Đăng ký

Phân tích bài thơ Thu Điếu của Nguyễn khuyến

2,366 từ

Phân tích bài thơ Thu Điếu của Nguyễn khuyến

Mùa thu là đề tài hấp dẫn các nhà thơ từ cổ chí kim. Và thơ hay về mùa thu cũng không phải là hiếm. Song người đọc, khi tìm đến những vần thơ thu, ít ai có thể quên được ba bài thơ nổi tiếng của Tam Nguyên Yên Đổ. Chính ba bài thơ này đã đưa Nguyễn Khuyến trở thành nhà thơ kiệt xuất của làng cảnh Việt Nam. Trong số những bài thơ toàn bích ấy, Thu điếu có một vị trí nổi bật bởi nó “điển hình hơn cả” cho mùa thu xứ Bắc (Xuân Diệu).

Về bản chất, Thu điếu vẫn là bài thơ được viết theo lối đề vịnh, tả cảnh để diễn tình. Tài hoa của Nguyễn Khuyến là ở chỗ: dẫu bị gói gọn trong khuôn khổ của một bài thơ Đường luật, song lời thơ trong suốt đến mức không hề có một điển tích điển cố nào. Hơn nữa, nhà thơ không tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về hình thức đề - thực - luật - kết thông thường mà ưu tiên cho cảnh (chiếm sáu câu đầu) chỉ dành hai câu cuối để nói chuyện đi câu.
 
Bức tranh phong cảnh được bắt đầu từ “ao thu”:
 
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

Nếu như ở Thu vịnh, cảnh thu được đón nhận từ tầm xa thì ở Thu điếu cảnh lại được đón nhận ở tầm gần. “Ao thu” như một tiêu điểm để từ đó, bức tranh về mùa thu được nối dần cao, ra xa. Cảnh sắc, không khí hiện ra trong sự tĩnh lặng gần như tuyệt đối - và sự vật: “chiếc thuyền” cũng như cố thu nhỏ lại, trước là để hợp với “ao thu”, sau là để khuôn cảnh thu vào trong một phạm vi nhất định. Các vần “eo” hóc búa được gieo liên tiếp nhau vừa chứng tỏ tài nghệ của người cầm bút, vừa làm cho không gian, từ chiếc ao, chiếc thuyền trở nên gần gũi, xinh xắn trong sự bình yên. Đến với câu thơ mở đầu người đọc rất dễ có cảm giác rùng mình trước sự lạnh lẽo của cái “trong veo” đi liền với cái “lạnh lẽo” định tính.
 
Sóng biếc theo làn hơi gợi tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.
 
Đến đây mới thấy sự sống cựa mình. Cựa rất khẽ: “hơi” “khẽ”. Cái lạnh toả ra từ nước, cái lạnh theo gió thổi vào, làm cho ao hơi lăn tăn sóng, vừa đủ để chiếc lá chao xuống nền thu... Phải là người có đầu óc quan sát rất tinh, nhập vào hồn của cảnh mới nhận ra được cái biến thái tinh vi: hơi gợn tí, khẽ đưa vèo... Nói đến mùa thu, Nguyễn Khuyến không dứt ra được cái màu vàng đặc trưng, quyến rũ của nó. Nhưng đây không phải màu vàng do “non phơi bóng” trong thơ Nguyễn Du; cũng không mênh mông như trong thơ Bích Khê về sau: “Ô hay, buồn vương cây ngô đồng - Vàng rơi, vàng rơi, thu mênh mông”. Màu vàng mùa thu, qua hình hài của chiếc lá, thả một “điệu rơi” khẽ khàng bóng, xanh tre... Trước hai câu thơ này, Xuân Diệu thán phục: “Cả bài thơ không non ép một chữ nào, nhất là hai câu 3 - 4 (...) Thật tài tình, nhà thơ đã tìm được cái tốc độ bay của lá, “vèo”, để tương xứng với mức độ gợn của sóng; “tí” và vừa, tất cả mùa thu được bao bọc trong cái “toan” xanh rộng lớn da trời xanh ngắt (cả ba bài thơ của Nguyễn Khuyên đều nhắc đến màu xanh “muôn đời” này của mùa thu. Điều này cho thấy, cách pha chế màu sắc, cách tạo đường nét trong Thu điếu đậm màu sắc hội họa phương Đông. Bức tranh thu được phác vẽ bằng rất ít chi tiết nhưng đầy ấn tượng. Gần và thấp thì có ao, có thuyền, có sóng, cao hơn thì có lá và cao hơn nữa là trời xanh, tầng mây. Cảnh hoàn toàn vắng lặng, nếu có xao động một chút: “khẽ đưa” “rơi vèo” thì cũng là để nhấn mạnh thêm tính chất thanh vắng ấy. Những đám mây cao xa chậm rãi, lơ lửng như đính hờ, đính nhẹ vào áo thu xanh. Mùa thu được nhìn lên rồi lại được nhìn xuống. “Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”. Luật viễn cận dược kết hợp thật hài hòa. Cái yên lặng đến mức gần như tuyệt đối của cảnh thu hoàn toàn tương ứng với tình thu. “Biết bao thời gian đã trôi qua trong không gian trong sáng tĩnh lặng ấy? Chắc là rất lâu, tư thế ngồi của ông câu như cũng bất động trước thời gian”. Đúng vậy, bài thơ nói chuyện đi câu, nhưng chỉ có hai câu thơ cuối bài mới nói đến người đi câu, nói đến cá đớp chân bèo:
 
Tựa gối, ôm cần, lâu chătng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
 
Cái tư thế của ông câu - giống như cảnh - cũng đang cố thu nhỏ lại. Hình như ông không để ý đến chuyện đi câu. Vậy thì ông câu đang có tâm trạng nào chăng? Trước hết, người đi câu “bất động” bởi đang lặng im giao cảm với thiên nhiên, lặng im để chọn cảnh thu, hồn thu “xâm chiếm lòng mình”. Hay nói khác đi, tâm hồn thi nhân đang rộng mở trước cảnh thu. Cái trong, cái tĩnh của hồn người ứng với cái trong cái tĩnh của cảnh thu, hồn thu. Cho đến nay, chưa ai biết được đích xác Nguyễn Khuyến viết bài thơ này vào lúc nào. Nhưng có điều chắc chắn là, nó được viết trong khoảng thời gian nhà thơ từ quan về quê, sống trong cảnh thanh bần. Lánh đục để về trong, nhưng đâu phải thi nhân không đau xót trước bụi trần, không chán ghét cảnh bon chen. Vậy nên, trong cái tư thế “tựa gối ôm cần” kia, biết đâu chẳng trĩu nặng tâm tư của người đi câu? Chỉ đến khi “cá đâu đớp động” mới khiến nhà thơ khi giật mình quay về với thực tại. Trong cái giật mình ấy, ta nhận ra chủ ý của người đi câu là “khát vọng câu thanh, câu vắng cho tâm hồn của một nhà thơ có phẩm cách thanh cao” (Trần Đình Sử), chứ không phải để giải trí đơn thuần.
 
Cùng với Thu ẩm và Thu Vịnh, Thu điếu đã góp thêm một bức tranh thu tuyệt đẹp bởi một trình độ “chạm trổ” nghệ thuật bậc thầy. Làng quê Việt Nam, qua những chi tiết hốt sức chọn lọc, giàu sức gợi đã hiện lên với tất, cả vẻ đẹp yên bình, đầy chất thơ trong sáng. Trong cái vắng lặng đến mênh mông ấy của cảnh thu, hồn thu, ta bắt gặp một nỗi niềm, một khát vọng Nguyễn Khuyến: được “câu thanh, câu vắng”, được giữ trọn khí tiết của mình. Đây là một khát vọng đáng quý của một nhân cách đáng trọng. 

shoppe