Đăng ký

Nghị luận văn học Câu cá mùa thu: Bài văn mẫu lớp 11 hay

2,857 từ

Nghị luận văn học Câu cá mùa thu: Bài văn mẫu lớp 11 hay

Nghị luận bài câu cá mùa thu

Mở bài nghị luận văn học câu cá mùa thu

     “Ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu từng nhận xét về Nguyễn Khuyến: “Thơ Yên Đỗ vẫn phảng phất bay lượn giữa quê hương đồng chiêm trũng Hà Nam, trên quê hương làng mạc Việt Nam tất cả; bởi Nguyễn Khuyến đã tạo nên một tình yêu quê hương làng mạc trong văn học, tình yêu đồng bào, bà con dân quê trong xóm mình.” Sau thời gian hơn 10 năm làm quan, quá bất bình với chế độ cai trị của thực dân Pháp, Nguyễn Khuyến đã cáo quan về quê ở ẩn, sống một đời thanh bạch, giản dị. Chùm thơ mùa thu được nhà thơ sáng tác dựa trên những cảm xúc chân thật khi sống tại quê nhà. Trong đó, “Câu cá mùa thu” (Thu điếu) là tác phẩm cho hồn thơ thanh cao, yêu nước thương dân, yêu thương thiên nhiên, con người và những suy tư về cuộc sống của thi nhân.

Xem thêm:

Câu cá mùa thu: Nội dung bài thơ, hoàn cảnh sáng tác, dàn ý phân tích tác phẩm

Phân tích câu cá mùa thu

Thân bài nghị luận văn học câu cá mùa thu

      Mở đầu bài thơ, người đọc dường như được chiêm ngưỡng một bức tranh màu thu đậm nét của đồng bằng Bắc Bộ:

                                    “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”

      Hình ảnh “ao thu lạnh lẽo” dường như là cái hồn của mùa thu Bắc Bộ, làn nước xanh ngắt, trong trẻo có thể nhìn tới đáy. Nhưng với cái không khí se lạnh đặc trưng của mùa thu, nên làn nước cũng trở nên “lạnh lẽo”. Dường như vị Tam Nguyên Yên Đổ đang câu cá nên đã nhắc đến ao cá trước, từ điểm nhìn từ trên thuyền rồi đưa tầm mắt mở rộng ra khắp xung quanh. Giữa khung cảnh hồ nước mênh mang, chiếc thuyền bỗng chốc trở nên “nhỏ bé”.

      Nhà thơ đang lột tả sự nhỏ bé của chiếc thuyền hay là nỗi cô đơn của nhân vật trữ tình. Phải chăng người thi sĩ đang cảm thấy cô đơn, lạc lõng giữa không gian mênh mông của đất trời, bốn bề là nước dập dềnh. Hai chữ “tẻo teo” kết câu gợi cho ta sự nhỏ bé vô cùng của con thuyền, dường như trong bức tranh thu ấy con thuyền chỉ như một dấu chấm phá giữa bức tranh rộng lớn ấy. Đây cũng là cách gieo vần cực kỳ mạo hiểm và tài tình của nhà thơ, bởi lẽ người xưa thường kỵ vần “eo” hay được gọi là tử vận. Nhưng Nguyễn Khuyến lại gieo vần eo vô cùng linh hoạt, hàm chứa nhiều suy tư, ẩn ý.

      Bức tranh ấy không chỉ tinh tế, độc đáo mà còn cực kỳ sống động:

“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”.

      Những sự chuyển động vô cùng nhỏ của sự vật cũng được nhà thơ ghi chép lại. Nước trong hồ vào mùa thu xanh biếc, màu xanh thanh bình, êm ả. Chắc nền trời cũng phải cao xanh lắm thì mới phản chiếu xuống mặt hồ màu xanh biếc và trong vắt như vậy. Sự nhẹ nhàng được lột tả thông qua hình ảnh “hơi gợn tí”. Đó là những chuyển động nhỏ nhẹ, khẽ khàng của gợn sóng.

      Giữa một màu xanh êm đềm, chấm phá thêm nét vàng của chiếc lá khô “khẽ đưa vèo”. Lá vàng là sắc điệu quen thuộc của mùa thu, nhưng lá vàng trong thơ Nguyễn Khuyến lại “khẽ đưa vèo” tưởng như thi nhân có thể bắt được tốc độ bay của chiếc lá, có thể nghe được âm thanh lúc lá đang rơi mà dùng câu từ để thâu tóm lại phần linh hồn chở trong nó để ướm lên trang thơ của mình. Qua đó còn giúp độc giả cảm nhận được sự tĩnh lặng vô cùng của không gian mới có thể nghe được tiếng rơi “vèo” của lá.

Xem thêm:

Tác phẩm thu ẩm của Nguyễn Khuyến

Tác phẩm thu vịnh của Nguyễn Khuyến

      Nếu ở hai cặp thơ trên là hình ảnh thu đang hiện hữu bên hồ nước, thì đến hai câu tiếp là không gian của trời thu:

“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo"

      Dường như nhà thơ đã có sự thay đổi về điểm nhìn, mở rộng ra về chiều cao: “tầng mây” - “trời” và chiều xa, chiều rộng “ngõ trúc quanh co”. Không giống với đám mây tinh nghịch lúc sang thu của Hữu Thỉnh, bầu trời mây của Nguyễn Khuyến lại là từng tầng một, lơ lửng giữa trời, êm đềm, dịu nhẹ có chút thong dong. Sắc trắng của đám mây tô điểm cho lớp nền xanh trong, cao vời vợi của đất trời. Những sắc xanh được miêu tả một cách rất riêng, đó là điệu xanh riêng của Nguyễn Khuyến.

      Nếu như tầng mây mở ra chiều cao thì hình ảnh ngõ trúc lại mở ra chiều rộng, xa xăm. Ở đây không đơn thuần là câu thơ lột tả vẻ đẹp của thiên nhiên làng quê, mà ẩn dụ cho vẻ đẹp thanh cao của người quân tử. Ông đã bỏ lại công danh, lợi lộc quyết định sống một đời thanh bạch, dù cô đơn, buồn tẻ, không có người lui tới thăm nom nhưng nhà thơ vẫn luôn tìm đến niềm vui riêng. Đặt vào trong hoàn cảnh Nguyễn Khuyến viết bài thơ này, có lẽ nó phần nào cho thấy thú vui nơi chốn quê thôn dã, và tâm hồn thanh cao đạo mạo của một bậc hiền nhân muốn lánh đục về trong.

      Hai câu thơ cuối là sự xuất hiện bất ngờ của nhân vật trữ tình:

“Tựa gối ôm cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo”.

      Người thi sĩ “tựa gối ôm cần” bộc lộ sự buồn chán, có lẽ ông ngồi đó không vì mục đích câu cá mà là đang suy nghĩ về cuộc đời. Nhà thơ thả hồn mình vào những trầm tư xa xăm. Không gian vì thế mà càng ảm đạm và yên tĩnh, thậm chí có thể nghe được âm thanh cực nhỏ của cá đang “đớp động”. Nghệ thuật lấy động tả tĩnh lại được áp dụng, không gian làng quê xưa phải thật yên bình lặng như thế nào mà trái tim tinh tế rất mực nhạy cảm của thi nhân mới có thể bắt được điệu riêng ấy để gửi vào trong thơ bức tranh thu đẹp, tĩnh lặng buồn. 

      Lựa chọn thể thơ thất ngôn bát cú đường luật và cách gieo vần độc lạ, sử dụng tử vận “eo”, Nguyễn Khuyến không chỉ không làm bài thơ bị lỗi vẫn mà còn tạo nên điểm sáng cho cả bài thơ, qua cách gieo vần càng làm rõ không gian vắng lặng, khép kín và sự nhỏ bé của con người.

      Bên cạnh đó, nhà thơ còn sử dụng biện pháp đối lập, nghệ thuật “lấy động tả tĩnh” đặc trưng để làm bật nên ý thơ, phác họa một bức tranh thu độc đáo. Qua đó còn thấy được tình yêu thiên nhiên, lối sống đơn giản, thanh cao và tâm hồn cương trực của Tam Nguyên Yên Đổ vang danh một thời.

Kết bài nghị luận văn học câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến

      “Nguyễn Khuyến sống đời sống của người nông dân quê ông và ông viết về cuộc đời họ, cảnh đời họ. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử gần nghìn ngàn năm của văn học dân tộc Việt Nam đời sống nghèo khó của người nông dân với những cảnh sinh hoạt bình thường ở thôn quê trở thành đối tượng phản ánh của thơ ca.” (Vũ Thanh). Quả thực “Câu cá mùa thu” (Thu điếu) là một bức tranh thu vô cùng đặc biệt và độc đáo.

      Ở đó, người đọc không chỉ được chiêm ngưỡng những vẻ đẹp vô cùng bị dị, đơn sơ, thanh cảnh của thiên nhiên và con người nơi đồng quê nghèo mà còn có những chiêm nghiệm cực sâu sắc về đời sống, con người thông qua từng vần thơ bình dị nhưng vô cùng tinh tế.

      Trên đây là dàn ý chung cho đề bài nghị luận văn học “Câu cá mùa thu” và một số bài mẫu. Qua đây, hy vọng các em học sinh sẽ không còn thấy khó khăn khi gặp đề nghị luận bài “Câu cá mùa thu”. Chúc các em ngày càng học tốt!