Cảm nhận bài thơ "Quê hương" của Tế Hanh (2).
Đề bài
Đề bài: Cảm nhận bài thơ Quê hương của Tế Hanh
Hướng dẫn giải
Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã từng hỏi rằng: “Quê hương là gì hở mẹ?/ Mà cô giáo dạy phải yêu”. Quê hương hai tiếng thiêng liêng, da diết khắc khoải, tự thân mỗi người đều có những định nghĩa riêng về nó, nhưng có thể tựu chung lại quê hương chính là những gì gần gũi, thân thuộc nhất đối với mỗi chúng ta. Viết về đề tài quê hương đã có không ít bài thơ hay, xuất sắc và một trong những bài thơ đó chính là bài Quê hương của nhà thơ Tế Hanh.
Quê hương được ông viết vào năm 1939 khi ông còn là học sinh của trường Trung học tại Huế. Những ngày tháng xa quê hương, nỗi nhớ gia đình khắc khoải đã giúp ông hun đúc nên những vần thơ tràn đầy cảm xúc thiết tha, thương nhớ nơi chôn rau cắt rốn.
Làng tôi hai tiếng gọi chao ôi là thân thương, gần gũi để mở đầu nỗi nhớ da diết về quê hương:
Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông
Hai câu thơ thật ngắn gọn mà cũng chứa biết bao tình cảm, giới thiệu đôi nét về nơi Tế Hanh được sinh ra, là một làng chài ven biển. Giọng thơ tâm tình, tha thiết, rất đỗi dân dã như một lời kể nể chân thành với những người xung quanh. Làng tôi gợi nhắc biết bao kỉ niệm đẹp đẽ, kỉ niệm vể thiên nhiên, cuộc sống lao động của con người nơi đây:
Khi trời trong gió nhẹ sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió
Khung cảnh thiên nhiên hiện lên thật trong sáng, đẹp đẽ, chúng làm ta bất giác nhớ đến những câu văn của Nguyễn Tuân khi được ngắm nhìn cảnh mặt trời mọc trên đảo Cô Tô: “chân trời, ngấn bể sạch như tấm kính lau hết mây hết bụi….”. Trong khung cảnh trong lành và thanh bình ấy, những người dân lao động cường tráng, khỏe mạnh trên những chiếc thuyền nhẹ mình băng ra biển. Chỉ trong vài câu thơ ngắn ngủi nhưng Tế Hanh đã sử dụng hàng loạt các hình ảnh so sánh, nhân hóa: như con tuấn mã, như mảnh hồn làng, rướn thân trắng,… diễn tả khung cảnh lao động hăng say, đầy khí thế của cả con người và sự vật. Đặc sắc nhất chính là hình ảnh so sánh cánh buồm được ví với mảnh hồn làng. Ở một làng nghề chài lưới, cánh buồm vốn là biểu tượng cho làng xóm, cho quê hương. Với hình ảnh này, còn ngầm ẩn lòng tự hào và sức mạnh của dân làng chài với ước mơ về một cuộc sống đủ đầy, no ấm, hạnh phúc. Đồng thời nó cũng là biểu tượng cho khát vọng chinh phục biển cả của con người.
Sau một ngày lao động hăng say, vất vả, con người trở về trong niềm vui, hạnh phúc của những chiếc ghe đầy cá:
Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng
Câu thơ đầu mang đậm âm hưởng dân gian: “Ơn trời mưa nắng phải thì Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu/ Nhờ trời hạ kế sang đông/ Làm nghề cày cấy, vun trông tốt tơi” . Câu thơ cho thấy lời cảm tạ chân thành, sâu sắc đến đất trời đã cho một thời tiết thuận lợi, để thu về những mẻ cá đầy khoang. Những con cá tươi ngon, tiếng ồn ào trên bến đỗ đã cho thấy không khí lao động khẩn trương, niềm vui, hạnh phúc về một cuộc sống đủ đầy.
Đằng sau thành quả lao động ấy là sự lao động chăm chỉ, cần cù của những người dân chài lưới. Chân dung họ hiện lên thật đẹp đẽ, tựa như những đứa con của biển cả:
Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm
Chỉ với hai chữ nồng thở nhưng cũng đủ để khái quát nhịp sống lao động hăng say, khẩn trương của những người con biển cả. Hai câu thơ sau thật đẹp và lãng mạn, những chiếc thuyền được nhân hóa thành một sinh thể sống, mỏi mệt về nằm nghỉ ngơi sau một ngày hăng say lao động: “Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm/ Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ” . Những câu thơ cuối cùng của bài là nỗi nhớ khôn nguôi của tác giả về những thứ thân thuộc, gần gũi: màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi,… cả một đời sâu nặng gắn bó trong kí ức tuổi thơ ông. Tiếng thơ trở nên ngân vang, da diết, giàn trải hơn, đầy nhờ thương.
Bài thơ Quê hương đã ra đời hàng chục năm nhưng mỗi lần đọc lại ta vẫn không ngừng thổn thức, và tìm thấy nỗi nhớ thương quê nhà của chính bản thân trong từng câu chữ ấy. Với ngôn ngữ thơ giản dị, giọng điệu hồn hậu tha thiết kết hợp với các hình ảnh so sánh, nhân hóa đặc sắc, Tế Hanh đã tạo nên một thi phẩm xuất sắc về quê hương và tình yêu đất nước.