Cảm nhận về bài thơ Tự Tình 2 - Hồ Xuân Hương
Cảm nhận về bài thơ Tự Tình 2 - Hồ Xuân Hương
Tự tình 2 là tiếng lòng của một người phụ nữ sống đời long đong, lận đận trong xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ. Bởi vì những giá trị nội dung và nghệ thuật sâu sắc mà tác phẩm này được đưa vào giảng dạy trong chương trình Văn học 11. Hãy cùng tham khảo bài cảm nhận về bài thơ Tự Tình 2 dưới đây để có cái nhìn tổng quát hơn về tác phẩm, đồng thời giúp cho học sinh có thể tiếp thu tốt hơn kiến thức trên lớp.
Cảm nhận về bài thơ Tự Tình 2 của Hồ Xuân Hương
Mở bài cảm nhận về bài thơ Tự tình 2
Xã hội phong kiến với những định kiến hà khắc và lạc hậu về chế độ “Trọng nam khinh nữ” đã đẩy nhiều số phận hồng nhan vào con đường lận đận, khổ đau. Người phụ nữ trong xã hội ấy dù đẹp đẽ đến đâu cũng chẳng thể tự mình lựa chọn hạnh phúc cho riêng mình, mà chỉ có thể lẳng lặng sống dưới cái bóng u ám của khuôn khổ “Tam tòng, tứ đức” mà xã hội áp đặt. Trong cuộc đời u uất được định kiến an bài đó, có người chọn cách im lặng, cam chịu mà sống, nhưng cũng không thiếu những người dám đứng lên đấu tranh vì hạnh phúc của chính mình.
Trong đó, “nhà văn viết về phụ nữ” Hồ Xuân Hương là một trong số ít những người không chịu khuất phục trước sự nghiệt ngã đó. Bà nổi bật với cá tính riêng, bà dám bộc bạch cả những suy nghĩ, tâm sự mà không người phụ nữ nào dám lên tiếng, bà khác biệt khi luôn khát khao hạnh phúc dẫu cho số phận làm lẽ đày đọa bà. Và “Tự tình 2” phải chăng chính là tiếng lòng mà bà luôn ấp ủ để rồi gửi vào những vần thơ Nôm tinh tế.
Xem thêm:
Tự tình 2: Nội dung bài thơ, hoàn cảnh sáng tác, dàn ý phân tích tác phẩm
Thân bài cảm nhận về bài thơ Tự Tình 2 của Hồ Xuân Hương
Tự Tình 2 là một tác phẩm nằm trong chùm ba bài Tự Tình. Đây là một trong những tác phẩm làm nên tên tuổi của bà khi tài năng cùng phong cách sáng tác riêng biệt được thể hiện một cách sâu sắc trong đó. Bài thơ là sự hòa quyện của chất thơ trữ tình với suy nghĩ táo bạo mà cũng không kém phần dí dỏm. Có thể nói, Tự Tình 2 chính là tiếng lòng bộc lộ nỗi đau thầm kín, là tiếng than oán cảnh ngộ trớ trêu và là nhân cách, bản lĩnh của Hồ Xuân Hương.
Phân tích về dòng thơ đầu tiên
“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn”
Dòng thơ đầu tiên như vang mãi trong tâm trí người đọc. Vào “đêm khuya” - cái khoảng thời gian mà bóng tối đã bao trùm vạn vật, dường như có một tâm hồn chẳng thể nào chợp mắt. Đáng ra đêm khuya phải là lúc người ta gạt bỏ đi mọi âu lo, trăn trở để an nhiên trong hạnh phúc mà chìm sâu vào giấc ngủ, thì đây lại là lúc những con người lòng đầy tâm sự thấm thía nỗi cô đơn, bất hạnh đến tột cùng. Hồ Xuân Hương trong cảnh màn đêm hiu hắt ấy, cũng là lúc bà tự đối diện với lòng mình.
Phân tích về dòng thơ đầu của bài Tự Tình
Cái không gian tĩnh mịch bỗng “văng vẳng” tiếng “trống canh”. Qua việc sử dụng từ một cách tinh tế, tiếng “trống canh” - báo hiệu của thời gian - dường như xa xăm, ma mị hẳn khi kết hợp cùng từ láy tượng thanh “văng vẳng”. Càng “đắt” hơn nữa là từ “dồn” như diễn tả trọn sự dồn dập của thời gian, lại là sự dồn dập của tuổi xuân xanh giữa vòng tuần hoàn bất diệt. Giữa khoảng không gian yên ắng ấy, người phụ nữ mang tâm trạng u ám dường như chạm đáy của sự cô đơn khi lọt thỏm giữa bốn bề vắng lặng:
Phân tích về dòng thơ thứ 2 trong bài
“Trơ cái hồng nhan với nước non”
Từ “trơ” với ý nghĩa là trơ trọi được tác giả đặt đầu câu dường như tạo một ấn tượng mạnh mẽ cho độc giả. Người phụ nữ lúc bấy giờ như trơ trọi giữa khoảng không gian vắng lặng, yên ắng và lạnh lẽo. Từ “trơ” cũng có thể được hiểu là sự tủi hổ, bẽ bàng trước số phận đau thương, trước tình cảnh lẻ loi của tình duyên không trọn. Từ xưa đến nay, “hồng nhan” là từ được người ta dùng để ca ngợi và bày tỏ sự nâng niu, trân quý đối với người con gái đẹp. Ấy thế mà, Hồ Xuân Hương lại nói “cái hồng nhan” như một sự coi khinh, rẻ rúng đầy mỉa mai. “Cái hồng nhan” ấy “trơ” giữa nước non thì còn gì cay đắng, bạc bẽo bằng?
Tuy nhiên, “cái hồng nhan” ấy được đặt giữa “nước non” như một sự so sánh đã thể hiện một thoáng kiên cường, mạnh mẽ. Đó phải chăng là một sự thách thức, kiêu hãnh của một tâm hồn với cá tính mạnh mẽ? Đồng thời, biện pháp đảo ngữ đã đặt nỗi đau Hồ Xuân Hương bên cạnh bản lĩnh Hồ Xuân Hương. Đó là một lời khẳng định ý chí, bản lĩnh của người phụ nữ dù đau thương vẫn không chịu khuất phục.
Xem thêm:
Bình giảng bài thơ Tự Tình- Hồ Xuân Hương
Phân tình hai câu đề và hai câu thực bài Tự Tình
Phân tích sự bế tắc của người phụ nữ được thể hiện trong hai câu thơ tiếp theo
Sau phút cô đơn, người phụ nữ ấy như chìm sâu vào những bế tắc, tuyệt vọng:
“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”
Chìm trong màn đêm tĩnh mịch, người phụ nữ ấy cô độc ấy đã tìm đến rượu để có thể quên đi nỗi đau dù chỉ trong thoáng chốc. Ấy vậy mà, càng uống thì lại càng nuốt tủi hờn vào trong. Cụm từ “say lại tỉnh” như một vòng luẩn quẩn chẳng có lối thoát. Rượu chẳng thể giúp khuây khỏa cõi lòng, bà lại tìm đến vầng trăng - người bạn tri kỷ của vạn tâm hồn cô đơn với nguyện ước được cùng chia sẻ nỗi niềm lòng mình.
Mà nào hay, vầng trăng ấy lại “khuyết chưa tròn”? Với việc sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình, nhà thơ đã tạo nên một sự đồng điệu rất đẹp nhưng cũng rất buồn giữa ngoại cảnh và tâm cảnh. Vầng trăng kia dù ở tít trên cao nhưng cũng khuyết như chính cái tuổi xuân dù đã trôi qua mà tình duyên vẫn chẳng thể trọn vẹn. Sau tất cả sự cố gắng để thoát khỏi nỗi đau nhưng đều không thành, sự bế tắc lại càng bao trọn tâm hồn con người.
Phân tích sự tột cùng của bế tắc của hai câu thơ 5 và 6
Sự bế tắc đạt đến một ngưỡng khiến cho nhân vật trữ tình như muốn trào dâng nỗi niềm phẫn uất. Sự phẫn uất ấy được thể hiện một cách mạnh mẽ, thấm cả vào cảnh qua hai câu thơ:
“Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn”.
Những vật bé nhỏ, vô tri, hèn mọn như “rêu”, “đá” được nữ sỉ sử dụng kết hợp cùng động từ mạnh “xiên”, “đâm” đã thể hiện một sức mạnh phản kháng mạnh mẽ. Biện pháp liệt kê như muốn khẳng định sự phẫn uất đang chiếm lấy tâm hồn nhà thơ. Rêu xiên ngang mặt đất, đá đâm toạc chân mây như vạch đất mà hờn, vạch trời để oán than. Những hình ảnh nhỏ bé ấy như thấp thoáng bóng dáng người phụ nữ trong xã hội xưa.
Sự bế tắc tột cùng của người phụ nữ được thể hiện qua dòng thơ thứ 5 và 6
Xã hội phong kiến đầy rẫy định kiến bất công đã ép người phụ nữ bé nhỏ - những người đáng ra nên được che chở, yêu thương - buộc phải gồng mình lên để chống đỡ. Cảnh vật qua cách miêu tả rất độc đáo như đang cựa mình một cách căng tràn sức sống dẫu cho đang trong cảnh bế tắc. Từ đó, một Hồ Xuân Hương bản lĩnh, cá tính và mang khát vọng sống mạnh mẽ đã được bộc lộ một cách rõ ràng hơn. Bà khát khao được hạnh phúc, được yêu thương trọn vẹn, đủ đầy.
Cảm nhận về bài thơ Tự tình 2 qua hai câu thơ cuối
Trước mọi sóng gió, nghịch cảnh của cuộc đời, Hồ Xuân Hương với cá tính mạnh mẽ vẫn luôn tự tin, kiêu hãnh đối đầu. Nhưng một người kiêu hãnh, tự tin đến mấy thì cũng không thể chối bỏ một sự thật rằng mình chỉ là một người con gái nhỏ bé, và dù cố gắng bao nhiêu thì cũng chẳng thể vượt qua thân phận trong vòng vây khắc nghiệt của xã hội phong kiến. Tất cả sự cô đơn, phẫn uất ấy sau những giây phút dằn xé, đấu tranh mãnh liệt lại bị thực tại chối bỏ, và trả lại tâm trạng chán chường, ngán ngẩm cho người con gái đáng thương:
“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con”.
Từ “xuân” được tác giả sử dụng với nhiều dụng ý. Nó có thể là mùa xuân của đất trời, mùa xuân của vạn vật, là mùa của sự sinh sôi, đâm chồi nảy lộc. Nhưng nó cũng có thể được hiểu mà tuổi xuân của cuộc đời mỗi con người. Mùa xuân của đất trời qua đi rồi sẽ lại đến với sự tuần hoàn bất diệt của thời gian, nó đem lại sức sống cho muôn ngàn hoa lá. Chỉ có mùa xuân của đời người là chẳng thể vãn hồi, một khi đã qua đi sẽ biến mất vĩnh viễn.
Xuân đi rồi xuân lại với sự sắp xếp hai từ “lại” bên cạnh nhau đã mang đến hai cách hiểu khác nhau. Từ “lại” đầu tiên là chỉ sự lặp lại, từ “lại” thứ hai lại mang ý nghĩa của sự tuần hoàn, sự quay trở lại. Mùa xuân của cuộc đời có thế trôi qua, cứ thêm một lần mùa xuân đến thì ngày xanh của tuổi trẻ cũng dần ra đi. Tuổi trẻ lặng lẽ lướt qua, nhưng tình duyên vẫn chẳng thể vẹn đầy, tâm hồn vẫn chẳng thôi mong đợi trong bế tắc.
Xem thêm:
Vào phủ chúa Trịnh- Lê Hữu Trác
Phân tích chi tiết hơn về câu thơ cuối trong bài
“Mảnh tình san sẻ tí con con”.
Câu thơ cuối sử dụng nhịp thơ 2/2/1/2 cùng với nghệ thuật giảm dần đã bộc lộ rõ sự éo le của nghịch cảnh. “Mảnh tình” đã chẳng trọn vẹn rồi lại còn phải đem “san sẻ”, cuối cùng chỉ còn lại cho mình “tí con con”. Còn gì xót xa, đáng thương hơn điều này. Nhưng đáng buồn là đây lại là một tình cảnh thường thấy trong xã hội phong kiến bởi chế độ “trọng nam khinh nữ”, “tam thê tứ thiếp” đã đẩy người phụ nữ vào cảnh chung chồng, phải chia sẻ tình yêu trong khi vốn dĩ mình chẳng có bao nhiêu. Lời thơ chính là tiếng lòng cất lên từ sâu thẳm trái tim của một người vợ lẽ hèn mọn với nước mắt cay đắng của tận cùng nỗi đau.
Tự Tình 2 không chỉ đặc sắc về nội dung, mà nó còn là một minh chứng cho tài năng nghệ thuật của Hồ Xuân Hương. Qua lời thơ sâu lắng, tinh tế, tác giả đã khắc họa thành công tâm trạng nhân vật qua việc sử dụng các biện pháp nghệ thuật cùng ngôn từ rất “đắt” lại không kém phần tự nhiên.
Kết bài cảm nhận về bài thơ Tự Tình 2
Có thể nói, Tự Tình 2 là lời bộc bạch vừa đớn đau, tủi hờn lại vừa có phần thách thức duyên phận, gắng gượng vươn lên dù nghịch cảnh chà đạp, nhưng lại chẳng thể thoát khỏi bi kịch. Đó không chỉ là nỗi đau của riêng Hồ Xuân Hương, mà là nỗi đau của cả thời đại. Nhà thơ qua đó đã cất lên tiếng nói nhân văn cho khát khao hạnh phúc của người phụ nữ trong xã hội xưa. Dù hạnh phúc là một khái niệm xa vời, là một chiếc chăn chật hẹp chẳng thể giữ cho riêng mình, nhưng việc mưu cầu hạnh phúc vẫn luôn tiếp diễn.
Đó là bài cảm nhận về bài thơ Tự Tình 2 mà bạn có thể tham khảo trong quá trình học tập và tìm hiểu về bài thơ. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn nắm được những giá trị mà tác phẩm đem lại và học tập môn ngữ văn 11 tốt hơn!