Đăng ký

Suy nghĩ về tình cảm bà cháu, tình yêu quê hương đất nước sâu sắc của Xuân Quỳnh qua bài thơ Tiếng gà trưa.

2,745 từ

Suy nghĩ về tình cảm bà cháu, tình yêu quê hương đất nước sâu sắc của Xuân Quỳnh qua bài thơ Tiếng gà trưa.

Tuổi thơ! Hai tiếng thiêng liêng và dịu ngọt vang lên nhắc nhở chúng ta về một thời không bao giờ quên. Tuổi thơ gắn liền với những gì thân quen, gần gũi, bình dị nhất. Đó là bờ đê ven sông vu thả diều mỗi chiều hè, là cánh đồng bát ngát cánh cò bay, là những đêm trăng nô đùa bên đình làng... Mỗi người đều mang trong mình những kỉ niệm riêng về tuổi thơ. Đối với người chiến sĩ trong thi phẩm Tiếng gà trưa của nữ sĩ Xuân Quỳnh thì tuổi thơ gắn liền với âm thanh tiếng gà và đặc biệt gắn liền với hình ảnh người bà tần tảo sớm hôm. Bài thơ như một tiếng ca trong trẻo, tha thiết về tình cảm bà cháu, tình yêu quê hương đất nước dạt dào.

Bài thơ mở đầu bằng lời kể rất tự nhiên:

Chỉ với hai câu thơ ngắn gọn, tác giả đã đem đến lượng thông tin rất chi tiết. Người đọc hiểu rằng nhân vật trữ tình trong bài thơ là một chiến sĩ, đang trên đường hành quân ra trận chiến đấu, dừng nghỉ ở xóm nhỏ. Thời, điểm miêu tả là thời điểm hiện tại. Giữa không gian xóm nhỏ vang lên:

Tiếng gà ai nhảy ổ 
“Cục... cục tác cục ta” 
Nghe xao động nắng trưa 
Nghe bàn chân đỡ mỏi 
Nghe gọi về tuổi thơ.

Tiếng gà vang lên giữa trưa thể hiện một không gian làng quê yên bình, tĩnh lặng. Tác giả tỏ ra là người rất am hiểu cuộc sống của thôn quê, đã miêu tả chính xác âm thanh tiếng gà: “Cục... cục tác cục ta”. Dấu ba chấm đặt giữa câu khiến cho tiếng gà mái nhảy ổ trở nên sống động. Tiếng gà ấy không chỉ vang lên xoá tan không gian đang tĩnh mịch mà tiếng gà ấy như tiếng chuông thức tỉnh tâm hồn người chiến sĩ. Tác giả sử dụng liên tiếp điệp từ “Nghe” cùng với biện pháp nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác trong ba câu thơ tiếp khiến hình ảnh thơ càng giàu sức biểu cảm. “Nắng trưa” vốn là hình ảnh cảm nhận bằng thị giác nay cảm nhận bằng thính giác, “xao động” là từ chỉ cảm nhận của cảm giác thì trong câu thơ dùng chỉ cảm nhận của thính giác. Có lẽ tiếng gà trưa không phải chỉ làm “xao động nắng trưa” mà quan trọng hơn làm “xao động”, xốn xang tâm hồn người chiến sĩ. Tiếng gà trưa như một vị thuốc tinh thần, xua tan đi bao mệt mỏi “Nghe bàn chân đỡ mỏi” và đặc biệt nó nhắc nhở người chiến sĩ về một miền kí ức, kí ức của tuổi thơ “Nghe gọi về tuổi thơ”. Nhà thơ không sử dụng từ “nhớ về” mà dùng “gọi về” như muốn nhấn mạnh sức lay động mạnh mẽ của âm thanh tiếng gà.

Miên man theo tiếng gà trưa, người chiến sĩ đang từ thời điểm thực tại nhớ về quá khứ tuổi thơ của mình. Hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong dòng hồi ức đó là hình ảnh:

Tiếng gà trưa
Ổ rơm hồng những trứng 
Này con gà mái mơ 
Khắp mình hoa đốm trắng 
Này con gà mái vàng 
Lông óng như màu nắng.

Cách miêu tả của tác giả rất tự nhiên và đầy sức gợi. Nhà thơ lựa chọn những màu sắc rất tươi sáng“hồng, vàng, trắng” để miêu tả một bức tranh được sắc màu. Từ “này” được điệp lại hai lần, đứng đầu mỗi dòng thơ có tác dụng nhấn mạnh, tạo sự chú ý với người đọc. Tác giả chẳng khác nào một người họa sĩ đang giới thiệu với mọi người vẻ đẹp của bức tranh gà mái vàng đầy sức sống. Tuy nhiên, tiếng gà trưa, hình ảnh gà mái đẹp rực rỡ chỉ là nền để nhắc nhở người con xa quê về một người thân thiết, một người bà kính yêu, suốt đời tần tảo, nuôi cháu lớn khôn. Điều hấp dẫn là ở đây hình ảnh bà không xuất hiện bắt đầu với dáng lưng còng quen thuộc mà xuất hiện với tiếng “mắng yêu”:

Tiếng gà trưa
Có tiếng bà vẫn mắng
Gà đẻ mà mày nhìn 
Rồi sau này lang mặt! 
Cháu về lấy gương soi 
Lòng dại thơ lo lắng.

Hình ảnh người bà hiện lên rất tự nhiên, chân thực, gần gũi. Bà hiện lên với hành động, cử chỉ tảo tần, cần mẫn, cẩn thận:

Tiếng gà trưa
Tay bà khum soi trứng 
Dành từng quả chắt chiu 
Cho con gà mái ấp.

Từ láy “chắt chiu” đã gợi lên trong tâm trí người đọc, hình ảnh người bà nâng niu từng quả trứng. Bà đang nuôi dưỡng sự sinh sôi, nảy nở của đàn gà. Việc làm đó xuất phát từ tình yêu của bà dành cho cháu, vì vậy nó càng thiêng liêng, đáng quý:

Cứ hàng năm hàng năm
Khi gió mùa đông tới !
Bà lo đàn gà toi
Mong trời đừng sương muối 
Để cuối năm bán gà 
Cháu được quần áo mới.

Bà lo lắng làm lụng vất vả tất cả chỉ vì đứa cháu thân yêu. Sáu dòng thơ là lời kể tâm tình, chứa chan bao cảm xúc. Đặc biệt hai câu cuối cho bận đọc thấy được tình cảm vô bờ bến của bà. Ta như cảm nhận được nụ cười rạng ngời niềm vui của bà khi thấy đứa cháu hạnh phúc, vui sướng với quần áo mới: “Ôi cái quần chéo go - ống rộng dài quét đất - Cái áo cánh trúc bâu - Đi qua nghe sột soạt”.Dù đó chỉ là “Cái quần chéo go”, hay “Cái áo cánh trúc bâu” giản đơn nhưng nó lại thấm đượm tình bà cháu. Vì vậy, nó càng trở nên ý nghĩa, đẹp hơn hết thảy quần áo lụa là, gấm vóc.

Bài thơ kết lại với sự quay về thực tại của nhân vật trữ tình cùng lời hứa đầy quyết tâm:

Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu Tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi, cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Ổ trứng hồng tuổi thơ.

Nhà thơ đã khéo léo trong việc tổ chức các hình ảnh, từ hình ảnh lớn lao, kì vĩ như “Tổ quốc, xóm làng” đến hình ảnh cụ thể, gần gũi, nhỏ bé là bà, là tiếng gà cục tác là “ổ trứng hồng”. Tình yêu Tổ quốc luôn đứng trên tất cả và với người chiến sĩ này dường như tình yêu đó được chắt chiu, kết tinh từ những tình yêu bình dị. Nói cách khác, động lực thôi thúc người chiến sĩ ra trận là sự bình yên của xóm làng, sự bình yên của bà và cả sự bình yên của những giấc mơ tuổi thơ. Bài thơ khép lại với hình ảnh thật đẹp, thật bình yên “ổ trứng hồng tuổi thơ”.

Tiếng gà trưa thực sự là một thi phẩm đặc sắc từ hình thức thể hiện đến nội dung biểu đạt. Bài thơ được làm theo thể thơ 5 chữ, cách gieo vần rất tự nhiên. Đặc biệt câu thơ ba chữ “tiếng gà trưa”được lặp lại bốn lần ở đầu các đoạn thơ có tác dụng nhấn mạnh và kết nối liền mạch các khổ thơ với nhau. Tiếng gà đã đánh thức bao kỉ niệm, bao tình cảm thiêng liêng của người chiến sĩ. Người đọc hiểu rằng tình yêu nước có thể được đánh thức, bắt đầu từ những gì bình dị nhất.

Đã hơn hai mươi năm trôi qua kể từ ngày nữ sĩ Xuân Quỳnh cùng chồng và con trai ra đi sau tai nạn thảm khốc nhưng những vần thơ của chị vẫn còn sống mãi trong lòng bạn đọc. Nếu phải chọn những bài thơ đặc sắc nhất viết về tình cảm bà cháu, về kỉ niệm tuổi thơ, tôi tin chắc rằng sẽ không thể không có Tiếng gà trưa. Một bài thơ chứa chan nỗi niềm cảm xúc, thấm đượm tình yêu thương.

shoppe