Đăng ký

Cảm nhận vẻ đẹp của bài thơ câu cá mùa thu- tác giả Nguyễn Khuyến

3,384 từ Cảm nhận

Cảm nhận vẻ đẹp của bài thơ câu cá mùa thu Nguyễn Khuyến

      Cảm nhận vẻ đẹp của bài thơ câu cá mùa thu là đề bài không hề xa lạ. Nhưng để cảm nhận được vẻ đẹp đấy là điều không hề dễ dàng. Tham khảo bài làm chi tiết dưới đây được CungHocVui tổng hợp và biên soạn làm tư liệu học tập để có thể học tập tốt hơn.

Mở bài phân tích vẻ đẹp của bài thơ câu cá mùa thu

      Nguyễn Khuyến là một nhà thơ lớn mang đến những đóng góp đáng tự hào trong thơ và nền văn học Việt Nam. Các tác phẩm của ông miêu tả những khung cảnh giản dị, quen thuộc và thông qua đó thể hiện vẻ đẹp và ý nghĩa to lớn hơn. Trong đó phải kể đến vẻ đẹp của bài câu cá mùa thu khi ẩn sâu trong đó là những giá trị nhân văn mãi trường tồn giữa cuộc sống vô tận ngoài kia.

Cảm nhận vẻ đẹp của bài thơ câu cá mùa thu- CungHocVui

Cảm nhận vẻ đẹp của bài thơ câu cá mùa thu

Thân bài phân tích vẻ đẹp của bài thơ câu cá mùa thu

Phân tích hai câu đầu của bài thơ

      Hai câu thơ đầu mở ra khung cảnh hết sức quen thuộc của làng quê Việt Nam,hình ảnh bình dị, gần gũi của quê hương đang đắm mình trong mùa thu.

                                                       Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

                                                       Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

      Nước ao "trong veo" toả hơi thu "lạnh lẽo". Sương khói mùa thu như bao trùm cảnh vật. Nước ao thu đã trông lại trong thêm, khí thu lành lạnh lại trở nên"lạnh lẽo".Tuy nhiên, Nguyễn Khuyến không chỉ đơn thuần tả cảnh, ẩn trong cảnh ấy vẫn là cái tình của con người. Các tính từ “lạnh lẽo”, “trong veo”, “bé tẻo teo” tuy được sử dụng để gợi tả đặc tính của cảnh nhưng cũng phần nào chuyển tải được tâm tư của con người.

Xem thêm:

Câu cá mùa thu: Nội dung bài thơ, hoàn cảnh sáng tác, dàn ý phân tích tác phẩm

Phân tích câu cá mùa thu

Phân tích vẻ đẹp của bài thơ câu cá mùa thu qua hai câu tiếp theo

                                                       Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

                                                       Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.

      Chỉ trong hai câu thơ ngắn như vậy nhưng tác giả lại cho chúng ta thấy rất nhiều sự đối lập. Sự đối lập một cách tình cờ khiến khung cảnh mùa thu hiện lên thật sinh động, khác hẳn với khung cảnh thu có phần tiêu điều như trong nhiều tác phẩm của các nhà thơ khác.

      Mùa thu của Nguyễn Khuyến với sắc xanh biếc của sóng cùng màu vàng của chiếc lá rụng. Tốc độ rời vèo cùng với tốc độ sóng lăn tăn trên mặt nước. Qua sự đối lập này ta còn nhận thấy sự tinh tế của nhà thơ thì mới có thể phát hiện ra những điều vô cùng nhỏ bé và khe khẽ này.

Phân tích vẻ đẹp của bài thơ qua những câu thơ tiếp theo

Hình ảnh làng quê Việt Nam

Hình ảnh làng quê Việt Nam qua thơ của Nguyễn Khuyến

      Không chỉ dừng lại ở những khung cảnh gần mình, mà nhà thơ còn cho ta thấy vẻ đẹp của mùa thu khi ngóng mắt ra xa.

                                                        Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,

                                                       Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

      Chắc chắn rồi, khi nhắc đến bức tranh thu ta không thể thiếu được bầu trời thu. Bầu trời trong xanh, cao ngút và đầy thoáng đãng, kết hợp với những tầng mây. Khiến trời thu đẹp hơn bao giờ hết. Không chỉ trong câu cá mùa thu mà nhiều bài thơ khác, Nguyễn Khuyến đều có miêu tả bầu trời xanh ngắt của mùa thu. Cụ thể: 

                                                        "Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao(Thu vịnh)

                                                       "Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt".(Thu ẩm)

      Thế nhưng điểm nổi bật của trời thu ở Thu Điếu khác so với các trời thu khác chính là tầng mây. Tấng mây ở đây được miêu tả trôi lơ lửng, hững hờ. Từ láy “hờ hững” cho ta thấy sự dủng dỉnh, chậm chạp của đám mây cũng như chính mùa thu, mọi vật dường như đều chậm lại.

Xem thêm:

Tác phẩm thu ẩm của Nguyễn Khuyến

Tác phẩm thu vịnh của Nguyễn Khuyến

      Trời thu kết hợp cùng với khung cảnh yên bình của làng quê cùng với ngõ trúc quanh co. Thế nhưng ngõ trúc hôm nay có phần vắng vẻ khi thiếu đi những người khách đến thăm. Điều đó đã tạo nên một bức tranh bình yên đến lạ. 

      Thi sĩ như đang lặng ngắm và mơ màng đắm chìm vào cảnh vật. Phóng tầm mắt ấy ra xa để thấy sự quanh co của ngõ làng có hàng trúc, mặc dù hiện tại con ngõ ấy “vắng teo” nhưng chắc chắn nó đã từng có người qua lại. Có thể ở đây, tác phẩm của Nguyễn Khuyến làm người đọc cảm thấy đìu hiu, vắng lặng nhưng tuyệt nhiên đó không phải là cái đìu hiu, vắng lặng của buồn bã, âu sầu.

      Tất cả tạo nên một không gian xanh trong, dịu nhẹ, cảnh thu, hồn thu càng thêm phần sống động. Những đường nét, màu sắc... gợi lên trong tưởng tượng của người đọc khung cảnh của một buổi sớm thu yên bình trên một làng quê miền Bắc.

      Yên bình với bầu trời thu cao rộng, khoáng đạt, những ao chuôm trong vắt phản chiếu màu trời, màu lá cùng sự bình yên của thôn xóm với những con đường nhỏ quanh co hun hút xanh màu tre trúc, gió thu dịu mát khẽ làm xao động lòng người... 

Phân tích vẻ đẹp của bài thơ câu cá mùa thu qua hai câu thơ cuối

phân tích vẻ đẹp câu cá mùa thu- CungHocVui

Phân tích vẻ đẹp câu cá mùa thu- CungHocVui

      Trong bức tranh thu này mọi cảnh vật hiện ra đều rất đỗi bình dị, dân dã. Khung cảnh ấy vẫn thường hiển hiện vào mỗi độ thu về trên những làng quê và đi vào tâm thức của bao người. Đó là một mùa thu trong trẻo, thuần khiết, mát lành

                                                       Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được,

                                                       Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

      Một tư thế nhàn: tựa gối ôm cần. Một sự đợi chờ: lâu chẳng được. Một cái chợt tỉnh khi mơ hồ nghe cá đâu đớp động dưới chân bèo. Người câu cá như đang ru hồn mình trong giấc mộng mùa thu. Cảnh sắc mùa thu đẹp nhưng đượm buồn man mác. Không gian tĩnh lặng, phảng phất buồn: vắng teo, trong veo, khẽ đưa vèo,  hơi gợn tí, mây lơ lửng ,…

      Đặc biệt câu thơ cuối tạo được một tiếng động duy nhất: “Cá đâu đớp động dưới chân bèo” không phá vỡ cái tĩnh lặng, mà ngược lại nó càng làm tăng sự yên ắng, tĩnh mịch của cảnh vật. 

      Thủ pháp lấy động tả tĩnh. Cảnh sắc thu đẹp nhưng tĩnh lặng vắng bóng người, vắng cả âm thanh dù đó là sự chuyển động nhưng đó là sự chuyển động rất khẽ khàng và cả tiếng cá đớp mồi cũng không làm không gian xao động.

Vẻ đẹp của bàn thơ câu cá mùa thu - CungHocVui

Vẻ đẹp của bàn thơ câu cá mùa thu 

     Nhà thơ đã từ bỏ chốn quan trường danh lợi để chọn cuộc sống bình dị, nhàn thân ở nơi thôn quê dân dã. Âm thanh “cá đâu đớp động” mà tác giả nghe được gợi một điều gì xa vắng, không rõ ràng nhưng cũng là sự bừng tỉnh.

      Thật vậy, "Thu điếu" là một bài thơ tả cảnh ngụ tình rất đặc sắc của Nguyễn Khuyến. Đó là tiếng thu dân dã, thân thuộc của đồng quê đã khơi gợi trong lòng chúng ta bao hoài niệm đẹp về quê hương đất nước. Bức tranh mùa thu được miêu tả bằng những hòa sắc tinh tế, những đường nét gợi cảm.

      Nhạc điệu cũng độc đáo. vần gieo hiểm hóc mà tự nhiên, hồn nhiên. Kết cấu niêm luật, vần điệu đối ngẫu rất chỉnh, bút pháp chấm phá tả cảnh ngụ tình tài hoa. Ngôn ngữ giản dị, tinh tế, giàu sức gợi hình biểu cảm. Vần eo – tử vận, oái oăm, được tác giả sử dụng thần tình bằng cả trái tim và tấm lòng người nghệ sĩ bởi "nghệ thuật vị nghệ thuật nghệ thuật vị nhân sinh".

Xem thêm:

Thân bài phân tích tâm trạng của Nguyễn Khuyến qua Thu Điếu

Soạn bài câu cá mùa thu của tác giả Nguyễn Khuyến

Kết bài phân tích về vẻ đẹp bài thơ câu cá mua thu

      Thật không hổ danh khi Câu cá mùa thu là một trong những tác phẩm để đời của nhà thơ cũng như là một trong những tác phẩm sống mãi trong thơ văn Việt Nam. Qua bài thơ ta không chỉ thấy cảnh thu đẹp đến lạ mà còn thấy được tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước đáng tự hào của tác giả. Vì nếu không yêu thiên nhiên, yêu đất nước thì sẽ không thể quan sát kỹ càng và miêu tả chi tiết, sâu lắng đến vậy.

      Trên đây là bài phân tích vẻ đẹp câu cá mùa thu chi tiết và hay nhất được CungHocVui tổng hợp và biên soạn. Hy vọng bài phân tích chi tiết trên sẽ giúp bạn hiểu rõ về tác phẩm và học tập tốt hơn.

shoppe