Bài mẫu phân tích nhân vật Thị trong tác phẩm Vợ nhặt chi tiết- văn 12
Bài mẫu Phân tích nhân vật Thị
Bài văn mẫu phân tích nhân vật Thị trong tác phẩm vợ nhặt của Kim Lân giúp bạn hiểu rõ hơn phần nào về nhân vật. Đặc biệt, qua bài phân tích bạn hiểu hơn về hình ảnh của người phụ nữ trong xã hội xưa, chính cái đói nghèo đã che đi vẻ đẹp thực sự của họ.
Bài mẫu phân tích nhân vật Thị trong tác phẩm Vợ nhặt
Mở bài phân tích nhân vật Thị
Kim Lân là một trong những nhà văn tiêu biểu cho nền văn học Việt Nam thế kỉ XX. Ông có sở trường viết truyện ngắn, chuyên viết về đề tài nông thôn, phản ánh đời sống, cảnh ngộ, tâm lý của người dân nghèo. Truyện ngắn “Vợ nhặt” là một trong các tác phẩm điển hình, tiêu biểu cho cuộc đời sáng tác của ông. “Vợ nhặt” là bức tranh chân thực về nạn đói khủng khiếp năm 1945 cũng là bài ca ca ngợi vẻ đẹp tình người, vẻ đẹp người dân lao động. Trong truyện ngắn, nhân vật thị - người vợ nhặt là một hình tượng nghệ thuật độc đáo, mang vẻ đẹp khuất lấp trong tâm hồn. “Vợ nhặt” được in trong tập truyện “Con chó xấu xí” ra đời năm 1962. Tiền thân của truyện là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư”, bị mất bản thảo trong chiến tranh nên khi hòa bình lập lại, Kim Lân đã dựa trên cốt truyện cũ viết lại thành truyện ngắn “Vợ nhặt”.
Xem thêm:
Soạn vợ nhặt ngắn gọn, đầy đủ ý, có tóm tắt nội dung
Phân tích tình huống truyện vợ nhặt
Thân bài phân tích nhân vật Thị trong Vợ nhặt
Truyện lấy bối cảnh nạn đói năm 1945, “người chết đói như ngã rạ”, “ba bốn cái thây nằm cong queo bên đường”. Từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ có hơn hai triệu người chết đói, khung cảnh các làng quê tối tăm, không đèn, không lửa. Bên tai chỉ nghe “tiếng quạ cứ gào” thê thiết, tiếng khóc từ những nhà có người chết, tiếng trống thúc thuế ngoài đình. Đến mùi hương cũng mang vị thê lương “mùi ẩm thối của rác rưởi”, “mùi gây mũi của xác chết”. Từng câu văn trong truyện đều vẽ lại chân thực từng chi tiết của bức tranh thê lương trong nạn đói.
Câu chuyện trong tác phẩm xoay quanh nhân vật Tràng, một thanh niên nghèo khổ, dân ngụ cư, làm nghề đẩy xe bò thuê kiếm sống. Trong lúc nạn đói hoành hành, Tràng “nhặt” được một người vợ. Sự việc khiến cả xóm ngụ cư ngạc nhiên, bà cụ Tứ - mẹ Tràng ngạc nhiên và cả bản thân Tràng cũng không tin nổi sự thật đó.
“Thị” cũng không phải một tên chính thức mà Kim Lân đặt, đây chỉ là cách gọi quen thuộc của độc giả dành cho nhân vật người vợ nhặt. Tác giả xây dựng một hình tượng người phụ nữ không tên, không tuổi, không quê hương, không quá khứ, không có lấy một danh xưng cố định, lúc thì “thị”, lúc lại là “cô ả” hay “người đàn bà” - một thân phận nhỏ nhoi, bọt bèo không chốn nương thân trong nạn đói. Tuy nhiên, trong tác phẩm này “thị” chính là một ngôi sao sáng làm nên cái hay, tạo nên sự nổi tiếng cho tác phẩm.
Phân tích nhân vật người vợ nhặt chi tiết
“Thị” xuất hiện với thân phận một người tha hương cầu thực, cùng nhiều người phụ nữ cùng cảnh ngộ khác “ngồi vêu ra” trước cửa kho thóc Liên đoàn để nhặt những hạt thóc rơi rớt hoặc ai có việc gì gọi đến thì làm. Cuộc sống thiếu thốn, việc làm ngày có ngày không, cứ cái đà đó thì có thể ngày mai hay ngày kia thôi “thị” đã là cái xác chết đói nằm bên đường mà không ai hay biết, quan tâm. Nhưng rồi Tràng xuất hiện, anh hò một câu cho đỡ nhọc rằng “Muốn ăn cơm trắng mấy giò này/ Lại đây mà đẩy xe với anh nì”. Bản thân Tràng hay nhiều người đều chỉ cho đó là một câu đùa nhưng với “thị” nó là cọng rơm cứu mạng, là cái phao cho người đang đuối nước như “thị”, thế là ngay lập tức “vùng đứng dậy, lon ton chạy lại đẩy xe cho Tràng”.
Xem thêm:
Giá trị nhân đạo trong vợ nhặt
Vẻ đẹp khuất lấp của người đàn bà hàng chài và người vợ nhặt
Vài ngày sau gặp lại, Tràng không thể nhận ra nổi vì “thị rách quá”, “áo quần tả tơi như tổ đỉa, gầy sọp hẳn đi, trên khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”. Cái đói tàn hại hình hài lẫn tính cách, nhân phẩm của người phụ nữ ấy. Trong cơn đói khổ, “thị” “chao chát”, “chỏng lỏn”, “chua ngoa, đanh đá”, “cong cớn”, “sưng sỉa”, nhảy vồ vào người đàn ông mới gặp hai lần, đòi lấy cái ăn. Sự tồn tại, miếng ăn với cô lúc này còn trên cả nhân cách. Thậm chí chấp nhận theo không, về làm “vợ nhặt” khi chưa rõ Tràng, không biết gia cảnh, chưa rõ tính tình. Tất cả xuất phát từ nhu cầu bám lấy sự sống, vượt lên thảm đạm để dựng xây mái ấm gia đình như mong muốn của Kim Lân có thể viết một truyện ngắn mà “Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai”.
Trên đường về nhà Tràng, “thị” ý tứ chừng mực “đi sau hắn chừng ba, bốn bước, cắp cái thúng con, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt. Thị có vẻ rón rén, e thẹn”. Trước cảnh lũ trẻ chọc ghẹo, “có vẻ khó chịu lắm, nhíu đôi lông mày lại, đưa tay lên xóc xóc lại tà áo”. Trước những lời bàn tán, tò mò của người lớn “thị càng ngượng nghịu, chân nọ bước díu cả vào chân kia”. Đấy là hình ảnh nữ tính ta hay thấy ở một người phụ nữ giàu lòng tự trọng, có tư cách, biết sĩ diện. Ra là sâu thẳm con người này vẫn giữ những giá trị ấy, chỉ do cái đói xui “thị” vào đường cùng. Lúc này đây, khi theo Tràng bước chân về làng cũng là “thị” bắt đầu hành trình đi tìm và xây dựng mái ấm gia đình cho mình.
Phân tích về nhân vật Thị trong truyện ngắn vợ nhặt
Về đến nhà Tràng, người đàn bà ấy cũng có cái tò mò của nàng dâu mới. Niềm hy vọng nhanh chóng đổi thành thất vọng. Nếu đã nói Tràng là cái phao cứu vớt “thị”, thì lúc này phải chua xót nhận ra đó chỉ là cái phao rách. Thị trút một tiếng thở dài thất vọng cũng chất chứa lo lắng, cam chịu, chấp nhận và ý thức trách nhiệm đối với gia đình này.
Sáng hôm sau, “thị” dậy từ sớm cùng mẹ chồng dọn dẹp, sắp xếp lại cửa nhà. Ngôi nhà như sống lại và “thị” cũng được hồi sinh. “Thị” bỏ đi cái vẻ “chỏng lỏn”, “sưng sỉa” của trước kia, trở nên nữ tính hơn. Lúc này Tràng cảm thấy vợ mình đã thật sự thay đổi “Tràng nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu, đúng mực không còn vẻ gì chao chát, chỏng lỏn như những lần Tràng gặp ở ngoài tỉnh”. Chính sức mạnh của tình yêu đã cảm hóa “thị” nên người vợ hiền, con dâu thảo.
Trong bữa cơm đầu đón nàng dâu với hoàn cảnh ngày đói thảm hại, “thị” vẫn đón lấy bát cháo cám “điềm nhiên và vào miệng”. Bát “chè khoán” vị đắng chát nhưng cảm nhận được tấm lòng của bà cụ Tứ, “thị” cũng không nỡ làm người mẹ chồng đáng kính mất đi niềm vui. “Thị” còn là người thông minh, hiểu biết thời cuộc cách mạng và phổ cập cho gia đình.
Sự thay đổi vì nhận thức được thiên chức của người con, người vợ trong gia đình của “thị” như một tia sáng le lói trong cái cảnh đói nghèo tăm tối, chính là minh chứng cho sức mạnh của gia đình, của tình thương. “Thị” cho ta thấy trong cuộc sống đôi khi con người ta sẽ bị cuộc sống thay đổi nhưng bản chất lương thiện, tốt đẹp sẽ không bao giờ biến mất.
Xem thêm:
Phân tích nhân vật Tràng trong Vợ nhặt
Phân tích người vợ nhặt trong truyện ngắn Vợ nhặt hay nhất
Kết bài phân tích nhân vật Thị trong Vợ nhặt
“Vợ nhặt” là một thành tựu và hình tượng người vợ nhặt là một thành công của Kim Lân. Thông qua nhân vật này, nhà văn đã thể hiện một ý nghĩa nhân văn cao đẹp: “Trong sự túng đói quay quắt con người không nghĩ đến cái chết mà chỉ nghĩ đến cái sống”. “Thị” cũng là hình ảnh bóc trần hậu quả, tội ác của chiến tranh, một niềm cảm thông của Kim Lân đến người nông dân khốn khổ. Tác phẩm gửi đến độc giả thông điệp vẻ đẹp tâm hồn như viên ngọc ẩn giấu trong bề sâu con người đồng thời thể hiện tình yêu, niềm tin, tấm lòng tôn trọng của tác giả với người phụ nữ Việt Nam.
Trên đây là hướng dẫn Phân tích nhân vật thị của Kim Lân (in trong tập “Con chó xấu xí” của Kim Lân) sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12 chương trình tiêu chuẩn tập 2 trang 23 - trang 33 chi tiết, có dàn ý, bài mẫu cơ bản. Chúc các bạn ngày càng yêu thích và học tốt môn Văn.