Phân tích Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi hay nhất: Văn mẫu lớp 10
Bài phân tích Bình Ngô đại cáo đầy đủ, siêu hay
Bình Ngô đại cáo được xem như bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của nước ta được Nguyễn Trãi thay Lê Lợi viết để chiếu cáo với thiên hệ về chiến thắng trước quân xâm lược. Qua đó khẳng định chủ quyền của dân tộc, tố giác tội ác của quân địch, nêu cao ý chí chiến đấu, tinh thần của dân tộc ta. Cùng khám phá bài phân tích Bình Ngô đại cáo để hiểu rõ hơn về điều này.
Phân tích về tác phẩm Bình Ngô đại cáo
Mở bài phân tích Bình Ngô đại cáo
Nguyễn Trãi là một nhà chính trị, nhà quân sự tài ba lỗi lạc được người đời ngợi ca. Những đóng góp của ông trong cuộc kháng chiến chống quân Minh với cương vị là quân sư do Lê Lợi làm chủ tướng đã đem lại một thời đại mới cho lịch sử dân tộc. Không chỉ thế, ông còn được biết đến là một nhà văn chính luận kiệt xuất từ những kiệt tác để đời. Trong đó, Bình Ngô Đại Cáo là một trong những tác phẩm tiêu biểu và là bản tổng kết cho cuộc kháng chiến chống quân Minh đầy khốc liệt, gian nan nhưng cũng không kém phần vẻ vang, hào hùng của dân tộc.
Thân bài đề phân tích Bình Ngô đại cáo
Vào năm 1472, nghĩa quân Lam Sơn của ta giành được thắng lợi huy hoàng khi tiêu diệt những hàng viện binh cuối cùng của dân tộc. Lúc bấy giờ, Vương Thông vẫn đang cố thủ để chờ viện binh, nhưng chẳng thể ngờ hai đạo quân viện binh này đã bị quân ta phát hiện và chặn đánh. Rơi vào thế cùng, Vương Thông liền viết thư xin hàng và rút quân về nước, trả lại sự bình an vốn có cho đất nước ta.
Thừa lệnh Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã viết nên tác phẩm Bình Ngô Đại Cáo để tuyên bố với toàn dân cũng như quân thù và những nước đang dòm ngó về việc dẹp yên quân giặc. Tác phẩm đã được ban bố vào 1428 và từ đó, nó trở thành bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc ta.
Ở phần đầu Bình Ngô Đại Cáo, tác giả đã nêu lên luận đề chính nghĩa làm tư tưởng cốt lõi:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
Nhân nghĩa là lòng yêu thương con người, là sự bất bình trước những điều sai trái, bất công. Với Nguyễn Trãi, sự yêu thương ấy phải được thể hiện bằng các hành động cụ thể “cốt ở yên dân”. Đó chính là việc bảo vệ cuộc sống của nhân dân và trừng trị những kẻ xấu xa, ác độc, gieo rắc những mầm mống đau thương, cụ thể chính là giặc Minh xâm lược tàn bạo. Như vậy, Nguyễn Trãi cho rằng nhân nghĩa phải được xuất phát từ lòng yêu dân và khát khao đem lại một cuộc sống an bình, yên ổn cho dân.
Tử tưởng cốt lõi trong Bình Ngô đại cáo: nhân nghĩa cốt ở yên dân
Đây chính là một trong những tư tưởng tiến bộ, cao đẹp của Nguyễn Trãi. Và trong Bình Ngô Đại Cáo, đây cũng là lần đầu tiên người dân được xuất hiện với vị trí trung tâm trong một văn kiện quan trọng, mang tầm cỡ lớn lao.
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt thời nào cũng có
Tiếp đó, Nguyễn Trãi đã đưa ra năm yếu tố cơ bản nhằm khẳng định chủ quyền của nước Đại Việt, bao gồm: lãnh thổ, phong tục tập quán lâu đời, truyền thống lịch sử và chủ quyền riêng. Từ đó, một quan niệm, khái niệm về quốc gia, dân tộc đã được hình thành. Đây được xem là một trong những sự phát triển và là bước tiến dài so với bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc (Nam quốc sơn hà).
Xem thêm:
Phân tích tội ác của quân Minh trong Bình Ngô đại cáo
Tham khảo bài phân tích đoạn 2 Bình ngô đại cáo
Sau khi nêu luận đề chính nghĩa và khẳng định chủ quyền dân tộc, Nguyễn Trãi đã vạch ra những tội ác của giặc Minh bằng một giọng văn đanh thép, cứng cỏi. Chúng đã thừa cơ, dùng thủ đoạn bịp bợm “phù Trần diệt Hồ” để chiếm bờ cõi nước nhà. Sau đó, chúng còn cai trị dân ta với những chính sách tàn ác. Chúng hủy hoại cuộc sống con người bởi những hành động dã man. Chúng “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn - Vùi con đỏ xuống hầm tai vạ”. Chúng dường như mất cả tính người khi ra sức bóc lột, đàn áp nhân dân, biến dân ta thành công cụ phục dịch cho chúng.
Những tội ác ấy tạo nên những tiếng kêu than ai oán vang đến tận trời xanh, không thể dung thứ. Sự vạch trần tội ác của kẻ thù không chỉ mang thái độ thù hận, mà còn bày tỏ sự đau xót, tiếc thương trước thảm cảnh nước mất nhà tan mà nhân dân ta đã phải hứng chịu.
Sau những lời lẽ đanh thép, mạnh mẽ ấy, Nguyễn Trãi đã kể lại quá trình gian nan đem lại thắng lợi cho quân dân ta. Những buổi đầu khởi nghĩa, khi quân địch đang trong thời điểm mạnh nhất, thì quân ta lại khá yếu kém về kinh nghiệm cũng như kỹ năng chiến đấu. Sự khó khăn thể hiện rõ nét qua nhiều lần thất bại. Nhưng rồi, nhờ vào sự lãnh đạo tài tình của người anh hùng Lê Lợi cùng tinh thần quả cảm, quyết chiến tới cùng của nghĩa quân, quân dân ta đã giành được thắng lợi vô cùng vẻ vang.
Phân tích tác phẩm Bình Ngô đại cáo
Trong đó, công trạng của Lê Lợi không thể không kể tới. Ông là một người có lòng căm thù sâu sắc với quân giặc và luôn mang trong mình quyết tâm tiêu diệt quân tà ác cho đến khi sức cùng lực kiệt. Ông đã kết nối lòng yêu nước của tất cả mọi người và tập hợp từng người dân dưới ngọn cờ khởi nghĩa của mình. Chính vì thế, sự thống nhất một lòng và đoàn kết của toàn dân tộc đã hình thành, để rồi đem đến chiến thắng vẻ vang nhất:
“Đánh một trận, sạch không kình ngạc
Đánh hai trận, tan tác chim muông
Nổi gió to trút sạch lá khô
Thông tổ kiến phá toang đê vỡ”
Cuối cùng, Nguyễn Trãi đã đưa ra một lời tuyên bố chiến thắng, kết thúc năm tháng chiến đấu đầy gian nan mà cũng không kém phần vẻ vang của dân tộc, để mở ra một thời đại mới, thời đại bình an và hạnh phúc:
"Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới
Càn khôn bĩ rồi lại thái
Nhật nguyệt hối rồi lại minh
Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu
Muôn thuở nền thái bình vững chắc
u cũng nhờ trời đất tổ tông linh thiêng đã lặng thầm phù trợ;
Than ôi!
Một cỗ nhung y chiến thắng, nên công oanh liệt ngàn năm
Bốn phương biển cả thanh bình, ban chiếu duy tân khắp chốn.
Xa gần bá cáo,
Ai nấy đều hay".
Ông đã khẳng định niềm tin tuyệt đối vào vận mệnh, tương lai tươi sáng của dân tộc sau khi thoát khỏi cảnh cùng cực vì bị áp bức của quân giặc. Đồng thời, đó cũng là lời khẳng định chiến thắng được đem lại chính bởi sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Không chỉ là sức mạnh truyền thống dân tộc, mà còn là sức mạnh của thời đại, là sự giúp đỡ của trời đất tổ tông khôn thiêng.
Xem thêm:
Phân tích hình tượng Lê Lợi trong Bình Ngô đại cáo hay nhất
Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi là một sự kết hợp đặc sắc, hài hòa giữa yếu tố chính luận và chất văn chương. Ông đã xây dựng nên một tác phẩm với kết cấu vô cùng chặt chẽ, được tạo nên bởi những lập luận sắc bén, lời văn đanh thép tố cáo tội trạng của giặc, nhưng lại hào sảng, tự hào khi tái hiện những chiến công của quân dân ta. Đồng thời, tác phẩm cũng rất đậm chất văn chương bởi những câu văn giàu cảm xúc, giàu giá trị tạo hình đã tạo nên ấn tượng khó phai trong lòng người đọc.
Nói tóm lại, Bình Ngô Đại Cáo có thể được xem là một bài ca ngợi ca những chiến công hào hùng của quân dân trong cuộc chiến đẩy lùi giặc Minh. Đồng thời, nó cũng chính là một bản cáo trạng đanh thép, phô bày mọi tội ác bất nhân của quân giặc. Đây xứng đáng là áng thiên cổ hùng văn bất hủ muôn đời của lịch sử dân tộc Việt Nam.
Đó là bài phân tích Bình Ngô Đại Cáo mà bạn có thể tham khảo. Hy vọng bài viết trên của CungHocVui sẽ hữu ích và giúp bạn học cảm nhận sâu sắc hơn về tác phẩm này!