Chứng minh Truyện Kiều nói lên lòng thương xót vô hạn của Nguyễn Du
Đề bài: Chứng minh Truyện Kiều nói lên lòng thương xót vô hạn của Nguyễn Du đối với những lớp người bị áp bức, đau khổ
Bài làm
Truyện Kiều một viên ngọc long lanh trong kho tàng văn học dân tộc, cùng với một số tác phẩm khác của Nguyễn Du, có giá trị hiện thực sâu sắc và chứa chan tinh thần nhân đạo cao quý, đã “nói lên lòng xót thương vô hạn của ông đối với những lớp người bị áp bức, đau khổ”.
Thật vậy, Nguyễn Du, nhà thơ của thời đại, đã nói lên những đau khổ lầm than của những người bị chế độ đương thời đày đọa. Cái thế giới làm cho ông thương cảm, xót xa là thế giới của tất cả những con người bị giày xéo, đày đọa về thể xác cũng như về tinh thần. “Tính hiện thực vô cùng sinh động và sức tố cáo cực kì sắc bén của tác phẩm Nguyễn Du là hai ngọn lửa sáng chói của một cái lò đỏ rực, đó là trái tim đầy tình thương xót của Nguyễn Du đối với nỗi đau khổ của những con người bất hạnh dưới chế độ xã hội bất công, đó là tâm hồn cao cả của Nguyễn Du chan chứa một tình nhân đạo mà cảnh chiều tà của một chế độ trên bước đường diệt vong đã nhen lên ở ông mấy mươi năm, trong đó chính bản thân ông cũng đã chia sẻ với thế hệ của ông những nỗi cay đắng, tủi nhục” (Nguyễn Khánh Toàn). Truyện Kiều ca ngợi và đề cao tình yêu chung thủy, tình cảm kính yêu của con đối với cha mẹ, và nhất là đề cao ước mơ sống tự do trong xã hội đen tối bất công. Tinh thần nhân đạo bao la trong Truyện Kiều là kết tinh truyền thống nhân đạo của dân tộc ta hằng bao thế kỉ:
Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời nghìn thu.
(Tố Hữu)
Trong vô số nạn nhân của cuộc đời cũ, Nguyễn Du đặc biệt trân trọng và xót thương nhừng người phụ nữ có tài có sắc. Với Nguyễn Du, họ là hình ảnh tập trung về số kiếp bi đát của con người trong một cuộc đời bế tắc. Tiêu biểu là hình ảnh Thúy Kiều. Thúy Kiều là một con người tài sắc tuyệt vời. vẻ mặn mà nồng thắm, tài đánh đàn của Kiều cũng thể hiện cái tính của Kiều. Tình yêu của Kiều với Kim Trọng là một thứ tình yêu đắm say, mãnh liệt:
Tình trong như đã, mặt ngoài còn e
Chập chờn cơn tỉnh cơn mê,
Yêu nhau, nàng chủ động xây dựng hạnh phúc với người yêu. Gót chân Kiều đã thoăn thoắt, đã xăm xăm băng lối vườn khuya một mình sang nhà Kim Trọng. Thúy Kiều và Kim Trọng xứng đôi vừa lứa, gặp nhau và yêu nhau, tình yêu đó nồng nàn, chân thật, chính đáng. Nguyễn Du đã vượt ra ngoài thời đại của ông khi ca ngợi mối tình đầy thơ mộng của Kim và Kiều. Vì xã hội phong kiến phá hoại hạnh phúc, mối tình chung tình phải nửa đường đứt gánh, thân nàng bị hoa trôi bèo dạt, nhưng ngọn lửa chung tình vẫn luôn rực cháy, tình yêu vẫn chân thành và trong sạch. Nguyễn Du đã phát biểu quan niệm về tự do luyến ái, về chữ trinh, đối lập với quan niệm phong kiến thời đại ông. Vì phải bán mình chuộc cha, phải xa ha Kim Trọng, Kiều vô cùng đau khổ, tự cho mình lỗi thề và phụ bạc với Kim Trọng. Nhưng vì mối tình đó vô cùng đẹp đẽ nên sau này trên bước đường hoa trôi bèo nổi, nhừng kỉ niệm êm ái, say sưa luôn luôn hiện ra trước mắt Kiều.
Xem thêm Nguồn gốc và giá trị của truyện Kiều
Soạn bài: Truyện Kiều - phần Thề nguyền
Với Nguyễn Du, tình gắn bó chặt chẽ với nghĩa nên nhà thơ đã cho Kiều dặn em là Thúy Vân thay mình giả nghĩa với Kim Trọng:
Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non.
Đáp lại mối tình của Kiều, Kim Trọng đã vượt ra ngoài triết lí của thời đại về hai chữ “công danh”, quyết tìm lại Kiều để đền bù tình xưa nghĩa cũ:
Rắp mong treo ấn từ quan,
Mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng qua.
Dấn mình trong áng cang qua,
Vào sinh ra tử họa là thấy nhau.
Và phát biểu quan niệm mới về luyến ái, về chữ trinh:
Xưa nay trong đạo đàn bà,
Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường.
Có khi biến, có khi thường,
Có quyền nào phải một đường chấp kinh.
Tình cảm của con cái đối với cha mẹ trong Truyện Kiều cũng thật thống thiết và cảm động. Kiều đã dịu dàng khuyên cha:
Thà rằng liều một thân con
Hoa dù rã cánh, lá còn xanh cây.
Tuy phải hi sinh hạnh phúc, bán mình chuộc cha, Kiều chẳng hề oán trách. Trong cảnh tử biệt sinh li, nghe tiếng chim kêu vượn hót, trông cánh buồm thấp thoáng ngoài khơi, nhìn ra non nước một màu, Kiều thường đau lòng tưởng nhớ tới cha mẹ. Đối lại, Vương Ông vô cùng thương xót Kiều vì ông mà Kiều đã lỗi ước với Kim Trọng mặc dầu mốì tình ấy vượt quyền cha mẹ. Ông muốn vạch trời kêu oan và đập đầu định tự tử.
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du không chỉ kể về cuộc đời con gái họ Vương có tài, có sắc bị đày đọa bi thảm mà còn nói lên nỗi đau xót của mình trong trước số phận đầy khổ đau của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Nhiều lần, lời thơ Nguyễn Du nhói lên trong đau xót:
Đau đớn thay phận đàn bà,
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
Hay:
Đã cho lấy chữ hồng nhan,
Làm cho, cho hại, cho tàn, cho căn.
Đã đày vào kiếp phong trần,
Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi.
Tóm lại, vẽ nên tấm gương oan khổ, câu chuyện thê thảm của cuộc đời nàng Kiều, tiếng nói Nguyễn Du là tiếng kêu thương não nùng đau đớn trước vận mệnh của con người trong xã hội phong kiến. Tinh thần nhân đạo chứa chan là cội nguồn của tiếng kêu thương ấy.