Phân tích tâm trạng của Thúy Kiều sau khi biết mình bị mắc mưu Hồ Tôn Hiến
Đề bài: Phân tích tâm trạng của Thúy Kiều sau khi biết mình bị mắc mưu Hồ Tôn Hiến
Bài làm
Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân
Bâng khuâng nhớ Cụ, thương thân nàng Kiều.
(Tố Hữu - Kính gửi cụ Nguyễn Du) “Bâng khuâng” là “trạng thái tinh thần của con người tuy đứng trước thực tại nhưng tâm hồn "không đặt ở thực tại mà hướng về, thậm chí đắm chìm trong quá khứ, trong tương lai hay trong mộng tưởng”. Vì đắm chìm trong quá khứ nên nhà thơ Tố Hữu cũng như chúng ta không thể nào quên được cụ Nguyễn Du, một đại thi hào đã để lại cho đời kiệt tác Truyện Kiều — một bài ca lớn về giá trị nhân bản, một bản cáo trạng nghiêm khắc về cái ác, phản nhân bản; một tập đại thành của nghệ thuật văn chương. Và chúng ta cũng không thể không “thương thân nàng Kiều" đang rơi vào bi kịch hết sức xót xa, tủi hổ sau khi bị mắc lừa Hồ Tôn Hiến, bị làm nhục:
Nàng càng ủ liễu, phai đào,
Trăm phần nào có phần nào phần tươi?
Đành thân cát dập, sóng vùi,
Cướp công cha mẹ, thiệt đời thông minh!
Chân trời mặt biển lênh đênh,
Nắm xương biết gửi tử sinh chốn nào!
Duyên đâu, ai dứt tơ đào,
Nợ đâu, ai đã dắt vào tận tay?
Thân sao, thân đến thế này?
Còn ngày nào cũng dư ngày ấy thôi!
Đã không biết sống là vui
Tấm thân nào biết thiệt thòi là thương!
Một mình cay đắng trăm đường,
Thôi thì nát ngọc tan vàng thì thôi!
Mảnh trăng đã gác non đoài,
Một mình luống những đứng ngồi chưa xong!
Đoạn trích thơ trên đây nằm từ câu 2603 đến câu 2618 trong Truyện Kiều, thuộc phần Gia biến và lưu lạc. Câu chuyện trước đoạn này như sau: trong những tháng ngày ở lầu xanh Châu Thai của Bạc Bà, bạn đồng môn với Tú Bà, Thúy Kiều may mắn gặp được Từ Hải, một bậc anh hùng cái thế, tài trí phi thường. Say đắm nhan sắc và mên mộ tài năng, đức hạnh của Thúy Kiều, Từ Hải chuộc nàng ra khỏi lầu xanh và cưới nàng về làm vợ chính thức. Từ Hải đã giúp Kiều báo ân, báo oán “có nghĩa có nhân” “trước sau trọn vẹn xa gần ngợi khen”. Đến khi lập nên sự nghiệp vĩ đại: Triều đình riêng một góc trời - Gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà và vững chắc “Năm năm hùng cứ một phương hải tần” thì Từ Hải nghe lời khuyên của Thúy Kiều đã trúng kế “Chiêu an dụ hàng” hiểm độc của tên Tổng đốc trọng thần Hồ Tôn Hiến, bị hắn đánh úp khiến cho “Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”, Từ Hải “chết đứng” giữa trận tiền một cách oan khốc. Lừa được Thúy Kiều, giết chết Từ Hải, Hồ Tôn Hiến bắt Thúy Kiều “thị yến dưới màn” và đánh đàn “mua vui” trong tiệc mừng công của hắn để hắn giở trò sàm sỡ với nàng, tỉnh ra Hồ Tôn Hiến giật mình vì:
Nghĩ mình phương diện quốc gia
Qua trên ngó xuống, người ta trông vào.
Hắn ép gả nàng cho tên thổ quan để giữ thể diện. Trích đoạn mở đầu bằng lời thơ rất bi thương:
Nàng càng ủ liễu phai đào,
Trăm phần nào có phần nào phần tươi?
Đành thân cát dập, sóng vùi
Cướp công cha mẹ, thiệt đời thông minh!
Câu thơ sử dụng hình ảnh ước lệ: “ủ liễu phai đào”. Liễu thường nở vào mùa thu, tượng trưng cho nỗi buồn bã, u hoài. Đào nở vào mùa xuân, mùa xuân biểu hiện niềm vui tươi, hạnh phúc. Nhưng “phai đào” tượng trưng cho sự tàn tạ, héo ứa. Hình ảnh “ủ liễu phai đào” cùng với câu hỏi tu từ: Trăm phần nào có phần nào phần tươi? diễn tả vẻ buồn ủ rũ, sắc mặt thất thần, xanh xao của nàng Kiều. Nàng cam chịu và tự trách bản thân mình:
Đành thân cát dập, sóng vùi
Cướp công cha mẹ, thiệt đời thông minh!
Tấm thân ngà ngọc của nàng suốt 15 năm ròng đã chịu cảnh “cát dập, sóng vùi”, nàng đành cam chịu, nhưng điều mà nàng hối tiếc là chưa trả được ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha. Nàng trách mình “cướp công cha mẹ”. Nàng tự cho mình là kẻ bất hiếu, ở phương xa đó, bây giờ ai thay nàng ở nhà “quạt nồng ấp lạnh”, phụng dưỡng cho cha mẹ? Vương Quan và Thúy Vân còn thơ ngây quá, nàng lại là chị cả. Thật cao đẹp làm sao tấm lòng hiếu hạnh của nàng! Dù đang sống trong đau khổ, ê chề nhưng nàng vẫn không quên “chín chữ cao sâu” của đạo làm con. Nàng trách mình hay trách xã hội phong kiến đã xô đẩy, vùi dập đời nàng? Giữa bốn bề lênh đênh sóng nước, nàng nảy sinh ý định tự kết liễu cuộc đời mình:
Xem thêm Soạn bài: Truyện Kiều - Phần Nỗi thương mình (Siêu ngắn)
Tìm hiểu chi tiết Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn du
Chân trời mặt biển lênh đênh
Nắm xương biết gửi tử sinh chốn nào?
Trước khi thực hiện ý định đó, nàng trách kẻ đã chia rẽ nhân duyên của mình:
Duyên đâu, ai dứt tơ đào,
Nợ đâu, ai đã dắt vào tận tay?
“Tơ đào” đồng nghĩa với “tơ hồng” là một điển tích chỉ việc se duyên vợ chồng, việc nhân duyên cho trời định. Theo tập U Quái Lục, Vi Cố nhân một đêm trăng đi dạo chơi có gặp một ông lão ngồi tựa lưng vào một cái túi lớn, trong túi đựng đầy những sợi dây đỏ, hướng về phía mặt trăng mà kiếm sách. Vi Cố hỏi, ông lão trả lời đấy là văn thư kết hôn của thiên hạ. Còn những sợi dây đỏ thì dùng để buộc chân những đôi trai gái sẽ thành vợ thành chồng. Dù cho hai bên có thù oán nhau, ở xa nhau, không cùng quê quán, nhưng khi dây chỉ đỏ đã buộc chân họ lại rồi, tất sẽ ăn ở hòa hợp với nhau.
Nhưng trường hợp của Thúy Kiều thì ngược lại, dây chỉ đỏ không phải ông lão buộc mà do Hồ Tôn Hiến “ép tình mới gán cho người thổ quan”. Cùng với điển tích “tơ đào”, Nguyễn Du còn sử dụng phép đối ở câu trên: “Duyên đâu ai dứt tơ đào” với câu dưới “Nợ đâu ai đã dắt vào tận tay” để bày tỏ thái độ bất bình của Thúy Kiều đối với Hồ Tôn Hiến, người đã chia rẽ hạnh phúc của nàng với Từ Hải; sỉ nhục nàng và “ép tình” nàng một cách vô lí.
Giờ đây, Thúy Kiều phải sống trong cảnh đời thừa:
Thân sao, thân đến thế này?
Còn ngày nào cũng dư ngày ấy thôi!
Đã không biết sống là vui
Tấm thân nào biết thiệt thòi là thương!
Phép điệp từ “thân”, câu hỏi tu từ và hai câu cảm thán đã nhấn mạnh nỗi tuyệt vọng, bế tắc của đời Kiều đồng thời thể hiện nỗi niềm xót thương vô hạn của đại thi hào đối với số kiếp “hồng nhan bạc mệnh” cũng như thái độ oán trách xã hội phong kiến đầy rẫy những bất công, ngang trái đã chà đạp nhân phẩm, danh dự và cướp đoạt quyền sống của Thúy Kiều. Vì chết ngay trong cõi sống nên Thúy Kiều muốn liều mình:
Một mình cay đắng trăm đường,
Thôi thì nát ngọc tan vàng thì thôi!
Nguyễn Du đã đưa lời ăn tiếng nói hằng ngày của quần chúng nhân dân vào câu thơ “Thôi thì nát ngọc tan vàng thì thôi!”. Đó là cách nói phủ định để khẳng định: “thôi thì thôi” nhưng vẫn cứ là oán trách!
Bây giờ, mảnh trăng đã gác lên đỉnh núi phía Tây, gợi cho con người cảm giác lãng mạn, thơ mộng và những liên tưởng xa xăm: Mảnh trăng đã gác non đoài nhưng Thúy Kiều thực sự rơi vào bi kịch không lối thoát “Một mình luống những đứng ngồi chưa xong”. Do đó, nàng đi đến quyết định chính thức là nhảy xuống sông Tiền Đường.
Tóm lại, bằng các thủ pháp nghệ thuật xuyên suốt cả trích đoạn như: ước lệ, tượng trưng, câu hỏi tu từ, câu cảm thán, điển cố - điển tích, đốì ngữ, ngôn ngpr dân gian, ngôn ngữ độc thoại nội tâm sắc sảo, đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đã bày tỏ lòng xót thương vô hạn của mình đối Với bi kịch cay đắng, nghẹn ngào, bế tắc của cuộc đời Kiều. Càng thương yêu nàng Kiều, càng trân trọng Nguyễn Du, chúng ta càng đồng cảm với nhà thơ Tố Hữu:
Tiếng thơ ai động đất trời,
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu.
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du,
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.