Đăng ký

Phân tích vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh qua bài thơ Chiều tối

2,688 từ Phân tích

Phân tích vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh qua bài thơ Chiều tối

     Maiacôpxki đã nói rằng: “Trên đời, có những thứ chỉ giải quyết được bằng thơ.” Thơ ca tựa như một liều thuốc công hiệu cao, có thể xoa dịu mọi nỗi đau, cực nhọc trên thể xác và cả tinh thần của con người. Có một nhà thơ, nhà cách mạng lớn của dân tộc, cũng đã gói ghém nỗi đau đớn giày vò vào từng tiếng thơ: Hồ Chí Minh. Tập thơ nổi tiếng “Nhất ký trong tù” (Ngục trung nhật ký) là tác phẩm nổi tiếng được Hồ Chí Minh sáng tác trong thời gian tù đày mà điểm sáng chính là bài thơ “Chiều tối”. Phân tích vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh qua bài thơ Chiều tối trong bài viết dưới đây!

Mở bài vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh qua bài thơ chiều tối

     Cái đẹp có một năng lực độc đáo là cảm hóa tâm hồn người, biến những thứ khó khăn trở nên dễ dàng và đơn giản. Đứng trước vẻ đẹp thiên nhiên trong khung trời trên đỉnh núi buổi hoàng hôn, Hồ Chí Minh đã “tức cảnh sinh tình” sáng tác nên bài thơ “Chiều tối” (Mộ). Ở đó, chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên và vẻ đẹp tâm hồn ẩn sâu bên trong của người cách mạng.

Phân tích vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh qua bài thơ Chiều tối- CungHocVui

Phân tích vẻ đẹp tâm hồn Hồ Chí Minh trong chiều tối

Thân bài phân tích vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh qua bài thơ chiều tối

     Trải qua suốt thời gian chịu sự giam cầm của nhà tù Tưởng Giới Thạch, Hồ Chí Minh đã sáng tác tập thơ “ Nhật ký trong tù”. Trong đó, “Chiều tối” (Mộ) là điểm sáng của tập thơ, bộc lộ tâm trạng của nhà thơ trong lần chuyển lao gian khổ.

     Mở đầu bài thơ, người đọc ấn tượng sâu sắc trước khung cảnh thiên nhiên vô cùng khoáng đạt, rộng lớn:

                    Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

                    Tầng mây lơ lửng dưới tầng không

     Sử dụng các hình ảnh tượng trưng quen thuộc của thơ Đường “chim”, “mây”, nhà thơ đã vẽ lại một bức tranh mang màu sắc cổ điển với nét chấm phá độc đáo, vô cùng ý vị. Cánh chim chao nghiêng về lại tổ để nghỉ ngơi sau một ngày dài mỏi mệt giống như tình cảnh của nhà thơ lúc này, ông đang rất mệt mỏi suốt một chuyến chuyển lao dài. Và cũng bởi phải xa quê, nên người cách mạng đó khao khát được như cánh chim khi mỏi thì về lại tổ để nghỉ ngơi còn ông thì mong mỏi được trở về với quê hương. Hình tượng tầng mây lặng lẽ trôi giữa tầng không mở ra chiều rộng cho cả câu thơ, mang tới sắc thái vô cùng khoáng đạt, tự do tự tại nhưng cũng cô đơn vô kể.

     Phải chăng nhà thơ đang mượn hình bóng của tầng mây đó để thương xót cho tình cảnh của mình, đơn độc, cô quạnh bị giam cần nơi đất khách, quê người. Qua đôi mắt quan sát tinh tế của tác giả, ta thấy được bức tranh thiên nhiên đang có sự chuyển động tinh tế, đồng thời thấy được khát khao, mơ ước được trở về quê nhà, được hòa mình vào đời sống của người tù cách mạng.

     Hai câu thơ tiếp, Hồ Chí Minh vui sướng khi bắt gặp hình tượng con người và được hòa mình vào nhịp sống đời thường:

                    Cô em xóm núi xay ngô tối

                    Xay hết, lò than đã rực hồng

     Hình ảnh “cô em” không phải là người con gái xinh đẹp, khuê các, kiêu sa như trong các bài thơ Đường mà chỉ là một người lao động bình thường đang say mê làm việc. Đây cũng là hình tượng trọng tâm cho bức tranh buổi chiều tà, làm bật lên nét đẹp của bức tranh đó.

     Dường như, bức tranh ấy được tác giả thổi hồn vào nên vô cùng sinh động. Những hình tượng thơ hay phân cảnh đều có sự chuyển động độc đáo. Nhà thơ phóng tầm xung quanh và bị thu hút bởi hình ảnh con người, vì chắc ông cũng “thèm người” tha thiết, mong được trò chuyện, giao tiếp và trở về đời sống bình dị thường nhật.

     Người bứt ra khỏi mọi xiềng xích, gông cùm để đưa tâm hồn theo nhịp sống bình dị mà ấm cúng ở chân núi xa xa. Không trực tiếp tả sự bao trùm của bóng đêm hay trời đã chuyển về tối, nhà thơ mượn hình ảnh bếp lửa để đặc tả sự chuyển động đó, chỉ khi trời tối thì bếp lửa mới hồng. Bản dịch có thêm chữ “tối” đã làm mất đi cái hay của bài thơ.

     Bếp lửa ấm cúng đang rực hồng đó cũng xua tan đi mọi mệt nhọc về thể xác, đưa nhà thơ theo từng nhịp bập bùng. Chữ “hồng” là nhãn tự của bài thơ, làm sáng lên ý vị và chất liệu độc đáo trong thơ của Hồ Chí Minh, vừa nêu bật nội dung thơ và khắc họa sâu sắc hơn hình tượng người cách mạng.

     Vì yêu cảnh nên đứng trước cảnh mà sinh tình, trước khung trời hoàng hôn trên đỉnh núi vô cũng đẹp, chúng ta cảm nhận được tình yêu thiên nhiên và yêu đời của Hồ Chí Minh. Trong thời gian gian khổ nhưng Người vẫn thích ngắm nhìn đất trời, vô cùng yêu và say đắm trước vẻ đẹp của đất trời. Ở đó, còn ẩn chứa tình yêu quê hương, đất nước sâu sắc và mong ước được trở về quê nhà.

     Dù ở hoàn cảnh không mấy tốt đẹp nhưng bên trong người cách mạng vẫn rực đỏ ngọn lửa của sự lạc quan, yêu đời, yêu con người và khát vọng vùng lên giành lại độc lập, tự do, giải phóng thuộc địa, giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân. Phải kiên cường, mạnh mẽ trong ý chí đến đâu thì nhà thơ mới bỏ qua mọi mệt nhọc, đơn độc, bi thương để tiếp tục yêu đời, yêu người giành những phút giây ít ỏi nghỉ ngơi lúc chuyển lao để chú tâm ngắm vẻ đẹp thiên nhiên đang hiện hữu ngay trước mắt.

     Sử dụng linh hoạt các hình ảnh thơ trong thơ Đường, cách quan sát tinh tế, thủ pháp lấy động tả tĩnh, lấy sáng tả tối,... chỉ với bốn dòng thơ, Hồ Chí Minh thực sự đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên cổ điển, thu hút với hình tượng trọng tâm là con người đang say mê lao động bên bếp lửa. Qua đó, chúng ta còn cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp nơi tâm hồn của Người.

Kết bài phân tích vẻ đẹp tâm hồn Hồ Chí Minh trong chiều tối

     Đã có không ít nhà thơ lấy cảm hứng sáng tác từ cảnh thiên nhiên lúc hoàng hôn. Nhưng có lẽ ít bài thơ nào lại mang đến cho người đọc các cung bậc cảm xúc đa dạng, tự nhiên như “Chiều tối”. Chúng ta tựa hồ như cũng đang được đứng cạnh người cách mạng, cùng người phóng tầm mắt đến bốn phương, nhìn ngắm núi non ngang dọc. Bên cạnh ta là một tâm hồn rực lửa, yêu đời, lạc quan, trong gông cùm vẫn khát khao được hòa mình vào từng vòng xay ngô tối của cô em xóm núi, được đoàn tụ với gia đình, ấm áp, quây quần bên bếp lửa bập bùng cháy mãi…

     Trên đây là bài mẫu phân tích vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh qua bài thơ “Chiều tối”. Hy vọng các em sẽ hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn các ý thơ cũng như có cái nhìn tổng quát về vẻ đẹp tâm hồn và hình tượng thơ người cách mạng trong bài thơ này. Hãy theo dõi CungHocVui để cùng chúng tôi học tập hiệu quả, vượt vũ môn thành công nhé! 

shoppe