Đăng ký

Phát biểu cảm nghĩ của em sau khi đọc xong bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính

2,852 từ

Phát biểu cảm nghĩ của em sau khi đọc xong bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông…

Câu thơ như con gió heo may rải đồng, tuy có bâng khuâng nhưng chưa có gì là cụ thể cả. Một nỗi nhớ mơ hồ kiểu “Hôm nay trời nhẹ lên cao, Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” của Xuân Diệu, chỉ khác ở chỗ: nó bát. ngát đồng quê. Không phú, tỉ, như ca dao, bài thơ bắt đầu bằng chính cái mà nhà thơ chợt có ở trong lông rồi gọi nó thành tên: nỗi nhớ. Nhưng vì sao không nói: anh nhớ?

Tính chất ước lệ khi nói về địa danh là của ca dao (Làm trai cho đáng nên trai, Xuống Đông Đông tĩnh, sang Đoài Đoài yêu). Nhưng ca dao khi nói đến nhớ thương thường dùng đến các loại chất liệu đời thường hỗ trợ: tấm áo, chiếc khăn, ngọn đèn, thuyền, bến… Thì ở đây, để cụ thể hoá cái chủ thể nhớ nhung và đối tượng của nỗi nhớ nhung lại là một dại từ kép: “Một người” (Một người chín nhớ mười mong một người). “Một người” không đơn nghĩa, tuy một mà là hai và tuy hai lại là một. Hai chữ “Một người” ở đầu và cuối thơ chính là mốc giới của cái cầu Ô Thước nối hai bờ bằng những sợi dọc sợi ngang của “chín nhớ mười mong”. Hai câu khai vị có phần đột ngột vì bữa tiệc tinh thần như thế thì có phần khó chấp nhận với người nghe. Mặc cảm ấy được tháo gỡ bằng hai Câu xí xoá:
 
Gió mưa là chuyện của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
 
Thì ra trời cùng với người đồng bệnh, căn bệnh muôn thuở từ khi khai thiên lập địa đến nay. Một ý nghĩa thật táo bạo và nên thơ! Nó mở rộng phạm trù, nó dân chủ hoá, bình đẳng hoá căn bệnh tương tư. Tạo ra được một thế liên minh như thế, bài thơ đã nhập đề một cách ý nhị, có duyên, gợi được sự thông cảm.

Từ đó, ba khổ thơ kế tiếp chính là sự phát triển, mở rộng khái niệm tương tư, nhưng ở vào thế liên kết tài tình. Ta như thấy một khung nhà bề thế, vuông vức hiện lên với những cột kèo, quá giang, dui mè đầy đủ lệ bộ mà người thợ cả không đóng đến một chiếc đinh hay buộc thêm một nút lại. Ấy là nhờ vào mộng mẹo, nhờ vào trí khôn với sự lắp ghép như thần, ở đây có hai hình thức liên kết. Hình thức thứ nhất là sự lặp lại như giữa khổ một với khổ hai. Nếu khổ một bắt đầu với “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông” thì khổ hai “Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này” (Một sự lặp lại nhưng có sự đổi chỗ cho nhau). Hình thức thứ hai của sự liên kết chính là sự giằng kéo lẫn nhau của khổ hai (Hai thôn chung lại một làng, Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này) sinh nở ra khổ ba (Bảo rằng cách trở đò giang) thì cặp lục bát thứ hai của chính khổ ba lại hoá kiếp đầu thai thành khổ bên (Tương tư thức mấy đêm rồi). Riêng khổ kết lại “niêm” với khổ đầu, thương nhớ với rất nhiều những thôn Đoài thôn Đông, với nhà em nhà anh, những cau với trái trầu thật bối rối tâm can!
 
Bây giờ đi vào ý chính của bài thơ với chất thơ hai giọng: Trách móc thở than. Trước hết nói về sự trách móc. Đề trách móc trong nhớ nhung, người la tìm ra những cái cớ. Những cái cớ này nhiều khi rất vô tình, trách không oan. Cái cớ ở đây mà chàng trai đưa ra chỉ xoay quanh cái trục của ý thơ xưa: “Hữu duyên thiên lí năng tương ngộ”, hay ca dao cùng nói “Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo”. Vậy mà ở đây, giữa chàng với nàng đâu có cách núi, cách sông giữa. “Hai thôn chung lại một làng” đâu có phải là “thôn lí”? Không những trách móc mà còn như chì chiết, đay nghiến:
 
Bảo rằng cách trở đò ngang
Không sang là chẳng đường sang dã đành
Nhưng đây cách một đầu đình
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi.
 
Đúng là ở đây, Nguyễn Bính đã dùng lục bát điệu nói chứ không phải lục chất điệu ngâm (như Truyện Kiều chẳng hạn), ngôn ngữ gần gũi để nói được nỗi niềm sâu kín một cách hồn nhiên. Giọng điệu có tính chất phân trần cũng nhằm vào cái đích ấy. Những từ lặp như từ sang, từ xa xôi có một trọng âm ý nghĩa nhấn vào sự bất công, lỡ dở mà người nói là nạn nhân. Còn với cách lập luận người ta thế kia còn mình thế nọ lại có gì như oan ức làm tăng lên cái tâm trạng giận hờn rất dễ thương của người trong cuộc. Trách ở đây là trách nhẹ, giận cũng là giận yêu. Xét cho cùng đó cũng là một thứ hạnh phúc “Được giận hờn nhau sung sướng biết bao nhiêu” (Xuân Diệu). Nhưng trách giận hay đay nghiến, tất cả đều rất ngây thơ theo cái lối suy diễn một chiều. Bởi lẽ tình yêu của chàng trai chỉ là tình yêu đơn phương, tình yêu một phía. Phía người con gái đâu đã có “năm tao bảy tuyết” hò hẹn gì mà chàng trai có quyền trách giận? Do vậy, có nói thế, nói nữa cũng chẳng động lòng ai!
 
Tất cả đều đặt trên cái nền giả tưởng mà tiếng đồng vọng không cốt để ai nghe, chỉ mình nói mình nghe, nghe trong sự lẻ bóng, cô đơn mà trở nên tha thiết, não lòng: “Ngày qua, ngày lại qua ngày, Lá xanh nhuộm dã thành cây lá vàng”
 
Cái đau của từ “nhuộm” không chỉ là ở chỗ nó khác với “nhuộm” như có người đã so sánh ở sự hoàn tất hay khởi đầu một quá trình biến đổi, mà cái chính là tâm trạng hoá thiên nhiên, chủ quan hoá khách quan tạo nên một đồng cảm giữa tạo vật với con người. Trong sự đồng cảm ấy, một chuỗi thời gian vô vọng đã diễn ra, ngày nọ nối ngày kia “Sầu đong càng lắc càng đầy”. Lá vàng của cỏ cây tưởng là lẽ tất nhiên khi mùa thu đến, nhưng không phải. Vốn là hi vọng tươi xanh, nay nó tàn héo mất rồi. Hai câu thơ ấy gợi nhớ hai câu thơ khác có mô típ tương đương:
 
Thu sang, rồi lại thu sang
Cúc bao lần nở thu vàng bao rơi
(Dòng dư lệ)
 
Đến đây thì giọng thơ thương mình mới nức nở trào dâng: “Tương tư thức mấy đêm rồi, Biết cho ai, hỏi ai người biết cho!” Có một sự kìm nén trong lòng nhưng cầm lòng không được giống như Nguyễn Khuyến khi mất Dương Khuê: “Câu thơ nghĩ đắn đo không viết, Viết đưa ai, ai biết mà đưa”. Cũng hun hút xa xôi một đợi trông cách trở, chỉ có khác một là tình yêu, một là tình bạn mà thôi. Là tình bạn nay kẻ mất người còn, điều ấy thì còn có lí, nhưng với tình yêu, nó thật phi lí:
 
Bao giờ bên mới gặp đò
Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?
 
Câu thơ hàm nghĩa mỉa mai ở sự đối lập một là “hoa khuê các” với một là “bướm giang hồ”.
 
Kết thúc bài thơ là một dụng công nhưng có phần lộ liễu. Dụng công là ở chỗ người thơ đã gọi gió bốn phương theo lối dồn dập bắc cầu. Thôi thì trầu cau, nhà em nhà anh, thôn Đoài thôn Đông đủ hết, giống như một thứ lễ cưới tinh thần nhưng cô dâu trốn biệt:
 
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào?
 
Hai câu kết chỉ là một khoảng trông dành cho một người mà chúng ta đều biết đó là ai. Chỉ cần thay thế “thôn nào” bằng “thôn nàng” là xong, nhưng như thế thì ý tứ lộ ra hết. Ngay như nói “thôn nào” cùng có úp mở gì chăng? Cần một cách nói kín đáo hơn, nhưng có lẽ vì quá yêu mà chàng trai đã không tìm được cho mình một nơi ẩn nấp?