Cảm nhân vẻ đẹp của bài thơ câu cá mùa thu- Vẻ đẹp mùa thu
Cảm nhân vẻ đẹp của bài thơ câu cá mùa thu
Văn học là công cụ tốt nhất để phản ánh sự phát triển của thời cuộc. Thế nhưng cũng đã từng có lúc công cụ này tưởng chừng đi vào ngõ cụt, và bế tắc khi vào cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX chế độ xã hội phong kiến dần dần suy tàn. Giữa sự lạc hậu của chế độ thời đại và phương thức phản ánh lỗi thời mà những tác giả khác sử dụng, Nguyễn Khuyến nổi bật lên như một tài năng thơ ca vào hàng xuất chúng đánh bật mọi sự suy thoái tưởng chừng đã lên đến đỉnh điểm.
Trong giai đoạn cuối cùng của thời kì văn học trung đại dài đến hàng chục thế kỉ, ông giống như một dấu cảm thán khẳng định tính cổ điển có sức lay động lòng người. Thơ văn của ông không xa vời, bởi trong kho tàng di sản văn chương đồ sộ phong phú nội dung chủ yếu chính là về cảnh làng quê Việt Nam thân thuộc.
Chùm ba bài thơ Thu vịnh, Thu ẩm và Thu điếu (Câu cá mùa thu) cũng nằm trong chủ đề này, với tác phẩm xuất sắc nhất là Thu điếu cho thấy một tình yêu quê hương dạt dào của Nguyễn Khuyến.
Với tác phẩm này hà thơ Xuân Diệu đã khẳng định là điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam, là bài thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc: Cảnh mùa thu quê hương, tình yêu thiên nhiên, yêu mùa thu đẹp gắn liền với tình yêu quê hương tha thiết.
Bài thơ này được viết dưới thể thơ Bát cú đường luật, với từ ngữ nhẹ nhàng và tinh tế, đầy hình tượng và chan chứa cảm xúc. Trong cảnh trời và không khí đậm sắc thu, dáng vẻ và màu sắc tuyệt vời của làng quê hiện lên thật tài tình và chạm vào trái tim người đọc.
Mở đầu là hình ảnh quen thuộc nhưng với một góc nhìn rất riêng:
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”
Ngồi trong chiếc thuyền câu cá, Nguyễn Khuyến chẳng hề mảy may quan tâm đến việc chính mà lại đắm say với không khí và cảnh sắc mùa thu. Điều đó thể hiện ngay ở từng câu chữ đầu tiên, khi nhà thơ đã gọi cái ao của mình là ao thu.
Riêng một mặt ao ấy đã được ưu ái sử dụng tới 4 từ để miêu tả bao gồm “lạnh lẽo”, “trong veo”, “sóng biếc” và “gợn tí”, và cũng chỉ để nhấn mạnh duy nhất sự cô độc, lạnh lẽo, vắng lặng. Và cũng quả thực rằng, chiếc ao lạnh lẽo ấy chắc chắn không phù hợp cho việc câu cá.
Mùa thu Việt Nam không rõ ràng, nó mang một chút cảm giác mùa đông khi bắt đầu có cảm giác mát mẻ hoặc hơi se se lạnh. Thế nhưng “lạnh lẽo” có vẻ như là một tính từ hơi mạnh, có lẽ rằng nó dùng để chỉ cảm giác trong lòng người. Trời mới chỉ sang thu nhưng trái tim con người đã cạn kiệt sức sống, lạnh giá đóng băng.
Sự cằn cỗi ấy bỗng khiến lòng người bình lặng đến lạ thường, như chính mặt hồ vắng lặng, trong veo. Cảnh thiên nhiên mùa thu vốn dĩ sẽ rất đẹp đẽ thế nhưng cũng vì thế mà trở nên thay đổi. Tổng thể bức tranh chẳng có chút mơ mộng, dịu dàng mà choáng ngợp nỗi cô độc như chính cách Nguyễn Khuyến gieo vần “eo” và sử dụng các tính từ “lạnh lẽo”, “trong veo”, “bé tẻo teo”, “hơi gợn tí”, “khẽ đưa vèo”…
Thế nhưng là một nhà thơ thực thụ, ông rất biết cách thưởng thức, dần dần khiến cho khung cảnh trở nên đầy màu sắc. Với một cảnh trong và tĩnh gần như tuyệt đối, nước trong veo, trời xanh ngắt, khách vắng teo, mọi cơ quan và trực giác trở nên cực kì tinh nhạy bởi sự chăm chú mà ông đặt vào đó.
Ở 2 câu thơ 3, 4, màu biếc của sóng hòa quyện với những chiếc lá thu vàng tạo nên một bức tranh quê đơn sơ mà lộng lẫy. Nghệ thuật trong phần thực rất điêu luyện khi so sánh hai cảnh vật này, gợi độ vèo của lá bay cũng có nét tương ứng với độ tí của sóng.
Cách Nguyễn Khuyến sử dụng chữ “vèo” cũng đã được nhà thơ Tản Đà hết mực ca ngợi. Và cả cuộc đời ông có lẽ rất may mắn mới có thể tìm được câu thơ vừa ý như vậy trong bài Cảm thu, tiễn thu:
“Vèo trông lá rụng đầy sân”
Đến hai câu thơ tiếp theo của bài, không gian dần dần được mở rộng ra, không còn bị giới hạn bởi khung cảnh chiếc ao:
“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo “
Cả bức tranh được tô điểm thêm bằng chiều cao của bầu trời thu xanh ngắt cùng với tầng mây lơ lửng theo chiều của những cơn gió. Trong cả chùm thơ về thu của mình, bầu trời trong mắt ông vẫn luôn chính là màu sắc ấy chưa bao giờ thay đổi. Ở Thu vịnh là "Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao", Thu ẩm là "Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt", và Thu điếu là "Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt."
Qua cái nhìn vời vợi của Nguyễn Khuyến, màu xanh ấy gợi cảm giác chiều sâu thăm thẳm, tạo ra sự sâu lắng của không gian, sâu lắng như chính lòng người. Thế rồi ông lão đang ngồi câu cá ấy chợt đưa mắt nhìn về bốn phía làng quê. Vẫn là không khí quen thuộc khi xóm thôn vắng lặng, tĩnh mịch, không một bóng người qua lại giữa những con đường quanh co, heo hút.
Cảnh vật êm đềm khiến con người như chìm vào trong giấc mộng thu, với tất cả cảnh vật, đường nét, âm thanh,... hiện ra mang chút bâng khuâng, mang mác nhưng lại rất gần gũi và thân thiết. Biết bao thời gian trôi qua trong không gian của sáng tĩnh mịch ấy, tư thế ngồi câu cá của ông như cũng bất động trong thời gian:
“Tựa gối buông cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo”
Người xưa có kẻ lấy câu cá làm việc đợi thời, đợi người xứng đáng để phò tá. Câu cá để từ chối việc làm quan và coi câu cá là việc câu người, câu quạnh, câu lưỡi. Nguyễn Khuyến có lẽ cũng đang tựa gối chờ đợi, và thấp thoáng đâu đó là khát vọng câu thanh, câu vắng cho tâm hồn của một nhà thơ có phẩm chất thanh cao. Bỗng đâu cái âm thanh cá đớp động kia bỗng chợt gợi lên sự mơ hồ xa vắng và thức tỉnh.
Là một bài thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc, Thu điếu gợi lên cảnh sắc mùa thu quê hương với những gam màu đậm và nét vẽ gần xa đầy tinh tế, gợi cảm. Bao nhiêu hoài niệm về vẻ đẹp quê hương, đất nước được khơi gợi khéo léo, ấy là tiếng lá rơi đưa vèo trong làn gió hay tiếng cá đớp động chân bèo.
Thơ là sự cách điệu tâm hồn, và qua thơ của Nguyễn Khuyến, tình yêu với thiên nhiên nồng hậu và cảnh sắc đồng quê thân thuộc như luôn rực cháy bên ngoài vỏ bọc bình lặng. Ông rất xứng đáng với danh nhà thơ của làng cảnh Việt Nam, luôn tiếp thêm những cảm xúc quý báu cho mỗi người con về quê hương mình. Ông là nhà thơ kiệt xuất đã chiếm một địa vị vẻ vang trong nền thơ ca cổ điển Việt Nam..