Đóng vai An Dương Vương kể lại toàn bộ câu chuyện xưa- Ngữ văn lớp 12
ĐÓNG VAI AN DƯƠNG VƯƠNG KỂ LẠI TOÀN BỘ CÂU CHUYỆN
Trọng Thủy – Mị Châu là một truyền thuyết được nhắc đến muôn đời, tồn tại trong nhiều thế kỷ, là một trong những truyền thuyết được in hằn trong tâm trí của bất cứ con người Việt Nam nào. Mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết kể lại câu chuyện Trọng Thủy – Mị Châu bằng ngôi kể của nhân vật An Dương Vương.
Đóng vai An Dương Vương kể lại toàn bộ câu chuyện
Mở bài
Ta là Thục Phán An Dương Vương, là vị vua trị vì bờ cõi Âu Lạc xuất hiện trong câu chuyện Mỵ Châu – Trọng Thủy. Thoáng chốc hai mươi năm kể từ ngày ta theo Thần Kim Quy về chốn Thủy cung, thế nhưng việc đã xảy ra hai mươi năm trước vẫn ngày ngày hiển hiện trong tâm trí ta tựa như vừa hôm qua. Bấy nhiêu năm ta sống cùng với nỗi đau chứng kiến đất nước mà ta một tay gây dựng cùng với đứa con gái mà ta hết mực cưng chiều rơi vào tay kẻ thù. Đó có lẽ là bài học đắt giá nhất cuộc đời ta mà bất kể ai nghe qua cũng nên phải thấm thía trong lòng.
Xem thêm:
Tóm tắt truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy
Phân tích nhân vật An Dương Vương hay nhất có dàn ý
Thân bài đóng vai An Dương Vương kể lại toàn bộ câu chuyện
Năm ấy, sau khi lên trị vì đất nước, ta bèn nghĩ đến việc xây dựng một thành lũy kiên cố để bảo vệ sự an nguy đất nước. Oái oăm thay, từ lúc bắt đầu ta đã gặp rất nhiều khó khăn, đắp thành đến đâu lại lỡ đến đấy, điều đó khiến ta rất buồn lòng. Nghe bách tính mách bảo rằng vùng đất này còn vương vấn những linh hồn của những người tướng bại trận mà họ không cho ta thuận lợi đắp thành, ta đã lập đàn trai giới, cầu khấn sự phù hộ nơi thần linh.
Dường như ơn trên đã nghe được sự cầu khấn, hiểu được tấm lòng của ta nên ngày mồng bảy tháng ba đã xứ một cụ già từ phương Đông đứng trước thành mà than rằng “ Xây dựng thành này bao giờ cho xong được”. Ta vừa ngờ ngợ nửa ngờ nửa tin nên sai quân lính mời cụ vào thành, ta tin rằng đây là người được trời phái đến giúp sức cho ta và nhân dân, cũng tin rằng lời nguyện cầu của Âu Lạc ta đã chạm đến thần linh. Thế nhưng thi lễ hỏi lý do đắp thành không thành, cụ chẳng trả lời ngay mà bảo rằng: “Sẽ có sứ Thanh Giang tới cùng nhà vua xây dựng thành mới thành công”.
Một khoảng thời gian sau, trong một lần bơi thuyền trên hồ ngự cảnh ta thấy một con Rùa Vàng nổi lên từ lòng hồ, lạ kỳ thay Rùa Vàng nói rất sõi tiếng người. Rùa Vàng tự xưng là sứ Thanh Giang, nhớ ngay đến lời cụ già kỳ lạ đã mách thuở trước về việc quý nhân xuất hiện để giúp đỡ ta xây thành là sứ Thanh Giang, ta mừng rỡ vội dùng xe nghênh đón, rước Rùa Vàng vào thành. Quả thật Rùa Vàng là do trời phái đến để giúp sức Âu Lạc ta, kỳ lạ thay thành ngày trước hễ xây lại lỡ nay được khởi công xây dựng một cách trơn tru. Vì nó được xây theo dạng hình xoắn ốc nên được đặt tên là thành Cổ Loa. Nhìn tòa thành được xây dựng vững trãi, uy nghiêm ta không giấu được niềm vui sướng, ta tin rằng rồi thành Cổ Loa sẽ là thành trì đáng tin cậy bảo vệ an nguy của Âu Lạc ta.
Vào vai An Dương Vương kể lại câu chuyện xưa
Thế nhưng Rùa Vàng chỉ ở thành được ba năm rồi nói lời từ biệt. Trước khi đi khỏi, ta đã hỏi Rùa Vàng cách ứng phó khi giặc trở lại xâm lược nước mình bởi ta lo lắng cho an nguy của bá tánh và bởi khi Rùa Vàng đi khỏi cũng là lúc ta mất đi một cận thần đáng tin cậy. Trước khi đi, Rùa Vàng đã tháo vuốt của ngài ấy ra đưa ta và căn dặn: “ Đem vật này làm lẫy nỏ, nhằm quân giặc mà bắn thì không lo gì nữa”. Ta nghe lời căn dặn của ngài, nhận lấy vuốt, trong lòng bỗng an tâm, vững tin hơn. Ngay lập tức, ta lệnh cho Cao Lỗ - Một vị tướng vô cùng tài giỏi mà ta tin tưởng chế tạo ngay một chiếc nỏ từ vuốt Rùa Vàng và đặt tên là “Linh quang Kim Quy thần cơ”.
Thế nhưng thời khắc hòa bình kéo dài không lâu, đất nước ta lại ngợp bóng quân thù, Triệu Đà cử binh sang xâm lược nước ta. May mắn thay, Âu Lạc ta được sự giúp sức của nỏ thần nên bách chiến bách thắng, quân giặc bại trận, sợ hãi chạy về Trâu Sơn đắp lũy xin hòa. Chẳng mấy chốc, cả đất nước không còn một bóng giặc, giang sơn ta lại trở nên thái hòa. Bẵng đi một thời gian sau, Triệu Đà ngỏ ý muốn cầu hôn Mị Châu cho con trai, dùng cuộc hôn nhân này để giữ mối hòa hiếu và tình hữu nghị giữa hai nước. Ta cả tin chấp nhận ngay lời hắn và đến bây giờ ta nghĩ đó chắc chắn là sai lầm lớn nhất của đời ta. Ta chủ quan cho phép Trọng Thủy ở lại thành và chẳng nghĩ rằng cuộc hôn nhân được mưu tính này lại là con dao kết liễu cuộc đời ta. Trọng Thủy theo mưu tính của Triệu Đà đã thành công lợi dụng đứa con gái mà ta yêu nhất cho xem nỏ thần rồi dùng kế đánh tráo nó mang về phương Bắc.
Có được nỏ thần trong tay, Triệu Đà không do dự ngay lập tức phái binh sang một lần nữa xâm lược Âu Lạc ta. Ta vì chủ quan, không hay rằng nỏ thần mà mình hết mực tin cậy đã bị đánh tráo nên không hề tỏ ra nao núng. Nhưng khi giặc đã áp đến sát thành, ta lúc này mới nhận ra tình cảnh éo le của bản thân, nỏ thần mà ta đang cầm trong tay là giả. Nó được chế tác trông giống nỏ thần thật đến từng chi tiết, vì lẽ đó mà suốt bao lâu qua ta chưa từng nhận ra.
Xem thêm:
Phân tích nhân vật An Dương Vương
Cảm nhận nhân vật Trọng Thủy hay nhất
Bài học rút ra từ truyện An Dương Vương
Tình cảnh cấp bách, thành Cổ Loa thất thủ, ta đành lên ngựa cùng Mị Châu nhằm về phương Nam mà chạy. Thế nhưng bất luận ta chạy đến đâu, quân giặc vẫn ráo riết lùng ra ta một cách dễ dàng. Mệt mỏi, bất lực, ta cứ chạy trong vô thức nhưng chỉ cần một tấc đất mà móng ngựa ta đã đặt lên, quân giặc đều phát hiện và đánh đuổi, chúng dồn ta đến bờ biển, ta lúc này mới phát hiện mình đang ở đường cùng.
Ta đau đớn, bất lực mà hét lên: “Trời hại ta, sứ Thanh Giang ở đâu mau mau lại cứu”. Sóng biển bỗng vỗ mạnh dữ dội từng hồi, bọt biển trắng xóa cả một khoảng trời, thần Kim Quy bỗng nổi lên và hét lớn: “Kẻ ngồi sau ngựa chính là giặc đó.” Ta quay người lại và không thể tin vào mắt mình, tất cả các cung đường nơi ta chạy trốn đều trắng xóa lông ngỗng, hóa ra đây chính là lý do dẫu ta có trốn tận chân trời quân Triệu Đà cũng dễ dàng phát hiện.
Kẻ lại toàn bộ câu chuyện qua lời An Dương Vương
Thế nhưng càng đau đớn hơn, ta nhận ra trên tay đứa con gái mà ta yêu nhất là chiếc áo lông ngỗng, ta không tin rằng đường đường là con gái của vị vua trị vì cả một giang sơn lại dễ dàng bán rẻ đồng bào ta cho giặc. Đau đớn, tức giận vì bị chính đứa con của mình phản bội ta đau lòng tuốt kiếm chém Mị Châu. Mị Châu lúc này khấn với ta: “Thiếp là phận gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại cha, chết đi sẽ biến thành cát bụi. Nếu một lòng trung hiếu mà bị người lừa dối thì chết đi sẽ biến thành châu ngọc để rửa sạch mối thù”. Tuy nó là máu mủ, là ruột rà của ta nhưng với cương vị là người đứng đầu cả một dân tộc, phản nghịch bất trung là tội mãi mãi không thể tha thứ.
Ta đành bỏ lại cả một giang sơn ở sau lưng, cùng bao đau đớn, căm thù theo Rùa Vàng rẽ nước đi sâu xuống đáy biển khơi. Về sau ta nghe được rằng, khi Mị Châu chết ở bờ biển, máu chảy xuống nước trai ăn vào tạo thành hạt châu. Trọng Thủy đến đó, thấy tân nương của mình đã chết, mang xác về thành mai táng, linh thiêng thay, xác con gái ta lại biến thành ngọc thạch. Ta từng căm giận cha con Trọng Thủy đến tột cùng nhưng khi nghe kể Trọng Thủy vì đau đớn, nhớ mong Mị Châu mà không chịu nổi rốt cuộc lại tự tử ở giếng, ta cũng không khỏi đau xót. Tương truyền nước ở giếng ấy rửa ngọc ở biển Đông lại sáng và đẹp vô cùng.
Xem thêm:
Dàn ý phân tích truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy
Bài mẫu phân tích truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy
Kết bài
Câu chuyện đau thương của ta về sau vẫn được truyền đến muôn đời, trở thành bài học mà mỗi khi nhớ lại ta đều cảm thấy đau xót bởi nó được trả giá bằng cả tính mạng của con gái ta. Chỉ vì những phút giây lơ là, thiếu cảnh giác cùng những chủ quan mà ta đã đánh mất cả một giang sơn và Mị Châu – người ta yêu quý nhất. Đó mãi mãi là bài học xương máu mà ta dùng cả đời khắc trong tim.