Đăng ký

Vẻ đẹp xưa của người phụ nữ Việt Nam: Tự tình II - Thương vợ - Chiếc thuyền ngoài xa

6,000 từ

A. ĐỀ BÀI
I.       ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
(1)       Người ta gọi ông là “Hiệp khùng”. Ông có một chuỗi phòng trọ ở cổng viện Nhi TW - và chỉ thu 15.000 đồng/người/ngày. Nhà trọ của ông Hiệp dành cho những gia đình bệnh nhi khó khăn, những đồng bào dân tộc hay người từ quê lên phải điều trị dài ngày. Nếu có ai khó khăn quá, ông sẽ miễn luôn cả tiền trọ, rồi tự đi chạy vạy quyên góp để giúp đỡ các cháu điều trị. Mà ông Hiệp vẫn tự hào, rằng dù chỉ thu 15.000 đồng, nhưng nhà trọ của ông không thiếu thứ gì, có quạt điện, wifi, nước lạnh, bếp đun... người ở chỉ còn phải mua mỗi xà phòng.
(2)       ...Có một điểm đặc biệt ở ông Hiệp: người chủ nhà trọ thừa nhận rằng mình đang kinh doanh. Còn chỉnh những người ở trọ nghèo khó cũng nói về ông như một nhà từ thiện. Nhưng không, ông có một bài toán kinh doanh rất rạch ròi.
(3)       Ông vừa dùng nhà mình, vừa đi thuê nhà khác làm phòng trọ, mướn người làm, một tháng hết 80 triệu. Nhưng ông tính, nếu lúc nào phòng cũng kín, thì một tháng ông thu về hơn 80 triệu một chút...Dư ra một chút để ông Hiệp tự sống trong căn phòng 6 mét vuông ông dành lại cho bản thân...Đó là một bài toán kinh doanh rất thực tế. Nó chỉ khác những bài toán kinh doanh phổ biến khác, ở một điểm, là chủ doanh nghiệp không đặt lợi nhuận lên trước. Ông đặt lợi ích của “khách hàng” - tức là những bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn - lên đầu. Ông gần như không lấy lãi.
(4)       Mười lăm nghìn đồng ấy, nằm chênh vênh giữa ranh giới của một cuộc kinh doanh và một sự giúp đỡ. Mười lăm nghìn đồng ấy, nằm giữa đường biên của một thương nhân lão luyện và một nhà hoạt động xã hội.
(5)       Tôi không nói với ông, nhưng cái ông đang làm, là một mô hình doanh nghiệp xã hội mẫu mực. Đó là một mô hình phổ biến ở nhiều quốc gia phát triển, nhưng vẫn còn rất hiếm ở nước ta: những cuộc từ thiện thường chỉ trông vào nguồn tài trợ mà không thể tự nuôi sống được mình lâu dài; còn những cuộc kinh doanh, thì hay rơi vào cảnh cực đoan chạy theo lợi nhuận.
(6)       Trong sự nghiệp của mình, chúng ta sẽ rất nhiều lần gặp một “điểm cân bằng” như 15 nghìn đồng của ông Hiệp. Đó là lúc ta sẽ lựa chọn giữa lợi ích tuyệt đối của bản thân, và việc san sẻ lợi ích với cộng đồng.
Đức Hoàng (vnexpress.net 03/05/2017)
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của văn bản là gì?
Câu 2: Dựa vào văn bản, hãy giải thích thế nào là “doanh nghiệp xã hội”?
Câu 3: Theo anh/ chị, vì sao nhân vật chính được nói đến trong đoạn văn bản lại có biệt danh là “Hiệp khùng”?
Câu 4: Thông điệp mà tác giả muốn đưa ra khi nói tới số tiền mười lăm nghìn đồng trong đoạn văn (4) là gì?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm):
Hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) thể hiện suy nghĩ của anh/chị về việc “lựa chọn giữa lợi ích tuyệt đối của bản thân và san sẻ lợi ích với cộng đồng”.
Câu 2 (5,0 điểm):
Cảm nhận về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa qua hai bài thơ “Tự tình II” (Hồ Xuân Hương) và “Thương vợ” (Tú Xương) (SGK Ngữ văn 11, tập Một). Vẻ đẹp xưa của người phụ nữ đã được tiếp nối ở nhân vật người đàn bà hàng chài trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” như thế nào?

B. HƯỚNG DẪN
I.       ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1 (0,5 điểm):
Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận/ Phương thức nghị luận.
Câu 2 (0,5 điểm):
Học sinh căn cứ vào nội dung văn bản và hiểu biết của bản thân để đưa ra định nghĩa phù hợp.
Gợi ý: Doanh nghiệp xã hội là mô hình kinh doanh không đặt lợi nhuận lên trước mà đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu.
Câu 3 (1,0 điểm):
Học sinh cần đưa ra lí lẽ và dẫn chứng để giải thích một cách hợp lí, chặt chẽ.
Gợi ý:
Ông có nhiều suy nghĩ, hành động khác thường, không giống với số đông như: cho thuê phòng với mức giá quá rẻ, không chạy theo lợi nhuận như nhiều người khác; chỉ sống trong một phòng 6 mét vuông trong khi có rất nhiều phòng để cho thuê; miễn tiền trọ cho nhiều người nghèo...
Câu 4 (1,0 điểm):
Học sinh có thể đưa ra thông điệp theo quan điểm của bản thân, đảm bảo tính hợp lí, thuyết phục.
Gợi ý:
- Những điều nhỏ bé, giản dị đôi khi lại có ý nghĩa rất lớn lao, có thể giúp đỡ cho nhiều người trong những hoàn cảnh khó khăn, khốn cùng nhất.
- Ranh giới giữa tốt và xấu, lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng có lúc rất mong manh, mỗi người đều cần có ý thức về ranh giới đó.
- Mỗi người cần có những hành động thiết thực để giúp đỡ cộng đồng dù là nhỏ bé. Nhiều hành động, nhiều người cùng chung tay sẽ mang lại những lợi ích vô cùng lớn lao.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm):
1.       Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn (0,25 điểm):
Có thể trình bày đoạn văn theo nhiều cách: diễn dịch, quy nạp, móc xích, song hành...
2.       Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm):
Vấn đề lựa chọn cách sống phù hợp cho bản thân
3.       Triển khai vấn đề nghị luận (1,0 điểm):
Có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ được suy nghĩ về việc lựa chọn cách sống vì cá nhân hay vì cộng đồng. Có thể theo hướng sau:
- Đảm bảo lợi ích của bản thân có ý nghĩa quan trọng để mỗi cá nhân có cuộc sống tốt đẹp, có điều kiện phát triển. Mỗi cá nhân cần quan tâm, cần rèn giũa trước hết chính là bản thân mình.
- San sẻ lợi ích với cộng đồng là ý thức, là trách nhiệm của mọi người, bởi vì không ai tồn tại một cách độc lập, riêng rẽ. Cộng đồng phát triển sẽ tạo điều kiện cho cá nhân phát triển, (dẫn chứng từ các hoạt động từ thiện, hoạt động ủng hộ, quyên góp giúp đỡ cộng đồng...)
- Cần có sự cân bằng, hài hoà giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng tuỳ vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.
- Liên hệ thực tế, rút ra bài học chân thành, thiết thực cho bản thân: là một người trẻ tuổi đã rèn luyện cá nhân như thế nào; đã giúp đỡ cộng đồng bằng những hành động gì...
4.       Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm):
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa Tiếng Việt.
5.       Sáng tạo (0,25 điểm):
Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.
Câu 2 (5,0 điểm):
1.       Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận (0,25 điểm):
Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
2.       Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):
Cảm nhận về hình tượng người phụ nữ Việt Nam thời xưa qua hai bài thơ: Tự tình II của Hồ Xuân Hương và Thương vợ của Tú Xương; sự tiếp nối vẻ đẹp xưa ở nhân vật người đàn bà hàng chài.
3.       Triển khai vấn đề nghị luận:
Cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp dẫn chứng và lí lẽ.
a.       Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm (0,5 điểm):
Hồ Xuân Hương được mệnh danh là bà Chúa thơ Nôm. Thơ của Hồ Xuân Hương vừa trào phúng, vừa trữ tình, vừa thanh, vừa tục, là tiếng nói tâm hồn của người phụ nữ tài sắc mà bạc mệnh, khát khao đòi quyền sống, tự do, bình đẳng, quyền hưởng tình yêu và hạnh phúc. “Tự tình II” là một trong ba bài thơ thuộc chùm thơ “Tự tình” thể hiện nỗi đau đớn, buồn tủi về duyên phận và khát khao hạnh phúc mãnh liệt của Hồ Xuân Hương.
Tú Xương là nhà thơ của thành Nam, là nhà thơ trào phúng - trữ tình lớn của nước ta cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. “Thương vợ” là một trong những bài thơ hay nhất mà Tú Xương viết về vợ của mình ngay khi bà còn sống.
b.                  Cảm nhận về hình ảnh người phụ nữ thời xưa qua hai bài thơ (2 điểm)
CHÚ Ý
-       Hình ảnh người phụ nữ trong bài thơ Tự tình: cô đơn, đau khổ, bẽ bàng duyên phận, khát khao hạnh phúc mãnh liệt
-       Hình ảnh người phụ nữ trong bài thơ Thương vợ: vất vả, cay đắng, đảm đang, chung thủy, hết lòng hi sinh vì gia đình.
-       Sự tiếp nối ở nhân vật người đàn bà hàng chài: người phụ nữ của xã hội hiện đại; giàu lòng vị tha, đức hi sinh, giàu tình yêu thương; tần tảo, lam lũ.
Có thể cảm nhận theo nhiều cách nhưng về cơ bản, cần đáp ứng những nội dung sau:
-       Hình ảnh người phụ nữ trong bài thơ “Tự tình” - Hồ Xuân Hương:
+ Khái quát về bài thơ:
Thơ của Hồ Xuân Hương là những lời than thân từ nỗi niềm riêng của một cá thể, chất chứa những vấn đề mang tầm phổ quát của thân phận người phụ nữ. Hay nói cách khác, bằng việc viết lên tiếng nói cá nhân, Hồ Xuân Hương làm sống lên hình ảnh người phụ nữ Việt Nam xưa. Bài thơ “Tự tình II” là những nỗi niềm thầm kín, riêng tư của tác giả thể hiện nỗi thương mình trong cô đơn, lẽ mọn, khao khát hạnh phúc tuổi xuân, đó cũng là nỗi thương người, sự sẻ chia với bao người phụ nữ khác cùng cảnh ngộ.
+ Bài thơ đã khắc họa hình ảnh một người phụ nữ với tâm trạng đầy âu lo, trăn trở, với nỗi xót xa trong cảnh cô đơn lẻ loi.
Người phụ nữ đối diện với thời gian đêm khuya, không gian vắng lặng, chỉ có tiếng trống canh. Không - thời gian gợi tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình. Thời gian đêm khuya cũng là thời gian tâm trạng. Nữ sĩ cảm nhận sự cô đơn trước thời gian. Nhà thơ nghe “văng vẳng trống canh dồn”, đó không chỉ đơn thuần là cảm nhận âm thanh mà còn là nghe thời gian trôi. Cái nhịp gấp gáp, liên hồi của tiếng trống vừa là sự cảm nhận vừa là sự thể hiện bước đi dồn dập của thời gian và sự rối bời của tâm trạng. Trước không gian, thời gian đó, người phụ nữ càng thấy được sự tủi hổ, bẽ bàng của duyên phận, lại càng thêm đau xót. Ngậm ngùi mang số phận hồng nhan ra để mà đay đả, cụm từ “cái hồng nhan” hàm nghĩa mỉa mai, chua chát. Tìm lãng quên trong men rượu nhưng "say lại tỉnh", tỉnh ra còn đớn đau hơn. Tìm vầng trăng bầu bạn thì chỉ thấy "bóng xế", "khuyết, chưa tròn" xoáy thêm vào sự lỡ dở, dang dở. Cuối cùng, còn lại chỉ là một nỗi niềm ngao ngán, đắng chát khi tuổi xuân đang âm thầm trôi qua "xuân đi" mà duyên phận vẫn bị "san sẻ", không bao giờ có được hạnh phúc. Số phận tủi nhục, cay đắng của người phụ nữ trong bài thơ cũng là số phận chung của biết bao người phụ nữ phải chịu cảnh lẽ mọn trong xã hội phong kiến.
+ Bài thơ cũng cho thấy bản lĩnh và ý chí Hồ Xuân Hương, cũng như khát vọng hạnh phúc mãnh liệt không bao giờ nguôi ngoai:
Thái độ bứt phá, vùng vẫy của Hồ Xuân Hương được thể hiện qua hình ảnh thiên nhiên, bằng những cụm từ gây ấn tượng mạnh mẽ: xiên ngang, đâm toạc. Thiên nhiên như mang niềm phẫn uất của con người. Các động từ mạnh đi liền với bổ ngữ: xiên - ngang, đâm - toạc nhấn mạnh sự bướng bỉnh, ngang ngạnh, sự phản kháng, đồng thời là dấu ấn cá tính mạnh mẽ táo bạo của nữ sĩ. Bức tranh thiên nhiên ở đây luôn tràn trề nhựa sống, nó uyển chuyển linh hoạt và tươi thắm sắc màu. Thiên nhiên trở thành phương tiện chuyển tải tư tưởng đòi tự do, hạnh phúc cho con người.
+ Đánh giá chung: Bài thơ đã cho thấy số phận bất hạnh, cay đắng của người phụ nữ trong cảnh lẽ mọn, tình cảm bị san sẻ trong xã hội phong kiến xưa; đồng thời khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ luôn bền bỉ, kiên cường, bản lĩnh và luôn mãnh liệt khát vọng hạnh phúc.
-      Hình ảnh người phụ nữ trong bài thơ "Thương vợ"
-      Tú Xương.
+ Khái quát bài thơ:
“Thương vợ” là bài thơ thế sự, cũng là bài thơ tâm sự, thấm đượm nghĩa yêu thương. Bài thơ từ tấm lòng tri ân với vợ của Tú Xương đã khắc hoạ chân dung tảo tần, hết mực vì chồng con của bà Tú.
+ Bài thơ đã thể hiện hình ảnh người phụ nữ - người vợ với gánh nặng gia đình, với bao vất vả, lo toan của công việc bộn bề:
Câu thơ đầu tiên đã bao quát được hai chiều không gian, thời gian cùng công việc khó khăn, nguy hiểm không một phút nghỉ ngơi của bà Tú. “Khi quãng vắng, buổi đò đông”, những eo sèo bán buôn nhọc nhằn, bà đều phải bươn chải, vượt qua để lo cho gia đình. Chữ “duyên” có một mà chữ “nợ” đến hai nên cả cuộc đời của bà là sự vất vả, cơ cực, “năm nắng mười mưa”. Đó cũng là nỗi vất vả, là gánh nặng của biết bao người phụ nữ khác trong xã hội Việt Nam xưa.
+ Bài thơ cũng tô đậm chân dung của một người phụ nữ đảm đang, chung thủy, giàu tình yêu thương, hết lòng vì chồng con.
Bà Tú là người rất mực chăm lo cho gia đình, lo toan chu toàn mọi việc “Nuôi đủ năm con với một chồng”. Nhà thơ đã sử dụng hình ảnh con cò trong ca dao nhưng sáng tạo ở hàm ý thân phận “thân cò” để nói về người vợ suốt đời chăm chỉ, cặm cụi, chỉ lo cho chồng con mà không nghĩ đến mình. Đó còn là người vợ luôn vượt lên hoàn cảnh, không lời phàn nàn trách móc, oán hận mà giàu lòng vị tha và đức hi sinh: “Năm nắng mười mưa dám quản công”; người vợ nhẫn nhịn, tự nguyện gánh vác “giang sơn nhà chồng”: âu đành phận. Phẩm hạnh của bà Tú mang vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam nghìn đời.
+ Đánh giá chung: Bài thơ nổi bật là hình ảnh bà Tú - hiện thân của cuộc đời vất vả lận đận, là hội tụ của bao đức tính tốt đẹp: tần tảo, đảm đang, nhẫn nại... quên mình lo toan cho cuộc sống của chồng con. Đó cũng là hình ảnh tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam xưa.
c.                   So sánh hình ảnh người phụ nữ trong hai bài thơ (0,5 điểm):
-      Điểm giống nhau: Thể hiện số phận cay đắng, tủi nhục và khẳng định phẩm chất, bản lĩnh của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến. Từ đó, có thể thấy được giá trị nhân văn sâu sắc trong hai bài thơ.
- Khác nhau:
+ Bài thơ “Tự tình II” là lời thở than cho kiếp lẽ mọn, mang nỗi ngậm ngùi duyên phận. Qua đó, bài thơ cũng phản chiếu nỗi đau khổ cũng như khát vọng hạnh phúc mãnh liệt của một bộ phận người phụ nữ khi chịu cảnh chồng chung.
+ Bài thơ “Thương vợ” là lời tâm tình, thấu hiểu của nhà thơ dành cho vợ, khắc họa hình ảnh tiêu biểu về người vợ, người mẹ Việt Nam truyền thống tần tảo, đảm đang, giàu lòng yêu thương và đức hi sinh.
d.       Sự tiếp nối vẻ đẹp của người phụ nữ xưa ở nhân vật người đàn bà hàng chài (truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa) (0,5 điểm):
- Người đàn bà hàng chài là người phụ nữ của xã hội hiện đại, sống trong hoàn cảnh đất nước vừa kết thúc chiến tranh, đang bước vào xây dựng cuộc sống hòa bình.
- Ở nhân vật này có sự tiếp nối vẻ đẹp của người phụ nữ xưa:
+ Đảm đang, tần tảo lo toan cho gia đình: tấm lưng áo bạc phếch, nửa thân người dưới ướt sũng, lăn lộn cùng chồng nuôi một đàn con.
+ Giàu đức hi sinh, giàu tình yêu thương: hi sinh hết mình cho chồng, cho con; chấp nhận bị chồng đánh để có các con có chỗ nương tựa; vui nhất khi nhìn đàn con ăn no...
Vẻ đẹp tâm hồn khuất lấp, vẻ đẹp của cuộc sống đời thường và cũng mang bóng dáng của người phụ nữ Việt Nam nghìn đời.
4.       Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm):
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa Tiếng Việt.
5.       Sáng tạo (0,5 điểm):
Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

Xem thêm >>> Phân tích hình ảnh bà Tú trong "Thương vợ"

                        Phân tích hai cậu luận và hai câu kết trong "Tự tình II"

                        Tự cảm nhận của mình về bà cụ Tứ và người đàn bà làng chài

Trên đây là những kiến thức mà Cunghocvui muốn gửi tới bạn học, hy vọng bài viết sẽ giúp ích được nhiều cho quá trình học tập của bạn. Chúc các bạn học tập tốt <3

shoppe