Kể một chuyện theo ngôi kể thứ nhất có kết hợp với miêu tả và biểu cảm
Kể một chuyện theo ngôi kể thứ nhất có kết hợp với miêu tả và biểu cảm
Khi đứa em gái út của tôi cất tiếng khóc chào đời thì lúc đó tôi mới tám tuổi và em trai tôi lên sáu tuổi. Trước đó, tôi thường được cha mẹ là “chị lớn” còn thằng em tôi là “em bé”.
Sự có mặt của em gái thật sự gây kinh ngạc cho hai đứa tôi. Thời đó, không ai quan tâm lắm đến vấn đề tranh giành gia tài giữa anh em ruột, cũng chẳng ai dạy chúng tôi cách cư xử ra sao với một đứa trẻ sơ sinh khác trong nhà. Tuy nhiên, ông bà chúng tôi rất tuyệt và hết mực yêu thương con cháu.
Bản thân tôi rất thương em bé mới sinh, tôi muốn được ẵm em và chăm sóc cho em. Nhưng em trai tôi lại khác hẳn. Nó nhìn em bé một tí rồi bỏ đi, nó thích chơi trong phòng nó hơn. Khi tôi tìm nó để trò chuyện và rủ nó đi chơi với tôi thì nó quay đi chỗ khác có vẻ bực bội. Nó buột miệng hỏi tôi: “Tại sao bố mẹ lại đi mua con búp bê già thế nhỉ?”.
Chiều tối hôm đó, ông ngoại đến thăm em bé. Khi ông ẵm em, ông nói với em trai tôi: “Này cháu biết không, em bé hiền và giống con cừu ông nuôi ngoài nông trại lắm. Ông phải chăm sóc con cừu và đút cho con cừu ăn thường xuyên cũng giống như mẹ phải chăm sóc và cho em bé ăn thường xuyên ấy mà, cho nên cháu đừng ganh tị với em bé nhé!”.
Em trai tôi nói: “Nhưng mà thưa ông, cháu thích có cừu hơn!”. Nó nói nhỏ lắm nhưng đủ để ông tôi nghe.
Mặc dù ông tôi khá lớn tuổi (ít nhất cũng phải năm mươi, tôi đoán thế), nhưng tai còn tốt lắm, và ông nghe được hết mọi phàn nàn của em trai tôi.
“À, vậy sao?”, ông tôi trả lời, “Nếu cháu thích có cừu hơn thì chúng ta trao đổi nhé. Ông sẽ để cháu suy nghĩ một ngày và nếu cháu cứ khăng khăng đòi đổi em bé lấy một con cừu thì ngày mai ông cháu mình đổi nhé!”.
Lúc đó dường như tôi thấy ông tôi nháy mắt với mẹ, nhưng có lẽ tôi lầm vì ông chẳng bao giờ nháy mắt với ai cả. Sau khi ông rời khỏi, mẹ hỏi em tôi có muốn mẹ đọc truyện cho nghe không. Thế là nó chịu ngay và leo lên nằm cuộn tròn bên mẹ, mẹ đọc cho nó khá lâu.
Trong lúc nghe, mẹ tôi cứ ngắm em bé mãi, và khi mẹ đi lấy tã thay cho em bé, mẹ bảo em tôi giữ em bé giúp mẹ. Khi quay về, mẹ tôi thấy em trai tôi đang vuốt ve mái tóc đen mượt của em bé và khi em tôi nắm lấy tay em bé, em bé cũng nắm lấy tay em trai tôi.
“Mẹ ơi, mẹ nhìn kìa! Em bé nắm lấy tay con kìa mẹ!”.
“Chứ sao con. Em bé biết con là “anh lớn” của nó mà”. Mẹ mỉm cười bảo thế.
Thích quá! Thế là em tôi nắm tay em bé lâu hơn và đêm đó nó đem cả nụ cười vào giấc ngủ. Chiều hôm sau, ông tôi đến như đã hứa, ông gọi em tôi tới và nói chuyện:
“Nào cháu sẵn sàng đổi em bé lấy cừu chưa nào?”.
“Dạ bây giờ em bé bằng hai con cừu”. Ông tôi vờ tỏ ra sửng sốt trước việc thay đổi giá cả đột ngột của em tôi. Sau đó, ông bảo rằng ông phải suy nghĩ lại và hứa tối hôm sau quay lại.
Ngày hôm sau là thứ bảy, tôi và em trai chơi với em bé suốt cả ngày, chúng tôi nhìn mẹ tắm cho em, ngắm em ngủ và ôm em. Em trai tôi ẵm em bé những hơn ba lần. Và rõ ràng, nó tỏ ra rất lo lắng khi ông đến thăm và kêu nó ra bàn bạc. “Cháu biết không, ông phải suy nghĩ cả ngày về chuyện làm ăn giữa ông cháu ta đấy. Ông thấy cháu nói thách quá nhưng mà thôi, ông đã quyết định rồi, ông đồng ý đổi hai con cừu cho cháu để lấy em bé”.
Em tôi chần chừ giây lát rồi lên tiếng: “Dạ thưa ông, em cháu được thêm một ngày tuổi rồi, và bây giờ cháu nghĩ em cháu đáng giá năm con cừu”.
Ông tôi tỏ ra rất ngạc nhiên và ông nhè nhẹ lắc đầu:
“Ông không biết tính sao nữa. Ông sẽ phải về nhà và suy nghĩ thật kĩ cái giá mà cháu đưa ra. Có lẽ ông phải nói chuyện với ngân hàng để vay thêm tiền mua cừu”.
Ông tôi nói xong liền rời khỏi nhà nhưng riêng em tôi thì hãy còn lo lắm. Tôi cố rủ em cùng chơi nhưng nó chẳng đếm xỉa tới mà lại chạy vào phòng mẹ và ôm em bé lâu hơn. Nó sợ mất em bé!
Ngày hôm sau nữa, đó là ngày chủ nhật. Ông đến thăm chúng tôi vào đầu giờ trưa. Ông bảo ông phải đến sớm là vì ông còn phải giúp lừa năm con cừu vào chuồng cho em tôi và chuẩn bị phòng cho em bé ở nhà ông.
Em tôi nghe nói thế, nó thu hết can đảm, hít một hơi dài, nhìn thẳng vào ông tôi và tuyên bố: “Bây giờ em bé đáng giá năm mươi con cừu”. Ông tôi nhìn nó với đôi mắt mở to hết mức và lắc đầu: “Ông chịu thôi! Ông nghĩ ông phải hủy hợp đồng giữa chúng ta. Ông không đủ tiền để đổi năm mươi con cừu lấy một em bé. Ông nghĩ tốt hơn hết là cháu nên giữ em bé lại và giúp cha mẹ chăm sóc em!”.
Em trai tôi quay về phòng em bé với nụ cười chiến thắng trên môi, nó nào có hay rằng chính lúc đó tôi thấy ông tôi nháy mắt với mẹ.