Phân tích tội ác của giặc Minh trong Bình Ngô đại cáo- Ngữ văn 10
Tội ác của giặc Minh trong Bình Ngô đại cáo
Bình ngô đại cáo là “áng thiên cổ hùng văn” đầy khí thế của dân tộc ta một thời oanh liệt, ẩn trong đó là tài năng, là dấu ấn sâu đậm cho phong cách văn chương Nguyễn Trãi. Cùng theo dõi bài viết bên dưới để tường tận thêm những hành động tàn nhẫn, vô nhân đạo của giặc minh đã dày vò dân ta thông qua lời kể của tác giả.
Tội ác của giặc Minh trong Bình Ngô đại cáo
Mở bài phân tích về tội ác của giặc Minh trong Bình Ngô đại cáo
Kho tàng văn học Việt có vô vàng những tác phẩm, mỗi tác phẩm mang cho mình một giá trị nhất định. Song so bề lịch sử, lại có những áng văn hùng hồn khí thế dân tộc, đọc nó ta thấy được một thời chinh chiến hào hùng hiện lên trước mắt, ta cảm được cái rạo rực từ trong tim ta. Và trong số đó có “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi. Nói đến “Bình Ngô đại cáo” là nói đến một cột mốc lịch sử quan trọng của nước ta – đánh đuổi giặc Minh xâm lược. Tác phẩm được xem là bản tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của nhân dân ta, là bài tổng kết đầy đủ nhất được viết bởi Nguyễn Trãi. Đọc “Bình Ngô đại cáo” ta ấn tượng với luận điệu và lý lẽ đanh thép của Nguyễn Trãi khi kể tội kẻ thù, làm người đọc cảm nhận rõ những đau thương mất mát mà đồng bào đã hứng chịu.
Xem thêm:
Bài thơ Đại cáo bình ngô: Nội dung bài thơ, hoàn cảnh sáng tác, dàn ý phân tích
Tham khảo bài phân tích đoạn 2 Bình ngô đại cáo
Thân bài về tội ác của giặc Minh trong Bình Ngô đại cáo
“Bình Ngô đại cáo” là tác phẩm để đời của Nguyễn Trãi, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng đọc giả và sống mãi đến tận ngày hôm nay. Ông sinh ra trong thời đất nước loạn lạc, triều đình suy tàn thế nên ông hiểu rõ nỗi đau quê hương bị dằn xéo. Bằng cảm xúc chân thật và tài năng của mình, ông cho ra đời “Bình Ngô đại cáo”, để thay lời muốn nói, đó là lời kết cho một cuộc chinh chiến đã qua cũng là lời mở cho một thời kì mới bắt đầu. Thấm nhuần suốt tác phẩm là tư tưởng nhân nghĩa ở đời, là truyền thống và tinh thần Đại Việt.
Đọc tác phẩm, chắc hẳn bạn đọc sẽ trăn trở vì sao giặc Minh xâm lược nhưng ở tiêu đề lại là bình “Ngô”. Ngô là cách gọi chung của người nước ta ám chỉ giặc phương Bắc và quân tàn bạo, Nguyễn Trãi đặt tựa “Bình Ngô đại cáo” chính là thể hiện thái độ khinh thường và căm phẫn tột độ với quân giặc. Đồng thời biểu dương quân dân Đại Việt đã chiến thắng được kẻ thù xâm lược.
Từ lâu tư tưởng nhân nghĩa đã thấm sâu trong trí óc các nhà nho yêu nước, Nguyễn Trãi chỉ rõ “Bại nhân nghĩa nát cả đất trời” để kể tội của chúng. Giặc Minh âm mưu cướp nước ta với luận điệu “Phù Trần diệt Hồ” thực chất đó chỉ là cái cớ để chúng dễ bày mưu tính kế chen chân vào Đại Việt. Song trong tác phẩm, Nguyễn Trãi đã vạch trần luận điệu xảo trá, gian dối của chúng “Quân cuồng Minh thừa cơ gây loạn” trong một câu thơ bảy chữ, Nguyễn Trãi đã tóm gọn được âm mưu của giặc. Từ đó, ta thấy được sự tài hoa trong việc lựa chọn từ ngữ chắt lọc, nhưng lại đủ ý, mỗi chữ kết hợp với nhau rất vừa vặn, vào trọng tâm vấn đề chứ không dài dòng.
Bình Ngô đại cáo - Áng thiên cổ hùng văn
Nếu ở câu trên tác giả đưa việc nhân nghĩa để mở đầu cho tội ác của chúng, thì ở các câu thơ dưới đây sẽ thể hiện một cách rõ nét nhất sự thú tính, man rợ của giặc Minh:
“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.”
Hai hình ảnh táo bạo trong hai câu thơ đã khắc trong tim người Việt một vết thương rỉ máu muôn đời vì nỗi đau dân tộc. Độc ác thay chúng không chỉ vơ vét của cải, tài sản của nhân dân, chúng còn tàn nhẫn ra tay tàn sát người vô tội. Hình ảnh “dân đen” và “con đỏ” vừa cụ thể vừa sống động, làm hai câu thơ như có máu và nước mắt đang chảy, dường như trước mắt ta như hiện lên hình ảnh những sinh linh đang quằn quại đau đớn đến tột cùng. Đó là một trong số những tội ác mà chúng đã gieo rắc lên bờ cõi nước ta.
Nhưng đâu chỉ có thế, những tội ác tày trời của chúng còn được tác giả chỉ ra trong các câu:
“Dối trời lừa dân đủ muôn nghìn kế
Gieo binh kết oán trải hai mươi năm
Bại nhân nghĩa nát cả đất trời
Nặng thuế khóa sạch không đầm núi.”
Ở đây, Nguyễn Trãi không hướng hoàn toàn người đọc đến chủ trương đồng hóa mất nhân tính của lũ giặc mà tố cáo chính sách cai trị vô nhân đạo của chúng. Vừa vơ vét tài sản,vừa thu thuế nặng đẩy nhân dân lâm vào cảnh khốn cùng, chúng vét sạch sành sanh không chừa lại chút gì, như thế chẳng khác nào đẩy dân ta vào chỗ chết. Ấy vậy mà trong hai mươi năm, nhân dân Đại Việt phải sống trong cảnh lầm than, khổ cực như địa ngục.
Xem thêm:
Dàn ý nghị luận Bình Ngô Đại Cáo chi tiết, đủ ý
Bài văn mẫu nghị luận Bình Ngô đại cáo hay nhất
Bao nhiêu đó vẫn chưa thỏa mãn được lòng tham của bọn xâm lăng chúng bắt dân ta lên rừng xuống biển tìm bắt sản vật cống nạp cho chúng. Người bị ép xuống biển mò ngọc chết vì cá mập, thuồng luồng; người bị bắt lên núi đãi cát tìm vàng chết vì rừng sâu nước độc. Đến cả côn trùng cây cỏ nhỏ bé chúng cũng không tha, giăng lưới, đặt bẫy tàn sát hết thảy. Hậu quả để lại là sự mất mát không thể nào bôi xóa được, biết bao gia đình phải chịu cảnh vợ mất chồng, con mất cha – “Nheo nhóc thay kẻ góa bụa khốn cùng”.
Song song với những hình ảnh cùng cực của nhân dân, tác giả còn chỉ rõ bộ mặt quỷ ma của lũ giặc bất nhân tính “ Thằng há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán” câu thơ làm người đọc phải nổi hết da gà vì kinh sợ bộ mặt khát máu của lũ quỷ. Tội ác của chúng chẳng nơi nào có thể dung thứ, không biết bao nhiêu giấy bút ghi hết cho được: “Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội/ Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.” Hai câu thơ mang ý nghĩa khái quát rất cao, tác giả dùng cái vô hạn để nói đến cái vô hạn, rồi tiếp tục dùng cái vô cùng để nói cái vô cùng.
Ở mặt nội dung “Bình Ngô đại cáo” là bản cáo trạng đầy đủ, chi tiết của Nguyễn trãi. Ở mặt nghệ thuật tác phẩm là một “áng thiên cổ hùng văn”. Nét nổi bật trong tác phẩm là giọng văn, lúc uất hận trào sôi, khi lại cảm thương tha thiết, rồi nghẹn ngào ấm ức. Trong hầu hết các câu thơ kể tội, tác giả đều sử dụng nghệ thuật liệt kê tài tình kết hợp cùng việc chọn lựa hình ảnh tiêu biểu đắt giá làm nên sự đặc sắc, gợi tả hình ảnh và cảm giác chân thực cho người đọc như được mắt thấy tai nghe. Với những lập luận sắc bén, lý lẽ của Nguyễn Trãi làm cho lũ giặc phải câm nín. Bởi bấy nhiêu đó đã quá đủ cho một dân tộc bị đọa đày phải vươn lên đấu tranh, khởi nghĩa, khởi nghĩa không chỉ đánh đuổi ngoại bang xâm lược, mà cuộc khởi nghĩa này còn là cuộc cách mạng giải phóng tự do cho dân tộc, giành lại quyền sống cho con người.
Xem thêm:
Thuyết minh về tác phẩm Bình Ngô đại cáo
Thuyết minh về tác giả Nguyễn Trãi: Bài văn mẫu và dàn ý
Kết bài về tội ác của quân Minh trong Bình Ngô đại cáo
Có thể trong mỗi chúng ta sẽ có một cảm nhận khác nhau khi đọc đoạn kể tội đầy máu và nước mắt này. Nhưng chắc chắn rằng khi bạn còn cảm thương, còn nhói đau nghĩa là trong tim bạn còn chảy dòng máu anh hùng, còn tồn tại tình yêu quê hương sâu nặng. Tác phẩm là bản cáo trạng đanh thép kể tội giặc Minh trong hai mươi năm gieo rắc đau thương trên đất Việt. Để có được một bản cáo trạng như thế không thể không kể đến công lao của Nguyễn Trãi, thật không thể không thán phục tài năng của ông cùng với sự hiểu biết sâu rộng.
Trong tác phẩm có sự đan xen kết hợp giữa hình ảnh khái quát mang tính tượng trưng và hình ảnh cụ thể, sinh động. Chính vì vậy, ta có thể tự hào nói với thế giới rằng, chúng ta tự hào về dân tộc, về lịch sử ta, nhờ đó chúng ta biết yêu thêm non sông đất nước, biết giữ gìn và phát triển đất nước phồn vinh, muôn năm.