Soạn bài Quê hương của Tế Hanh hay nhất - Ngữ văn 8 tập 2
Với bài thơ Quê hương của nhà thơ Tế Hanh, Cunghocvui xin gửi đến các bạn phần Soạn bài Quê hương đầy đủ và chi tiết nhất. Cùng tham khảo qua bài viết dưới đây các bạn nhé!
Bố cục:
Bài thơ được chia làm 4 phần:
Phần 1: 2 câu thơ đầu
Nội dung: Nhà thơ giới thiệu sơ qua về làng quê ven biển của người dân làng chài
Phần 2: 6 câu thơ tiếp theo
Nội dung: Miêu tả cảnh những con thuyền của người dân ra khơi đánh cá
Phần 3: 8 câu thơ tiếp theo
Nội dung: Miêu tả cảnh những con thuyền trở về
Phần 4: 4 câu thơ cuối
Nội dung: Nỗi nhớ quê hương của nhà thơ Tế Hanh
Xem thêm Dàn ý Cảm nhận bài thơ Quê hương
Cảm nhận về bài thơ Quê hương của Tế Hanh
Câu 1 (Trang 18 SGK Ngữ văn 8 tập 2)
Ở cả hai câu thơ đều sử dụng biện pháp so sánh. Nhưng đó là hai cách so sánh khác nhau, đem lại hiệu quả nghệ thuật cũng khác nhau.
- Câu trên (Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã) là so sánh một vật cụ thể, hữu hình này với một vật cụ thể, hữu hình khác. Con thuyền bơi trên sông hăng hái như con ngựa đẹp, khoẻ đang phi nhanh về phía trước. So sánh như vậy làm nổi bật sự hăng hái, mạnh mẽ của con thuyền ra khơi.
- Câu dưới (Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng) là so sánh một vật cụ thể, hữu hình (cánh buồm giương to) với một cái trừu tượng, vô hình mang ý nghĩa thiêng liêng (mảnh hồn làng). So sánh như vậy không làm cho hình ảnh cánh buồm được cụ thể, rõ nét hơn nhưng khiến cho cánh buồm vô tri trở nên có hồn và mang ý nghĩa lớn lao, trang trọng. Cánh buồm căng gió trở thành một biểu tượng đẹp, đầy ý nghĩa của làng chài.
Câu 2 (Trang 18 SGK Ngữ văn 8 tập 2)
Hai câu thơ sau đều miêu tả người dân chài:
"Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng,
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm"
Cách miêu tả ở mỗi câu mỗi khác, ở câu trên, tác giả tả lần da ngăm rám nắng của. những người lao động nơi biển cả, thường là dưới ánh nắng chói chang. Đây là câu thơ tả thực, làm nổi bật một nét ngoại hình tiêu biểu thường thấy của người dân chài.
Câu thứ hai là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo. Tuy vẫn nói về thân hình người lao động làng chài nhưng không phải được miêu tả bằng thị giác (như câu trên) mà chủ yếu được cảm nhận bằng tâm hồn nhà thơ : vẻ đẹp khoẻ khoắn, lớn lao, đầy lãng mạn của những đứa con của biển khơi ; cả thân hình như thấm đượm “vị xa xăm” của biển khơi bao la, khoáng đạt và đầy bí ẩn. Chú ý : “thân hình nồng thở” và “vị xa xăm” đều là cách nói không có trong ngôn ngừ thông dụng, ở đây, có một hiệu quả nghệ thuật bắt ngờ, thú vị.
Câu 3 (Trang 18 SGK Ngữ văn 8 tập 2)
Tranh phong cảnh là tranh về cảnh đẹp của thiên nhiên, tranh sinh hoạt là tranh về những cảnh sinh hoạt như lao động, vui chơi, mua bán,… của con người. Bài Quê hương mở ra trước mắt người đọc nhiều bức tranh về quê hương làng chài của tác giả. Đó vừa là tranh phong cảnh (cảnh “trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng” ở phần đầu, cảnh “màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi” vẽ khái quát làng quê trong nỗi nhớ của tác giả ở khổ thơ cuối), vừa là những bức tranh sinh hoạt: tiếp sau hai câu mở đầu là đoạn thơ sáu câu miêu tả cảnh đoàn thuyền ra khơi đánh cá ; tám câu tiếp theo là cảnh “dân làng tấp nập đón ghe về”.
Câu 4 (Trang 18 SGK Ngữ văn 8 tập 2)
Nghệ thuật của bài thơ Quê hương:
- Hình ảnh thơ vô cùng sáng tạo, độc đáo
- Nghệ thuật so sánh được sử dụng khéo léo, tinh tế
- Ngôn từ gần gũi, giản dị mà gợi nhiều liên tưởng sâu xa
- Vừa có tính tự sự, vừa có chất biểu cảm
Thông qua phần Soạn bài Quê hương của nhà thơ Tế Hanh, Cunghocvui hi vọng đây sẽ là phần trả lời câu hỏi chính xác nhất, giúp ích cho việc học tập môn Ngữ văn của các bạn học sinh!