Phân tích bài thơ "Quê hương" của Tế Hanh (5).
Đề bài
Đề bài: Phân tích bài Quê hương của Tế Hanh
Hướng dẫn giải
Đỗ Trung Quân đã từng viết:
Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
Tiếng quê hương ngọt ngào, rất đỗi thiêng liêng với mỗi chúng ta. Đó là nơi ta được sinh ra, nuôi ta khôn lớn, trưởng thành. Đối với Tế Hanh cũng vậy, vừa trưởng thành đã rời xa quê hương, trong ông là nỗi nhớ cồn cào, da diết đối với nơi chôn rau cắt rốn. Đây là nguồn cảm hứng giúp ông sáng tác bài thơ Quê hương.
Bài thơ mở đầu bằng cách xưng danh, thật tự nhiên, chân thành và mộc mạc: Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới/ Nước bao vây cách biển nửa ngày sông. Sau lời thơ mở đầu đó, Tế Hanh hồi tưởng về quá khứ, một quá khứ thật đẹp đẽ, trong lành, mát dịu. Không gian mở ra vô cùng khoáng đạt, rộng rãi với trời trong, nắng mai hồng, không gian được phủ một lớp màu vừa huyền ảo vừa ấm áp. Và trong không gian đó những người dân lao động cần mẫm tiến hành công cuộc chinh phục biển cả của mình.
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang
Những chàng trai khỏe mạnh, đầy hào hứng, lòng yêu lao động lên đường. Hòa trong không khí chung ấy, còn thuyền dường như phấn chấn hẳn lên, chúng lao nhanh như những con tuấn mã, lướt trên sóng biển, vượt qua trường giang. Có thể thấy đây là chuyến ra khơi đầy thuận lợi, hào hứng khi có sự hòa điệu hài hòa giữa cả con người và thiên nhiên. Trên nên kể và tả rất thực ấy là một hình ảnh thơ đẹp đẽ, đầy tính biểu tượng:
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió.
Cánh buồm vốn là một vật thể hữu hình, nhưng dưới con mắt của Tế Hanh đã được trừu tượng hóa, biến thành mảnh hồn làng, biểu tượng cho người dân chài lưới. Cánh buồm ra khơi với khí thế hào hùng, mạnh mẽ, chính là nhịp sống, nhịp thở của quê hương. Bởi vậy cái rướn thân trắng kia cũng chính là biểu tượng cho sức sống mạnh mẽ, dồi dào của người dân nơi đây. Từ đó cánh buồm mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, đẹp đẽ.
Cảnh đoàn thuyền ra khơi hào hứng, khí thế thì khi ra về ngập đầy vui tươi, hạnh phúc. Những tiếng ồn ào không phải báo hiệu một chuyến đi thất bại, mà đó là chuyến đi thu về những mẻ cá lớn, mọi người tấp nập đón những chiếc ghe trở về, trong lòng đầy hân hoan và cất tiếng cảm tạ trời đất: “Nhờ ơn trởi biển lặng cá đầy ghe/ Những con cá tươi ngon thân bạc trăng” . Tác giả không đi miêu tả một gương mặt, một chân dung cụ thể mà là của chung tất cả mọi người. Không khí rộn ràng, vui vẻ vừa có sự nhẹ nhõm, thỏa mãn, nhờ trời biển phù hộ đã đem đến cho họ cuộc sống ấm nó hạnh phúc.
Trong khung cảnh hết sức thanh bình đó, chân dung những đứa con của biển một lần nữa xuất hiện:
Dân chài lưới làn da ngăm dám nắng
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về năm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ
Làn da rám nắng chính là minh chứng đầy đủ cho cuộc sống mưu sinh vất vả, ngày ngày đối mặt với sương gió biển cả. Nhưng chính điều ấy đã làm nên sự mạnh mẽ, rắn rỏi cho những con người nơi đây. Sống và làm việc cùng biển khơi, chất mặn mỏi của biển, của gió đã thấm đượm, hòa quyền trong cả thân hình, cả hơi thở của những con người nơi đây. Và họ chính là những đứa con của vị thần biển cả. Con thuyền sau những hăng hai như con tuấn mã, phăng mái chèo mạnh mẽ vượ lên nay cũng năm im nghỉ ngơi và nghe chất muối thầm dần trong thớ vỏ. Câu thơ cho thấy tình yêu quê hương, sự gắn bó sâu nặng của tác giả với sự vật nơi đây. Bởi chỉ có người thực sự gắn bó mới cảm biết được cái mỏi mệt, chất mỏi đang thấm dần trên cơ thể những chiếc thuyền.
Bài thơ kết thúc trong nỗi nhơ da diết khắc khoải với những sự vật hiện tượng hết sức quen thuộc, gần gũi: cá bạc, buồm vôi, …. Đặc biệt là mùi vị riêng của biển cả của quê hương “mùi nồng mặn”.
Quê hương là tác phẩm tiêu biểu cho hồn thơ dịu dàng, đằm thắm tha thiết của Tế Hanh. Với ngôn ngữ trong trẻo, giàu cảm xúc, hình ảnh thơ sinh động ông đã tái hiện lại đầy đủ vẻ đẹp của quê hương, của đất nước Việt Nam. Qua bài thơ đã thể hiện và khẳng định tình yêu quê hương sâu nặng và da diết của tác giả.