Đăng ký

Nhân cách nhà Nho chân chính trong “Sa hành đoản ca” của Cao Bá Quát

1,964 từ

Nhân cách nhà Nho chân chính trong “Sa hành đoản ca” của Cao Bá Quát

Bối rối... Băn khoăn... Bất lực... Cảm thấy mâu thuẫn giữa lí tưởng và hiện thực... Không biết phải làm gì... Mờ mịt.. Giằng xé... Tất cả, chính là nỗi niềm của nhà nho chân chính xưa. Vì sao vậy? Đọc Sa hành đoản ca của Cao Bá Quát, bạn sẽ hiểu...

Nhà nho chân chính, với tư tưởng “Trí quân trạch dân” luôn khát khao giúp dân giúp nước. Họ mang trong tim một khát vọng, một hoài bão ôm trùm cả vũ trụ, như Nguyễn Công Trứ đã nói trong Bài ca ngất ngưởng - “Vũ trụ nội mạc phi phận sự”... Phải, họ luôn muốn cống hiến thật nhiều. Nhà nho trong Sa hành đoản ca cũng vậy. Nếu không vì khát vọng đó, vì sao ông lại dấn thân vào con đường đầy chông gai, mù mịt:

Trường sa phục trường sa
Nhất bộ nhất hồi khước.
 
“Trường sa” rồi lại “Trường sa”, con đường cứ thế mà tít tắp xa. Nỗ lực của con người dường như tan biến trong không gian mênh mông ấy khi tiến một bước mà cứ như lùi một bước, biết bao giờ mới tới đích. Thế nhưng, ông vẫn đi:
 
Nhật nhập hành vị dĩ,
Khách tử lệ giao

 

Vẫn đi khi mặt trời đã nghỉ ngơi, khi nước mắt đã lã chã rơi. Ông vẫn đi trong gian khổ. Và ông cũng mệt mỏi, chán nản:
 
Quân bất học tiên gia mĩ thụy ông
Đăng sơn thiệp thủy oán hà cùn!
 
Ông muốn được như “tiên ngủ”, muốn quên hết sự đời, muốn tâm hồn hoàn toàn bình thản. Nhưng không được! Ông vẫn mang trên vai trách nhiệm với non sông, đất nước. Thế nên cứ phải “trèo non lội suối”, “oán hà cùng” mà vẫn phải tiếp tục đi trên con đường mù mịt đó. Tất cả là vì cái gì, nếu không phải là vì khát vọng giúp đời của một nhà nho chân chính?
 
Trên con đường công danh, con đường thực hiện khát vọng đó, nhà nho không gặp những người cùng chí hướng, mà lại nhận ra:
 
Cổ lai danh lợi nhân,
Bôn tẩu lộ đồ trung.
 
Trên con đường đó toàn là phường danh lợi, suốt ngày ngược xuôi, tất tả ngoài đường, mong kiếm chút công danh. Ông cũng ý thức được sức cám dỗ ghê gớm của danh lợi:
 
Phong tiền tửu điếm hữu mĩ tửu,
Tỉnh giả thường thiểu túy giả đồng.
 
Danh lợi cũng như rượu ngon, quyến rũ lòng người. Những người lao vào đó, tỉnh thì ít mà say vô số. Nếu nhà nho cũng là “danh lợi nhân”, cũng là “túy giả”, thì liệu ông có nhận ra, chỉ ra cái hiện thực tăm tối và đáng buồn trên con đường công danh không? Chính vì không bị quyến rũ bởi danh lợi, không bị cám dỗ bởi men phú quý, nhà nho đã trở nên cô độc, lẻ loi giữa những “danh lợi nhân” và vô số “túy giả” đó.
 
Trường sa, trường sa nại cừ hà?
 
“Biết sao đây?” - một câu hỏi tự đặt ra, bối rối, giằng xé. Một sự mâu thuẫn giữa lí tưởng cao đẹp và hiện thực tăm tối. Nhưng tại sao nhà nho lại giằng xé, mâu thuẫn. Nếu cứ là một người quên hết việc đời, không có khát vọng thì đâu phải lặn lội trên con đường công danh để rồi bối rối; nếu cứ là một “túy giả” say men danh lợi thì đâu còn gì để dằn vặt. Mâu thuẫn... Giằng xé... Cũng chỉ vì nhà nho có khát vọng cao đẹp, muốn lập công danh giúp đời, nhưng lại nhận ra con đường đó đầy rẫy những kẻ say sưa danh lợi, có đi theo con đường này cũng chẳng có ích gì, không thể cống hiến. Mâu thuẫn xảy ra do nhà nho nhận ra rằng con đường bấy lâu nay theo đuổi lại không còn phù hợp nữa, không thể tiếp tục đi nữa. Ông cảm thấy bối rối, “cùng đường”:
 
Thính ngã nhất xướng cùng đồ ca,
Bắc sơn chi Bắc sơn vạn điệp,
Nam sơn chỉ Nam ba vạn cấp.
 
Phía Bắc núi trùng trùng, phía Nam sóng lớp lớp, nhà nho lại đang đứng giữa bãi cát dài vô tận. Lại thêm:
 
Thản lộ mang mang úy lộ đa.
 
Đường bằng phẳng mờ mịt quá, lại đầy rẫy những con đường ghê sợ. Thật khó để thoát ra khỏi bãi cát dài này! Nhưng làm sao đây? Nhà nho ý thức được không thể tiếp tục con đường này, nhưng thoát ra bằng cách nào? Đâu là phương hướng? Sự mâu thuẫn, giằng xé lên đến tột độ. Bế tắc... Bức bách... Mờ mịt.. Dằn vặt.. Một câu hỏi thốt lên đầy ám ảnh:
 
Quản hồ vi hồ sa thượng lập?
 
Còn đứng mãi, đứng làm chi trên bãi cát ấy nữa. Nhà nho mâu thuẫn, bối rối, dằn vặt.. Không thể đi tiếp, lại không thể thoát ra.. Biết làm thế nào? Nhà nho cứ đứng vậy, chôn chân xuống bãi cát mênh mông. Bế tắc... Âu đó cũng là bi kịch chung của những nhà nho chân chính xưa - những người “sinh bất phùng thời”. Có ước mơ, hoài bão cao đẹp nhưng hiện thực tăm tối của chế độ phong kiến thối nát đã khiến họ phải “đứng mãi trên bãi cát mênh mông ấy” ...
 
Nhưng, liệu nhà nho có đứng mãi trên bãi cát ấy không, có bế tắc mãi không? Cao Bá Quát đã có câu trả lời. Ông đã tham gia khởi nghĩa, tuy thất bại nhưng ông không còn bế tắc, dằn vặt nữa, ông đã tìm được con đường riêng cho mình. Một nhà nho chân chính sẽ không bao giờ đứng mãi trên bãi cát ấy!!!

shoppe