Đăng ký

Phân tích bài thơ Tự tình - Hồ Xuân Hương - Soạn văn 11

2,821 từ Phân tích

Hồ Xuân Hương - bà chúa thơ Nôm của nền văn học Việt Nam được biết đến qua nhiều bài thơ đặc sắc, nổi bật trong số đó là bài thơ Tự tình. Sau đây, Cunghocvui xin gửi đến các bạn bài Phân tích bài thơ Tự tình hay nhất và đầy đủ nhất. Cùng tham khảo qua bài viết dưới đây nhé!

Bài làm

   Số phận lâm li, bi đát của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến thời xưa đã trở thành một đề tài muôn thuở trong các sáng tác văn chương. Nguyễn Du đã từng viết trong Truyện Kiều "Thương thay thân phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung" để nói lên sự thương xót cho số phận của những người phụ nữ trong xã hội cũ. Nguyễn Dữ cũng đã thể hiện lên cuộc đời đầy bất công của nhân vật Vũ nương trong tác phẩm Truyền kì mạn lục.... và còn rất nhiều những tác phẩm khác nữa. Nhưng đối với các tác giả đó, mấy ai được như Hồ Xuân Hương, bà thể hiện lên số phận con người bằng một loại thơ khác hẳn những nhà thơ khác, đó là thơ Nôm. Bài thơ Tự tình là điển hình rõ nét nhất cho chất thơ này. Đọc bài thơ, ta thấy được tâm trạng buồn tủi, sầu thương của người phụ nữ trước bi kịch của cuộc đời, về tình yêu, về gia đình...qua đó bộc lộ khát vọng được sống, được hạnh phúc, cũng là ước muốn cả đời của nhà thơ Hồ Xuân Hương.

   Nhà thơ Hồ Xuân Hương vốn là một người con gái đa tài nhưng đường tình duyên lại rất trắc trở, éo le. Hai lần lấy chồng thì cả hai lần bà đều làm vợ lẽ, vì thế mà bà thường xuyên phải sống trong sự cô đơn. Chùm thơ Tự tình gồm 3 bài thơ, trong đó bài Tự tình II đã nói lên rất rõ tâm trạng và hoàn cảnh của tác giả.

Phân tích bài thơ Tự tình

Xem thêm Các bài Phân tích bài thơ Tự tình

Hình tượng người phụ nữ trong xã hội cũ qua Tự tình và Thương vợ

   Hai câu thơ đầu cũng chính là hai câu thơ đề đã mở ra khung cảnh khi tác giả làm bài thơ này:

"Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn.
Trơ cái hồng nhan với nước non."

Trong đêm khuya thanh vắng không một bóng người, nhà thơ chỉ còn nghe thấy tiếng trống canh từ một chòi xa vọng đến. Âm thanh của tiếng trống cứ văng vẳng bên tai gợi một màu u uất, đượm buồn. Tiếng trống không giục giã, thúc giục cũng không chậm rãi từng nhịp mà nó cứ văng vẳng từ xa, lúc mạnh mẽ lúc lại hời hợt. Đó cũng chính là tâm trạng bâng khuâng, buồn tủi của giai nhân. Đêm đã khuya mà vẫn chưa ngủ được thì chắc hẳn con người đang chất chứa trong lòng mình biết bao nhiêu tâm sự chưa thể kể hết. Câu thơ thứ hai được đảo từ "Trơ" lên đầu câu nhấn mạnh sự chai lì cảm xúc của Hồ Xuân Hương. Trước những cảnh vật thiên nhiên lúc này, bà không còn thấy một cảm xúc gì nữa, như là sự chai lì, chai sạn đi bởi những tổn thương của thời gian, của số phận bạc bẽo, bất công.

   Trước khung cảnh thiên nhiên như vậy, nhà thơ bày tỏ sự chua xót cho số phận của mình ở hai câu thực:

"Chén rượu hương đưa, say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế, khuyết chưa tròn."

Rượu - một chất xúc tác để con người giãi bày, trút đi muộn phiền, âu lo, là thứ mà con người ta hay tìm đến nhất mỗi khi gặp một chuyện buồn. Hồ Xuân Hương cũng không ngoại lệ, bà tìm đến rượu để giải sầu, nhưng than ôi, ta thấy được hình ảnh của nhân vật Mị qua chén rượu của Hồ Xuân Hương. Cả Hồ Xuân Hương và Mị đều uống rượu, họ muốn uống cho say, cho quên đi hết những đau khổ phải chịu nhưng càng say họ lại càng tỉnh, càng nhận thức rõ hơn được số phận của chính bản thân mình. Tác giả nhận ra cuộc đời thật không công bằng, hình ảnh vầng trăng khuyết là biểu tượng cho tình yêu, cho sự hạnh phúc của nhà thơ. Đã trải qua biết bao nhiêu mối tình sâu nặng, nhà thơ tự hỏi rằng tại sao hạnh phúc không đến được trọn vẹn mà chỉ là những mảnh tình dở dang, đầy oan trái trong phận làm thiếp. Biết đến bao giờ vầng trăng ấy mới được tròn đầy, như nghĩa tình thủy chung, son sắt của người con gái dành cho người mình yêu? 

   Càng đau xót cho số phận của mình, nhà thơ Hồ Xuân Hương càng bị dồn nén bởi cảm xúc được đẩy lên đến cao hơn:

"Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám

Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn"

Hình ảnh thơ như gợi ra thái độ phản ứng mạnh mẽ của nhà thơ trước cuộc đời. Biện pháp nghệ thuật đối lập cho thấy những đám rêu nhỏ bé có sức mạnh to lớn "xiên ngang mặt đất", những hòn đá cỏn con nay "đâm toạc" cả "chân mây". Đây chính là điểm tiến bộ trong suy nghĩ và cách tư duy của Hồ Xuân Hương. Nếu như những người phụ nữ khác trong cùng thời kì tỏ ra yếu đuối, cam chịu số phận thì bà lại bày tỏ một sự phản ứng gay gắt, như là một ý chí muốn vùng lên mạnh mẽ của người phụ nữ. Qua đó ta thấy được sức mạnh khủng khiếp của con người, rằng khi cuộc sống đẩy họ vào nghịch cảnh, họ sẽ không nhụt chí mà ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn, gai góc hơn.

   Nhà thơ muốn vùng lên mạnh mẽ như vậy là bởi vì tác giả đã quá ngao ngán, chán nản trước cuộc sống hiện tại:

"Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con"

Cuộc đời vẫn cứ thế trôi đi, mỗi mùa xuân vẫn tiếp tục quay trở lại, chỉ có tuổi xuân của người con gái là ra đi mãi mãi, cứ thế chìm đắm trong sự cô đơn, tủi hờn. Hình ảnh mùa xuân của thiên nhiên được ví như mùa xuân phơi phới, rạo rực của đời người vốn là một ý thơ không hề mới. Nhưng cách dùng từ của nhà thơ Hồ Xuân Hương lại rất hay: "Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại", nhà thơ sử dụng đến hai chữ "lại", diễn tả gấp đôi sự chán chường đối với vòng lặp của tự nhiên. Biết bao giờ bà mới không phải san sẻ tình cảm bé nhỏ của mình cho nhiều người khác nữa. Lấy chồng chung, chịu cảnh làm vợ lẽ, một chút tình cảm từ người chồng bị san sẻ cho biết bao nhiêu giai nhân khác, làm sao mà không buồn tủi cho được. Qua đó ta thấy được thực tế xã hội phong kiến bất công khi nam giới có quyền cưới năm thê bảy thiếp về làm vợ còn người con gái chỉ được lấy một chồng duy nhất.

   Bài thơ Tự tình được viết bằng chính những cảm xúc thất vọng, u uất của tác giả nên qua đó bạn đọc cũng có thể hiểu thêm về nhà thơ. Tác giả đã vận dụng sáng tạo thể thơ Thất ngôn bát cú đường luật với ngôn ngữ tiếng Việt nhưng không làm mất đi giá trị của thể thơ mà trái lại nó còn mang đến cho thể thơ cổ điển ấy một vẻ đẹp mới, gần gũi, thân thuộc hơn với người Việt. Bà còn sử dụng từ ngữ giản dị với những động từ mạnh "xiên", "đâm toạc" cùng với từ láy tượng thanh "lại lại", "con con" diễn tả sự ngao ngán và ước muốn nổi loạn, muốn vùng lên khỏi số phận của nhà thơ.

   Có thể nói, Tự tình là một bài thơ rất hay và đặc sắc. Bài thơ vừa cho thấy bi kịch tình yêu, tâm trạng cô đơn, buồn tủi của tác giả, vừa thể hiện lên khao khát được sống hạnh phúc - một khao khát bình thường nhưng lại vô cùng xa xỉ đối với Hồ Xuân Hương nói riêng và những người phụ nữ trong xã hội phong kiến nói chung.

Thông qua bài Phân tích bài thơ Tự tình, Cunghocvui hy vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích để các bạn học sinh cảm nhận văn học được sâu sắc hơn. Chúc các bạn học tốt!

 

shoppe