Phân tích vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong bài Chiều tối của Hồ Chí Minh
Đề bài
Đề bài: Phân tích vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong bài Chiều tối của Hồ Chí Minh
Hướng dẫn giải
Chiều tối bài thơ thứ 31 trong tập Nhật kí trong tù. Bài thơ là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa vẻ đẹp cổ điển và vẻ đẹp hiện đại. Chính sự kết hợp tài hoa ấy đã đem lại sự thành công cho tác phẩm.
Vẻ đẹp cổ điển là vẻ đẹp có sự tiếp nối tinh hoa của văn học trung đại về cấu tứ, thi pháp, thi liệu,… Vẻ đẹp hiện đại là những sáng tạo độc đáo mà chỉ văn học hiện đại mới có. Sự kết hợp này không hề khó, nhưng để tạo nên tính hay, cái đặc sắc thì lại không hề đơn giản. Vậy nhưng bằng ngòi bút tinh tế, bằng tâm hồn rất đỗi thi sĩ, tài hoa Hồ Chí Minh đã có sự phối hợp một cách tài tình chất cổ điển và hiện đại trong bài thơ này.
Tác phẩm mở đầu bằng hai câu thơ:
Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không.
Màu sắc cổ điển trước hết được thể hiện trong hình ảnh cánh chim. Văn học trung đại hình ảnh cánh chim là thi liệu quen thuộc: “Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi” (Bà Huyện Thanh Quan) hay “Chim hôm thoi thót về rừng” (Nguyễn Du). Những cánh chim vào thời điểm trời chiều thường gợi thương, gợi nhớ về một quá vãng đã xa. Mặc dù sử dụng thi liệu cổ, nhưng màu sắc hiện đại trong hình ảnh thơ lại rất rõ nét. Nếu như trong thơ xưa những cánh chim thường bay về nơi vô định, gợi sự xa xăm, chia lìa đôi ngả, hoặc gợi lên sự phiêu dạt, không biết đi đâu về đâu. Cánh chim thường chỉ được miêu tả ở sự vận động bề ngoài. Thì trong thơ Bác cánh chim bay đi không hề vô phương hướng, mà có mục đích: “quy lâm tầm túc thụ”. Sau một ngày kiếm ăn mệt nhọc chúng tìm về rừng để lấy chỗ nghỉ ngơi. Không chỉ vậy người đọc còn cảm nhận được cái bên trong, trạng thái của sự vật. Bác đã đưa cánh chim từ thế giới siêu hình trở về với thế giới thực tại.
Hình ảnh chòm mây cũng là hình ảnh đậm chất cổ điển, đám mây ấy ta bắt gặp trong câu thơ của Đỗ Phủ “Tái địa phong vân tiếp địa âm” (Đỗ Phủ)…. Ở đây Bác đã có sự tiếp thu hết sức tài tình. Chữ “mạn mạn” vừa gợi thần thái của cảnh, vừa cho thấy phong thái ung dung rất đỗi thi sĩ của người tù, khi nhìn ngắm quang cảnh thiên nhiên. Chòm mây được miêu tả “cô vân” tức cô đơn, lẻ loi gợi cho người đọc liên tưởng đến hoàn cảnh của Bác lúc bấy giờ: cô đơn, lẻ bóng. Bức tranh thiên nhiên hai câu đầu vừa cổ điển, vừa hiện đại, chúng không chỉ đơn thuần là khung cảnh thiên nhiên mà còn là tâm trạng của con người: người tù mệt mỏi sau một ngày dài di chuyển nhưng vẫn có tình yêu thiên nhiên tha thiết, qua đó còn ánh lên sự bản lĩnh, kiên cường của người chiến sĩ cách mạng.
Sơn thôn thiếu nữa ma bao túc
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng
Nếu trong thơ cổ thiên nhiên luôn là trung tâm của bức tranh, con người chỉ là một chấm nhỏ trong bức tranh đó:
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà
(Qua Đèo Ngang – Bà Huyện Thanh Quan)
Thì đến với thơ Bác lại là một điều ngược lại hoàn toàn. Đây chính là nét mới mẻ, hiện đại của bài thơ. Con người – thiếu nữa là trung tâm của bức tranh. Cô gái ấy hiện lên thật bình dị, mộc mạc mà vẫn vô cùng đẹp đẽ với công việc lao động của mình. Tuy công việc có phần cực nhọc, vất vả nhưng ấm áp hơi thở cuộc sống. Hình ảnh người con gái trẻ trung, đầy sức sống đã khiến cho bức tranh mang trong mình một vẻ đẹp nữa, vẻ đẹp của sự khỏe khoắn, tinh thần lạc quan.
Đặc biệt trong câu thơ cuối hình ảnh lò than đã rực hồng, chữ “hồng” là nhãn tự của bài thơ, không chỉ làm bừng sáng bức tranh cuộc sống, mà còn làm bừng sáng của bài thơ. Hình ảnh lò than chính là tâm điểm của bức tranh. Với hoạt động của con người, với sự xuất hiện của lò than, cuộc sống nơi sơn cước này không còn u tịch, lặng lẽ mà ấm áp, tràn ngập sức sống. Trong nguyên văn, bài thơ không dùng bất cứ chữ tối nào để nói về màn đêm đã buông xuống, nhưng khi đọc ta vẫn cảm nhận được sự vận động của thời gian chuyển từ chiều sang tối hết sức tự nhiên. Lấy ánh sáng để nói về bóng tối, lấy ánh sáng rực hồng của lò than để nói về màn đêm đã buông từ lâu, ánh sáng của lò than trong đêm rực rỡ hẳn lên. Hình ảnh lò than đã rực hồng là một biểu tượng thể hiện niềm lạc quan tin tưởng của Bác vào con đường cách mạng. Sự vận động từ bóng tối ra ánh sáng cũng chính là quá trình vận động tất yếu của cách mạng.
Bài thơ chỉ vẻn vẹn với bốn câu thơ nhưng đã cho thấy sự tài hoa của Bác khi kết hợp giữa nét cổ điển và hiện đại tạo nên vẻ đẹp hài hòa, đặc sắc cho bài thơ. Bài thơ đã làm sáng lên vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách của Người, tuy ở hoàn cảnh tù đầy nhưng lòng yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống không bao giờ vơi cạn, Đồng thời còn ánh lên tinh thần sắt đá, niềm lạc quan, tin tưởng vào tương lai cách mạng của người chiến sĩ cách mạng.