là Nên vợ nên chồng (1955), Con chó xấu xí (1962).
 
3. Phong cách
Kim Lân nhà nhà văn của những cảnh đời lao khổ. Văn ông thấm đẫm tình yêu thương dành cho những người dưới đáy xã hội và luôn hi vọng một sự đổi đời cho họ.
 
Thông qua những sự kiện, con người nhỏ bé trong cuộc sống thường nhật, Kim Lân đề cập đến những vấn đề sâu sắc về nhân sinh.
 
II. TÁC PHẨM: Vợ nhặt
1. Xuất xứ
Truyện Vợ nhặt ban đầu có tên là Xóm ngụ cư, được viết dang dở và mất bản thảo năm 1946. Sau này, tác giả viết lại và đưa in.
 
2. Tóm tắt
Truyện viết về một cuộc hôn nhân diễn ra trong tình cảnh éo le. Đó là chuyện một người đàn bà trong thời đói kém, chỉ vì bốn bát bánh đúc đã chấp nhận theo không một anh tên là Tràng đã nghèo, còn xấu xí, ế vợ, lại là dân ngụ cư. Chuyện Tràng bổng nhiên “nhặt” được vợ khiến mọi người trong xóm ngụ cư, kể cả mẹ Tràng đều ngạc nhiên, lạ lẫm. Khi hiểu ra mọi chuyện, họ đều vừa mừng, vừa lo cho đôi vợ chồng mới.
 
Hạnh phúc của đôi vợ chồng mới diễn ra trong một không khí ảm đạm, chết chóc... Họ quây quần trong bữa ăn ngày đói. Bữa ăn thật thảm hại nhưng họ ăn vui vẻ, ngon lành. Họ còn bàn chuyện làm ăn, chuyện Việt Minh phá kho thóc của Nhật. Ngoài đình, tiếng trống thúc thuế vẫn dồn dập,... Trong ý nghĩ của Tràng vụt hiện lên cảnh người đói ầm ầm kéo nhau đi phá kho thóc Nhật dưới lá cờ đỏ bay phấp phới.
 
3. Những giá trị nội dung, nghệ thuật
a. Nội dung
- Xóm ngụ cư - không gian chính của truyện như một lòng chảo của nạn đói: dòng người đói từ Nam Định, Thái Bình lũ lượt đổ về, người chết như ngả rạ, người sống xanh xám vật vờ như những bóng ma, “Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”. Sự sống đang bị đặt sát mép bờ vực chết, dường như chỉ cách nhau một hơi thở trút. Cả xóm ngụ cư không một ai dám tin rằng mình có thể sống sót, càng không tin vào hạnh phúc khi tiếng trống thúc thuế cứ dội thẳng vào lồng ngực; trên đầu, đàn quạ săn xác người cứ lượn lờ từng đàn như những đám mây đen.
 
- Tràng, qua miêu tả của Kim Lân, như “kết tinh cái phần thiên nhiên hoang dã trong con người” (Đỗ Kim Hồi), lại là kẻ ngụ cư - một loại người lúc bấy giờ vẫn bị khinh miệt, hắt hủi... Thế nhưng “giữa cái cảnh tối sầm lại vì đói khát ấy”, Tràng đã dám “đèo bòng”, dám cho một người đàn bà theo mình về để nương cậy. Niềm khát khao hạnh phúc đã xui khiến Tràng liều lĩnh và đã được đền bù. Từ đó, anh trở nên chững chạc, vui tươi, tử tế trong mọi cử chỉ, hành vi, thấy nên người hơn. Đặc biệt sau một đêm, anh thấy yêu thương và gắn bó với cái nhà của mình một cách lạ lùng, biết lo lắng, suy nghĩ về hạnh phúc, về tương lai và khao khát đổi đời.
 
- Cụ Tứ - người mẹ nghèo khổ xuất hiện trong thiên truyện không chỉ giúp hoàn chỉnh hơn ý niệm về một gia đình. Xây dựng nhân vật bà cụ Tứ, Kim Lân muốn khẳng định thêm một lần nữa sự bất diệt của khát vọng sống và tinh thần nhân bản cao quý ở những con người lao động một đời cơ cực, tối tăm. Khi chưa biết chuyện Tràng lấy vợ, cụ phấp phỏng, ngạc nhiên, băn khoăn, không hiểu... Nhưng khi đã hiểu rồi và còn “hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự”, lòng người mẹ nghèo khổ ấy vừa như nhoi nhói một nỗi tủi hờn về bổn phận làm mẹ, vừa lo lắng cho thân phận của con. Cuối cùng, bà lão chấp nhận đứa con dâu tội nghiệp. Lòng vừa rưng rưng buồn tủi, vừa như xao xuyến một nỗi vui mừng. Bà “xăm xắn” vun đắp cho hạnh phúc của con, nói toàn niềm vui, hi vọng, nói đến tương lai nhiều hơn tất cả...
 
- Người vợ nhặt xuất hiện trong tác phẩm như một con số không tròn trĩnh. Ngoài cách gọi của tác giả là “cô ả”, “thị”, “người đàn bà”, không còn một thông tin nào khác. Đập vào mắt người đọc là một con người tả tơi, gầy sọp, xám xịt. Ý thức bám lấy sự sống trước cái đói khát cùng đường buộc chị phải tạm quên sĩ diện, danh dự để mà ăn, mà sống và liều lĩnh theo Tràng về làm vợ... Như một nhân vật cổ tích, người đàn bà vô danh ấy đã mang đến cho gia đình Tràng bao điều lạ lẫm. “Sự sống lan tỏa như nắng bình minh, ấm áp, hoà hợp, lâng lâng, đầy ước vọng, niềm tin...” (Nguyễn Thị Thanh Cảnh - Tiếng nói tri âm) trong gia đình bé nhỏ này.
 
Thắp sáng ngọn lửa của tình người và niềm tin, niềm khát khao vượt qua cái chết, cái bi thảm để mà sống, vui và hi vọng, Kim Lân đã gửi đến người đọc một thông điệp mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Vợ nhặt xứng đáng đứng ở vị trí hàng đầu của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại.
 
b. Nghệ thuật
Truyện đã tạo được tình huống độc đáo để làm nổi bật chủ đề. Đó là cách kể chuyện tự nhiên, hấp dẫn, có duyên; miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, sâu sắc; ngôn ngữ nông thôn thuần phác, nhuần nhị, giọng điệu đối thoại đúng với từng nhân vật.